Lê Minh Chánh, sinh năm 1983, hiện ở Đồng Tháp. Anh làm thơ và viết truyện ngắn từ 2000, thỉnh thoảng có bài đăng báo địa phương. Từ cuối 2011, anh bắt đầu cộng tác với trang Tiền Vệ.
Từ những sự vật vô tri, anh chọn góc nhìn lạ và mở ra những liên tưởng xa, phát hiện và bày biện một tầng thế giới mới vừa thơ mộng vừa sâu lắng.
Thận Nhiên
Bảo tàng
hòn sỏi này đến từ đâu?
một đỉnh núi mây mù?
một biển bờ hoang vắng?
một dòng suối cạn?
từ tầng đá mẹ?
từ nứt gãy địa chất sau cú đâm sầm của lục địa vào lục địa?
nước sáng sạch trong cốc này đến từ đại dương?
từ một dòng sông?
từ những đám mây mộng mơ bay qua bầu trời làm mưa?
từ tuyết tan chót núi?
những quyển sách lưu ký ức về những ngày tháng xa xưa
những dòng chữ đen tưởng chừng đóng kín kia
vẫn âm thầm hé mở những luồng ánh sáng dẫn dụ
mẩu bút chì này từng lặng lẽ ghi chú bên lề trang triết học
hay đã ký âm những giai điệu huy hoàng?
hộp diêm kia còn giấu lửa?
hay bên trong chỉ là một con dế đang gáy du dương
và một cọng cỏ non còn đầm đầm sương mộng?
tấm thẻ bài của một người lính đã chết
tuổi tên bỏ lại đây
bên sợi tóc mai con gái
thế giới không nằm trên vai gã khổng lồ
thế giới nằm trong những đồ vật này
thật tầm thường nhỏ bé
thế giới còn tươi nguyên
khi con người còn chưa bao giờ thôi ngạc nhiên về mọi thứ
trên bàn cạnh giá sách
một mẩu bút chì
một cốc nước
những quyển sách
những hòn sỏi
hộp diêm
một tấm thẻ bài một sợi tóc mai
và ánh sáng rót đầy từ một khung cửa sổ
chậm rãi nhẹ nhàng hiển lộ
những vật thể bình thường
trong bức tranh tĩnh vật của một người vô danh ký gửi.
19.01.2015
NGUYỄN TRỌNG KHÔI
Chiếc dương cầm im lặng(*)
tưởng tượng và lắng nghe
giai điệu Le Beau Danube Bleu của Johann Strauss
hòa cùng giọng hát ngời ngợi của Thái Thanh
“…đời là khúc nhạc, đời là tiếng thơ…”
đó, em
âm nhạc của lặng im
cũng đẹp như tiếng kinh cầu
bay trên hố thẳm
tôi dắt em về lại nơi này
một phần đời tôi đã sống
ừ, không biết chúng ta đã có cái gì như là tuổi trẻ
hay chỉ tuổi đá buồn?
em nhìn chiều đi trong bất tận biên cương
hồ xanh lặng im
cỏ ống (mà tôi gọi là cỏ vô tâm) dật dờ theo gió
tôi cầm chiếc lá đặt lên môi
này em, nhạc chiều biên giới…
sen súng đã mọc lên
năn lác đã mọc lên
cỏ đã tràn qua xóa nhòa tất cả
nơi ngày xưa là chiến địa
nhắm mắt và hình dung
… tiếng bom… tiếng súng…
… máy bay… pháo sáng…
tiếng của những linh hồn còn hô xung phong
quyết tử
họ chưa chịu về nhà
tôi đưa em đi tìm tuổi trẻ của chúng ta
cái dường-như-không-thật-có?
một tiếng chim kêu
kìa đàn sếu đã bay về
buồn chi nữa em
cho ngày đã qua
cho ngày sắp tới…
tôi đã ra đi và bây giờ trở lại
tôi chỉ kể em nghe những niềm vui bé dại
những trang sách những cuốn phim
mà quên đi quãng đời mình rách nát
ở đâu đó, nơi xa
còn những bài hát những câu thơ
những tranh tượng và những người nghệ sĩ
những tác phẩm đẹp đẽ nhất mà bàn tay con người có thể làm ra
trọn vẹn hiến dâng cho nhân loại niềm hân hoan vui sống
ai đó đã hát đã vỗ về tuổi trẻ của chúng ta
bằng chiếc dương cầm im lặng
em ngủ đi
quên chiều đã nhạt nắng
quên đường về còn xa
và mơ đi một bản giao hưởng giữa bao la
mênh mông trời đất
những nốt nhạc ngời ngời bay
rực rỡ thánh đường nghệ thuật
này tráng lệ thành Vienne
này sóng sông Danube
đời là khúc nhạc, đời là tiếng thơ
nước sông miên man trôi đi
chúng ta
miên man
trôi đi
Tràm Chim, cuối tháng 7/2013
(Trích từ nguồn Tiền Vệ)
(*) gọi là nỗi chết
TN