Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XII vừa qua có tên chính thức là Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 12, bắt đầu từ ngày 20/8 và kết thúc ngày 28/2 với 1,510 đại biểu đại diện cho khoảng 4.5 triệu đảng viên trên toàn quốc quy tụ về Hà Nội để bầu ra Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị mới cho nhiệm kỳ 5 năm sắp tới.
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XII – nguồn chonburinews.info
Kết quả bỏ phiếu của đại hội đã đưa 19 nhân vật vào Bộ chính trị, đây là cơ quan quyền lực tối cao và có đầy đủ quyền hành để quyết định tất cả mọi chính sách quốc gia, từ đối ngoại cho đến kinh tế. Bộ chính trị sau đó đã bầu Nguyễn Phú Trọng ở lại cương vị Tổng Bí thư và đôn bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Phó Chủ tịch Quốc hội) lên làm Chủ tịch Quốc hội, ông Trần Đại Quang (Bộ trưởng Công an) làm Chủ tịch Nhà nước và ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó Thủ tướng) làm Thủ tướng.
Nhìn chung trong bốn chức vụ cao nhất trong chính phủ Việt Nam, thường được gọi là nhóm “tứ trụ”, ngoài Nguyễn Phú Trọng là khuôn mặt cũ thì ba nhân vật kia cũng kể như là những khuôn mặt cũ và là những nhân vật được xem là dễ bảo cũng như tuyệt đối trung thành với đảng.
Bà Ngân trở thành phụ nữ đầu tiên được cất nhắc vào nhóm lãnh đạo hàng đầu của đảng, nhưng theo nhận xét của một số nhà quan sát, lý do cất nhắc bà có thể là vì sự cân bằng vùng miền hơn là vì giới tính. Bà Ngân là người miền Nam, ông Phúc miền Trung, còn ông Quang và ông Trọng là người miền Bắc. Như vậy, việc lựa chọn nhân sự ở Đại hội XII vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn làm theo thể thức bầu bán cũ từ mấy chục năm nay là chia chác quyền hành sao cho an toàn mà không gây ra những hỗn loạn trong nội bộ đảng.
Tuy nhiên, nhìn vào nhân sự của Bộ Chính trị khóa mới người ta nhận thấy có tới 13 người gốc miền Bắc, miền Nam chỉ có 4 người và miền Trung chỉ có 2 người. Trong số này có tới 3 người gốc tướng công an là Trần Ðại Quang, Tô Lâm và Trương Hòa Bình. Phe quân đội chỉ có Tướng Ngô Xuân Lịch, chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị của quân đội, là nằm trong Bộ Chính trị.
Ngoài ra, Đại hội XII còn bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khoá mới bao gồm 200 thành viên, trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Trong số những thành viên mới của Trung ương đảng, một khuôn mặt được chú ý khá nhiều là Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang và là con trai cả của Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng. Sự kiện nhân vật Nguyễn Thanh Nghị được đưa vào Ban Chấp hành Trung ương rất có thể là một cuộc mặc cả cuối cùng của Nguyễn Tấn Dũng trước khi rút lui. Bởi vì nói cho cùng, Đại hội XII lần này, theo giới quan sát quốc tế, chính là cuộc đấu đá quyền lực nội bộ giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng.
Khác với nhiều đại hội đảng trước kia, có thể nói Đại hội XII lần này đã được chú ý và bàn tán khá nhiều từ nhiều tháng trước khi đại hội diễn ra. Từ những lá thư tố cáo đối thủ theo kiểu Sô viết trước đây đến những tin đồn về một cuộc đảo chánh có thể xảy ra, thủ đô Hà Nội trong những ngày trước cũng như trong thời gian đại hội diễn ra ồn lên với đủ mọi thứ tin đồn mà theo giới quan sát ngay cả trong nội bộ của đảng cũng phải náo động.
Những sinh hoạt chính trị của một thể chế độc tài ở Việt Nam từ trước tới nay hiếm khi gây sự chú ý với những người dân bình thường. Sau nhiều thập niên kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975 và thống nhất đất nước, Đảng Cộng sản đã cai trị Việt Nam với một thể chế độc đảng dựa trên Điều 4 của Hiến pháp cho phép Đảng Cộng sản quyền độc tôn lãnh đạo đất nước; do đó, đảng đã thâu tóm tất cả quyền hành và giới hạn hầu hết các quyền tự do căn bản của người dân, trong đó có quyền tự do thông tin.
Nhưng ở thời đại kỹ thuật tin học, tin tức cũng như tin đồn lan tràn rất nhanh trên các mạng xã hội khó có thể kiểm soát nổi, thì dù chỉ một tí ti tranh chấp trong nội bộ đảng cũng có thể biến thành một vở kịch chính trị.
Những biên bản nội bộ bị tiết lộ ra ngoài, sau đó là những bài báo phản bác lại những thông tin bị rò rỉ đó, rồi những thư tố giác và những phản ứng lại với khá nhiều chi tiết được phát tán rộng rãi trên mạng. Cơ quan truyền thông của nhà nước kêu gọi người dân đừng đọc những thứ “độc tố” đó, nhưng những thông tin chính thức của nhà nước đến nay đâu còn mấy ai nghe và tin theo, không những thế còn gây ra phản tác dụng và cư dân mạng bàn tán còn hăng hơn nữa.
Ngay sau khi có kết quả chính thức của Đại hội XII được thông báo, giới đấu tranh dân chủ ở trong nước bình luận ngay rằng Bộ Chính trị mới này sẽ chỉ lo bảo vệ đảng chứ không bảo vệ dân.
Trong nhiều năm qua, có thể nói Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ngày càng mất dần uy tín đối với người dân, lý do là vì họ chỉ lo bảo vệ quyền lợi của đảng và các đảng viên. Nội bộ đảng thì càng ngày càng thối nát và đảng viên thì càng ngày càng tham nhũng và làm giàu bất chính, trong khi đa số người dân thì cuộc sống mỗi ngày mỗi khó khăn hơn.
Muốn cho đất nước thoát ra khỏi tình trạng mất niềm tin từ người dân, theo một số nhà nghiên cứu về Việt Nam nói rằng nhà cầm quyền CSVN cần phải giải quyết càng sớm càng tốt ba vấn đề: thứ nhất, từ từ giải thể và tư nhân hoá những công ty quốc doanh do nhà nước quản lý; thứ hai, bỏ chính sách “ba không” mà Đảng CSVN đã từng thỏa thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc; và thứ ba, trả lại hay phần nào nới lỏng quyền tự do cho người dân.
Qua hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kinh tế Việt Nam được xem là phát triển nhanh nhất trong vùng. Việt Nam trở thành nơi thu hút các công ty sản xuất ngoại quốc vì mức lương công nhân lao động còn thấp so với Trung Quốc. Trong năm ngoái, kinh tế Việt Nam tăng 6.7% và tổng sản lượng nội địa (GDP) chia cho mỗi đầu người là $2,100. Nhưng trên thực tế, đa số người dân vẫn còn rất nghèo và của cải phần nhiều tập trung vào một thiểu số là những đảng viên mà lý do chính là nạn tham nhũng tại Việt Nam đã thành hệ thống từ nhiều năm qua.
Nợ nần Việt Nam càng ngày càng chồng chất và rất có thể trở thành đại hoạ trong mấy năm tới. Vấn đề là vì những công ty quốc doanh hiện nay còn rất đông, bao trùm đủ mọi ngành sản xuất, từ chế biến sữa trẻ em đến may mặc đến những ngành kỹ nghệ nặng. Tuy nhiên, mức sản xuất của các công ty quốc doanh này chỉ chiếm gần một phần ba GDP nhưng lại lấy gần hết tín dụng (tức tiền mượn vốn) từ hệ thống ngân hàng địa phương, và hầu hết các công ty này đều làm ăn thua lỗ.
Hơn 100 người khiếu kiện ở Hà Nội để phản đối việc tịch thu đất đai tháng 12, 2016 – nguồn rfa.org
Ông Nguyễn Tấn Dũng từng khuyến khích một số công ty quốc doanh mở rộng làm ăn, mượn thêm vốn để phát triển. Kết quả là thảm bại. Người dân vẫn chưa quên vụ Vinashin (đóng tàu) và Vinalines (hàng hải) bị sụp đổ để lại một núi nợ khổng lồ lên đến nhiều tỉ Mỹ kim mà nguyên do chính là vì tham nhũng.
Tư nhân hoá những công ty quốc doanh ít ra sổ sách sẽ được minh bạch hơn và tránh được nạn đảng bảo kê để đàn em lộng hành.
Trong những cuộc hội kiến với giới lãnh đạo Trung Quốc trong những năm gần đây, mặc dù bị Trung Quốc ngang nhiên lấn chiếm biển đảo, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn đều đặn tuyên bố là Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách “ba không”: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
Những người ủng hộ cho chính sách này, mà hầu hết là những đảng viên trung kiên, tin rằng nếu duy trì một khoảng cách ngang bằng giữa các cường quốc sẽ có lợi cho Việt Nam, vì nếu nghiêng về phía Hoa Kỳ sẽ chỉ làm Trung Quốc nổi giận và có thể đưa tới xung đột quân sự.
Nhưng những người chỉ trích chính sách này cho rằng Việt Nam cần phải liên minh với những quốc gia khác để cùng chung tiếng nói ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh, và lối giải thích này hữu lý vì trong mấy năm qua quả thật Việt Nam không làm Trung Quốc nổi giận nhưng cũng không ngăn cản được Trung Quốc tiếp tục lấn chiếm biển đảo, xây dựng những căn cứ quân sự trên những bãi đá ngầm và còn ngang nhiên đưa giàn khoan Hải dương 981 vào vùng biển Việt Nam trong năm 2014.
Chính sách “ba không” chỉ trói tay trói chân Việt Nam và làm lợi cho Trung Quốc nên cần dẹp bỏ. Nhiều người đã nhận ra điều đó, chẳng lẽ lãnh đạo Việt Nam không nhìn ra?
Trong khoảng thời gian trước và sau Đại hội XII, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, trong đó có Human Rights Watch, lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền CSVN nên tỏ thiện chí tôn trọng nhân quyền như họ đã ghi trong Hiến pháp cũng như đã ký vào các công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Theo giới chức ngoại giao Hoa Kỳ, trong năm 2015, nhà cầm quyền CSVN đã bắt bớ và giam giữ khoảng 100 tù nhân lương tâm. Các tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ Hoa Kỳ đã chỉ trích Việt Nam là đã lợi dụng những luật lệ về an ninh để bịt miệng những nhà bất đồng chính kiến.
Cho đến khi nào nhà cầm quyền CSVN vẫn không chịu tôn trọng những quyền tự do căn bản của người dân thì việc làm này chỉ làm trì trệ thêm sự phát triển của đất nước.
Ngay sau khi Đại hội XII vừa kết thúc, ngay tại hội trường của đại hội, một nhà báo hỏi Nguyễn Phú Trọng là trong những năm sắp tới Việt Nam sẽ có “dân chủ hơn không,” thì Nguyễn Phú Trọng đã trả lời là Việt Nam “vẫn phải có kỷ cương. Ðất nước không có kỷ cương thì rối loạn, mất ổn định.”
Tứ trụ mới của Cộng sản VN, từ trái: Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân – nguồn vietnamnet.vn
Để diễn giải lời tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng, điều đó có nghĩa là những ai đòi hỏi nhân quyền, tự do báo chí, tự do hội họp biểu tình, tự do tôn giáo tín ngưỡng sẽ tiếp tục bị đàn áp, tù đày như đã từng diễn ra trong những năm qua.
Cho dù quyền hành nằm trong tay Nguyễn Phú Trọng hay ai đi nữa trong Ban chấp hành Trung ương mới thì chế độ Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục chơi trò đu dây giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, tham nhũng vẫn tràn lan và việc bắt bớ những nhà bất đồng chính kiến vẫn tiếp tục để bảo vệ quyền lợi của đảng và đảng viên.
Vì vậy, ta có thể kết luận, kết quả của Đại hội XII vẫn là bình cũ và rượu cũ là vì vậy.
VH