Menu Close

Không uống rượu thì… ăn sáng!

Khoảng cuối Thế kỷ IV, một vị giám mục của thành Milan ở Ý, tên Aurelius Ambrosius, có nói một câu mà hầu như dân tộc nào trên thế giới cũng cho là đúng. Câu đó, nói theo người Á Đông, là  “nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”. Nguyên văn ông nói thế này: “Nếu ở La Mã thì theo phong cách của người La Mã, nếu ở chỗ khác thì theo tập tục của địa phương ấy.” Sau này, nó đã được cô đọng trong một câu thành ngữ tiếng Anh: “When in Rome, do as the Romans do”. Hồi tháng 12 năm 2012, Đại sứ Thụy Điển tại Iran, ông Peter Tejler, đã quên điều này khi diện kiến Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Ngồi đối diện với Tổng thống Iran, ông Peter gác chân chéo nhau, rồi còn chĩa mũi giày về phía Tổng thống. Sau đó, ông Peter bị báo chí (cả Đông lẫn Tây) chỉ trích gay gắt về sự khiếm nhã “thiếu văn hóa” ấy. Ở phương Tây, ngồi kiểu đó là bình thường nhưng ở phương Đông, nhất là… Trung Đông, bị xem là một sự nhục mạ đối với người đối diện. Chung quy cũng chỉ vì ông đại sứ Thụy Điển ở Tehran mà không hành xử như người dân thủ đô của Iran! Tuần qua, báo chí phương Tây lại chỉ trích một người khác ở… La Mã mà không làm như người La Mã. Đấy chính là ông Matteo Renzi, đương kim Thủ tướng Ý Đại Lợi.

tongthong phap

Thủ tướng Ý che tượng khỏa thân trong bảo tàng. Tổng thống Pháp không chịu bỏ rượu nho

Ông dọn tiệc đãi vị Tổng thống mới của Iran, ông Hassan Rouhani, tại Khu bảo tàng Capitoline nổi tiếng của thủ đô La Mã. Đây là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đặc trưng của văn hóa Ý từ xưa tới nay. Đặc biệt nơi đây có các bức tượng khỏa thân tuyệt đẹp của những điêu khắc gia danh tiếng. Tại một nơi biểu tượng cho văn hóa nước Ý như vậy mà ông thủ tướng lại làm như người… Trung Đông. Phải nói là “Trung Đông” vì người dân Iran, trước cuộc “cách mạng” Hồi giáo năm 1979, cũng rất… Tây. Có thể nói người Iran là dân ít sùng đạo nhất ở Trung Đông. Mấy hình ảnh khỏa thân đối với họ là… thường. Mặc dù đa số dân chúng theo đạo Hồi nhưng theo là theo… vậy thôi! Chỉ có chế độ hiện tại của Iran mới thật sự sùng đạo như người… Trung Đông. Ông Thủ tướng cho người lấy ván che xung quanh các bức tượng và không cho bày rượu (nho) trong bữa tiệc. Rượu nho đối với người Ý giống như… nước mắm đối với người Việt; ăn mà không có thứ ấy thì nhạt nhẽo vô cùng. Nó không chỉ là văn hóa nói chung mà còn là khẩu vị của người Ý nói riêng. Dân Ý rất bực vì thấy đó không phải là hiếu khách mà là… hèn! Nghe dân Ý chửi quá, Tổng thống Iran vội lên tiếng thanh minh là ông không hề yêu cầu gì cả mà chính Thủ tướng Ý tự… ý làm vậy. Nghe vậy chắc Thủ tướng Ý bứt tóc bứt tai chửi thầm: “Mẹ, nói vậy thà im cha cái mồm còn hơn!” Thăm nước Ý xong, Tổng thống Iran lên xe qua Pháp chơi. Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande, thấy vậy cũng lo khoản đãi, mời ông Rouhani ăn trưa. Người Pháp ăn trưa hoặc tối đều  phải có rượu vang nhấm nháp, y chang khẩu vị người Ý. Tổng thống Iran vội yêu cầu được phục vụ bữa trưa kiểu… Hồi giáo; nghĩa là không có rượu. Còn không thì… không ăn! Lần này, Tổng thống Pháp nhất định từ chối và nói: “Nếu Tổng thống không chịu ăn trưa thì mời ông ăn sáng!” Ăn sáng kiểu Tây thì không có rượu nhưng Tổng thống Iran cũng từ chối vì nó không… sang. Vậy là ở La Mã, Tổng thống Iran vẫn giữ phong cách Hồi giáo mà ở Ba Lê ông cũng hành xử theo đạo Hồi.

Nhiều tôn giáo (lớn) trên thế giới đều lấy luân lý làm trọng. Nhưng quan trọng hơn hết, vẫn là tình người! Giả sử mình đang ăn chay, được chủ nhà bỏ công nấu nướng một bữa mặn thì cũng nên ráng mà ăn. Nếu mình ăn chay vì sức khỏe thì một bữa ăn mặn cũng chẳng hại gì. Nếu ăn chay vì tín ngưỡng thì một bữa mặn do chủ nhà mời cũng chẳng sao. Mình ăn vì nể tình chủ nhà, sợ làm họ buồn! Trong đời thường, không ít người ăn chay cũng làm như… Tổng thống Iran: làm khó chủ nhà! Đã thấy Thủ tướng Ý bị dân chửi như vậy mà còn yêu cầu Tổng thống Pháp dọn cho mình bữa ăn theo nghi lễ Hồi giáo. Đấy là cố tình chơi nhau!

Thành ra, Tổng thống Pháp mời ăn sáng là phải.

HNH – Facebook.com/chuyenkhongdau