Menu Close

Những người thợ tre không biết Tết

Những người thợ tre không biết Tết – Kỳ 2

Kỳ 1

Bỏ ruộng mà đi…

Thanh Hóa là tỉnh ở điểm cuối miền Trung Việt Nam, lệch về phía Bắc. Trước đây, tỉnh này thuộc miền Bắc. Nhưng vì một số lý do tế nhị, thời kỳ Khoán 10 (chia ruộng đất cho dân) năm 1995 thì tỉnh này xin nhập vào miền Trung. Bởi theo quy ước vùng miền, một sào ruộng của người miền Nam rộng 1,000 mét vuông, một sào của người miền Trung rộng 500 mét vuông và một sào miền Bắc rộng 360 mét vuông. Và khi sáp nhập vào miền Trung, ruộng ở đây cũng tính 500 mét vuông. Tuy nhiên, việc thay đổi con số như vậy không làm thay đổi số phận của nhiều nông dân, thậm chí còn khiến cho đời sống nhà nông thêm tệ hại. Cuộc đời lang bạt không biết Tết của những người thợ luồng ở Thanh Hóa là một minh chứng.

nhung nguoi tho tre khong biet tet

Sống lây lất, bỏ ruộng hoang

Cuộc sống của người nông dân không khá lên được là vì thời tiết khắc nghiệt, địa hình không phù hợp với sản xuất nông nghiệp chiếm diện tích cao trên toàn tỉnh. Nhưng suy cho cùng đó cũng không phải là vấn đề mấu chốt để những người nông dân phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An lần lượt bỏ nhà, bỏ quê mà đi tứ xứ kiếm sống, tương lai vô định…

nhung nguoi tho tre khong biet tet2

Khu lán trại của những người thợ luồng bất đắc dĩ

Mà nguyên nhân chính lại nằm trong lời tâm sự của chị Nhàn, một nông dân huyện Quan Hóa, Thanh Hóa đã bỏ ruộng mà đi làm thuê, cuối cùng, nghề thợ luồng (tức thợ tre, luồng là một loại tre thân to, thẳng, ít gai hơn so với tre miền Nam và miền Trung, ống tre rỗng. Thường người ta dùng chế tác các sản phẩm mây tre, làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm thang, đan mành, thúng mủng, nong nia. Những người thợ làm luồng chủ yếu đi chặt luồng trên rừng, bốc luồng đưa đến cơ sở sản xuất giấy và chọn những cây luồng đặc ruột để làm thang, đan thúng mủng, đan mành…) giống như một bến đỗ số phận: “Ruộng ở Thanh Hóa chia theo sào miền Trung, mỗi nhân khẩu được chia 500 mét vuông từ thời kỳ Khoán 10. Nhưng tụi em bỏ ruộng mà đi mới sống nổi!”.

“Vì ruộng chỉ tăng thêm gần 150 mét vuông so với miền Bắc nhưng thuế lại tăng gấp ba, gấp bốn lần thì cuối cùng thà bỏ ruộng còn hơn. Thử hỏi làm ruộng cũng không được mùa gì cho mấy mà cứ đến vụ thì chỉ lạy trời năm nay giảm bớt thuế thì làm sao sống nổi”.

Một cái Tết lạnh xa nhà

Chị Nhàn tiếp tục chẻ luồng khi thấy bà chủ xuất hiện, anh Khải, chồng chị Nhàn vừa vác luồng đưa lên xe tải, vừa tiếp lời vợ: “Chỉ có đi ra, trước đây các ông miền Nam vượt biên qua Mỹ, qua Úc, qua Canada, còn tụi tôi cũng vượt biên qua khỏi bờ ruộng mới trụ nổi!”.

nhung nguoi tho tre khong biet tet1

Vận chuyển luồng bằng đường bộ

“Mỗi thứ một chút xíu thôi nhưng cộng lại thì quá khiếp. Ví dụ nhé, như thuế sinh hoạt đoàn đội vài ký lúa, thuế nông nghiệp vài ký, thuế cho Hội nông dân vài ký, Hội người cao tuổi vài ký, Hội cựu chiến binh vài ký… Cộng tất cả cái vài ký lại có khi lên đến cả hàng trăm ký lúa!”.

“Trong khi đó nông dân trồng hạt lúa không có lãi gì đâu, cái lãi quanh quẩn chừng một hai trăm ký lúa cho cả một gia đình lớn. Vậy mà tới mùa, mình vừa gặt xong thì thấy cán bộ xuất hiện trên bờ ruộng, họ tới đọc biên bản thu thuế và cứ như vậy mà đong lúa tươi rồi cân trừ hao, ví dụ như thu của mình một trăm ký thì họ cân lên một trăm hai chục ký. Có khóc họ vẫn thu!”.

“Gia đình em nghèo khổ, nuôi con gà con lợn đều khó vì vườn tược không có, đất đai chật chội, chỉ dựa vào mấy sào ruộng mà thôi nhưng làm cách gì cũng không đủ ăn. Vợ chồng em bỏ ruộng đi làm thuê đủ thứ, cuối cùng về đất Thanh Hóa làm thợ luồng, vợ học nghề chồng mà làm!”.

nhung nguoi tho tre khong biet tet3

Vận chuyển luồng bằng đường thủy – nguồn gret.org.vn

“Làm từ sáng tới chiều kiếm được mỗi người một trăm ngàn đồng, nhà thì chủ cho luồng để dựng lều mà trú mưa trú nắng. Ngày ăn được bữa cơm trưa, sáng thì dễ rồi, ăn cơm nguội bữa tối để lại. Nói chung hai vợ chồng làm cật lực mỗi tháng cộng lại kiếm được năm triệu đồng cho cả hai người. Mọi chi phí ở quê nhà đều dựa vào tiền này…”.

“Ở đây cũng chẳng sung sướng gì, làm việc khổ lắm, vác luồng và chẻ luồng thì mấy anh biết rồi, phải tốn sức lắm cơ! Nhưng giờ cũng hết đường chọn. Mùa này giáp Tết, hàng chạy không nhanh như trong năm, tụi em thiếu trước hụt sau nên cũng bỏ luôn ý định về quê ăn Tết. Buồn thì chịu thôi!”.

“Thời tiết thì lạnh cắt da cắt thịt, gần tháng nay có làm được gì đâu! Có bao nhiêu tiền gởi về quê cho con ăn học, lo liệu Tết hết rồi. Dự định của tụi em là ở đây tìm việc những ngày giáp Tết và mấy ngày Tết. Thì chủ yếu là đi bốc vác thuê, lau dọn nhà, mỗi ngày kiếm vài đồng vậy thôi. Nói thì nghe tội nghiệp chứ còn may mắn hơn nhiều so với mấy người còn ở quê, chưa vượt biên qua bờ ruộng. Mùa này lạnh như vậy thì ra ruộng chỉ có chết cóng!”.

Trong lúc anh Khải than vãn về cái lạnh ở quê thì tại Nghệ An, có một nông dân làm ruộng bị chết vì rét. Cái lạnh ở Thanh Hóa, dưới chân cầu Cốc trên đường Lê Lai, thành phố Thanh Hóa cũng dao động từ 8 đến 10 độ C, đây là nhiệt độ lý tưởng để những người lao động chỉ có da bọc cơ hoặc bọc xương run lên cầm cập vì thiếu lớp mỡ bảo vệ và điều hòa thân nhiệt.

nhung nguoi tho tre khong biet tet4

Nuôi gà để thêm thu nhập

Anh Khải và những người bạn vẫn cặm cụi bốc luồng lên xe. Chị Nhàn chẻ hết cây luồng này lại vác cây luồng khác ra đo, cưa rồi chẻ. Cảm giác như họ làm để quên đi cái lạnh, quên đi nỗi buồn và quên đi rằng hôm nay đã là ngày cận Tết.

Những người thợ luồng cho biết thêm, niềm mong mỏi lớn nhất của họ bây giờ là bà chủ đừng cho nghỉ Tết, cứ để họ làm cho đến khi nào thời tiết ấm lên một chút họ sẽ ra đường tìm việc khác. Và nếu mở cửa làm việc luôn ba ngày Tết thì càng tốt. Bởi như vậy họ khỏi phải lo đi kiếm việc khác.

Nhưng niềm mong mỏi của những người thợ luồng không thành hiện thực, bà chủ cho nghỉ ăn Tết và đóng cửa cơ sở vào ngày hai mươi tám Tháng Chạp. Tuy vẫn cho lao động ở lại trong các lều trại nếu muốn nhưng không cung cấp lương thực Tết bởi quà Tết trước đó gồm mấy gói trà, mấy gói thuốc lá và mấy trăm ngàn đồng coi như xong.

Vậy là những người thợ luồng lại tiếp tục đội giá rét ra đường để kiếm việc làm tạm cho đến hết Tháng Giêng, khi xưởng luồng làm việc trở lại. Chúng tôi ngỏ ý muốn theo chân những người thợ luồng đi đến rừng luồng, nơi họ phải chặt xong cho đủ một xe luồng cuối năm. Những người thợ luồng vui vẻ nhận lời sau khi chúng tôi hứa sẽ trả cho họ số tiền bằng với ngày công hôm đó. Một chút vui thoáng qua gương mặt sạm khô của những người thợ luồng.

Kỳ tới
Theo chân người thợ luồng

 Những người thợ tre không biết Tết – Kỳ 2