Đã một lần người viết nói về những nét tương đồng của thành phố Sarajevo và Sài Gòn của chúng ta thời Cộng Sản vào chiếm đóng. Hôm nay một lần nữa người viết nghĩ rằng những ai từng sống ở Sài Gòn thời đó và phải từ giã ra đi sẽ dễ dàng cảm thông với cậu thiếu niên trong mẩu chuyện sau đây. Xin mời cùng đọc.
NS
Cho tới năm mười hai tuổi, tôi sống hạnh phúc ở Sarajevo, một thành phố tuyệt đẹp, nơi đã tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông 1984 và từng là thủ phủ của Bosnia – Herzegovina. Thành phố rợp bóng cây và đầy hoa với những con người giàu lòng từ ái. Đây là không gian của âm nhạc và nghệ thuật. Ở khắp nơi tôi đều nhìn thấy những dãy núi hùng vĩ vây quanh. Sarajevo với tôi là hoàn hảo đủ mọi phương diện.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ ngày 5 Tháng Tư năm 1992. Ấy là ngày mà thành kiến và hận thù cùng sự đố kỵ nhỏ nhen ẩn mình trong tiếng đạn bay và tiếng nổ của những quả lựu đạn. Và trong suốt bốn năm liên tiếp đời sống của chúng tôi bị chiến tranh xé ra tơi tả. Sarajevo và ấu thời của tôi tan tác. Hận thù tràn ngập và những con người sống chan hòa với nhau bao nhiêu năm bỗng chốc thấy không thể cùng nhau chia sẻ nữa. Ấy là ngày mà một nhóm thiểu số những người Serbs chủ trương đẩy những gia đình Muslim hiền hòa như gia đình chúng tôi ra bên lề cuộc sống.
Thắm Nguyễn
Sáng hôm ấy, tôi dậy sớm, cũng như mọi ngày, bước chân vào phòng ăn trước khi tới trường. Vừa chợt nhìn mặt bố mẹ tôi hiểu ngay là có chuyện gì không ổn xảy ra.
“Nadja ơi, bố mẹ rất tiếc là hôm nay con không tới trường được. Rào cản đã được dựng lên khắp mọi nơi. Đi ra ngoài không an toàn chút nào cả.” Bố mẹ còn nói, nói nhiều nữa, nhưng nhìn nét mặt họ tôi đã hiểu hết rồi.
Tôi những tưởng sự điên rồ sẽ chấm dứt trong một vài tuần. Những người mang mặt nạ và mang súng sẽ rời đi. Tôi cứ nghĩ tiếng súng cùng việc chạy tìm nơi trú ẩn an toàn trong căn hầm ẩm thấp tối tăm của chúng tôi và những vũng máu chính mắt tôi nhìn thấy trên đường phố sẽ sớm chấm dứt. Nhưng rồi sau nhiều tháng, cả nhiều năm đầy khói lửa và máu me, tôi biết rằng nó sẽ không chấm dứt.
Trước khi xảy ra chiến tranh, cũng như bao trẻ khác, tôi cảm thấy sung sướng khi có được một ngày nghỉ. Nhưng bây giờ thì tôi chỉ mong được trở lại nhịp sống bình thường, ngày ngày tới trường gặp bạn bè, thầy cô và học hỏi bao điều tốt đẹp. Có những hôm thầy giáo tình nguyện gặp gỡ và dạy bài cho chúng tôi dưới chân cầu thang một tòa nhà nào đó. Những ngày khác chúng tôi liều mạng cả thầy lẫn trò gặp nhau trong một căn phòng nhỏ của một tòa nhà gần trường. Tôi không muốn thua sút các bạn trẻ châu Âu vì chiến tranh. Tôi học tiếng Bosnia, tiếng Anh, tiếng Pháp, địa lý, toán học, vật lý bất cứ thứ gì tôi gặp trong sách vở. Tôi sống qua những trang sách tôi đọc và những điều tôi học được. Đó là cách tôi nuôi dưỡng tinh thần mình.
Thế rồi tháng 7 năm 1995 tới, một ước vọng từ lâu của gia đình chúng tôi trở thành hiện thực. Trước đó mẹ tôi có viết thư cho Tổ Chức Cứu Trợ Nhân Đạo của Bosnia ở Croatia nay được biết một gia đình ở Mỹ sẵn sàng nhận tôi ở trong nhà để tiếp tục việc học tại Mỹ. Mặc dù biết như thế là tôi bị dứt lìa khỏi gia đình thân yêu của mình nhưng tôi vẫn phải chấp nhận.
Vào cái đêm mẹ tôi và tôi lên đường tới Croatia để đáp máy bay đi Mỹ, chúng tôi phải chui qua một con đường hầm lối đi duy nhất để rời khỏi Sarajevo. Lòng tôi cơ hồ tan nát. Quanh tôi tiếng lựu đạn không ngừng nổ. Mọi người xanh mặt vì sợ hãi. Con đường hầm tối tăm chật hẹp, nồng mùi nước đái và tưởng chừng như bất tận. Một số người chết vì ngộp. Người ta phải khiêng họ đi. Đôi khi tôi bật khóc và mẹ tôi luôn luôn nhắc nhở: “Nadja con, hãy nhớ lấy ước mơ của con.” Chung quanh tôi bom nổ và tôi tưởng chừng như những tên bắn tỉa đã nhìn thấy chúng tôi. Mỗi lần như thế tôi hướng về phía mẹ và luôn nghe lời nhắc nhở : “Hãy nhớ lấy ước mơ của mình và tiếp tục bước, tiếp tục đi về phía trước.”
Hai ngày sau tôi phải hôn từ biệt mẹ ở Croatia để lên máy bay đi Mỹ. Và tôi tới Mỹ yên bình, trọ tại nhà ông bà Yeagers bảo trợ tôi ở Cincinnati. Tôi nhớ nhà, nhớ gia đình tôi da diết, nhưng bây giờ tương lai của tôi là ở Mỹ. Tôi cảm thấy dễ dàng biết bao để tự mãn ở xứ sở mới mẻ này. Nhưng thay vì buông mình vào cuộc sống dễ dàng ở Mỹ, tôi chọn đối mặt với quá khứ. Tôi quyết định nói ra hết những gì đã xảy đến cho quê hương tôi, xảy đến cho những trẻ em vô tội mà đã phải hứng chịu sự bạo tàn.
Và tôi đã nói cho các học sinh nhỏ ở đây biết cái gì sẽ xảy ra khi mình không tôn trọng tôn giáo của người khác. Tôi nói cho những đoàn thể thiếu niên và hướng đạo sinh về những gì mà các trẻ em ở nước tôi đang phải gánh chịu. Tôi nói hết, nói hết cho mọi người hiểu. Và tôi thấy rằng những bạn trẻ ở đây tỏ ra lo lắng về điều họ nghe thấy. Họ lắng nghe và đặt ra những câu hỏi cho thấy sự quan tâm của họ. “Bạn có đau đớn không khi nói những điều đó với chúng tôi?” Và họ muốn biết ai đã thắng. Tôi bảo họ không có kẻ thắng. Chỉ có người thua thôi. Đặc biệt, trẻ con. Nhưng khi họ ép tôi phải cho biết ai đã thật sự thắng cuộc chiến tranh đó. Và tôi nói: “Nếu các bạn thật sự muốn biết, tôi sẽ nói chúng tôi là những người đã thắng. Kẻ thắng là những người sống sót và không hề nuôi sự thù hận đắng cay.”
Đôi khi tôi thắc mắc tại sao tôi sống mà những trẻ em khác phải chết. Phải chăng tôi đang sống thay cho họ. Tôi đã gởi hồn mình vào trong đó khi tôi nhìn thấy cảnh bình minh rực rỡ hay những đợt sóng của đại dương dâng tràn, và tiếng chim hót. Tôi sống cho tôi. Và tôi sống vì đứa trẻ nằm trong tay mẹ người đầy máu me và khi người mẹ chạy những sợi dây giày vướng máu của đứa bé còn đong đưa. Tôi sống cho người phụ nữ chết trên đường phố khi đi mua bánh mì cho con. Tôi sống vì những vẻ đẹp của trần gian này khi những đứa bé khác không còn dịp nhìn thấy nữa.
Thật là đau khổ cho tôi khi phải nhớ lại nỗi bất hạnh thời thơ ấu của mình. Nhưng nếu tôi có thể giúp cho người khác hiểu sự quan trọng của cuộc sống và tình yêu, và sự cần thiết phải từ bỏ bóng tối trong bản tính con người mà tất cả chúng ta đều cưu mang. Vết thương của tôi chỉ có thể lành từ đó. Và tâm linh con người sẽ còn sống mãi.
NS – theo Nadja Halibegovich