Cỏ biếc chân mây sắc vĩnh hằng. Thời gian từ độ ẩn sao băng. Xuân buông giai điệu mùa trăng sáng. Xanh giòng kỷ niệm tiếng xưa vang. Tiếng xưa vang trên dấu thời gian băng tuyết. Tiếng xưa reo vui giữa mùa đông, xui khiến lòng vạn vật âm thầm dấy lên tình xuân từ dấu lặng. Dấu lặng thần kỳ của âm nhạc nhẹ lướt trên năm hàng kẻ của khóa Sol, khi người viễn xứ đón mừng Tết Cổ Truyền Bính Thân 2016. Tưởng như mùa xuân trùng cửu bất tận của quê hương đang bay lượn khắp khung trời hải ngoại, khiến người tha hương thấy lòng hân hoan cảm nhận: Lưng đồi phố núi trông xa, mùa xuân đất mẹ bao la đất trời. Khúc tâm ca giữa ngàn khơi, bốn phương mây trắng hát lời thanh an. Câu hát mừng xuân của người viễn xứ ngân vang khắp cùng trời cuối đất, mời gọi họ lắng nghe hồn cố quận tái hiện trong câu đối Tết quen thuộc của dân gian: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Không sợ gió lạnh. Không ngại tuyết băng. Bóng thời gian đăm đắm vấn vương đôi mắt tròn tuổi vàng trên khung trời mùa xuân ấu thơ Áo dài xanh nhẹ bay giữa thành đô Đa Lạt. Phút giao thừa hốt nhiên lòng mộng tưởng. Đốt trầm hương ngồi kể chuyện xuân xưa. Hương dấu yêu của đôi mắt tròn tuổi vàng ấu thơ vẫn gây mùi nhớ, dù cách biệt phương trời. Những vội vã đời thường tan biến. Những sầu muộn riêng tư tan biến. Trong giây phút giao thừa, nâng chén trà thơm nếm mứt ngọt, đón chào vận hội mới mừng Tết, người viễn xứ cảm nhận nước non ngàn dặm lên đàng, về qua nguồn cội huy hoàng sắc xuân.
Dĩ vãng từ ngàn xưa trở lại. Trình tự ngọt bùi của sự tích Bánh Dày Bánh Chưng thinh lặng trở về. Sau khi phá được giặc Ân, Hùng Vương đời thứ sáu tự thấy tuổi già sức yếu muốn truyền ngôi cho con. Nhưng nhà vua có đến hai mươi hai hoàng tử. Ai cũng thông minh chăm chỉ, biết chọn người nào? Hùng Vương ngày đêm băn khoăn suy nghĩ, cuối cùng nghĩ ra một kế sách vẹn toàn. Ngài triệu tập các hoàng tử lại tuyên phán: “Ta nay tuổi cao sức yếu cần có người kế vị gánh vác sơn hà xã tắc. Trong các con, ai tìm được của ngon vật lạ để cúng tế tiên vương vào cuối năm giúp ta làm tròn đạo hiếu, sẽ được chọn làm tân vương.”
Nghe lời phán truyền của Vua Hùng, các hoàng tử xôn xao bàn tán. Họ tìm mọi cách để làm vừa lòng vua cha. Người lên rừng, người xuống biển… cố săn lùng sơn hào hải vị. Trong số hai mươi hai hoàng tử có chàng Tiết Liêu – con thứ mười tám của Vua Hùng – là người nghèo nhất. Mẹ qua đời sớm, bên cạnh không có hoàng thân quốc thích nào nâng đỡ, Tiết Liêu vô cùng lo lắng. Trong khi các anh em có người giúp, bận rộn xuôi ngược khắp nơi, Tiết Liêu chỉ biết thinh lặng suy nghĩ, cố tìm ra cách để có được của ngon vật lạ cúng tế tiên vương giúp vua cha làm tròn đạo hiếu. Một hôm vì lao tâm khổ trí suy nghĩ, chàng Tiết Liêu rơi vào giấc mộng, gặp thần nhân. Thần bảo: “Vạn vật trên đời do Trời Đất sinh ra. Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ sánh bằng Trời Đất mới đủ. Mà trong Trời Đất không có gì quý hơn gạo, bởi vì gạo nuôi sống người ta. Con hãy đem gạo nếp làm thành hai thứ bánh. Cái thứ nhất hình tròn, tượng trưng cho Trời. Cái thứ hai hình vuông, tượng trưng Đất, lấy thịt ngon đậu dẻo đặt vào giữa làm nhân bánh, tượng trưng cho trung tâm vạn vật; dùng lá xanh bọc bên ngoài tượng trưng cho cây cỏ, rừng núi, đồng ruộng.”
Giật mình tỉnh thức, nhớ lại giấc mộng, chàng Tiết Liêu vội vàng thực hiện điều thần nhân mách bảo. Gạo nếp đậu xanh là lương thực hàng ngày có sẵn, nhưng tìm đâu ra thịt ngon! Từ khi mẹ qua đời, trong nhà không nuôi gia súc. Tiết Liêu quyết định đặt bẫy tìm muông thú. Cứ như thế qua đi bảy ngày bảy đêm dài, Tiết Liêu bẫy được một chú heo rừng. Đã có gạo-đậu-thịt, Tiết Liêu đốt gừng lấy tro làm muối ướp, gói gạo-đậu xanh-thịt trong lá nấu chín gọi là Bánh Chưng. Sau đó chàng nấu phần gạo nếp còn lại giã nhuyễn làm thành thứ bột trắng mịn, làm thành những chiếc bánh tròn có mặt nổi vồng lên như vòm trời màu trắng, gọi là Bánh Dày.
Cuối năm các hoàng tử tụ họp tại Phong Châu, mang từ chân trời góc biển về muôn vàn của ngon vật lạ, ai cũng mong làm hài lòng phụ vương. Đúng ngày ước hẹn, hai mươi hai hoàng tử dâng phẩm vật, kể lại quá trình gian khổ trong lúc tìm kiếm những thực phẩm theo lời yêu cầu của vua cha. Nhưng Hùng Vương vẫn đăm chiêu, không tỏ lộ niềm vui. Đến khi Tiết Liêu dâng lên mâm cỗ chỉ có Bánh Dày Bánh Chưng, nhà vua ngạc nhiên trước sự đơn giản, thanh đạm, khiêm tốn của lễ vật. Ngài yêu cầu người con thứ mười tám cho biết ý nghĩa của món ăn dân dã này. Vị hoàng tử khó nghèo chân thành kể lại giấc mộng gặp thần nhân. Hai loại bánh nói lên lòng hiếu thảo của người con, tôn vinh cha mẹ như Trời Đất đã làm cảm động lòng Vua Hùng. Hơn thế nữa, những chiếc bánh còn chứa đựng một tình yêu quê hương đồng ruộng, bởi vì được làm bằng gạo – những hạt ngọc quý nhất trong số những loại ngọc Trời Đất ban tặng loài người; và đặc biệt ở chỗ ai cũng có thể làm. Sau khi nếm bánh, Hùng Vương phán: “Tiết Liêu quả là người hiền tài. Muốn cai trị quốc gia phải biết tôn trọng Trời Đất, tôn kính cha mẹ, yêu thương dân lành, bảo vệ đồng ruộng vườn cây cho họ canh tác, trồng cấy. Vì thế Tiết Liêu được chọn truyền ngôi báu.” Từ đó mỗi năm đến ngày cuối năm, muôn dân trăm họ đều làm Bánh Dày Bánh Chưng để tỏ lòng tôn vinh Trời Đất, và tôn kính cha mẹ.
Trình tự ngọt bùi của sự tích Bánh Dày Bánh Chưng thinh lặng trở về. Tưởng như tràng pháo đỏ tươi, nổ giòn tan tiễn Năm Cũ đón Năm Mới. Tưởng như nước non vẫn nước non nhà, dù Trung-Nam-Bắc cũng là anh em. Quê hương dù rất xa khơi, nhưng hồn non nước muôn đời hiển vinh. Từ những giòng sông quê hương, hàng triệu người Việt vì lý do này hay lý do khác đã bỏ đất nước ra đi, định cư ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng xuôi giòng con nước dạ thưa, bể dâu ngoảnh lại xuân đưa đón ngày. Xuân đưa đón ngày giữa mùa đông viễn xứ. Ghềnh ráng xưa bến đợi cung đàn vang. Trường Ca Con Đường Cái Quan của Phạm Duy âm vang tiếng sóng của Sông Hồng-Sông Hương-Sông Cửu Long miên trường trôi chảy. Giai điệu Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương là những lời tốt đẹp nhất, cầu chúc muôn người bình an-hạnh phúc-như ý nguyện.
Tất cả đồng quy về bổn nguyên thường trụ. Xuân-Thu Phân. Đông-Hạ Chí cũng một nghĩa như nhau. Cười với Tết một ngày sao chóng thế. Nay mùa đông mai mùa xuân hân hoan. Cười trong nắng. Khóc trong mưa. Mưa nắng khởi đi từ bốn mùa thường tại, gói trọn niềm vui nỗi buồn của nhân loại. Mưa nắng là cội nguồn hệ lụy của cuộc đời. Từ khi tha hương người viễn xứ đã bắt đầu cuộc lữ hành cùng mưa nắng, mang theo hồn dân tộc mang theo Ngày Tết Cổ Truyền của Việt Nam.
Đếm tuổi đời qua mùa xuân viễn xứ. Bụi đường dài chân bước đi quanh. Ngày Tết đến giữa mùa đông đất khách. Cổ tích xưa thương nhớ cội nguồn xa. Tôi ngỡ như đang đón mừng năm mới trong tình cha lòng mẹ, trong tình anh em ruột thịt ân cần. Xuân sang trở giấc huy hoàng, hồn chiêm bao thấy mai vàng nở hoa. Chồi non nụ biếc đồng ca, âm vang bốn cõi tâm hòa chánh tâm. Để cỏ biếc chân mây sắc vĩnh hằng. Thời gian từ độ ẩn sao băng. Xuân buông giai điệu mùa trăng sáng. Xanh giòng kỷ niệm tiếng xưa vang.
Trong tiếng đàn hát hân hoan của lễ hội Mừng Xuân Bính Thân Năm 2016, thân kính chúc tôi và chúng ta Năm Mới Hạnh Phúc Như Nguyện, Thân Tâm Thường An Lạc.
HV – 1:15am Chủ Nhật ngày 24 tháng 1 năm 2016