Qua nhiều tháng trang trí, từ lộng lẫy đến diêm dúa, từ kỹ lưỡng đến sơ sài, để đón chào giây phút thiêng liêng “đỡ đẻ” cho năm mới theo âm lịch, thời khắc “đếm ngược” cũng đến. Giới trẻ hân hoan gào thét, phấn khích ôm hôn nhau hay cầu nguyện cho một năm mới tốt lành như một thủ tục thay vì ở nhà bên gia đình quây quần mâm cỗ tất niên, chúc nhau những điều tốt đẹp. Phần vì họ không thể về quê, phần vì họ thích tận hưởng không khí Tết “thành phố” một lần, phần vì đây là điểm hẹn chung của những người ưa náo nhiệt, sợ cô đơn, trong số đó cũng có rất nhiều “khúc ruột ngàn dặm” vừa kịp về ăn Tết… muôn ngàn lý do để chúng ta ở đây, có giây phút đẹp đẽ, thiêng liêng này.
Hành trình để đến trung tâm thành phố để chào đón Giao thừa cũng là một điều đáng nhắc lại và ai đã đi rồi thì bảo đảm luôn ghi nhớ, không thể quên được. Từ sáng hoặc trước đó, các chàng trai, cô gái có kinh nghiệm đều phải bắt đầu chuẩn bị mọi thứ dẫu nhà chỉ cách trung tâm Sài Gòn vài cây số, nào là quần áo đẹp để chụp hình, nào là thức ăn vặt và nước uống nhẹ để phòng khi không thể chen chúc đi ăn và phòng ngừa chặt chém. Giá một ly nước đêm Giao thừa có thể gấp từ 5 đến 20 lần với giá lúc bình thường tùy tâm trạng người bán. Ngoài ra là các dụng cụ đi kèm để chụp ảnh, thu phát 3G… à, đừng ai nghĩ là 12 giờ đêm mới Giao thừa thì 10 giờ chúng ta đã có thể tàng tàng chạy ra trung tâm nha! Theo kinh nghiệm của tôi thì muốn có vị trí đẹp, chúng ta phải lục đục khởi hành từ 2, 3 giờ chiều để tránh kẹt xe, mất chỗ đẹp. Sau đó là khoảng rộng thời gian vừa lướt facebook vừa chờ đợi mỏi mòn… cuối cùng chuyện gì đến sẽ tới!
Và ngay sau đó, cái phút giây mầu nhiệm “hàng chục tỷ được bắn lên trời” đó, chỉ vỏn vẹn vài chục phút thôi, con đường được trải nhựa hay lót gạch kiêu sa ở trung tâm quận 1 sẽ trở nên hỗn độn, dơ bẩn. Những chai nước suối, nước ngọt rỗng, những bịch nilon, ly nhựa đầy đá và nước chèm nhẹp dưới chân. Chúng nằm ngửa mệt nhoài trên đường sau cú tung bay từ tay chủ nhân mặc dầu vừa được họ nâng niu trên miệng. Những bồn hoa ở phố hoa Nguyễn Huệ cũng rơi vào cảnh điêu tàn khi loạt người đi qua. Mạnh ai nấy biến mất vào dòng xe kẹt cứng để về nhà, an tâm rằng các cô chú lao công, những cụ già nhặt rác có việc làm. Không sợ mất tiền thưởng Tết vì tất cả đều có công việc làm thêm sau khi họ ra về. Và những con đường trải nhựa phẳng phiu, gạch lót kiêu sa sẽ kịp sạch sẽ ngay thôi, trước khi các bạn trở lại. có thể chụp hình, “mở hàng” cho năm mới đầy triển vọng.
Cũng như mọi năm, đây là một vấn đề muôn thuở, kinh điển và đều đặn ở Sài Gòn và nhiều nơi khác. Họ là ai? Những nam thanh nữ tú lịch lãm, quần áo đủ màu, dĩ nhiên tuổi của họ chắc chắn cũng đủ hiểu được thế nào là ý thức. Vậy tại sao họ làm vậy? Không, họ không cố tình làm như thế. Họ làm vậy vì hai lý do rất khách quan đó là: bản năng và bắt chước.
Bản năng là gì? Là làm theo tiềm thức. Uống xong thì vứt đi, đường đông thế này thì tìm đâu ra thùng rác mà bỏ cơ chứ. Chúng ta đang ở VN mà, cần gì lịch sự cho rác vào túi rồi mang về nhà phân loại? Dở hơi quá chừng! Và bắt chước là làm theo những gì mà người xung quanh hay còn gọi là đám đông làm. Ở một nơi mọi người đều ở truồng mà mình mặc đồ là khiếm nhã. Mình phải ở truồng y chang họ. Người ta quăng rác thì cớ vì sao mình phải ôm lấy?!
Và như thế, sau Giao thừa, đường đầy rác là một lẽ mặc nhiên mà mỗi người phải chấp nhận và phát huy(!)
Vậy mà mấy hôm nay lại có một nhóm người kêu gọi, chống lại cái sự mặc nhiên ấy. Từ ý tưởng ban đầu của nghệ sĩ trẻ Huỳnh Lập, sau đó hơn 20 nghệ sĩ đã đồng loạt đăng hình ảnh của mình trên trang cá nhân kèm thông điệp không xả rác đêm Giao thừa. Huỳnh Lập cho biết, anh bức xúc từ những tấm hình những người lao công quét dọn vệ sinh trên con đường đầy rác sau khi tất cả mọi người xem pháo hoa ra về. Rằng một công nhân vệ sinh phải quét từ 12 giờ đêm, mà cho đến 6 giờ sáng vẫn chưa được về nhà. Ðó chính là lý do khiến Lập cần phải phát động ngay phong trào này để thôi thúc ý thức của mọi người chuẩn bị cho đêm Giao thừa sắp tới có được hạnh phúc và niềm vui trọn vẹn hơn. Sau khi phát động phong trào thì anh được rất nhiều người tán dương, ủng hộ, lượng fan hâm mộ bỗng tăng vọt. Và nghiễm nhiên, có một sự thật ai cũng biết, anh chàng này sẽ không rảnh đi nhặt rác sau đêm Giao thừa vì phải… chạy show liên tục.
Có thể đây là một chiêu trò để đánh bóng tên tuổi của chàng nghệ sĩ trẻ. Nhưng qua chiêu trò đó cũng cho thấy được một chuyện bình thường là không xả rác nơi công cộng cũng sẽ thành một trào lưu của đất nước này, ở kỷ nguyên này, và với lớp trẻ này. Nếu có người phát động.
Bỗng nhớ một thời cô người mẫu Ngọc Uyên làm cư dân mạng dậy sóng vì chụp bộ ảnh khỏa thân để bảo vệ môi trường. Không ai để ý thông điệp mà chỉ toan lo đánh giá phẩm hạnh và nhan sắc cô ta. Từ đó tên tuổi nàng được khán giả biết đến với biệt danh người đẹp môi trường.
Tôi đang nhìn hình cổ và chống mắt chờ một đêm Giao thừa không có rác! Sống bình thường hoài thì lâu lâu cũng có nên đợi chờ điều gì đó phi thường chớ hả?
DU