Mấy ngày trước Tết, cả xóm ngõ ngày thường yên ả, bỗng đột nhiên ồn ào, nước nôi lênh láng. Chỗ này bọn trẻ con được nghỉ Tết họp nhau chơi đùa, chạy nhảy. Chỗ kia rửa nhà cửa, làm gà, giặt mùng màn, rửa lá dong, đãi đậu. Vừa làm các bà vừa quát con, vừa tỉ tê trò truyện, kể lể than vãn… Ngoài đường, xe cộ bấm còi inh ỏi, chen nhau từng centimét, leo cả lên vỉa hè, khói xe phả mù mịt, hòa cùng nắng bụi…hợp thành ‘bảy sắc cầu vồng Tết Việt’. Vậy mà chỉ vèo một cái, bảy ngày ‘hăm’qua nhanh. Hăm Chín (năm Mùi, Tháng Chạp chỉ có 29 ngày), các chợ đều ngưng buôn bán. Ðường phố gọn sạch, tươi đẹp với hoa tươi, cờ xí. Chùa chiền nào cũng hương đăng trà quả trang nghiêm, lộng lẫy. Từ chiều, người Sài Gòn bày biện mâm cơm rước ông bà. Nửa đêm, khi pháo bông bắt đầu lóe sáng trên nền trời đen kịt, tiếng chúc mừng năm mới vang trên tivi thì không ai bảo ai, đều mau mắn kê bàn trước nhà, bày mâm trái cây cầu dừa đủ xài cúng Giao thừa. Chính trong giờ phút đó, tâm thức người Việt nói chung đều cảm nhận sự thiêng liêng của cái gọi là Trước- Thềm- Năm- Mới.
Phố Ông Đồ – Sài Gòn
Ba ngày Tết, nếu không có gì đặc biệt, người Việt thường chỉ ở nhà cúng ông bà, tiếp khách, hoặc đi chùa, đi thăm nội ngoại, bạn hữu, thầy cô, chỗ ơn nghĩa…Ði đến đâu cũng được mời ăn bánh tét bánh chưng, dưa món, giò chả, thịt kho dưa giá, tai heo ngâm giấm cuốn bánh tráng, khổ qua dồn thịt hầm, măng miến chân giò, thịt đông, kim chi…Toàn món ngon, vừa mang tính truyền thống lại phù hợp với thời tiết nóng nực của Sài Gòn. Tiếc là thị trường thực phẩm năm qua ‘hơi bị bẩn đều’ khiến nhiều người ‘khôi hài đen’ đã thêm mấy chữ ‘có hóa chất’, ‘có độc chất’, ‘có hàn the’ vào các món ăn món uống. Chẳng hạn bánh chưng, giò lụa, dưa món, cà phê, mứt gừng, hạt dưa… thì nói thành bánh chưng nhân thịt hóa chất, giò lụa hàn the, dưa món phèn chua, cà phê bắp rang, trà hóa chất, mứt gừng đường hóa học, hạt dưa nhuộm hóa chất…
Quanh mâm cơm ngày Tết, những chuyện ‘muỗi Zika’, chuyện rùa Hồ Gươm chán sống trước đại hội XII, chuyện khó mua vé xe, chuyện phong tục Tết bị lạm dụng, bị biến tướng như tục lì xì, đổi tiền lẻ cúng ‘giọt dầu’ các chùa, hái lộc đầu năm, thả cá chép cúng ông Táo, giết trâu, chém lợn, bói toán, lên đồng…Nhưng được nói tới nhiều nhất vẫn là chuyện Miền Bắc và Bắc Trung Bộ bị trận rét đột ngột trước Tết khiến Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Yên Bái…trâu bò chết, cá chết, lúa chết, hoa mầu chết đồng loạt. Những tộc người Mèo, Tày, Thái, Dao…bao đời quen với đỉnh núi cheo leo, rừng già um tùm, thung sâu hoang lạnh vậy mà bị trận rét vừa qua tất cả đều ngơ ngác bàng hoàng. Không ai kịp trở tay, không còn của nả gì ăn Tết, vui Tết. Xem trên facebook, những hình ảnh xẻ thịt trâu chết bán bên đường 4D, các em bé người Mèo chân đất, áo váy phong phanh cõng nhau đứng nhìn du khách Hà Nội diêm dúa, ấm áp chơi đùa trên tuyết…lòng người miền xuôi thắt lại. Nhiều bạn trẻ bỏ Tết, rủ nhau ‘cướp’ bớt áo chăn, tiền bạc của người giàu, phượt gấp lên Yên Bái, Lào Cai cứu rét.
Tết Đà Lạt, những người bán dâu “ngồi chơi xơi nước”
Sài Gòn ở xa, lúa má, cây cỏ, hoa trái tương đối bình an, không phải ứng cứu. Tuy vậy trước lượng sinh viên, công nhân, người lao động nghèo không tiền về quê đón Tết, nằm ôm ‘nỗi buồn gác trọ’, lượng bệnh nhân nội trú trong các nhà thương ung bướu, sản, nhi, tâm thần, chấn thương chỉnh hình cùng bệnh nhân ngoại trú trong các ‘xóm ung thư’, ‘xóm chạy thận’, lượng người già neo đơn, trẻ em lang thang gầm cầu, xó chợ, trong nhà tế bần quá đông, khiến không ai cầm lòng đậu. Người Sài Gòn hò nhau ‘chạy’ vé xe đò tặng người xa quê, ‘thu gom’ bánh mứt tặng người cơ nhỡ, tổ chức phát gạo, mì, đường sữa cho các xóm xa, các buôn sóc. Nhớ lại hoạt động từ thiện ngày Hăm Tám Tết, chị Thuận, vợ chồng chú Hòa, sư cô Thường Tuệ…không nén nổi nụ cười như mếu. Ai đời hỏi đường cả buổi, khi khệ nệ ôm xách nào mì gói, dầu ăn, gạo xuống xe thì ‘đụng’ ngay hai đoàn khác cũng khệ nệ khiêng vác như mình. Toàn xã chỉ có 12 nhà khó khăn, mà ba đoàn cùng trợ giúp. Dù sao, trong cái tối tăm cũng còn lóe lên đó đây ánh sáng của tình đồng bào.
Bánh kẹo Tết thưa vắng người mua vì sợ phẩm màu, đường hóa học
Nói chuyện từ thiện lại nhớ nhóm O+ xã Hòa Hiệp- Bà Rịa Vũng Tàu. Mặc dù chỉ đi từ thiện một năm bốn lần, với không quá 10 thành viên thường trực nhưng năm nào cũng vậy, cứ tầm Tháng Chạp, nhóm đã dọ hỏi, tìm hiểu từng cảnh đời. Năm nay cũng vậy, những gia đình người mù nghèo, những cụ già trên 70, 80 tuổi sống hẩm hút, những trẻ thơ chỉ có bố hoặc mẹ, ốm đau, thất học đều đã được lên danh sách. Hăm Bốn Tết, O+ tụ họp gói bánh chưng tại nhà Nhóm trưởng Nhân. Nhóm phó Thủy chạy mua gạo, mì gói, dầu ăn, nước mắm cho người nghèo của năm xã Hòa Bình, Xuyên Mộc, Hòa Hiệp, Hòa Hội, Bông Trang, mỗi nhà 2 bánh chưng, 10 ký gạo, 1 thùng mì, 1 chai nước mắm, 1 chai dầu ăn và 1 bao lì xì 250 ngàn đồng (nhà nào thê thảm hơn thì bao lì xì 300 ngàn). Chị Vi, thành viên nữ lớn tuổi của nhóm vừa gói quà vừa tâm sự: ‘Nhìn suất quà đầy đặn, tử tế, tự nhiên thấy vui như chính mình được tặng’. So với trên Sài Gòn, quà Tết cho người nghèo của O+ Bưng Kè phải nói là ‘khí thế’ hơn. Trước Giao thừa hai ngày, cả nhóm hoàn tất nhiệm vụ ‘ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng’. Mệt thở không ra hơi nhưng Nhóm phó Thủy cũng cố quèo kẻ viết bài viết thêm cho câu này: ‘O+ gửi lời chúc xuân và cám ơn các ân nhân đã có lòng thăm hỏi, khuyến khích nhóm, nhất là chú Khoa tiểu bang Texas (?) hôm qua mới gửi ‘hùn’100 đôla lo Tết cho người nghèo. Trước sau, O+ vẫn trung thành với tôn chỉ ‘Happy to give away’, xin các vị an tâm’ …
Tuyết phủ 12 tỉnh Miền Bắc và Bắc Trung Bộ trước Tết, làm thiệt hại hoa mầu, và gia súc
Như thế, Tết Bính Thân đã qua được mấy ngày. Trong khi người lao động đã lục tục bắt xe đò từ Quảng Ngãi, Phú Yên, Thanh Hóa trở lại Sài Gòn thì Miền Bắc vẫn rét ngọt, mưa phùn và rét mướt.
XH