Menu Close

Phỏng vấn Tân Niên – Kỳ 2

 1. Là người cầm bút mà chức năng đầu tiên là viết ra giấy những suy nghĩ trung thực của mình, anh/chị nghĩ gì khi có quan niệm cho rằng: vì thể hiện trong ngôn ngữ Việt, văn chương Việt Nam không thể tách rời khỏi định mệnh dân tộc?

2. Cũng có ý kiến đặc biệt nhấn mạnh tình trạng bất lực của đại đa số nhà văn trước thực tế đất nước. Quá nhiều xáo trộn xã hội, từ đời sống đến lý tưởng, niềm tin, đạo đức thay đổi, mà tác phẩm của nhà văn Việt Nam chỉ ghi lại được rất ít những biến chuyển này. Anh/chị có một lời giải thích?

3. Sau hai thập niên Đổi Mới, với tiến trình toàn cầu hóa bên cạnh phương tiện thông tin internet, các cánh cửa thế giới gần như đồng loạt mở toang cho nhà văn Việt Nam. Anh/chị nhìn thấy hiệu ứng nào, ảnh hưởng ra sao trên tác phẩm của các đồng nghiệp?

4. Văn chương Việt Nam đang thiếu gì?

5. Như vậy, thế nào là một truyện ngắn hay, một thể loại mà hầu hết các nhà văn Việt đều có nhiều mươi sản phẩm?

6. Có bao giờ áp lực của kiểm duyệt hay những cấm kỵ vì đạo đức, hoặc thuần phong mỹ tục xuất hiện ngay trong quá trình sáng tác, và chính các anh/chị tự kiểm duyệt mình bằng cách tự cắt bỏ những đoạn “không đúng quy định” hay vượt quá vòng phấn tự vạch lấy cho .

7. Một nền văn học thật sự khỏe mạnh, có phải trước hết là một nền văn học giấy in khỏe mạnh, có nhất thiết duy trì ấn phẩm giấy in hay internet sẽ thay thế tất cả? “Xuất bản trên mạng” sẽ là ưu tiên của nhà văn để đến được với số đông độc giả đọc truyện miễn phí, hay người cầm bút hoặc người gõ phím vẫn thiết tha cầm trên tay tác phẩm của mình còn thơm mực in? Ưu tiên thật sự của anh/chị?

 

Ngô Ngọc Trang

Sinh ngày 02/07/1984, tốt nghiệp khoa Lý luận Sáng tác Phê bình Văn học của trường đại học Văn hóa Hà Nội.

pv tannien 2 01

1.

Tôi cho rằng ý kiến đó cũng đúng, nhưng là cái đúng chung của tất cả những người cầm bút dù họ ở quốc gia nào đi chăng nữa chứ không riêng chỉ người Việt Nam. Hãy thử hỏi một người nước ngoài rằng vì thể hiện trong ngôn ngữ của họ mà văn chương của họ không thể tách rời khỏi định mệnh dân tộc được? Giả như một người Việt Nam viết bằng bất cứ một thứ ngôn ngữ và chữ viết nào đó lại có thể tách rời khỏi định mệnh dân tộc họ được chăng? Hay ngược lại một người nước ngoài cũng thế? Mỗi một chế độ xã hội, mỗi một quốc gia đều có những thể chế, thiết chế riêng để quản lý xã hội, đất nước đó, và tất nhiên đều có những mặt tốt và chưa tốt. Nhưng không phải đó là nguyên nhân để chúng ta viết tốt hay không tốt, tách rời hay gắn kết với định mệnh dân tộc.

2.

Theo tôi thực tế đất nước vẫn rất bình yên chứ không quá nhiều xáo trộn. Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại mà, có lẽ vì ít chuyển biến nên sự ghi chép thời đại cũng không dạt dào. Nếu nói đến sự bất lực thì một phần phải nói đến trình độ của người cầm bút chứ không nên đổ lỗi cho đất nước trong chế độ này. Nếu như quá nhiều xáo trộn thì chắc chắn văn chương Việt Nam sẽ thăng hoa chứ không thể chỉ nhích lên một chút rồi lại dừng như hiện nay trên bản đồ lịch sử văn học nước nhà được.

3.

Ðúng là sau những năm 80, sự đổi mới diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Ðọc những tác phẩm viết trước đó tôi thấy có sự dè dặt trong cách viết, cách thể hiện tư tưởng, rõ ràng có những điều nhà văn nghĩ nhưng lại chỉ dám manh nha viết chứ thực sự không dám đi sâu. Nhưng bây giờ, dù nói thể nào đi chăng nữa cũng phải công nhận có một sự “thoáng” trong các tác phẩm văn chương được viết ra. Nhà văn có thể viết gần như tất cả những điều mình nghĩ, mình muốn mà không sợ bị đánh giá khen chê, cũng không sợ bị kẹp kìm nhiều như trước.

4.

Theo tôi, thiếu giải Nobel Văn học.

5.

Cũng khó có thể định nghĩa một truyện ngắn hay là thế nào, vì nếu đánh giá theo cách viết truyền thống hay cách viết hiện đại thì tất nhiên sẽ khác nhau. Nếu trước đây cảm xúc được đặt lên hàng đầu thì bây giờ kỹ thuật viết còn quan trọng hơn. Nội dung, cốt truyện, nhân vật… bị bác bỏ hết, vậy nên không thể dùng tiêu chí của lối viết truyền thống để đánh giá một truyện ngắn hiện đại được. Theo tôi, sự sắc sảo trong cách viết và chiều sâu tư tưởng được thể hiện trong tác phẩm sẽ làm nên thành công của tác phẩm.

6.

Ðương nhiên là có, tôi là người Việt Nam, tôi chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến nhưng với tôi cái đó cũng tốt, nó giúp tôi không vượt ngưỡng những tư tưởng mà tôi cho là tốt đẹp để có thể tung hê những gì tôi thấy thực sự không cần thiết như nhiều người vẫn làm. Có một bộ phận chịu ảnh hưởng của tư tưởng phương tây, lối sống của họ thể hiện trên tác phẩm của họ, điều đó là một lẽ tất nhiên, tôi không hô hào cho họ nhưng cũng không phản đối vì cuộc sống vốn rất phức tạp mà.

7.

Có thể nói một nền văn học khỏe mạnh cần có một nền văn học giấy in khỏe mạnh, nhưng cũng có thể nói quan điểm đó xưa rồi. Ngày nay internet phát triển đến cả những vùng nông thôn, ở thành thị hầu hết gia đình nào cũng nối mạng người ta có thể dễ dàng tìm kiếm những thông tin cần thiết trên mạng mà không cần tốn nhiều thời gian quá mức. Vì vậy xuất bản trên mạng là một lợi thế để tác giả, tác phẩm đến nhiều và đến nhanh hơn với độc giả. Nhưng cũng cần phải nói rằng, nếu được cầm trực tiếp trên tay tác phẩm xuất bản của mình bằng giấy mực để thấy được thành quả, hình khối của đứa con tinh thần vẫn hạnh phúc hơn là phải xem qua màn hình vi tính. Dù xuất bản trên mạng hay xuất bản qua in ấn thì cũng đều có những lợi thế của nó. Ai cũng vậy, cần phải có chỗ để cho đứa con tinh thần của mình trình diện chứ, không nhất thiết trình diện ở nơi này rồi lại không thể trình diện ở nơi khác.

 

 

Bùi Ngọc Khôi

Sống và làm việc tại California. Cộng tác cùng Hợp Lưu, Văn Học, Văn…

pv tannien 2 01

1.

Chữ định mệnh thật bao quát và trừu tượng. Tôi chỉ dám nói văn chương là một phần to lớn của nền văn hóa. Khi văn chương bị xoi mòn, văn hoá sẽ suy thoái. Văn chương có thể bị xoi mòn nếu ngôn ngữ bị băng hoại và tình trạng này rất khả thi nhất là ngôn ngữ của nước ta không phải là ngôn ngữ phổ thông trên thế giới trong khi đó ta lại du nhập chữ của người làm của mình ngày càng nhiều và dùng thế chữ mình. Ngược lại, khi vận nước suy thoái thì nền văn hóa có thể bị suy đồi và văn chương bị mai một

2.

Ghi lại những biến chuyển của đất nước? Giới viết ở hải ngoại tuy có tự do viết hoàn toàn nhưng tôi chưa thấy các biến chuyển quan trọng được ghi lại đầy đủ, có lẽ vì tôi không có tầm đọc rộng. Còn về giới cầm bút trong nước, họ nằm trong hoàn cảnh «bó tay» nên không vung tay được. Nói thế chứ tôi không có nhiều ý kiến vì thiếu kiến thức về tình hình văn học trong nước. Ghi lại những xáo trộn xã hội và những biến chuyển lịch sử phải chăng là trách nhiệm của các nhà xã hội học và sử học?

3.

Tôi không có ý kiến vì thiếu kiến thức về tình hình văn học trong nước. Tuy nhiên qua một số ít các tác phẩm từ trong nước đưa ra mà tôi đã đọc thì tôi thấy những điều nêu lên trong câu hỏi có hiệu ứng dù là giới hạn. Thường thì tác giả viết về các ảnh hưởng xấu xa của «mặt trái» của Ðổi Mới lên trên con người. Còn về ngoài này thì trong vòng nhận định hạn hẹp của tôi, tôi thấy dường như mình vẫn còn lẩn quẩn trong vai trò một người tị nạn, một công dân mới của quốc gia tiếp nhận mình và viết trong giới hạn đó.

4.

Cũng như trên, tôi không có nhiều ý kiến về tình hình văn học trong nước vì thiếu kiến thức nhưng tôi thấy hình như văn chương VN hải ngoại thiếu người đọc vì thiếu khả năng khơi động sự chú tâm của quần chúng vào văn chương Việt cũng như duy trì sự chú tâm đó. Thật tâm nói, tôi không biết khi nào thì văn chương Việt hải ngoại sẽ chết sau khi thế hệ tị nạn đầu tiên qua đời.

5.

Một truyện hay, dù ngắn hay dài, làm người đọc vương vấn với truyện sau khi đã đóng sách lại. Truyện hay để lại những dấu vết của nó trong óc trong lòng người đọc. Những tức giận, băn khoăn, thơ thới, buồn bã hay yêu đời lưu lại là những chứng tích của một truyện hay. Người đọc không thể chỉ thở ra nhẹ nhõm, cất sách lên kệ như vừa đọc xong chương cuối sách học thi. Có những lúc những gì mình nghe được thấy được trong cuộc sống hàng ngày chợt làm mình nhớ lại một nhân vật, một hoàn cảnh hay một trạng thái tâm hồn trong một truyện đã đọc trước kia. Truyện ngắn thường nhắm vào một điểm không gian hay thời gian nào nhất định

6.

Có nhưng hiếm.

7.

Tôi đã xem xét một số tập san trên mạng và không thích lắm vì chúng nhắm vào thông tin và thương mại nhiều hơn và cách trình bày loè loẹt kệch cỡm không thích hợp cho tác phẩm văn chương. Cá nhân tôi vẫn thích cầm quyển sách trên tay hơn là đọc trên màn ảnh. Xuất bản qua phương thức internet rẻ hơn và dễ quản trị hơn là ấn phẩm nên hấp dẫn đối với các người làm báo nhưng nó chỉ thích hợp cho tin tức và truyện ngắn. Tôi không biết có ai thích ngồi đọc cả truyện Thủy Hử hay Ba Sinh Hương Lửa trên mạng. Có lẽ trong tương lai internet sẽ đào thải việc xuất bản ấn phẩm và đó sẽ là một trong những ngày buồn nhất trong đời tôi. Một ứng dụng hữu ích cho việc đọc trên mạng là khi mình đọc ngoại ngữ, gặp chữ khó chỉ cần highlight xong pop up bật lên cho xem định nghĩa. Tôi chỉ gởi bài cho các tạp chí thuần văn học đứng đắn nghiêm trang.

 

 

Trần Thị NgH.

pv tannien 2 01

Lý lịch trích dọc:

– Tên thật Trần Thị Nguyệt Hồng

– Bắt đầu viết từ thập niên 60.

– Ðã cộng tác với các tạp chí Văn, Vấn Ðề, Thời Tập, Thời Văn, Hợp Lưu…

– Tác phẩm đã xuất bản:

– Tập truyện ngắn Trần Thị NgH, nhà xuất bản Văn Nghệ, CALIFORNIA, USA,1999.

– Lạc Ðạn và Mười Truyện Ngắn, nhà xuất bản Thời Mới, TORONTO, CANADA, 2000.

– Hiện sống và làm việc tại Việt Nam.

1.

Ðịnh mệnh của bộ lạc Ibo đã được thể hiện bằng tiếng Anh chuẩn, điểm xuyết một ít thổ ngữ qua Things Fall Apart – một trong bộ 4 tác phẩm được viết giữa 1958 và 1964 – của Chenua Achebe, nhà văn Nigeria.

2.

Cuồng lưu chảy mạnh và nhanh, nhưng sẽ có trầm tích.

3.

Văn hóa nghe nhìn nhấn chìm văn hóa đọc; màn hình sáng lên trong khi các trang giấy nhầu đi. Trước những cánh cửa mở, nhiều người vẫn còn thập thò. Không ít người thập thò trước những cánh cửa không chịu mở.

4.

Ðộc giả.

5.

Là cà-phê phin không đường chảy âm ấm vào cổ họng còn để lại đăng đắng ở lưỡi và ngan ngát ở mũi

6.

Không; nhưng bản thân thường ăn ở hợp vệ sinh nên không thích sự bầy hầy.

7.

Mùi giấy mới trộn mùi mực in, với bìa trước trình bày mỹ thuật và bìa sau có ghi giá bán.

TV thực hiện