Menu Close

Thơ Diễm Châu

 Diễm Châu là một tài hoa lặng lẽ của miền Nam, một trí thức lạc loài ngay chính trên quê hương mình và ở quê người. Ông sinh ra ở Hải Phòng, học hành, sống và làm việc ở Miền Nam, rồi thất vọng vì chế độ CS, ông và gia đình di cư tới ở Strasbourg, Pháp quốc, năm 1983 cho đến ngày ông lìa trần 28. 12. 2006. Sự nghiệp lớn nhất của Diễm Châu là dịch thuật. Ông đã dịch và giới thiệu có đến hàng trăm tác phẩm của những nhà văn hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, nói đến con người văn học nghệ thuật của Diễm Châu là phải nói tới thơ. Thơ Diễm Châu, như Huỳnh Như Phương nhận xét, là cảm xúc nồng ấm pha nỗi ngậm ngùi của một lương tâm trí thức đau đáu trước thân phận quê hương và tình yêu qua một bút pháp hài hoà giữa truyền thống và cách tân.

tho diemchau

 

 

Bài thơ

Thế là tôi đã lấp đầy một hình chim

bây giờ cánh chim không còn là của tôi nữa

nó là của mọi chiều không gian

của mọi màu đèn của mọi thành phố của mọi làng quê

của những cành xanh của những cành tím của cả những cành

không còn màu sắc

trên trái đất

bây giờ thơ của người đã truyền vào mạch máu

tôi trả lại người cho sự sống

hay sự chết

đang tìm đường trở lại

đang vu vơ hỏi thăm những đường phố

khi những bụi gai đang chờ tôi

những giọt máu cũng đang chờ tôi nữa

ai sẽ ngắt những bông hồng đỏ thẫm cho tôi

ai sẽ gạt đôi hòn sỏi làm đau thân xác

ai sẽ trồng nơi tôi cây đời thẳng đứng

và ai sẽ đem lại cho tôi dòng nước ngầm

từng tưới đẫm hồn tôi

bây giờ

cánh chim mà tôi tự rót đầy

bằng những đêm nhung đen

bằng những ngày hồng thắm

cánh chim mà tôi đã trang sức

bằng những vòng âu yếm

và cả những nụ hôn thầm lén

cánh chim mà tôi đã vây bủa

bằng những lời yêu thương

cánh chim ấy không còn là của riêng tôi nữa

 

 

Kiến & những móng tay m.

Những con kiến tụ lại dưới chân –

Anh buồn buồn

Khi trở thành cột mốc im lìm cho chúng vượt qua.

 

Nơi hang động thời tiền sử

Những con bò rừng nghiêng đầu trên bức vách

Ngoài kia phơi phới cỏ

Ngoài kia là ngày mới

Gió cuốn phăng rác rưởi –

Gió lọt vào buồng em

Lay nhẹ đôi cánh hoa vừa thức giấc

 

Có tiếng xôn xao của loài chim biển

Mùi cá khô dần trên bãi lách

Em vươn vai rũ bỏ cơn mộng dữ

Chào đón mặt trời

Những ngón tay hồng run run

Mơn man hơi thở nồng

Em trở lại nguyên hình loài bọ cạp

Mạng sống anh đeo trên đầu những móng tay em.

  

Những con kiến hăm hở dưới chân –

Anh thật buồn

Khi trở thành cột mốc lặng lờ cho chúng bò qua.

15-12-’05.

 

 

Em yêu dấu

mỗi ngày anh viết một tờ thư

những lá thư chồng chất

không người nhận

mỗi ngày anh vẽ một con tem

mang hình một người bạn

những người bạn không còn nữa

mỗi ngày anh trút hơi thở lên trang giấy

hơi thở đóng băng

mỗi ngày anh nắn nót từng dòng chữ

dòng chữ hóa đá

 

anh đằm mình trong bụm cỏ

gặm nhấm ngày qua như một cọng rác

anh lau mặt bằng tình thương mòn mỏi

gạt những sợi tóc bạc dần…

 

mỗi ngày

tia nắng đầu tiên nhỏ một giọt lệ

anh lại viết một tờ thư.

9. 1984

 

 

Bài ca trên đồi

giản dị như nụ cười ngày đầu

đôi môi chúng ta lại gặp nhau

13 năm thiêu trong vàng gió

paris ngoan như một bầy cừu

 

khói lò sát sinh nhạt nhoà

hoa muget nở

hơi thở

chục 13

thơ tập tành vần điệu

tim nhịp đôi

 

giản dị như nụ cười không một hôm sau

đôi vai chúng ta chỗ tựa đầu

13 năm vàng thiêu trong gió

paris tóc bạc quấn tóc nâu.

SACRÉ-COEUR, PARIS 1996

 

 

Của những người sinh ra

GỬI HOÀNG NGỌC BIÊN

Có những người cười như khóc

có những người khóc như cười

khi ta sinh ra ít nhất cũng có hai người cười

một là mẹ ta hai là cha ta

dĩ nhiên!

còn ta ta cười hay khóc

ta mừng rỡ điều chi

được mở mắt nhìn người

được ngửi mùi éther

hay được nếm vị bùi của bầu sữa?

chắc chắn là ta đã không hiểu được

có những người cười như khóc

lại có những người khóc như cười…

khi ta nấc lên từng hồi

những tiếng oa-oa

mẹ ta – bà Nữ Oa đội đá vá trời –

nhìn ta khoan dung

còn cha ta

ông đã nghĩ tới những ngày lặn lội

nơi rừng xanh núi biếc của ông lang nhỡn?*

ta ta không thể khóc

cũng không thể cười

khóc với cười là những triệu chứng suy đồi

của những kiếp người về sau…

ta oa-oa để báo hiệu

cùng mây trắng qua cửa sổ

cùng con gi sừng làm tổ trên cành cọ

– con chim mang trên lưỡi một chiếc nhẫn –

rằng trời đất mênh mông đã có ta

ta cũng mang một hạt đá quý

– trong miệng –

ta vật vã trước một kiếp nổi trôi

với gió

ta ngang ngửa trước như một cọng cỏ

ta chờ ta chín tới và ánh sáng tỏa ra

từ hạt ngọc ấy

ở cõi đời mà ta sẽ biết tiếng khóc tiếng cười

của những người sinh ra.

18.01.2005

 

* Ông lang thời xưa chuyên chữa các bệnh về con mắt, bảng hiệu trước nhà thường vẽ một con mắt. Truyền rằng ông đã “lên tu trên núi biếc” để “thấy đôi vợ chồng chim chích đang ríu rít bên nhau…”