Cơm Hến là một món cơm bình dân xứ Huế, nhưng trong đó chứa đựng cả một quá trình thật vất vả. Trước tiên, nói đến cơm Hến, dĩ nhiên là phải nói đến Hến. Muốn có được Hến, chúng ta không thể nào không nhắc đến những người làm nghề cào Hến trên sông Hương, hay đãi Hến nơi cồn Hến. Họ vất vả đi xúc, đãi từng con Hến nhỏ, về ngâm nước cho Hến nhả hết cát. Xong, họ rửa sạch, đun sôi lấy nước Hến, đãi lấy thịt Hến ra khỏi vỏ. Thật là nhiêu khê.
Cồn Hến – NGUỒN PANORAMIO.COM
Tuy nhiên, ngày nay, có những lò chuyên nấu Hến và cung cấp Hến và nước Hến cho những quán ăn, những người bán hàng gánh, nên khâu này được giản dị thêm một bước.
Phần tiếp theo cũng rắc rối những vấn đề, tuy là món bình dân nhưng theo đó là một chuỗi những rau và gia vị ăn kèm. Rất cầu kỳ thường có trong những cách chế biến thức ăn của kinh đô Phú Xuân một thời.
Rau gồm: Khế chua cắt từng ngôi sao năm cánh rất đẹp mắt, bạc hà, bắp chuối (từ hoa chuối), lõi cây chuối non, rau muống chẻ, giá sống, rau xà lách, rau thơm đủ loại, ớt trái, chanh… (như thế đã có trên 10 loại rau trái khác nhau)
Gia vị: Hành khô, gừng, tương ớt, mắm ruốc, đậu phụng chiên, tóp mỡ, (có nơi còn cho thêm bánh tráng nướng)
Và dĩ nhiên là phải có cơm.
Thật ra, ngày xưa cơm Hến dành cho những người nhà nghèo. Muốn sử dụng lại cơm nguội, nên ngày hôm sau chỉ luộc nồi Hến lên, rồi ra vườn cắt những thứ rau trái có sẵn trong vườn, nhất là lõi cây chuối non (phần già thường bằm cho heo ăn). Những món rau ăn độn với cơm, làm thành món cơm Hến.
Bắt hến tại Vỹ Dạ – NGUỒN VIETNAMNET.VN
Tôi nhớ nhất những sáng mưa phùn bay lất phất, thấy người gánh cơm Hến run rẩy trong chiếc áo mưa tơi. Khói nghi ngút một đầu gánh, đi ngang qua sân nhà. Me tôi thế nào cũng gọi bà vào, mua vài tô cơm Hến. Nhẹ nhàng đặt gánh xuống hiên nhà, bà gỡ miếng nylon che mỗi đầu quang gánh. Những giọt mưa như những giọt nước mắt theo đó nghẹn ngào nhểu xuống nền nhà. Ðôi tay bà run run trong cái lạnh. Hình ảnh đó vẫn theo tôi suốt từ thời thơ ấu. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dãi dầu với biết bao hy sinh, chịu thương, chịu khó. Mỗi lần có dịp ăn cơm Hến, tôi không thể nào không bùi ngùi nhớ lại những hình ảnh cũ. Chỉ một tô cơm bình dân thôi, cũng đã gói ghém biết bao gian lao khó nhọc trong đó. Gánh cơm Hến. Một đầu gánh là nồi nước Hến cùng cơm và những gia vị như mắm ruốc, ớt, chanh, tương ớt, đậu phụng chiên giòn, tóp mỡ. Ðầu kia là một thúng đầy những thứ rau mát mắt, đã cắt rửa sẵn.
Trước tiên, bà múc ra tô một ít cơm, sau đó nào rau, nào đậu phụng rang, nào tóp mỡ hành khô và Hến, tôi nhớ là Hến rất ít, chỉ một muỗng canh mà thôi. Và một chén nhỏ nước Hến múc riêng. Trộn tất cả những hỗn hợp trên, thêm vào chút tương ớt đặt biệt của người Huế, chút mắm ruốc, vắt chút chanh tùy khẩu vị mỗi người. Ăn trong cái cay cay, chua chua, mằn mặn quyện trên đầu lưỡi. Ăn trong cái giòn giòn ngọt ngào của rau sống, cùng cái giòn rụm béo ngậy của tóp mỡ và đậu phụng chiên làm tăng nồng vị giác. Thỉnh thoảng múc một muỗng nước Hến cho vào miệng, nước Hến ngọt lịm đưa cơm trơn tuột vào dạ dày. Thật không có cái món cơm bình dân nào sánh bằng.
Ngoài trời, mưa bay lất phất, ngồi co ro bên lò than của nồi nước Hến, ăn tô cơm Hến. Hít hà vị cay của ớt chạy vào ấm buồng ngực. Nhìn đôi tay thoăn thoắt của bà bán bún Hến gánh, như đang dạo trên những phím dương cầm khúc nhạc không lời đầy những nốt thương yêu, cơ hàn, nhẫn chịu. Khúc nhạc đó vẫn còn vang lên trong lòng tôi, mỗi khi nhớ về xứ Huế.
Cơm hến – NGUỒN DANANG43.COM
Nói đến cơm Hến phải nói đến cồn Hến. Cồn Hến, nằm ở hạ nguồn sông Hương cách thành phố Huế khoảng 4km. Cồn Hến thuộc xã Hương Lưu, phường Vĩ Dạ, rất nổi tiếng qua bài thơ “Ðây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Ăn cơm Hến phải tới cồn Hến ăn mới đúng là cơm Hến chính gốc. Hến được bắt và đãi tại đây. Có nhiều quán cơm Hến ở Cồn Hến. Lái xe qua Cồn Hến, vào những con đường đất. Dọc bên đường là những quán cơm Hến, bún Hến, cháo Hến. Chúng tôi dừng xe lại ở quán Hoa Ðông,
Quán là những mái tôn được lợp chìa ra khỏi hiên nhà. Trong vườn, những bàn ghế bình dân nằm chờ khách. Vài bàn đã có khách cười nói xôn xao, âm thanh rất Huế.
Dĩ nhiên tôi kêu một tô cơm Hến. Ăn cơm Hến, lòng bồi hồi nhớ đến thuở ấu thời. Ðã bao nhiêu năm trôi dạt khắp nơi, nhưng lòng lúc nào cũng nhớ về một nơi chốn tôi đã được sinh ra. Và, cơm Hến cùng bà bán gánh dạo thường đi ngang nhà tôi mỗi sáng, ngày xưa. Tôi thương quá, tà áo dài ngả màu, rách nhầu bà vẫn thường mặc, khi gánh cơm đi bán. Và những làn khói vương vất gót chân bà. Khói vẫn vương vất hồn tôi dù thất lạc. Tôi thẫn thờ nhìn quanh, con đường làng xanh lá. Chợt nhớ câu thơ họ Hàn “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh.”
VP