“Hậu Chuyện Kể Năm 2000: Thời Biến Ðổi Gen” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành năm 2015, kể lại những điều khốn khó trong thời gian tác giả tìm cách in sách mà không bị kiểm duyệt, cũng như khi bị công an tịch thu hàng ngàn quyển chưa phát hành để rồi nghiền nát và hủy bỏ. Những nhận xét về “Hậu Chuyện Kể Năm 2000” trong sách nhấn mạnh đến văn tài của Bùi Ngọc Tấn, và những điều ông phải cam chịu khi cầm bút viết văn trong chế độ cộng sản. Tướng Trần Ðộ, nhà bất đồng chính kiến, đã viết: “Chuyện Kể Năm 2000 là một cuốn truyện mà người đọc không thể kể lại được, không tóm tắt được, thậm chí không trích dẫn được bởi vì nói về tự do thì có trăm nghìn cảnh sống đều làm người ta phải đau đớn về sự mất tự do như một bộ quần áo, một đôi guốc, một cái điếu cày, một nhánh rau thơm, một lời chửi rủa, mắng mỏ đều có thể mang ý vị của tự do hoặc nỗi uất nghẹn của mất tự do. Cho nên muốn thuật lại, thì chỉ có cách chép lại toàn bộ cuốn sách… Nhiều nơi, nhiều người có ý kiến là phải đem cuốn tiểu thuyết này đi ứng cử giải Nobel văn học. Tôi thấy không phải là không có lý…” [trang 490]
Riêng tác giả Bùi Ngọc Tấn đã kể lại nghĩa tình của các văn thi sĩ giúp ông giấu quyển “Chuyện Kể Năm 2000”:
“…Hai cô bạn gái nói về tác động tập sách đối với giới văn nghệ sĩ. Nhất là các nhà văn. Ai lấy cả một thùng 50 bộ. Ai lấy 20 bộ. Làm giúp công việc phát hành. Mua để tặng bè bạn. Dư luận đang rất xôn xao. Lại càng xôn xao khi có lệnh đình chỉ phát hành. Xe ô tô chở sách đến. Ðó là một xe tải cỡ nhỏ. Xe đỗ ở ngã ba Trương Hán Siêu – Ngô Văn Sở. Luyến thật xốc vác, giải quyết công việc rất nhanh. Dặn dò người lái xe xong, chị và anh ta vần từ thùng xe xuống một thùng sách, đặt trên pooc-ba-ga xe Honda và cứ để nguyên như vậy, không chằng buộc, rồ máy biến vào đám đông. Tôi rất lo. Ðã từng bị săn đuổi, tôi biết. Luyến chủ quan quá. Sơ hở quá. Mong rằng người ta chưa theo dõi gắt gao. [ Trang 233]
Trong “Hậu Chuyện Kể Năm 2000: Thời Biến Ðổi Gen” nói đến tác phẩm “Chuyện Kể Năm 2000” bị nhà cầm quyền Việt Nam tịch thu, nhưng lại là quyển sách ngay lập tức được dịch sang Tiếng Anh, Tiếng Ðức, Tiếng Pháp. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn được so sánh với nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn – người sống dưới thời Liên Xô. Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao “Chuyện Kể Năm 2000” được các nhà văn, nhà thơ liều lĩnh cất giữ mặc dù có lệnh tịch thu? Câu trả lời thật rõ ràng: Quyển sách bày tỏ ước mơ được sống trong không khí tự do dân chủ của tất cả mọi người.
Nói đến Bùi Ngọc Tấn là nói đến những câu chuyện để đời như Người Chăn Kiến, như Biển và Chim Bói Cá…Tài liệu nghiên cứu bình luận về văn chương của ông không nhiều, đa số chỉ là những bài báo mà độc giả và bằng hữu của ông trao đổi trên truyền thông xã hội, hay viết trong blog cá nhân của họ. Năm 2012, trong liên hoan Sách và Biển tại Pháp, tác phẩm Biển Và Chim Bói Cá của ông được trao giải thưởng Henri Queffélec, và được dịch sang Tiếng Pháp. Những tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có Hồi Ký Một Thời Ðể Mất -1995; Những Người Rách Việc – Truyện Ngắn 1996; Một Ngày Dài Ðăng Ðẳng- Truyện Ngắn 1999; Rừng Xưa Xanh Lá – Chân Dung Văn Học 2002; Biển Và Chim Bói Cá – Tiểu Thuyết 2008…
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn [1934-2014] quê ở Hải Phòng. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương khi là ký giả của nhật báo Tiền Phong. Nhờ đi nhiều ông thu thập được không ít đề tài để viết, và đã kể lại những điều trông thấy mà đau đớn lòng trong cuộc đời thăng trầm của chính ông, trong cuộc đời của cõi người ta bằng văn phong giản dị, chân thực làm cảm động lòng người.
HNP – 5:15pm Thứ Bảy ngày 30 tháng 01 năm 2016