Bước vào Tháng Hai cũng là lúc mùa bầu cử tại Hoa Kỳ đã chính thức bắt đầu. Mặc dù trước đó hơn nửa năm, cả một rừng ứng cử viên, đặc biệt bên Đảng Cộng hoà có tới 17 nhân vật, đã ráo riết tranh cử; đồng thời những cuộc thăm dò dư luận, từ báo chí cho đến ủy ban tranh cử của các ứng cử viên, diễn ra mỗi ngày trong suốt nhiều tháng qua.
Một buổi debate của Đảng Cộng Hòa – nguồn Getty
Nhưng phải chờ tới khi cuộc bỏ phiếu cho vòng sơ bộ của mỗi đảng (với hai đảng lớn là Dân chủ và Cộng hoà) thật sự diễn ra hôm 1 Tháng 2 tại tiểu bang Iowa theo thể thức bỏ phiếu trong phòng kín (Caucus) và hôm 9 Tháng 2 tại tiểu bang New Hampshire theo thể thức bỏ phiếu thông thường tại các phòng phiếu – thì người ta mới biết được sự ủng hộ của cử tri đối với tất cả các ứng cử viên ra sao.
Iowa và New Hampshire là hai tiểu bang tương đối nhỏ mà lại có hai thể thức bầu cử khác nhau, nhưng lại được chú ý nhiều là vì đây là hai tiểu bang theo truyền thống luôn bắt đầu cho một loạt các cuộc bầu cử sơ bộ (primary election) tiếp nối nhau tại 50 tiểu bang khắp Hoa Kỳ.
Bầu cử sơ bộ ở Mỹ là một tiến trình hết sức nhiêu khê và đôi khi khó hiểu. Chỉ lấy ví dụ về thể thức bầu sơ bộ tại Iowa và New Hampshire ta đã thấy có nhiều khác biệt. Lý do là vì luật bầu cử sơ bộ là do tiểu bang và nội bộ của mỗi đảng quyết định, và cử tri đi bỏ phiếu cho các ứng cử viên tại hầu hết các tiểu bang là chỉ dành cho thành phần cử tri của đảng (tức trong phiếu ghi danh bầu cử họ nói rõ là thuộc đảng nào). Tuy nhiên, vẫn có một vài tiểu bang, trong đó có New Hampshire, còn cho phép cử tri độc lập, bầu sơ bộ ứng cử viên của đảng.
Danh sách Ứng cử viên Tổng Thống Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ
Cuộc bỏ phiếu tại New Hampshire là theo thể thức thông thường, tức cử tri đi bỏ phiếu tại các địa điểm phòng phiếu, thì đơn giản và hầu như ai cũng hiểu. Nhưng bỏ phiếu trong phòng kín kiểu caucus như tại Iowa thì khác và có phần hơi khó hiểu.
Bỏ phiếu theo cách caucus là lối bầu cử cũ và rất mất thì giờ. Như tại Iowa hôm 1 Tháng 2, cử tri không chỉ đến phòng phiếu bỏ phiếu rồi ra về, mà họ được đưa vào một phòng họp. Tại đây, cử tri thảo luận về ứng cử viên họ ủng hộ, đồng thời lựa chọn đại biểu để đi dự đại hội đảng của tiểu bang sau đó cũng như thảo luận về các sinh hoạt và đường lối hoạt động của đảng. Cũng vì bỏ phiếu theo lối này nên caucus không lôi kéo được nhiều cử tri đi bầu như cách bỏ phiếu thông thường.
Do đó, có thể nói cuộc bỏ phiếu tại New Hampshire mới chính thức mở màn cho cuộc bầu cử sơ bộ vì nó được nhiều cử tri tham gia hơn và tạo một cái đà cho các ứng cử viên trong thời gian tranh cử còn lại – và riêng đối với Đảng Cộng hoà, trong bốn cuộc bầu cử trước đây, ứng cử viên nào thắng được sơ bộ New Hampshire thì kết quả là sẽ được đảng đề cử để tranh cử tổng thống tại đại hội đảng sau đó.
Cũng vì được chú ý nhiều như vậy nên có một số người không đồng ý để Iowa và New Hampshire mở màn. Riêng với New Hampshire, tiểu bang này chỉ được quyền gửi đi 23 đại biểu để tham dự Đại hội đảng Cộng hoà và do đó tính ra kết quả cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại New Hampshire không gây bao nhiêu ảnh hưởng tại đại hội đảng như một số tiểu bang khác, ví dụ như California, là tiểu bang được quyền gửi 172 đại biểu. Thế nhưng, trong khi bầu sơ bộ tại New Hampshire diễn ra trong ngày 9 Tháng 2, thì sơ bộ California phải chờ tới ngày 7 Tháng 6 năm nay, lúc mà kết quả sơ bộ ai thắng ai thua đã rõ.
Bernie Sanders và Hillary Clinton tại Nam Carolina – nguổn independent.co.uk
Hơn nữa, đây là hai tiểu bang mà dân số người da trắng áp đảo nên cũng gây ra nhiều thắc mắc không chỉ trong đảng mà luôn cả cử tri toàn quốc. Để giải quyết một phần thắc mắc này cũng như để đưa vào thành phần cử tri thuộc nhiều sắc tộc khác và sự đa dạng của vùng, kể từ năm 2008, trước hết là Đảng Dân chủ, sau đó là Đảng Cộng hoà, đã đưa hai tiểu bang Nevada và South Carolina vào danh sách những tiểu bang bầu sơ bộ sớm trong Tháng 2. Tiểu bang Nevada có thêm thành phần cử tri gốc châu Mỹ La tinh và thuộc miền tây nước Mỹ trong khi tiểu bang South Carolina có thêm thành phần cử tri da đen và thuộc miền nam.
Mặc dù đã có bốn tiểu bang với những thành phần cử tri sắc tộc khác nhau được bỏ phiếu sớm trong Tháng 2, nhưng đây vẫn là bốn tiểu bang với dân số thấp so với nhiều tiểu bang khác nên vẫn chưa làm thoả mãn một số người. Vậy tại sao lại là bốn tiểu bang này?
Lý do là vì theo thoả thuận chung, cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ đều muốn tiến trình đề cử ứng cử viên đại diện cho đảng cần được tiến hành từ từ và chậm rãi. Trước hết là để những tiểu bang nhỏ bỏ phiếu trước, đặt bước đầu tiên cho các ứng cử viên có tiềm năng có đủ thời gian để tự giới thiệu họ với cử tri.
Sau khi bốn tiểu bang trên bỏ phiếu trong Tháng 2, tất cả những tiểu bang khác sẽ lần lượt bỏ phiếu sơ bộ trong khoảng thời gian từ Tháng 3 cho đến đầu Tháng 6. Trong đó được chú ý nhiều nhất là cuộc bỏ phiếu vào ngày Super Tuesday, năm nay rơi vào ngày 1 Tháng 3, bao gồm 14 tiểu bang, trong đó có những tiểu bang đông dân như Colorado, Georgia, Texas và Virginia, chiếm một số phiếu đại biểu khá lớn.
Con số đại biểu tại mỗi tiểu bang được gửi đi dự đại hội đảng toàn quốc cũng được tính trên dân số của tiểu bang đó. Tiểu bang đông dân thì có số đại biểu đông hơn có mặt tại đại hội đảng để chính thức đề cử ứng cử viên của đảng cho chức vụ tổng thống.
Việc chọn đề cử cũng được dựa trên kết quả bầu cử sơ bộ tại mỗi tiểu bang. Bên phía Đảng Dân chủ, phiếu đại biểu được dựa trên tỉ lệ kết quả của bầu sơ bộ. Ví dụ, một ứng cử viên chiếm được 60% phiếu bầu của cử tri thì ứng cử viên đó nhận được 60% phiếu đại biểu tại đại hội đảng. Trong khi phía Đảng Cộng hoà thì lại tùy ở mỗi tiểu bang, một số tiểu bang theo cách thức tính tỉ lệ kết quả bầu sơ bộ như trên, nhưng lại có một số tiểu bang khác, ứng cử viên nào thắng sơ bộ ở tiểu bang đó thì nhận được tất cả số phiếu đại biểu của tiểu bang đó (tiếng Anh gọi là winner-take-all).
Đại hội Đảng Cộng hoà năm nay được tổ chức tại Cleveland, Ohio, từ ngày 18-21 Tháng 7 với 2,472 đại biểu tham dự. Ứng cử viên nào chiếm được hơn 50% số phiếu đại biểu, tức 1,237 phiếu cộng 1 thì sẽ được đại biểu đề cử. Trong khi Đại hội Đảng Dân chủ được tổ chức tại Philadelphia, Pennsylvania từ ngày 25-28 Tháng 7 với 4,764 đại biểu tham dự, vậy ứng cử viên nào chiếm được 2,383 phiếu đại biểu thì sẽ được đề cử.
Sau hai cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại Iowa và New Hampshire, đến nay đã có nhiều ứng cử viên bỏ cuộc. Gần đây nhất, bên Đảng Cộng hoà có Thống đốc Chris Chrisie thuộc tiểu bang New Jersey và Carly Fiorina, cựu Tổng giám đốc công ty Hewlett Packer. Nay chỉ còn lại các ứng cử viên Donald Trump, Ted Cruz, John Kasich, Marco Rubio, Jeb Bush và Ben Carson. Nhiều người dự đoán, sau bầu sơ bộ tại South Carolina vào ngày 20 Tháng 2, John Kasich, Thống đốc Ohio sẽ rút lui, vì thiếu sự ủng hộ từ cử tri cũng như quỹ tranh cử đã cạn.
Phía Đảng Dân chủ vẫn là hai ứng cử viên Hillary Clinton và Bernie Sanders. Ứng cử viên Martin O’Malley, cựu Thống đốc Maryland, đã bỏ cuộc ngay sau kết quả sơ bộ tại Iowa.
Kết quả bỏ phiếu sơ bộ tại Iowa, ứng cử viên Ted Cruz của Đảng Cộng hoà thắng 26.7% số phiếu và ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ thắng với 49.9% số phiếu, nhưng chỉ hơn đối thủ Bernie Sanders có 0.25%.
Đúng tám ngày sau, kết quả bỏ phiếu sơ bộ tại New Hampshire với hai ứng cử viên Donald Trump (Cộng hoà) và Bernie Sanders đã thắng áp đảo. Donald Trump chiếm 35.3% số phiếu, hơn gần 20% so với ứng cử viên về nhì là Kasich. Trong khi đó Bernie Sanders (Dân chủ) chiếm 60.4% số phiếu, hơn đối thủ về nhì là Clinton hơn 22%, là kết quả khác biệt cao nhất trong lịch sử bầu cử sơ bộ tại New Hampshire.
Qua kết quả bỏ phiếu sơ bộ đầu tiên tại hai tiểu bang trên, ứng cử viên Bernie Sander là người gây nhiều ngạc nhiên nhất và gặt hái được nhiều thành công nhất trong cuộc vận động tranh cử thời gian qua. Khi Sanders tuyên bố ra tranh cử tổng thống vào Tháng 4 năm ngoái trong một cuộc họp báo gần bên toà nhà quốc hội, hầu như không ai tại thủ đô Washington chú ý đến ông. Lúc đó, qua những cuộc thăm dò toàn quốc, Sanders chỉ được trung bình 5.6% ủng hộ; trong khi Hillary Clinton được sự ủng hộ của cử tri lên tới 62.2%. Kết quả thăm dò vào ngày 1 Tháng 12 gần đây, Clinton vẫn dẫn trước Sanders hơn 4% điểm tại New Hampshire và hơn 10% điểm tại Iowa. Ngay từ lúc đầu, Clinton được xem như là ứng cử viên không thể thất bại; trong khi Sanders, một chính trị gia có khuynh hướng xã hội và tự cho mình là người thuộc vòng ngoài của đảng, bị coi thường và khó có khả năng thắng ở vòng sơ bộ.
Riêng câu chuyện bầu cử bên Đảng Cộng hoà thì lại khác. Từ khi ứng cử viên Donald Trump tuyên bố tranh cử tổng thống, qua nhiều cuộc thăm dò toàn quốc, luôn luôn dẫn đầu với sự ủng hộ trung bình từ 30-35%, hơn đối thủ về nhì là Ted Cruz khoảng 10%. Nhưng điều đáng nói là tỉ phú Donald Trump không phải là một chính trị gia thực thụ, là người ăn nói bạt mạng và nhiều khi vô trách nhiệm. Trong những cuộc tranh cử trước đây, một ứng cử viên như vậy thường bị cho ra rìa ngay từ đầu. Tuy nhiên, có một điều lạ lùng là mỗi khi Trump ăn nói cẩu thả (không hẳn là vô tình mà thường là có tính toán) thì sự ủng hộ của ông sau đó lại tăng. Trong khi những chính trị gia có thế giá của Đảng Cộng hoà như Bush, Kasich và Christie thì vẫn cứ lẹt đẹt ở đàng sau trong những cuộc thăm dò toàn quốc.
Vì vậy, cuộc bầu cử tổng thống năm nay, đặc biệt là ở bầu cử sơ bộ, mang một sắc thái hoàn toàn khác với những cuộc bầu cử trước đây. Theo các nhà phân tích, nhìn vào hai hiện tượng Bernie Sanders của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hoà, phần nào nói lên thái độ của người dân Mỹ đang mất niềm tin ở giới lãnh đạo, chán ghét những chính trị gia thực thụ, có thế giá và địa vị cao trong đảng (establishment), và quay ra ủng hộ những ứng cử viên ngoài cuộc (outsiders), cho dù ứng cử viên đó thực sự có tài năng và kinh nghiệm hay không.
Kết quả bầu cử sơ bộ năm nay sẽ kéo dài hơn bình thường, có thể đến Tháng 5 mới biết ai được đề cử, và sẽ còn gây thêm nhiều bất ngờ.
VH