Chiến tranh giữa hai miền Nam, Bắc Việt Nam đã chấm dứt từ 40 năm nhưng ảnh hưởng của cuộc chiến vẫn còn rõ rệt trong tâm tư người Việt, tại hải ngoại cũng như trong nước.
Những người Việt di tản chạy trốn hiểm họa cộng sản, trở thành công dân của các quốc gia tạm dung nhìn về quê nhà thương nhớ đồng đội, thân nhân và xót xa với những mảnh đời không may mắn. Bốn mươi năm rồi, niềm đau xót ấy vẫn còn day dứt khó nguôi trong lòng người Việt hải ngoại nhất là những người đã có thời cầm súng, đóng góp xương máu và tuổi thanh xuân cho đất nước.
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa rã ngũ, những người lính còn ở lại xoay trở với lầm than, khổ ải, với vết thương tâm thần và thể xác chưa kể những đối đầu thường ngày với sự ngược đãi từ chính quyền đương thời. Chẳng những người lính cũ chịu đày ải bức bách, con cái họ cũng chịu chung phần đời hẩm hiu, tương lai mù mịt tăm tối. Chịu đựng, họ vẫn tiếp tục chịu đựng từ 40 năm nay nhưng ước mơ tương lai cho con cái nung nấu trong lòng, và họ chờ đợi, mẩu tin nào về Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa cũng khơi dậy niềm hy vọng.
Hơn 100 thương phế binh về Dòng Chúa Cứu Thế dự buổi Tri Ân sáng ngày 27-12-2015 – NGUỒN NGOCLINHVUGIA.WORDPRESS.COM
Người lính đi thoát ngậm ngùi day dứt thương xót đồng đội tàn phế, thương tật còn ở quê nhà; người đi hoạt động tiếp tục tìm cách bảo trợ đồng ngũ, vận động, ủng hộ các chương trình định cư cho chiến hữu; kẻ âm thầm góp tay gây quỹ giúp đỡ bạn bè và họ cũng nung nấu niềm hy vọng.
Tị nạn và di dân
Ðọc lại trang sử 30 Tháng Tư, 1975 khi Saigon rơi vào tay Cộng Quân, khoảng 90,000 người Việt chạy ra biển được các tàu Hải Quân Hoa Kỳ cứu vớt và định cư tại Hoa Kỳ theo chiến dịch Operation New Life. Một số khác là các trẻ em được di tản trong chương trình Operation Baby Lift. Nói chung, trong mùa xuân năm ấy, khoảng 125,000 người được định cư tại Hoa Kỳ.
Từ năm 1978 đến giữa thập niên 80, khoảng 1-2 triệu người Việt rời quê hương bằng thuyền bè, họ được thế giới biết đến qua danh xưng “thuyền nhân” (boat people). Một số lớn mất tích trên biển cả, chết vì đói khát hoặc bị hải tặc giết hại. Hoàn cảnh khốn cùng của thuyền nhân Việt đánh động lương tâm thế giới và Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees hay UNHCR) đã đứng ra thành lập một chương trình di dân [có] trật tự, Orderly Departure Program, để giúp người Việt tị nạn rời Việt Nam một cách hợp pháp và theo trật tự. Ðây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất mà Cao Ủy Tị Nạn giúp dân tị nạn rời quốc gia gốc rễ. (1)
Chương trình ODP được thành lập từ năm 1979 dưới sự đồng thuận (Memorandum of Understanding) giữa Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và chính phủ Việt Cộng để những người chạy trốn cộng sản có thể rời Việt Nam một cách an toàn và hợp pháp thay vì liều thân ra biển, đổi mạng sống lấy tự do. Thỏa ước này cho phép di dân và người tị nạn Việt sinh sống tại hải ngoại (phần chính là Hoa Kỳ) đoàn tụ với thân nhân còn ở Việt Nam và vì các lý do “nhân đạo”. Ngoài mục đích di dân [có kiểm soát], thỏa ước này còn nhắm đến việc “làm dịu” cơn sốt chạy trốn cộng sản của dân Việt, cơn sốt lên đến cao điểm trong giai đoạn ấy, và “rửa mặt” cho chính phủ Việt Cộng [hà khắc, bạo ngược đến độ dân chúng liều mạng chạy trốn rầm rộ bất kể tai nạn cướp biển cũng như sóng gió hiểm nguy].
Tại Hoa Kỳ, the Orderly Departure Program (thường được gọi tắt là ODP) đưa được một số thân nhân người Việt di tản và chương trình Humanitarian Operation (HO) cho phép định cư những người tù chính trị, cựu quân nhân, công chức Việt Nam Cộng Hòa cùng thân nhân. Các điều khoản định cư theo ODP bao gồm: 1) Thân nhân của những người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ; 2) Nhân viên cũ của chính phủ Hoa Kỳ còn ở lại Việt Nam và; 3) Những người có “liên quan” đến Hoa Kỳ trước năm 1975 và con cái của công dân Hoa Kỳ hay “Amerasian children” (thường được gọi là “Diện Con Lai”) và thân nhân. (2)
– Những người tù cải tạo và thân nhân được định cư qua chương trình Humanitarian Operation (HO), một đề mục của ODP. (1)
– Năm 1987, Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành đạo luật the Amerasian Homecoming Act, cho phép những người Việt có cha là người Hoa Kỳ được đến Hoa Kỳ. Ðạo luật này đã nhận định cư khoảng 23-25,000 người “Con Lai” và 60-70,000 thân nhân. Ðây là một đề mục khác của ODP.
Văn phòng điều hành chương trình ODP tại Thái Lan chính thức đóng cửa vào năm 1999. Suốt 20 năm (1979-1999), chương trình di dân này đã giúp 523,000 người Việt định cư tại Hoa Kỳ dưới dạng “tị nạn” (refugees), “di dân” (immigrants) và “tạm dung” (parolees). Trong số ấy, 249,000 gia đình được đoàn tụ, 4,600 cựu nhân viên của chính phủ Hoa Kỳ được rời Việt Nam đi định cư.
Dưới đề mục đặc biệt của chương trình ODP (special ODP subprogram), từ năm 1988, trên 89,700 di dân đến Hoa Kỳ theo diện “Con Lai” và từ năm 1989, khoảng 167,000 người tù cải tạo cùng thân nhân cũng đã được định cư tại Hoa Kỳ.
Sau khi văn phòng chính của ODP đóng cửa, các hồ sơ chưa giải quyết đã được chuyển sang văn phòng the Refugee Resettlement Section (RRS), tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn vào Tháng Tám, năm 1999 dù chương trình ODP chính thức “khóa sổ” năm 1994. (3)
Tháng 11 năm 2005, Hoa Kỳ và Việt Nam ký một thỏa ước mở lại chương trình ODP và tái dụng the McCain Amendment (cho phép con cái tù nhân đi định cư với cha mẹ) Chương trình ODP kết thúc vào Tháng Hai, năm 2009, và tu chính McCain cũng chấm dứt vào tháng Chín, năm 2009.
Dưới luật pháp Hoa Kỳ, quá trình di dân của người Việt sau quốc nạn 1975 kéo dài suốt mấy chục năm, qua nhiều chặng đường, phần lớn qua sự vận động và ủng hộ của những Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu Hoa Kỳ có ít nhiều liên quan đến chiến tranh Việt Nam, và qua sự đóng góp của những người Việt tị nạn, đòi chồng, đòi cha, đòi con em bị cầm tù, điển hình là hội thiện nguyện của bà Khúc Minh Thơ. Ngày ấy, vết thương Việt Nam còn loang máu và lòng áy náy, bất an cũng như sự hổ thẹn về việc bỏ rơi đồng minh của người Hoa Kỳ còn rõ rệt nên các đạo luật di dân giúp đỡ người Việt được Quốc Hội Hoa Kỳ bỏ phiếu thuận và cấp ngân sách để thực hiện.
SBTN vận động phục hoạt và điều chỉnh luật HO cho các thương phế binh VNCH – NGUỒN RADIOLMDCVN.COM
Thương phế binh vận động và kết quả
Những đạo luật nhân đạo kể trên đã cứu thoát cả triệu người Việt, số di dân may mắn đã đến Hoa Kỳ trong khi vẫn còn những kẻ bất hạnh, lọt sổ vì trường hợp của họ không nằm trong các điều khoản di dân của luật pháp. Như các Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa, phần lớn không bị cầm tù; sự tàn phế khiến họ không còn là thành phần “nguy hiểm” cho chế độ cộng sản, và chính vì việc “lọt sổ” tù đày này mà các Thương Phế Binh không đủ tiêu chuẩn định cư. Ðiều khoản chính cho hồ sơ HO là “3 năm tù cải tạo” và những người chịu ít nhất ba năm tù đày hầu hết là sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Do đó, dù không chủ ý phân biệt cấp bậc, vô hình chung, chương trình HO “thiên” về các sĩ quan hơn là hạ sĩ quan & binh sĩ và đã ‘bỏ qua” thành phần Thương Phế Binh.
Dù không chịu đày ải trong các nhà tù nhỏ rải rác khắp ba miền Nam, Bắc Trung nhưng Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa vẫn chịu chung những khổ nạn trong nhà tù lớn, cũng vẫn bị truy bức, kỳ thị bởi chế độ mới, chế độ xem họ như kẻ thù. Con cái họ không có cơ hội học hành, làm ăn sinh sống như mọi người dân bình thường.
SBTN
Bốn mươi năm sau, cơ sở truyền thông SBTN khởi đầu một chương trình vận động cho các Thương Phế Binh [thuộc diện “sĩ quan”] được định cư tại Hoa Kỳ. Ðiểm chính của chương trình vận động này là sự “tiếp nối”, tác động lại một đạo luật đã hết hiệu lực, một chương trình HO “nối dài” để chính phủ Hoa Kỳ nhận thêm những người còn sót lại, cũng là sĩ quan QLVNCH nhưng tàn phế và không bị đi tù tối thiểu ba năm. Về phương diện hành chánh, cuộc vận động có chút cơ hội thành công vì ‘chiến lược’ (tactic) xin áp dụng một đạo luật cũ đã hết hiệu lực có phần dễ dàng hơn so với việc bắt đầu từ số không, thảo một dự luật mới rồi gõ cửa vận động qua nhiều cánh cửa hành chánh của ngành Lập Pháp, từ Thượng Viện đến Hạ Viện, nương theo chính sách Di Dân chưa kể việc xin ngân sách để điều hành… Biểu quyết thành công một đạo luật mới tại Hoa Kỳ là một tiến trình khá dài và khá nhiêu khê.
Tính đến hôm nay, chúng tôi chưa thấy văn kiện nào về chương trình vận động này nằm trong danh sách biểu quyết của Quốc Hội Hoa Kỳ. Nhưng SBTN đánh trống khua chuông rầm rĩ, chụp hình, quay phim với các Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu Hoa Kỳ gây khá nhiều tiếng vang với thành phần Thương Phế Binh tại quê nhà dù cuộc vận động kia chưa đi đến đâu cả!
– Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn
Cuộc vận động của SBTN chưa tiến một bước nào xa hơn là ghi tên, nhận mặt một số Nghị Sĩ đồng ý bảo trợ (4) thì Thượng Nghị Sĩ tiểu bang California, bà Janet Nguyễn cũng đã tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ không kém. Trong buổi họp báo, bà ấy nói rằng đã bảo trợ một chương trình định cư cho Thương Phế Binh, dưới nhan đề “Senate Joint Resolution No. 5 (SJR 5) – RESOLUTION CHAPTER 94 – Relative to humanitarian resettlement”, nộp tại bộ Ngoại Giao ngày 6 Tháng Bảy, năm 2015 [Filed with Secretary of State July 6, 2015.], và Thượng Viện California đã “thông qua” lời đề nghị ấy. (5).
Trang nhà của bà Janet Nguyễn không có bản thông báo nào bằng tiếng Anh về lời đề nghị kể trên, tuy nhiên sau khi liên lạc với văn phòng của bà Nguyễn, chúng tôi nhận được một bản thông báo báo chí bằng tiếng Việt khá sơ sài, không ghi rõ chi tiết như các điều khoản về định cư, những tiêu chuẩn nào thì đủ để được chấp nhận định cư và cũng không liệt kê các chi tiết về ngân sách cần thiết. Chúng tôi đã hỏi thêm chi tiết và muốn phỏng vấn bà Nguyễn trực tiếp nhưng chưa được hồi đáp.
Nhìn chung, SJR 5 là một lời đề nghị khá mơ hồ, thiếu các chi tiết cần thiết để xúc tiến việc dự thảo một đạo luật theo đúng tiêu chuẩn hành chánh của ngành Lập Pháp Hoa Kỳ. Nói một cách giản dị là lời đề nghị của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn có tiếng nhưng chẳng có gì thiết thực ngoài việc chờ xem có vị Dân Biểu nào chịu đứng ra thảo một dự luật và vận động cho dự luật ấy tại Quốc Hội hay không. Tính đến hôm nay, ta vẫn chưa có thêm tin tức gì về lời đề nghị kể trên.
Tại thủ đô tị nạn Little Saigon, đề nghị xin định cư Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa chỉ là vài đốm lửa nhỏ lập lòe trong khoảnh khắc thì tại quê nhà, người ta đã sôi sục làm ăn, đem bán giấc mơ định cư cho Thương Phế Binh, bán đơn xin, nhận làm đơn, nộp đơn… hầu như đủ mọi hình thức để kiếm tiền trên giấc mơ trúng số của những người khốn cùng.
Trong cuộc phỏng vấn, bà Khúc Minh Thơ cho rằng nếu [một chữ NẾU rất lớn] Thương Phế Binh được đi định cư thì đây là một điều đáng mừng, nhưng trong thực tế, làm thế nào để xin được ngân sách tài trợ chương trình định cư kể trên cho những người tàn phế cần được trợ giúp suốt đời? Chúng tôi đồng ý với sự băn khoăn của bà Khúc Minh Thơ, ta không rõ chính sách di dân hiện nay có điều khoản nào về di dân từ Việt Nam hay không? Trong tài khoản của năm 2016, Hoa Kỳ dự định cho nhập cư khoảng 70 ngàn người, phần lớn là các điều khoản về di dân từ Iraq, Syria, Afghanistan… nơi Hoa Kỳ tham chiến những năm gần đây? Và việc định cư những người “liên quan” đến Hoa Kỳ còn ở lại những nơi dầu sôi lửa bỏng nọ là việc làm nhân đạo cấp thiết hơn việc trợ giúp nạn nhân của một cuộc chiến tranh đã chấm dứt từ 40 năm trước? Có thể nào ta hy vọng vào việc “xin theo” chương trình định cư ấy cho Thương Phế Binh Việt Nam?
Tương tự, trong cuộc thảo luận ‘bỏ túi’ với ông Nam Lộc, một khuôn mặt vô cùng quen thuộc với cộng đồng Việt qua chương trình Cám Ơn Anh, gây quỹ tài trợ Thương Phế Binh còn ở quê nhà. Ông ấy cũng cho rằng văn thư đề nghị của bà Janet Nguyễn chỉ là bước đầu tiên của một tiến trình Lập Pháp kéo dài nhiều năm mà chưa có dấu hiệu khả quan nào. Ðiều đáng lo âu là qua các buổi họp báo, đánh trống khua chiêng về cuộc vận động xin định cư cho Thương Phế Binh, người Việt hải ngoại đang vô tình tiếp tay cho những kẻ trục lợi qua nghề bán giấc mơ tại quê nhà.
Bài viết của ông Văn Quang, bài tường trình của ông Nam Lộc là những tiếng nói cô đơn, cảnh báo những người mua hy vọng. Lời thực [tế] là những lời khó nghe nhưng không góp chút ý kiến thì quả là áy náy bất an lắm.
Thay vì tiếp tục hy vọng mơ hồ và chờ đợi chính phủ Hoa Kỳ giúp đỡ Thương Phế Binh Việt, cụ thể hơn và thiết thực hơn là việc ta góp tay, góp sức chu cấp hàng năm cho một hoặc nhiều Thương Phế Binh còn ở lại quê nhà?
Thượng Nghị Sĩ tiểu bang California Janet Nguyễn họp báo trình bày SJR 5 – NGUỒN 1080.PLUS
TLL
(1) http://www.vietnam.ttu.edu/resources/vietnamese-american.php
(2) http://archive.gao.gov/t2pbat10/141353.pdf
(3) http://2001-2009.state.gov/g/prm/rls/fs/2004/28212.htm
(5) Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa: Nghị Sĩ Janet Nguyễn họp báo vụ đưa sĩ quan TPB/VNCH qua Mỹ
https://leginfo.legislature.ca.gov/faces/billTextClient.xhtml?bill_id=201520160SJR5
(6) Thông báo báo chí từ Jacqueline Trinh On, D.C., District Director, Office of Senator Janet Nguyen, California State Legislature