Mưa tầm tã hồi nửa đêm.
Hơn 7 giờ sáng mà trời ui ui. Tôi thức dậy, thay quần áo. Bữa Mẹ và năm chị em mới đặt chân tới Quận Cam, trời cũng mưa lớn. Bốn chị em gái ở chung phòng, không thèm ngủ, tụm nhau bên cửa sổ, ngó mưa. Chị Hai nói:
– Ai cho mượn tiền mua vé máy bay về Việt Nam luôn, Chị mượn liền!
Bữa nay, cả nhà còn đang nướng. Mới đi may và làm hãng một tuần mà ai cũng đừ. Hơn 8 giờ sáng, Cha Mai Khải Hoàn gọi điện thoại:
– Dậy chưa? Cha đến đón bây giờ nhé!
Cha Hoàn lúc đó quản nhiệm Cộng đoàn Westminster, Giáo phận Orange, Tiểu bang California. Tối bữa trước, bốn chị em cùng đi hát lễ chiều Thứ Bảy. Sau lễ, Cha Hoàn ghé ca đoàn, rủ chúng tôi đi dạy Việt Ngữ. Bốn đứa đang ngơ ngác thì Cha nói, “Sáng mai 8 giờ rưỡi, Cha ghé đón tụi con đi họp!” Trường thiếu Thầy Cô, nên Cha rủ được ai thì… rủ liền!
Đó là những ngày chớm Xuân 1994. Gia đình tôi mới được đoàn tụ với Ba ở Quận Cam sau mười mấy năm xa cách. Tới nơi, Cha Hoàn đưa tôi vào giới thiệu với Thầy hiệu trưởng Vũ Hoàng. Hai mươi hai năm sau, nghĩ lại, tôi thấy mình phải cám ơn Cha đã làm ‘ông mai’ xe duyên cho tôi với Trường Việt Ngữ Cộng đoàn Westminster trong một ngày mưa gió như vậy. Mà ông mai của tôi họ Mai, nên phải gọi là ‘ông mai Mai’ cho đúng.
Trời vẫn mưa trong suốt buổi họp. Căn phòng nhỏ ấm hơi người, thêm một chút ẩm ướt vì nước mưa theo chân mọi người vào phòng. Mưa và sự nóng ẩm làm tôi nhớ Việt Nam. Tôi chưa quen ai. Buổi họp thân tình, hào hứng. Ai cũng có những ý kiến để phát triển ngôi trường chung. Lúc đó, trường mới chào đời hơn một năm. Vừa họp, vừa hát, vừa ăn trưa, đến gần một giờ chiều mới xong. Thầy Hoàng hát bài ‘tủ’ “Chuyện Tình Hoa Rau Muống” do Thầy chế, mà Thầy hay hát trong những sinh hoạt Việt Ngữ tại Nam California. Khi chúng tôi ra về, trời còn mưa lâm râm. Cô giáo Ngọc Phượng tình nguyện chở tôi về, vì Chị ở gần nhà tôi. Từ ngày đó, tôi thân với Chị Phượng nhất trường. Chị Phượng tặng áo dài có hình ảnh quê hương cho tôi. Tôi làm thơ tặng Chị.
Từ buổi họp định mệnh ấy, tôi gắn bó với ngôi trường nhỏ, không chỉ vào mỗi chiều Thứ Bảy đi dạy, mà cả những sinh hoạt khác của trường, như văn nghệ Tết khi Trường tổ chức mừng Xuân cho các em và phụ huynh, giúp các em học bài để đi “Thi Đố Vui” ở Trung Tâm Công Giáo, giúp các em ôn bài cho “Giải Hiếu Học” do Viện Việt Học tổ chức, giúp quán “Thả Thơ” của Ban Đại Diện tại Hội Tết Sinh Viên ở sân PE của Warner Middle School (chỗ bây giờ xây Rose Theater), tập múa cho các em và đưa các em đi múa ở Hội Tết Sinh Viên tại Golden West College, dạy các em múa hát cho Lễ Bế Giảng, làm trợ huấn cụ cho lớp, dự những buổi họp ở nhà Thầy Hoàng với món ‘seven-layer dip’ do chính Thầy làm (ngon mà dễ… lên cân í, Thầy ui!), vân vân. Cô giáo nhí này yêu đậm, nên không lỗi cuộc hẹn hò nào với Trường hết. Tôi cũng phục vụ trong Ban Việt Ngữ Liên Trường của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, trong nhiều năm, nên lại càng có thêm nhiều dịp sát cánh với trường tôi, nhất là khi Ban Việt Ngữ tổ chức Tĩnh Huấn và Tu Nghiệp mỗi hè, và Thi Đố Vui và Thi Viết Văn hằng năm.
Đi dạy Việt Ngữ cho tôi nhiều kỷ niệm khó… quên. Mùa hè năm đầu, vợ chồng Thầy Hoàng Cô Hằng – mà tôi bầu là “mối tình đẹp nhất Việt Ngữ Westminster” – đã đưa tôi đi dự khoá Tu Nghiệp Sư Phạm (TNSP) tại Rosemead. Thầy Cô đến sớm cả nửa ngày để giúp chuẩn bị cho Khoá. Khi nhìn Thầy Hoàng hăng hái (bây giờ Thầy tôi đã ở tuổi hưu, mà vẫn hăng hái; còn hồi đó, Thầy ở tuổi năm mấy bẻ gẫy… cành cây!) đi treo banner “Tu Nghiệp Sư Phạm Việt Ngữ, Miền Tây Nam Hoa Kỳ,” tôi thấy lâng lâng. Tôi nhận thức được rằng, việc dạy Việt Ngữ không chỉ là việc trong Cộng đoàn, trong trường chúng tôi. Tôi cảm nhận được mạch sống tiếng Việt căng tràn cả một vùng đất rộng. Hai mươi hai năm sau, sứ mạng dạy Việt Ngữ tiếp tục nối kết người Việt hải ngoại trên toàn cầu.
Khoá TNSP được tổ chức tại Don Bosco Technical Institute, một trường trung học tư thục nội trú nam, trên một ngọn đồi thơ mộng ở Rosemead. Tôi bị ‘chia trí,’ đã vào nhà nguyện mấy lần trong những lúc giải lao để chầu Chúa và… làm thơ! Nhiều Thầy Cô tôi gặp trong Khoá đó hiện đang dạy Việt Ngữ ở các trường công cũng như trường Việt Ngữ tại Quận Cam. Lúc đó, tôi còn trăng rằm non choẹt, không dám xưng ‘em’ với các Thầy Cô trạc tuổi Ba Mẹ tôi trong trường, mà xưng ‘con’ ngọt xớt! Sau này, khi có gia đình và làm mẹ, tôi xưng ‘em’ cho thân tình. Đi dạy Việt Ngữ, tôi hoà theo những buồn vui của trường. Có Cô chồng mất vì ung thư gan, có Cô lên xe hoa, có Thầy tìm được việc tốt. Báo Orange County Register viết bài về trường, có hình cô giáo nhí đang dạy học trò tập đọc. Những kỷ niệm này giúp tôi nhập vào dòng sống đời thường của người dân quê tôi miệt Little Saigon, Quận Cam.
Và có những kỷ niệm khó… khăn. Một kỷ niệm đã tạo hứng cho tôi viết bài đầu tiên trên tờ Việt Mercury hồi những năm 2000, lúc cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng làm Tổng thư ký. Tựa bài viết là một câu hỏi: “Phải chăng máu rồi sẽ thôi nồng?” Ở cuối bài, tôi đã tự trả lời cho mình, rằng máu sẽ mãi nồng. Mười mấy năm sau, với phong trào Việt Ngữ lớn mạnh và tỏa lan vào giáo dục dòng chính, tôi thấy, máu chẳng những nồng, mà còn rất nồng! Số là năm thứ nhì, Thầy Hoàng cho tôi một mình một cõi lây bệnh cho trẻ con. Bệnh yêu tiếng Việt. Thầy giao cho tôi lớp “Vỡ Lòng” – mà tôi xin thêm vào hai chữ “Tự Do.” Em nào nhập học trễ, hoặc không biết xếp vào lớp nào, thì Thầy lại đưa ngay vào lớp “Tự Do” của tôi. Nên giữa một đàn gà con, thì có một con gà cồ và vài con gà tơ. Con gà cồ tên Phong, còn nhỏ nhưng ‘cứng cựa.’ Nó dõng dạc tuyên bố ngay trong ngày nhập học, bằng tiếng Anh:
– Tôi không phải là một đứa con nít! Tôi là một người đàn ông. Lớp này không thích hợp với tôi. (I am not a kid! I am a man. This class is not for me.)
Gà Cồ làm khổ tôi đủ điều. Hắn hỏi: tại sao phải học tiếng Việt, tại sao không cho hắn chơi (à, thì ra ‘một người đàn ông’ cũng có nhu cầu đùa chơi như trẻ con!).
Hôm đó, tôi đi bộ về mà buồn tấm tức. Sao Gà Cồ ác với mình vậy! Tôi một mình ‘mưa lâm râm’ trên đường. Tôi ‘mưa’ bốn mươi phút thì tới nhà. Tuần sau, tôi lẹ làng đề cử Gà Cồ làm Trưởng lớp. Hắn phản đối. Tôi trì chí. Cuối cùng, hắn miễn cưỡng nhận lời. Thật ra, ở cái tuổi đàn-ông của hắn (nghĩa là mới 8 tuổi), thì hắn phải tỏ rõ hắn luôn làm chủ tình hình. Nên hắn phải phản đối trước. Cuối năm, Gà Cồ tự nguyện xin ở lại lớp, dù được lãnh thưởng hạng nhất. Thấy nó xin ở lại, đám gà con cũng lao nhao biểu quyết, đồng loạt muốn ở lại lớp để cũng học như năm nay. Tôi ngẩn tò te. Ôi, đám gà con, gà cồ, gà tồ, gà tơ này – tôi cũng mê các chúng lắm lắm, nhưng không ai lên lớp thì chắc cô giáo phải… hưu non! Đàn gà con đã cho gà-mẹ-tôi bài học vỡ lòng về việc ứng xử với trẻ con, để hôm nay, khi có được bầy gà nhí của riêng mình, tôi đủ kiên nhẫn và mềm mỏng trong việc hướng dẫn và dìu dắt con cái.
Lúc đó, tôi đang giúp tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam Vietnamese Youth Convention 2003 tại UC Irvine. Tuy quán xuyến Ban Biên Tập cho Đại Hội, nhưng tôi cũng soạn một bài nhạc hip-hop song ngữ và biên đạo một tiết mục múa mang tên “Rice 4 Christ – Lúa Cho Chúa.” Trước giờ trình diễn, chúng tôi xúm nhau trong hậu trường, chụm tay, đồng lòng múa hết mình. Tới màn “Rice 4 Christ,” tôi đưa trâu đen, đẩy chòi tranh lên sâu khấu. Để gợi nét quê hương. Tôi làm khán giả hàng đầu, ngắm các em. Các em múa thật ngầu, thật cảm động. Tất cả mặc áo bà ba nâu, đội nón lá. Múa hip-hop, xen những chiêu võ Việt Nam tôi học ở Chùa Liên Hoa trên đường Bixby, Tp Garden Grove. Quê hương không còn trên hình ảnh con trâu, hay mái lá, mà thoát lên từ những điệu múa dứt khoát, nhịp nhàng, ý nghĩa. Các em đã gieo “Lúa Cho Chúa.” Và gặt quê hương cho tôi.
Cả cuộc đời mình, tôi theo đuổi Tiếng Việt như một người tình. Từ những quyển sách từ trước 1975 tôi đọc mót được khi còn trong nước, đến ý thức và chọn lựa ưu tiên sáng tác bằng tiếng Việt ở quê người. Trong học thuật, tôi viết tài liệu tiếng Anh để xuất bản, nhưng khi nghiên cứu về người Việt hải ngoại trên thế giới bằng phương pháp lịch sử truyền khẩu trong hai thập niên qua, tôi vẫn dùng tiếng Việt để phỏng vấn. Tôi vận động và cố vấn cho các chương trình giáo dục song ngữ tại Hoa Kỳ. Tôi cẩn trọng soạn 50 sách tập đọc tiếng Việt cho các lớp tiểu học song ngữ. Tiếng Việt làm tôi hãnh diện, hạnh phúc. Sau bốn mươi năm xây dựng một Việt Nam Hải Ngoại, Tiếng Việt chính là căn tính văn hoá nổi trội nhất của chúng ta.
Tiếng Việt – Người Tình. Tiếng mẹ đẻ. Tiếng nuôi con. Tiếng giữ nước.
Tiếng Việt – Quê hương của tôi và của dân tộc tôi giữa thế giới.
Một cuộc hội thảo về cách dạy Việt ngữ
TGT – Quận Cam, CA, USA