Menu Close

Sai lầm hay gặp khi lập ngân sách

Trong những ngày đầu năm mới, một trong những quyết tâm tài chính mà chúng ta đều nghĩ đến là làm sao sử dụng tiền cho phù hợp với khả năng tài chánh của mình. Hầu như ai cũng muốn lập ra một ngân sách, nhất là khi phải sống dựa vào từng chi phiếu lương. Lập ngân sách trước thì tốt nhưng nó sẽ bị “vỡ tung” nếu bạn không thận trọng. Sau đây là vài điều nên để ý:

1. Không theo dõi chi tiêu

Trước khi lập ngân sách, bạn nên theo dõi đã chi tiêu bao nhiêu trong ít nhất 30 ngày vừa qua, bao gồm tất cả mọi thứ trong hóa đơn thẻ tín dụng hàng tháng và những chi tiêu lặt vặt bên ngoài như ly cà phê buổi sáng. Nhiều chương trình ứng dụng (apps) hoặc vài công cụ trên mạng giúp bạn theo dõi dễ hơn, chẳng hạn: Mint và Buxfer.

2. Ngân sách quá “hạn chế”

Bạn nên lập một ngân sách thực tế và dễ quản lý vì chi phí của bạn có thể sẽ thay đổi mỗi tháng, vì vậy bạn cần phải để ra một khoản tiền dành cho các chi phí “bất ngờ” cũng như những thứ bạn cần thêm. Khắt khe với bản thân sẽ chỉ làm bạn chi tiêu nhiều hơn.

3. Quên để dành tiền

Bạn nên tính tiền để dành như một phần của ngân sách hàng tháng. Ðiều này sẽ giúp bạn có một cái nhìn thực tế toàn bộ bức tranh tài chính của bản thân. Ðừng xem thường khoản tiết kiệm khẩn cấp (emergency saving) vì chính nó sẽ là “vị cứu tinh” khi cần thiết. Do đó, nên đều đặn tự động chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm (có thể 10% của chi phiếu lương) để tạo khoản tiền này.

4. Chi tiêu “bốc đồng”

Chi tiêu tùy tiện sẽ làm bạn “lủng túi” bất cứ lúc nào. Một cách để ngăn chặn việc mua sắm này là loại bỏ việc đăng ký (unsubscribe) nhận email từ các cửa tiệm bạn thường mua đồ. Ðiều này giúp giảm bớt thói quen mua sắm của bạn mỗi khi nhận được thông báo giảm giá hoặc phiếu giảm giá từ các tiệm bạn yêu thích. Vì vậy, nếu muốn giữ vững “hầu bao” thì bạn hãy nhấn vào nút “unsubscribe”.

01 1

QN