Menu Close

Chế độ nô lệ trong thế kỷ 21

Tháng Giêng Năm 2015, Tổng Thống Barack Obama tuyên bố: Theo Hiến Pháp và Pháp Luật Hoa Kỳ, Tháng Giêng được chọn  là Tháng Phòng Chống Buôn Người và Tình Trạng Nô Lệ trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Kể từ đó cho đến nay, Tháng Giêng được dùng để kêu gọi các thương nghiệp, các tổ chức quốc gia, các cộng đồng, các gia đình và tất cả công dân Mỹ cùng với chính phủ đóng vai trò quan trọng, trong việc chấm dứt mọi hình thức nô lệ, theo dõi những sự kiện có trong Tháng Giêng, để có thể tham dự các hoạt động và các chương trình thích hợp. 

Gọi buôn người là tổ chức kinh doanh tội phạm “nhiều tỷ Mỹ kim,” Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry nhấn mạnh rằng, cuộc chiến chống lại tội phạm này là vấn đề về nghĩa vụ đạo đức và an ninh quốc gia. Ước tính  trên thế giới có khoảng 20 triệu người bị “nô lệ hóa.” Hình thức nô lệ từ thời Trung Cổ được duy trì với tính chất mới, nhưng không khác về bản chất: Ðó là cưỡng bức lao động; phụ nữ và trẻ em bị buôn bán làm nô lệ tình dục, lao động gán nợ. Ngoại Trưởng Kerry nói thêm rằng: Hàng năm có hơn 20 triệu người bị bắt làm nô lệ, nhưng chỉ 1% được xác minh. Quỹ Walk Free cho biết, Châu Á là nơi có khoảng 72% nô lệ trên thế giới. Trung Quốc và Pakistan đứng hạng thứ nhì và thứ ba sau Ấn Ðộ. Trung Quốc được cho là có khoảng 2.9 triệu nô lệ. Pakistan chỉ có khoảng 13% dân số so với dân số Trung Quốc, nhưng có con số nô lệ rất đáng sợ lên đến  2.1 triệu người.

Dù tệ buôn bán nô lệ đã được tuyên bố chấm dứt hơn một thế kỷ qua, nhưng nạn buôn bán người hiện nay vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tệ nạn này càng lan rộng và trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia .Theo tài liệu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trên thế giới hiện có khoảng 27 triệu nạn nhân của tệ buôn người xuyên biên giới, và hàng năm có thêm hơn 800 ngàn nạn nhân mới, tăng gấp 7 lần so với năm 1960. Nạn nhân thường là người nghèo, bị các cơ quan môi giới đánh lừa khi đi tìm việc làm, bị bán đi như những món hàng, biến thành những nô lệ tình dục, hoặc những nô lệ lao động phải làm việc trong điều kiện hết sức khắc nghiệt và đau khổ. Chính phủ Hoa Kỳ mở rộng danh sách theo dõi các quốc gia, bị nghi ngờ không thực hiện đầy đủ nỗ lực chống nạn buôn người. Bản tường trình hàng năm dày 320 trang về nạn buôn người do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố ngày 16 tháng 06 năm 2009, là bản tường trình lần đầu tiên kể từ khi Tổng Thống Barack Obama nhậm chức, Hoa Kỳ đã đưa 52 quốc gia vào danh sách theo dõi, chủ yếu ở khu vực Châu Phi, Châu Á và Trung Ðông, tăng 30% so với năm 2008. 

Trong bản tường trình đầu tiên, một số quốc gia nằm trong danh sách bị nghi ngờ từ năm 2008 đã được đưa ra khỏi danh sách, như Moldova, Algeria, Qatar, Oman…Tuy nhiên, bản danh sách này lại có thêm những cái tên mới như Angola, Bangladesh, Campuchia, Iraq, Lebanon, Nicaragua, Pakistan, Philippines, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất  [UAE].  Malaysia, Zimbabwe, Chad, Niger, Mauritania, Swaziland, cũng là những quốc gia có nạn buôn người nghiêm trọng nhất.

Khi còn giữ chức Ngoại Trưởng Hoa Kỳ,  bà Hillary Clinton nói rằng, việc chống tệ nạn buôn người ở bên ngoài và bên trong Hoa Kỳ là một phần quan trọng trong chương trình làm việc của chính phủ Obama. Theo một phúc trình của Bộ Ngoại Giao, có đến 17 quốc gia không tích cực giải quyết vấn đề này. Cựu Ngoại Trưởng Clinton từng nhận xét: “Hoạt động buôn người phát triển mạnh trong bóng tối. Hoạt động này dễ dàng bị nhiều người gạt sang một bên, xem đó là chuyện xảy ra cho người khác, ở chỗ khác. Nhưng không phải vậy. Buôn người là một tội ác liên quan đến mọi quốc gia trên thế giới, kể cả trong lãnh thổ Hoa Kỳ.”

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tình trạng nghèo khổ, thất nghiệp, thiếu cơ hội và kinh tế khó khăn, là những nguyên nhân chính khiến nhiều nước trong khu vực, trở thành nạn nhân của các tổ chức tội phạm và nạn buôn người. Tổ Chức Văn Phòng Di Trú Quốc Tế ước tính: Có khoảng 500,000 cô gái nhập cư, hiện đang bán thân tại các nước Tây Âu. Ðiều phối viên đặc trách về bài trừ nạn buôn người của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là ông Luis de Baca  – người từng nói rằng: Tội ác buôn người hiện nay không có ranh giới. Ở Iran, trẻ em bị buộc làm nô lệ tình dục; các cô gái thì bị bán sang Pakistan và nhiều nước khác. Phụ nữ từ Nam Á và Ðông Nam Á bị bán sang Syria làm người giúp việc trong nhà. Phụ nữ từ Ðông Âu và Iraq bị buộc phải hành nghề mại dâm…

Năm 2003, Nghị Ðịnh Thư Liên Hiệp Quốc chống buôn người được phê duyệt, và 117 quốc gia đã ký tên. Nghị định thư này coi hành động buôn người là một loại tội phạm quốc tế. Tuy nhiên, việc thực thi luật pháp tại các nước còn yếu, và các hình phạt có xu hướng nương nhẹ. Vì thế, UNODC – Cơ Quan Phòng Chống Ma Túy Và Tội Phạm Của Liên Hiệp Quốc – kêu gọi các quốc gia trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa đối với những kẻ buôn người. Theo một bản tin đăng trên nhật báo The Guardian của Anh Quốc, những thành phố cảng ở Miền Bắc Lybia – nơi từng nổi tiếng với nghề cá và các sản phẩm cá, giờ đã không còn nhiều ngư dân nữa. Bởi vì hiện nay họ đã có nghề mới: Nghề đứng tên mua tàu đánh cá để bán lại kiếm lời, hoặc tự đứng ra buôn người.

Ðể vượt biển, dù là người đến từ các quốc gia Châu Phi hay thuộc Trung Ðông như Syria, tất cả đều phải tập trung ở khu vực bờ biển Lybia. Khi đến được bờ biển Lybia, yếu tố quốc tịch sẽ quyết định người đó phải trả bao nhiêu tiền để sang được Châu Âu. Thông thường, người đến từ khu vực Trung Phi mức giá từ khoảng $800 đến $1,000. Nhưng người đến từ vùng chiến sự Syria sẽ phải trả $2,500 hoặc cao hơn. Ðó là chưa kể đến việc những kẻ buôn người thường dồn càng nhiều người lên tàu càng tốt. Ðây chính là nguyên nhân nhiều thảm họa chết người xảy ra trên Ðịa Trung Hải. Một chiếc tàu đánh cá dài khoảng 18 mét chỉ có thể chở tối đa 300 người; nhưng những kẻ buôn người thường chở trên 350 người, thậm chí còn  gấp đôi con số này.

Mỗi chuyến tàu chở người vượt biển, các băng nhóm buôn người kiếm được khoảng $37,000. Chỉ cần khoảng 20 chuyến đi sang Châu Âu hàng tuần, mỗi tháng những kẻ này kiếm trên 2 triệu Mỹ kim. Thế nhưng không phải cứ bỏ tiền ra sẽ được lên tàu đi Châu Âu ngay. Sau khi thanh toán nửa phần tiền, những người này sẽ bị gom vào một khu vực giống như trại tập trung, sống trong điều kiện hết sức tồi tệ, nhưng chi phí hàng ngày đắt đỏ như dao cắt cổ. Họ không dám ra thuê chỗ khác, bởi vì bọn buôn người luôn miệng khẳng định có thể lên đường bất kỳ lúc nào. Ðiều kiện sống nguy hiểm, có những phụ nữ bị lạm dụng tình dục cũng không dám bỏ đi.

Cuộc khủng hoảng của người di tản và nhập cư vào Châu Âu trong năm 2015 – một sự kết hợp của những người di cư và người tị nạn kinh tế – và nguyên nhân chính là sự buôn bán người của các nhóm tội phạm nói trên. Hiện nay các tuyến đường biển để sang Châu Âu, vẫn là lựa chọn phổ biến nhất của những người di tản Syria. Tài liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy, trong tám tháng đầu năm 2015 đã có 300,000 người Châu Phi, Trung Ðông, Châu Á đến Châu Âu bằng cách vượt qua Ðịa Trung Hải, trong khi đó cả năm 2014 chỉ có hơn 200,000 người di tản. Hiện nay, có khoảng 1 triệu người di tản và tỵ nạn ở Châu Âu.

Vấn nạn buôn người xuyên quốc gia còn tồn tại trong thời đại ngày nay và đến thế kỷ này. Sự kiện này ở ngay trước mắt cộng đồng quốc tế, nhưng người ta lại không thấy và không biết gì về điều này. Những điều được phơi bày trên  các phương tiện truyền thông xã hội, chỉ là một phần nhỏ của nền công nghiệp ngầm khổng lồ, có quy mô toàn cầu và càng ngày càng có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai. Cho dẫu là như vậy, bên cạnh những góc tối tăm sầu thảm của cuộc đời, vẫn còn đó sự Chân-Thiện-Mỹ trong nhân cách của rất nhiều người. Chính vì thế, ngay tại những quốc gia tồn tại vấn nạn buôn người, thì cũng chính nơi đó có những tâm hồn cao thượng đang ngày đêm tìm cách để ngăn chặn và kết thúc vấn nạn này.

cuocchienole

Nạn buôn bán người di cư là một phần của mô hình kinh doanh mới được ISIS sử dụngNGUỒN REFUGEERESETTLEMENTWATCH.WORDPRESS.COM

HV – 4:30am Chủ Nhật ngày 31 tháng 01 năm 2016

Link tham khảo

http://ngm.nationalgeographic.com ngm/0309/feature1/21th Century Slaves