Menu Close

Con rơi và Luật Di Chúc 67 của Texas

Việc ngoại tình không có gì là mới lạ. Nhưng khi nó dẫn đến một hậu quả không lường trước được, chẳng hạn như có con với người khác ngoài vợ mình thì luật pháp giải quyết như thế nào?

Luật di chúc (Probate Code) của Texas §67 không phân biệt việc phân chia tài sản cho con ngoài giá thú hoặc con rơi, con rớt hay con của vợ sau. Nhưng bộ luật này có đưa ra một số vấn đề liên quan đến việc phân chia tài sản cho đứa con ra đời hay được nhận làm con nuôi sau khi di chúc đã hoàn tất mà trong di chúc hoặc ngoài di chúc đều không được hưởng một quyền lợi nào. Luật này do đó có thể ảnh hưởng đến việc phân chia tài sản cho những đứa bé con rơi, con rớt dù không được nêu ra trong di chúc.

Luật di chúc §67 của Texas định nghĩa từ “pretermitted child” là đứa con của người viết di chúc mà người viết di chúc nhận làm con nuôi hoặc đứa con đó ra đời khi người viết di chúc còn sống hoặc sau khi người viết di chúc đã qua đời, mà trước khi có đứa con đó người viết di chúc đã hoàn tất tờ di chúc để chỉ định việc phân chia tài sản khi họ qua đời. Tạm dịch “pretermitted child” sang tiếng Việt là đứa con bị bỏ rơi.

Luật này đưa ra những quy định cụ thể để bảo vệ đứa con bị bỏ rơi, không được cho quyền lợi gì trong tờ di chúc hoặc quyền lợi riêng bên ngoài thì đứa con đó có quyền như sau:

1. Khi người viết di chúc chính thức có ít nhất một đứa con khi ông ta viết di chúc, và:

(A) Trong di chúc không hề cho đứa con chính thức đó quyền lợi gì, và đứa con bị bỏ rơi dù không có tên trong di chúc vẫn được quyền phân chia tài sản của người viết di chúc như luật §38(a) đưa ra khi một người qua đời mà không có viết di chúc và ông ta không có vợ, nhưng chỉ phần tài sản mà ông ta không cho người vợ trong di chúc được dùng trong việc tính toán phân chia cho đứa con bị bỏ rơi.  

Thí dụ 1: ông A lấy bà B và họ có một đứa con với nhau tên x.  Ông A có một căn nhà cho thuê là tài sản riêng của ông, một căn nhà là tài sản chung với bà vợ B của ông mà hai người từng chung sống, và một checking account $60,000 của ông và vợ ông để chung.  Ông hoàn tất tờ di chúc nhưng không cho đứa con x bất cứ một cái gì, nhưng để lại tất cả tài sản cho người vợ B của ông.  Sau đó đứa con thứ hai tên y của ông ra đời.  Không cần biết đứa con tên y đó là con với bà B hay con của một người tình, khi ông A qua đời, đứa con đó được quyền lấy một nửa của căn nhà cho thuê vì dù ông có cho người vợ 100% căn nhà đó, luật pháp cho lấy đi 50% là tối đa của chủ quyền người vợ nếu người vợ được quyền thừa hưởng tài sản đó trong di chúc, và đứa con tên y chỉ có thể được chia 50% tài sản căn nhà riêng đó. Còn căn nhà ông ở chung với người vợ là tài sản chung, do đó cho dù ông không cho bà vợ, bà vẫn được quyền làm chủ quyền 50% của tài sản chung đó.  Còn 50% còn lại ông có nói trong di chúc là cho bà trọn, nhưng vì quyền lợi của đứa con bị bỏ rơi mà giờ bà chỉ còn được hưởng một nửa của 50% đó. Do vậy bà vợ được làm chủ tổng cộng là 75% của căn nhà tài sản chung đó và quyền ở đó đến khi bà chết (life estate), còn người con tên y có chủ quyền 25% của căn nhà đó thôi.  Tương tự như vậy, tiền chung trong nhà băng, bà vợ được giữ lại $30,000 của riêng bà, và phần $30,000 còn lại phần của ông A sẽ được chia ra 50/50, $15,000 cho bà vợ B và $15,000 cho đứa con tên y.

(B) Trong di chúc có để lại tài sản cho ít nhất một trong những đứa con chính thức, thì đứa con rơi được chia tài sản như sau:

(i) Chỉ phần tài sản dành chia cho con cái được dùng để quyết định quyền lợi của đứa con rơi.

(ii) Đứa con rơi chỉ được chia phần như đồng đều khi tính hết phần của tất cả những đứa con rơi và của những đứa con được chia phần trong tờ di chúc.

(iii) Nếu có thể, phần quyền lợi của đứa con rơi sẽ phải có tính chất tương tự như phần quyền lợi của các đứa con chính thức được phân chia tài sản trong tờ di chúc.

Thí dụ 2: Ông A lấy bà B. Họ có với nhau 3 đứa con a, b, c.  Ông A làm tờ di chú để lại $100,000 tiền mặt chia đều cho 3 đứa con a, b, c. Sau đó đứa con thứ tư ra đời tên d, nhưng ông A không làm lại tờ di chúc nào khác.  Khi ông mất, luật di chúc §67 của Texas quy định là số tiền $100,000 sẽ được chia đều cho cả 4 đứa con.  Do đó dù không có tên trong di chúc và không được phân chia bất cứ tài sản nào khác bên ngoài, người con tên d sẽ được quyền hưởng $25,000 của tổng số tiền $100,000 ông để lại cho ba đứa con đầu.

2. Khi người viết di chúc không có con cái nào vào lúc viết di chúc, đứa con rơi được phân chia tài sản mà theo luật §38(a) đưa ra như khi người chết không viết di chúc và không có vợ, trừ ra phần tài sản được phân chia cho người vợ trong tờ di chúc. Kết quả của việc phân chia tài sản dựa trên phần (2) của §67 sẽ giống như thí dụ 1.

Trong case Ozuna v. Wells Fargo Bank, N.A., tòa án kháng cáo (appellate court) xác nhận tòa án xét xử đầu tiên (trial court) đã xử đúng luật khi từ chối công nhận cô Alma Ozuna là đứa con bị bỏ rơi (pretermitted child) trong việc phân chia tài sản của ông Jack Putnam. Vào ngày 26 tháng 5 năm 2000, ông Jack hoàn tất tờ di chúc.  Trong đó ông có cho cô Alma $100,000 mặc dù lúc đó cô Alma và ông Jack không hề có một mối liên hệ ruột thịt chính thức nào.  Ngày 31 tháng 10 năm 2000, ông hoàn thành giấy tờ nhận cô Alma làm con nuôi dù lúc đó cô Alma đã trên tuổi vị thành niên. Ngày 14 tháng 6 năm 2001 ông Jack qua đời. Trong tờ di chúc, Wells Fargo Bank được ông Jack mướn làm cơ quan giúp giải quyết thủ tục di chúc (probate process). Khi Wells Fargo nộp đơn cho tòa án xin được làm thủ tục di chúc thì cô Alma nộp đơn chống lại và xin tòa xác nhận cô là đứa con bị bỏ rơi trong việc phân chia tài sản. Tòa án sơ thẩm từ chối công nhận và cô Alma kháng cáo.  Trong đơn kháng cáo luật sư của cô đưa ra hai chi tiết.  Một là cô Alma được trở thành con của ông Jack sau khi ông đã hoàn tất tờ di chúc, và hai là dù ông Jack có cho cô Alma $100,000 trong tờ di chúc nhưng lúc đó ông Jack cho cô với tư cách thân tình, không liên hệ họ hàng chứ không phải ông cho với tư cách cha con. Do đó cô Alma phải được phân chia tài sản như những đứa con khác của ông Jack. Tòa án kháng cáo cho rằng luật sư của cô ngụy biện vì ngôn ngữ trong luật §67 không hề đòi hỏi là người viết di chúc phải nêu rõ là họ cung cấp cho đứa con ra đời, hay hợp thức hóa dưới dạng con nuôi sau khi di chúc đã hoàn tất dưới dạng cha con hay không, miễn sao người đó được cung cấp bất cứ tài sản nào là họ sẽ không đủ điều kiện để được công nhận là “pretermitted child” trong vấn đề phân chia tài sản. Và chính những nhân chứng và tài liệu của nhà băng đưa ra cũng chứng tỏ là ông Jack coi cô Alma như con trước khi giấy tờ nhận cô làm con nuôi được hoàn tất. Con chính thức, con bị bỏ rơi hay con nuôi đều có thể xảy ra tranh chấp ngay cả khi có viết tờ di chúc. Luật pháp không phân biệt con cái dưới hình thức nào, nhưng nghiêm minh, và rõ ràng là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của trẻ con vô tội.

LS AT