Menu Close

Kết quả thượng đỉnh Mỹ-ASEAN

Nếu Thẩm phán Tối cao Pháp viện Antonin Scalia không đột ngột qua đời cũng như những ồn ào của cuộc tranh cử sơ bộ đang diễn ra thì cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Barack Obama và các lãnh tụ của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được tổ chức trong hai ngày 15 và 16  vừa qua tại khu nghỉ mát Sunnylands thuộc thị trấn Rancho Mirrage, California, có lẽ đã được truyền thông Mỹ chú ý tới nhiều hơn.

ket qua thuong dinh my asean

Tổng thống Barack Obama, giữa, với các nhà lãnh đạo ASEAN, Hiệp hội 10 quốc gia các nước Đông Nam Á, tại Retreat Annenberg ở Sunnylands thuộc Rancho Mirage, Calif., (từ trái): Sultan Hassanal Bolkiah Tổng Bí thư của ASEAN, Lê Lương Minh Brunei, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Chủ tịch Lào Choummaly Sayasone, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Thái Lan Prayuth chan-ocha, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Phó Tổng thống Myanmar Nyan Tun. nguồn Pablo Martinez Monsivais / Associated Press

Cuộc họp thượng đỉnh là đề nghị của ông Obama đưa ra mời các lãnh tụ của khối này trong lần tham dự một cuộc họp thượng đỉnh vùng tại Mã Lai Á vào Tháng 11 năm ngoái.

Cuộc họp thượng đỉnh lần này cũng được xem như một phần nỗ lực trong tiến trình chuyển trục của Hoa Kỳ về khu vực Á châu Thái Bình Dương. Để chứng tỏ quyết tâm của mình, trong mấy năm vừa qua, Hoa Kỳ đã có đại sứ đại diện ở ASEAN, mà trụ sở đặt tại Jakarta, Nam Dương, và ngay chính cá nhân ông Obama đã có bảy chuyến công du đến khu vực này, nhiều hơn gấp đôi so với bất kỳ vị tổng thống tiền nhiệm nào. Vào Tháng 5 tới đây, ông Obama sẽ có chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam, và vào mùa thu sẽ có chuyến công du khác cũng lần đầu tiên tới Lào.

ket qua thuong dinh my asean1

Bản đồ 10 nước ASEAN – nguồn ibanet.org

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và các quốc gia trong khối này trong tương lai có được thắt chặt hơn không là còn tùy thuộc vào tình hình nội bộ quốc gia trong khu vực. Nhìn lại mấy năm qua, nhiều sự kiện quan trọng xảy ra phần nào ảnh hưởng đến chính sách của một số quốc gia nói riêng và toàn khối ASEAN nói chung.

Cuộc bầu cử dân chủ mang tính lịch sử ở Miến Điện cuối năm ngoái, được sự ủng hộ của Toà Bạch Ốc, với kết quả là cuộc chuyển đổi quyền lực sang cho đảng đối lập đã từng bị đàn áp trong nhiều thập niên, nhưng việc trao quyền lãnh đạo tại quốc gia này vẫn chưa ngã ngũ. Tổng thống sắp mãn nhiệm Thein Sein quyết định không tham dự thượng đỉnh, và nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi vẫn kẹt trong cuộc đàm phán với nhóm quân đội và cũng không có mặt.

Cuộc đảo chánh của quân đội tại Thái Lan xảy ra năm 2014 đưa tới việc nắm trọn quyền lực vào trong tay của tướng Prayut Chan-o-cha và cho đến nay quốc gia này vẫn nằm dưới sự cai trị của quân đội mà chưa thấy có dấu hiệu hứa hẹn một cuộc bầu cử tự do trong thời gian sắp tới.

Tại Việt Nam, nhóm lãnh đạo mới đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp sửa nắm quyền hành và không ai có thể nắm rõ chính sách đối ngoại của họ sẽ là như thế nào.

Một vài chuyện nhỏ khác như vụ cáo buộc ăn hối lộ của Thủ tướng Mã Lai Á Najib Abdul Razak với khoảng $700 triệu (Mỹ kim) được chuyển giao từ Hoàng gia Saudi Arabia vào trong trương mục của ông bị phanh phui buộc ông phải hoàn trả lại. Tuy không bị tước quyền nhưng chắc chắn sẽ làm giảm uy tín và quyền lực của ông, và phần nào tác động đến sự ổn định của nền chính trị tương lai của xứ này.

Chương trình nghị sự bao gồm nhiều đề tài và cũng là những thử thách cho toàn khu vực trong những năm tới như phát triển kinh tế, chống khủng bố và biến đổi khí hậu. Nhưng hai chủ đề chính vẫn là hợp tác kinh tế và an ninh khu vực, và qua đó, vấn đề Trung Quốc và hành động xâm lấn biển đảo càng ngày càng gia tăng của họ cũng đã được đề cập đến.

Mặc dù Trung Quốc không có mặt nhưng theo giới quan sát cho biết sự hiện diện của họ vẫn thấy rõ trong các cuộc thảo luận.

Và quả nhiên, chỉ một ngày sau khi cuộc họp thượng đỉnh kết thúc, một bản tin của Fox News cho biết Trung Quốc đã vừa cho đặt một hệ thống hoả tiễn địa-đối-không tại đảo Phú Lâm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đây là hệ thống hoả tiễn tối tân nhất của Trung Quốc có tầm xa 200 km. Hành động này một lần nữa gây quan ngại cho nhiều quốc gia trong khu vực, kể cả một số quốc gia ở xa như Úc và Tân Tây Lan cũng đã lên tiếng phản đối. Giới chức quân sự Hoa Kỳ nói rằng việc làm này nói lên tham vọng quân sự hoá khu vực Biển Đông mà Trung Quốc từ trước tới nay vẫn lớn tiếng chối cãi.

ket qua thuong dinh my asean2

Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – ASEAN – nguồn indiatoday.intoday.in

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa những loại vũ khí này vào khu vực biển đang có tranh chấp. Nhưng theo giới phân tích, việc càng ngày càng gia tăng những hoạt động quân sự của Trung Quốc trong vùng biển có thể đưa đến kết quả Bắc Kinh thắt chặt thêm kiểm soát cái gọi là khu vực phòng thủ trên không.

Hành động này rõ ràng cho thấy Trung Quốc cố tình thách thức Hoa Kỳ và xem phản ứng của các thành viên trong khối ASEAN ra sao, đặc biệt là bốn quốc gia Brunei, Mã Lai Á, Phi Luật Tân và Việt Nam hiện đang có tranh chấp với Trung Quốc trong vùng biển.

Có thể nói phần nào Trung Quốc đã thành công trong việc nhắc nhở các quốc gia có mặt tại cuộc họp thượng đỉnh về vị trí và tầm ảnh hưởng của họ tại Đông Nam Á. Đồng thời nó cũng nói lên một sự thật là chính sách tái cân bằng chiến lược sang châu Á hay còn gọi là chính sách xoay trục của Tổng thống Obama, chuyển các nguồn lực ngoại giao và quân sự tới khu vực được coi là động cơ kinh tế của thế giới, mà các chuyên gia nghiên cứu cho rằng đến nay có thể nói là thất bại hay ít ra là vẫn chưa đem lại kết quả trong việc ngăn chặn hay làm chậm lại ý đồ xâm lấn của Trung Quốc.

Trong hai năm trở lại đây, Trung Quốc đã bồi đắp ít nhất 1,170 hecta đất ở Biển Đông, xây dựng trên các bãi san hô, bãi cạn và đảo nhỏ.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc tại Canberra cho biết Trung Quốc vốn đã có những tàu tuần duyên nhiều hơn so với tất cả các nước ASEAN cộng lại. Với những vũ khí và hạ tầng quân sự, Bắc Kinh đang triển khai trên các đảo nhân tạo được xây trong vùng biển có tranh chấp, một số nơi cách xa đất liền hơn 800 cây số. Trung Quốc hiện đang đạt được cả tiềm lực tấn công nhanh lẫn ưu thế hải quân so với các nước khác trong khu vực.

Do đó, việc hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân, thậm chí với Úc nữa, có lẽ vẫn chưa đủ mà Hoa Kỳ cần phải tiến hành nhanh hơn nữa tiến trình hợp tác quân sự với Nam Dương, Mã Lai và Việt Nam thì mới có thể ngăn chặn mưu đồ bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Kết quả của cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN diễn ra trong hai ngày cũng cho ta có được cái nhìn rõ hơn về những thử thách và khó khăn hiện nay cũng như trong tương lai đối với mối quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN. Có một điểm đáng lưu ý ở đây, mà nhiều cơ quan truyền thông có nhắc tới, là bản thông cáo chung được đưa ra ngay sau khi cuộc họp thượng đỉnh kết thúc, trong khi nói đến sự cần thiết cho “sự tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền, ổn định khu vực, bình đẳng và độc lập chính trị của các quốc gia … và có chung cam kết đối với giải pháp hoà bình trong những tranh chấp” trong khu vực Biển Đông, nhưng bản thông cáo lại không nhắc đến Trung Quốc hay vai trò của Trung Quốc trong việc tạo nên một tình trạng chín muồi có thể đưa đến những xung đột quân sự ở trong vùng biển.

Không một lần nhắc đến tên Trung Quốc trong bản thông cáo chung mặc dù trước đó các giới chức Hoa Kỳ có nói rõ về ý định sẽ đưa vào bản thông cáo một số điểm nêu rõ những hành động khiêu khích của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông, và sự kiện này cho thấy sự chia rẽ vẫn còn tiếp diễn giữa các thành viên của ASEAN trong việc đối phó với sức mạnh quân sự mỗi ngày một gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Sự rạn nứt này giữa những quốc gia, như Việt Nam và Phi Luật Tân, hiện đang lo ngại về sức mạnh và hoạt động quân sự của Trung Quốc, và những quốc gia, như Cam Bốt và Thái Lan, lại tỏ ra không một chút quan tâm, một lần nữa cho thấy sự chia rẽ tiếp tục của khối ASEAN trong khoảng năm năm qua. Những chia rẽ và bất đồng này đang làm xói mòn và có khả năng phá vỡ sự liên kết của các quốc gia trong tổ chức. Không chỉ ở cuộc họp thượng đỉnh lần này mà còn tại nhiều cuộc họp khác trong thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo của khối ASEAN đã không thể đạt được sự đồng thuận cho một bản thông cáo chung nói rõ tư thế của ASEAN đối với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một điểm then chốt khác của cuộc họp thượng đỉnh là Hoa Kỳ kêu gọi có thêm những quốc gia Đông Nam Á tham gia vào Hiệp ước Hợp tác Xuyên Thái bình dương (TPP) nhưng để đạt được kết quả là một việc vô cùng khó khăn. Bốn quốc gia Đông Nam Á – Singapore, Brunei, Mã Lai Á và Việt Nam – đã cam kết tham gia TPP. Đặc biệt với riêng Việt Nam sẽ là quốc gia được lợi nhiều nhất khi tham gia hiệp ước này, và theo giới phân tích, một chính phủ mới sắp tới sẽ không thay đổi chính sách về TPP. Nhưng mặc dù với nhiều nỗ lực từ phía Tổng thống Obama kêu gọi thêm những thành viên ASEAN tham gia vào TPP, quan điểm của dân chúng và một số nhân vật có ảnh hưởng tại một số quốc gia Đông Nam Á vẫn là chống lại việc gia nhập TPP.

Đặc biệt như tại Thái Lan, một thỏa thuận mậu dịch tự do Hoa Kỳ-Thái Lan một thập niên trước đây đã bị ngăn chặn bởi những cuộc biểu tình của dân chúng và thiếu sự ủng hộ của đa số, và với một chính phủ Thái hiện nay thì việc tham gia TPP cũng sẽ khó có thể xảy ra. Tại Nam Dương, sự ủng hộ của dân chúng trong việc tham gia TPP cũng không mấy mặn mà, mặc dù Tổng thống Joko Widodo cam kết rằng quốc gia này sẽ ký vào hịệp ước. Một sự thật khác là Quốc hội Hoa Kỳ, mấy tháng trước đã nới rộng quyền hạn để Tổng thống Obama có thể xúc tiến nhanh hơn trong việc ký kết TPP, nhưng nay thì tiến trình thảo luận tại quốc hội để phê chuẩn hiệp ước có lẽ còn phải chờ cho đến sau cuộc tổng tuyển cử vào Tháng 11 năm nay cũng không giúp thêm được gì cho ông Obama trong việc thuyết phục thêm một số thành viên ASEAN để ký vào hiệp ước TPP này.

Có thể nói cuộc họp thượng đỉnh tại Sunnylands lần này nhiều phần mang tính biểu tượng. Chính phủ Obama biết rõ điều đó nhưng việc nên làm thì cứ làm. Ít ra thì đây là cơ hội để Hoa Kỳ nhắc nhở các thành viên ASEAN về một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và gây ảnh hưởng – từ chính trị, kinh tế tới quân sự – trong khu vực và không có gì bảo đảm là có lợi cho họ cả.

VH