Menu Close

Một tuần đi Cruise (Kỳ 2)

Nhiều người đi cruise lần đầu về kể: “Tưởng đi du lịch bằng tàu cả tuần trên biển sẽ buồn chán lắm, quanh đi quẩn lại trong tàu. Nhưng đi rồi mới thấy chẳng chán chút nào, thoải mái như đang sống trong một thành phố di động. Trên tàu có đầy đủ các dịch vụ, vui chơi ngoài trời, văn hóa giải trí, làm đẹp, thể dục, hội thảo chuyên đề liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là gặp gỡ những con người đủ mọi quốc tịch, cho dù đó là hành khách hay nhân viên làm việc trên tàu”.

di cruise4

Đi du lịch biển trên tàu cũng như sống trong một thành phố di động

Kỳ 2

Sống trong thành phố nổi

Người ta nói “tứ hải giai huynh đệ”, bốn biển là anh em, chí ít phù hợp cho một cộng đồng sống trong một thành phố nổi, là con tàu lênh đênh trên biển khơi. Bởi hành khách hay nhân viên phục vụ hoặc thủy thủ đoàn không phải là người cùng chung một dân tộc mà là cộng đồng tập hợp nhiều sắc dân trên thế giới. Cảm giác này không có gì lạ lẫm đối với những người sống trong nước Mỹ, một quốc gia đa sắc tộc. Nhưng với một người từ nơi khác đến như anh thanh niên mang quốc tịch Indonesia phục vụ trên tàu thì đó là điều mới mẻ. Anh mới làm công việc dọn dẹp trên đội tàu Carnival Cruise được gần một năm. Đây là chuyến thứ hai trong năm của anh trên con tàu Carnival Magic.

di cruise3

Hội những người Việt thích đi cruise với áo thun đồng phục Moonflower Cruise Group chụp hình kỷ niệm

Anh kể có được một công việc làm house keeping cho một hãng tàu du lịch Carnival đi khắp thế giới không phải dễ. Chấp nhận xa nhà là chuyện đương nhiên, làm việc trên tàu luôn chịu áp lực căng thẳng vì công việc nhiều hơn trên đất liền, có khi hơn mười tiếng một ngày. Không chỉ thế, hành trình con tàu quay vòng liên tục. Tàu vừa cập bến sau chuyến hải hành kéo dài một tuần, bộ phận dọn dẹp phải làm liền tay để chuẩn bị cho cuộc hành trình kế tiếp chỉ sau đó mấy tiếng đồng hồ. Bây giờ thì quen tay quen chân, anh không còn thấy vất vả như lúc mới vô làm, nội chuyện làm quen với từng ngõ ngách hành lang lên xuống các tầng phải mất cả tháng. Trên tàu, bộ phận house keeping có số đông nhân viên nhất, kế đến là bộ phận nhân viên phục vụ nhà hàng. Bây giờ, ngoài những người bạn đồng hương, anh còn có bạn mới từ mấy nước lân cận như Philippines hay Thái Lan khi làm việc chung với nhau từng nhóm nhỏ.

Hình như nhân viên làm việc trên tàu đều được tính theo lương tháng. Khi tôi hỏi một anh nhân viên có thâm niên mười năm, người Philippines dọn dẹp phòng về tiền thu nhập, anh cho biết mỗi tháng lương được 1,100 đô. Mới vô làm chưa được một năm như anh chàng Indonesia nhận lương khởi điểm 900 đô. Như vậy, số tiền tăng lương theo thâm niên của nhân viên trên tàu là không đáng kể. Sau 6 tháng hoặc 8 tháng hải hành trên biển được nghỉ vacation 2 tháng về thăm nhà không ăn lương, rồi trở lại làm việc. Công việc house keeping là một trong những công việc khá cực nhọc trên tàu. Mỗi người đều phải chu toàn công việc có khi dọn phòng, hút bụi các tầng, lau chùi cầu thang, tẩy rửa vết bẩn. Họ thay phiên nhau thực hiện sự phân công, không như tôi nghĩ chuyện anh chàng Indonesia gặp sáng nay chỉ làm mỗi việc xách cái xô nước đi lau chùi vết bẩn cà phê hay đồ ăn mà hành khách làm rơi vãi trên boong tàu, là một công việc nhẹ nhàng.

di cruise2

Nhân viên dọn dẹp trên tàu làm việc có khi hơn 10 tiếng mỗi ngày

Nhiều người bạn của tôi đi cruise về kể đủ thứ chuyện trên đời nhưng vẫn có lời trân trọng dành cho nhân viên phục vụ phòng làm việc rất chu đáo, mỗi ngày phòng được dọn tinh tươm hai lần sáng chiều. Cách nhìn nhận công sức lao động của người phục vụ cho mình như thế không sai. Chẳng qua cái phòng ở cũng giống như ngôi nhà mình đang sống có mướn “osin”, nó gần gũi nhất, nên mình dễ thấy người dọn dẹp làm việc thế nào, tận tụy công việc ra sao. Thực ra, mỗi một bộ phận phục vụ khách hàng trên tàu, từ ăn uống, dọn dẹp, giải trí hay bộ phận kỹ thuật đều phải hết lòng với công việc để cho chuyến hải trình du lịch được an toàn và hành khách luôn được hài lòng với mọi sự phục vụ, bởi đối với việc kinh doanh dịch vụ thì khách hàng luôn là thượng đế. Và để hậu thưởng cho công sức của người phục vụ, mỗi khách hàng phải trả một khoản tiền tip bắt buộc 12 đô la một ngày được phân chia công bằng cho tất cả các nhân viên phục vụ. Bạn hãy làm con tính nhỏ xem sao sẽ thấy kết quả không nhỏ chút nào với con tàu có 4,000 khách. Anh dọn phòng Philippines cho biết, số tiền tip sẽ được nhận trong tháng với tiền lương, chia theo tỷ lệ, nhà hàng 6, dọn dẹp 4 và các bộ phận khác 2. Với số thu nhập tưởng chừng ít ỏi, suốt thời gian sống trong một thành phố di động không tiêu xài một đồng nào, lại có thêm tiền tip, thì công việc phục vụ tàu du lịch biển là một nghề khá hấp dẫn với những con người làm việc trên tàu hầu hết đến từ các nước đang phát triển.

di cruise1

Nhân viên house keeping dọn dẹp phòng ốc trên tàu phần đông là phái nam

Nhưng đó chưa phải là những gì tôi muốn biết. Điều quan trọng cho bốn năm ngàn con người sống trong một thành phố nổi lênh đênh trên biển dù là chuyến hải hành một tuần, nước sinh hoạt cho hành khách và vận hành con tàu là điều trước tiên mà rất nhiều người muốn biết nó được cung cấp từ đâu. Với ngần ấy con người, lượng nước tắm, giặt, vệ sinh thì khối lượng nước phải chứa trong tàu bằng cả một bể bơi tiêu chuẩn Olympic thế giới. Và ngược lại, lượng nước thải cũng tương đương như vậy. Tôi đưa ra câu hỏi này khi tình cờ ngồi hút thuốc chung bàn cà phê ở tầng thượng với hai vợ chồng người Mỹ cư ngụ tại San Jose đã về hưu từng có gần ba mươi lần đi cruise. Cả hai vợ chồng già kể chuyện đi cruise trên các con tàu to nhất của nhiều hãng du lịch biển nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nước nôi sinh hoạt cung cấp cho một thành phố di động như con tàu Carnival Magic này. Hai vợ chồng nghĩ chắc là có những bể chứa dưới hầm tàu vì có lần thấy nhân viên nối đường ống cấp nước khi tàu cập cảng Jamaica. Cũng có thể tàu dùng máy chưng cất nước biển thành nước ngọt như trên các Hàng không mẫu hạm lênh đênh đại dương suốt nhiều tháng trời.

Sự suy đoán của hai vợ chồng vui tính khoái đi cruise gần đúng hoàn toàn sau khi tôi gặp một anh thợ máy người Ấn Độ lúc đi bộ ngoài hành lang tầng 5 nơi chứa các tàu cứu sinh. Con tàu treo bên hông trông nhỏ bé như vậy mà có thể chứa được 275 người. Nhẩm tính mỗi bên mạn tàu 10 chiếc, đủ cho toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn di tản trong trường hợp khẩn cấp. Vùng biển vịnh Mexico và Caribbean thuận lợi là vùng biển lặng, nhưng không phải là không từng có tai nạn xảy ra. Chỉ trong vòng hai tháng đầu năm của ba năm trước, cả ba chiếc cruise của công ty Carnival trong cuộc hải hành đều bị cháy máy, một chiếc hỏng nặng buộc tàu phải hủy cuộc hải trình quay lại bờ. Người bạn tôi đi trên chiếc Carnival Triumph quanh vịnh Mexcico bốn ngày, đến ngày thứ tư phòng máy phát hỏa cháy lớn, tàu không chạy được, cảnh sát biển phải cho tàu kéo khẩn cấp vào cảng Mobile tiểu bang Alabama. Hành khách gặp một phen hú hồn hú vía.

di cruise5

Sinh hoạt vui chơi trên tàu không có gì phải chán – Ảnh: Sơn Nguyễn

Trở lại chuyện nguồn cấp nước, anh thợ máy cho biết dưới hầm tàu có nhiều bồn chứa rất lớn. Nước nấu ăn dành cho nhà hàng; nước tắm giặt, vệ sinh, vận hành làm nguội máy tàu dùng nước biển chưng cất lấy hơi nước ngưng tụ thành nước ngọt. Trong trường hợp máy chưng cất bị hư hỏng trong chuyến hải hành thì làm sao? Không sao, đã có một bể chứa nước ngọt dự phòng và có đội ngũ nhân viên kỹ thuật sửa ngay.

Đã nói con tàu du lịch là một thành phố di động thì đương nhiên sẽ có ô nhiễm môi trường. Nước thải từ bồn vệ sinh, tắm, giặt gọi là “gray water” được phép thải thẳng ra biển. “Black water” từ bồn cầu được tích trữ riêng trong hầm không được thải ra biển, khi tàu về bến sẽ được hút ra; nước làm nguội máy có váng dầu “oily bilge water” được phép thải ngoài 200 hải lý. Ngoài chuyện nước thải còn phần ô nhiễm khác nữa là rác. Khi tôi hỏi anh nhân viên nhà hàng dọn dẹp thức ăn thừa “gom lại cho xuống biển nuôi cá”, anh ta tròn mắt ngạc nhiên như đang bị thanh tra chất vấn, rồi trả lời một cách dứt khoát, “không, bỏ vào bồn chứa riêng, thải xuống biển sẽ bị phạt”.

Biển trời mênh mông, cảnh sát biển có ai biết ai hay, vậy mà các hãng tàu du lịch vẫn bị phạt dài dài. Riêng tập đoàn Carnival Cruise mấy năm trước từng bị phạt 18 triệu đô cho 6 con tàu chỉ vì cái tội thải rác xuống biển không đúng theo quy định.

di cruise

Thức ăn thừa được thu dọn đổ vào bể chứa riêng

TN