Giới thiệu Tập Truyện “Trăng Ơi Thơ Ấu Mãi,” ông Phạm Xuân Đài viết:
Thực và mộng trộn lẫn không ranh giới, không giải thích, vì Hà Nội hiện diện trong tâm hồn Kham, và chắc là nhiều người khác nữa, cũng lẫn lộn không phân biệt như thế. Dàn trải được cái mớ phức tạp ấy lên mặt giấy là một điều lạ lùng, phải xóa bỏ ý niệm thời gian không gian của cuộc sống thường ngày, và chấp nhận những chuyến đi lại rất tự nhiên của các hồn ma. Đến Hà Nội, Kham đã chọn một cơn lên đồng như thế trong văn chương của mình, như một cách thế duy nhất để phát biểu tạm đủ về nó. Hầu như ai cũng mang Hà Nội trong lòng như một quá khứ đã từng hoặc chưa từng gặp, và quá khứ ấy bắt buộc phải vụt về để chen với cái hiện tại khi người ta đến đây, và Nguyễn Chí Kham đã chọn cách tốt nhất để kể một ngày lang thang ở Hà Nội trôi qua như thế nào: Chàng đã lang thang như một kẻ mộng du. Người mộng du có thể đi ở chỗ cheo leo tỉnh bơ không hề sợ nguy hiểm – và do đó cũng không gặp nguy hiểm – Kham đã qua được những bức tường không gian và thời gian một cách tỉnh bơ và đạt được mục tiêu của mình, nói cho người biết thế nào là ‘Hà Nội trong lòng tôi.”
“Trăng Ơi Thơ Ấu Mãi” dày 183 trang, do nhà xuất bản Tân Thư phát hành năm 1998 gồm 08 truyện ngắn: “Trăng Ơi, Thơ Ấu Mãi, Khu Vườn Trồng Hoa, Một Người Cùng Chuyến Đi, Ngày Đi Trong Cơn Gió, Hà Nội, Bướm Trắng, Đàn Bướm Quanh Chân Ngựa, Không Đi Xa Nữa, Cánh Cửa.” Những câu chuyện được viết bằng giọng văn trần thuật, cung bậc trầm mặc, khiến người đọc có cảm tưởng đang được Nguyễn Chí Kham dẫn vào đáy sâu nội ngã của chính ông, một lâu đài ký ức rất riêng có vầng trăng cổ tích, có một cánh cửa đặc biệt mở ra thấy giòng sông chảy qua thành phố trong vắt, nhiều gợi cảm và rung động như giọng hát của cô gái tên Hiền. Và những cơn mưa như những hạt bụi sương rũ xuống thật nhẹ nhàng, tươi mát. Ý niệm thời gian và hạnh phúc gần như mặc định là an toàn, trong khi con người với tấm lòng hết sức thiết tha, vẫn hay gặp phải sự xa cách, chia lìa.
Nguyễn Chí Kham sinh năm 1944 tại Quảng Trị, là cựu quân nhân, định cư tại Thành Phố Santa Ana, Tiểu Bang California, từ năm 1993. Những tác phẩm khác đã xuất bản “Nắng Hồng Phương Nam, Một Thời Tuổi Trẻ, Chuyến Tàu Ngày Mai…” Từng câu chuyện của Nguyễn Chí Kham, như Nguyễn Quốc Trụ nhận xét “…không tạo những cú sốc, theo cả hai nghĩa văn chương, lẫn cuộc đời. Cô giáo trong truyện Trăng ơi, thơ ấu mãi không làm người đọc bận tâm với một con quỷ của sự tò mò: cô có những nét riêng, để người đọc nhớ, và làm cho cậu học trò mới lớn phải bâng khuâng. Người đọc có thể tưởng tượng, nhưng đừng quyết đoán, việc cô tức giận, khi cố gắng làm cho cậu học trò hiểu một bài toán: một cố gắng để ngăn chặn tình cảm, chỉ ở mức đó, giữa hai người. Có thể chính vì vậy mà cậu học trò không thể chia tay với cô giáo, và tìm cách cho cô giáo sống lại mãi mãi, cùng với vầng trăng thơ ấu. Chúng ta sẽ còn gặp cô, ở trong những truyện sau.” [Trang 11]
HNP – 4:15am Chủ Nhật ngày 07 tháng 02 năm 2016