Menu Close

Điểm lược sự kiện thế giới 2015

isis cubs 01

Một năm đã trôi qua, nhìn lại những sự kiện lớn đã xảy ra trong năm, chúng ta có thể hy vọng về một triển vọng tốt đẹp mang xu hướng hợp tác và hòa bình khắp thế giới. Dù nguy cơ khủng bố và sự trỗi dậy của tổ chức ISIS vẫn sẽ tiếp tục là thử thách cho thế giới trong năm mới, nhưng những nỗ lực hợp tác và phát triển quan trọng giữa nhiều quốc gia trong năm 2015 đã là một tín hiệu lạc quan và cần được ghi nhận. Xin cùng chúng tôi điểm lược lại một số sự kiện lớn đã xảy ra trong năm 2015 vừa qua và cầu chúc những bình an và tốt lành cho một năm mới 2016 vừa bắt đầu.

1. Khủng bố tấn công Paris

Ngày 7 tháng 1, trong không khí nhộn nhịp của những ngày đầu năm mới hãy còn Xuân, những tên khủng bố thuộc nhánh Al-Qaeda tại Yemen đã đột nhập tòa soạn tạp chí hý họa Charlie Hebdo tại Paris nước Pháp và ra tay hạ sát hàng chục họa sĩ, ký giả tạp chí này, với lý do là tờ báo đã từng báng bổ đức tin người Hồi Giáo.  Xem cuộc khủng bố như một tấn công về quyền tự do báo chí và ngôn luận, người dân khắp thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ  đến tạp chí Charlie Hebdo, khi tiêu thụ khoảng gần 8 triệu ấn bản ngay sau khi khủng bố so với mức 60,000 ấn bản Pháp ngữ  thông thường cho mỗi kỳ báo. Dù vậy, vụ khủng bố tại Paris vào cuối tháng 11 đã làm kinh hoàng người dân Paris và cả thế giới khi những kẻ khủng bố xả súng tại các hý viện, tiệm ăn, sát hại hàng trăm thường dân. Cùng với các vụ riêng rẽ tại Đan Mạch, Bỉ, Úc hay Hoa Kỳ, cuộc chiến chống khủng bố và Hồi Giáo cực đoan vẫn còn là thách thức lớn nhất của thế giới. 

isis cubs 01

Cảnh sát Pháp tăng cường tuần tra sau vụ thảm sát tại Paris. (ẢNH TVGIUDE.COM)

2. Giá xăng dầu thế giới tụt giảm

Năm 2015 được xem là năm mà giá xăng dầu liên tục tụt giảm nhanh và nhiều nhất cho đến tận những ngày cuối năm, ảnh hưởng nặng nề đến kỹ nghệ xăng dầu Hoa Kỳ và thế giới. Giá dầu thô từng đạt mức cao nhất đến hơn 130 đô la/thùng chỉ còn lại ở mức trên dưới $40/thùng vào thời điểm cuối năm 2015. Sản xuất xăng dầu nội địa tăng cao, các quốc gia dầu lửa tiếp tục khai thác trữ lượng lớn trong khi nền kinh tế tại nhiều quốc gia chưa vực dậy đã dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sút giảm theo. Mặt khác, xe cộ và các thiết bị tiêu thụ xăng dầu ngày càng được cải đổi để ít hao tốn nhiên liệu hơn cũng đã góp phần làm mức tiêu thụ tụt giảm theo. Người tiêu dùng được thủ lợi nhờ vào giá xăng dầu giảm mạnh, tuy nhiên kỹ nghệ xăng dầu và một số tiểu bang dầu lửa đã gặp nhiều khó khăn hay phải sa thải bớt nhân viên để cầm cự với tình trạng này. Đã có giả thuyết cho rằng đây là kế sách chính trị để tạo áp lực kinh tế lên những quốc gia bị ảnh hưởng nặng khi dầu thô xuống giá như Nga, Iran, Venezuela… 

3. Thỏa thuận vũ khí hạch tâm với Iran

Sau hàng thập niên thù địch với những âm mưu lật đổ, bắt giữ con tin, khủng bố, cấm vận, ngày 14 tháng 7 năm 2015 trở thành một ngày lịch sử trong quan hệ thế giới khi cuộc thương thuyết kéo dài 20 tháng giữa Iran với Hoa Kỳ cùng 5 cường quốc  thế giới là Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Cộng, đã đạt được thỏa thuận là Iran sẽ giới hạn các chương  trình hạch tâm và không phát triển vũ khí hạch tâm để được gỡ bỏ lịnh cấm vận kinh tế. Thỏa thuận này đã gặp phải sự chống đối từ các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa cũng như Do Thái, một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ tại Trung Đông. Thỏa ước này tạo ra niềm hy vọng về khả năng chiến tranh (hạch tâm) với Iran, mang lại sự hợp tác và ổn định khu vực, đồng thời thay đổi diện mạo kinh tế toàn cầu qua nguồn dầu lửa từ Iran, cũng như cổ vũ cho vấn đề dân chủ và nhân quyền tại Iran được phát triển.

isis cubs 01

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa kỳ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại cuộc gặp tại Geneva hôm 14 tháng 1- 2015.

4. Hiểm họa tổ chức khủng bố ISIS

Hoạt động riêng rẽ với các danh xưng khác nhau hàng thập niên, năm 2015 là năm mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS đã trỗi dậy như một hiểm họa lớn và tác động mạnh đến cục diện thế giới. Từ các vụ hành quyết dã man những ký giả phương Tây bị bắt giữ, các vụ tàn sát người Thiên Chúa Giáo cho đến việc trực tiếp hay gián tiếp thực hiện các cuộc khủng bố lớn nhỏ trên khắp thế giới trong thời gian qua, nhóm phiến quân Hồi Giáo cực đoan này đang tạo sự bất ổn tại khu vực Trung Đông, chiếm giữ nhiều vùng đất của Iraq và Syria, lôi kéo các thanh niên Hồi Giáo phương Tây trở thành những kẻ khủng bố “tử đạo”, có thể thực hiện các vụ khủng bố đơn lẻ hay có tổ chức ngay quốc gia của mình hay tìm đường sang Syria để tham gia cuộc “thánh chiến” do ISIS cổ súy. Chiến cuộc tại các vùng đất do ISIS chiếm giữ đang leo thang khi liên minh phương Tây tiếp tục những cuộc không tập dữ dội vào các mục tiêu của ISIS, gây nên làn sóng tị nạn ào ạt đổ vào Châu Âu.

isis cubs 01

Phiến binh Hồi giáo (ISIS) tại trại huấn luyện (ẢNH PAMELAGELLER.COM)

5. Khủng hoảng di dân tại Châu Âu

Chiến tranh, nghèo đói cùng những bất ổn khu vực đã tạo nên một làn sóng người tị nạn từ Trung Đông, Châu Phi và Trung Á ồ ạt đổ vào Châu Âu, nơi nhiều quốc gia phải bất ngờ đối diện với làn sóng người tị nạn đông đảo nhất trong lịch sử của mình. EU ước tính có thể có đến gần một triệu người tị nạn đã đổ vào Châu Âu trong năm 2015, tạo nên nhiều tranh cãi và các bất đồng trong nước hay giữa các quốc gia Châu Âu về các chính sách và đối xử với làn sóng người tị nạn này. Trong khi việc cưu mang và giúp đỡ người tị nạn với mục đích nhân đạo là cần thiết, các quốc gia đón nhận số người tị nạn đông đảo này cũng có thể bị ảnh hưởng trong các vấn đề kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia khi những kẻ khủng bố có thể theo dòng người tị nạn để xâm nhập vào các quốc gia phương Tây.  

isis cubs 01

Những người tị nạn Syria (ẢNH SOOPERMEXICAN.COM).

6. Hoa Kỳ nối quan hệ ngoại giao Cu Ba 

Tương tự như thỏa ước hạch tâm với Iran, việc Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba sau hơn nửa thế kỷ thù địch không chỉ là một sự kiện lớn trong năm, mà sẽ được ghi như một cột mốc quan trong trong những trang sử về chính trường thế giới. Những đối đầu kéo dài từ cuộc Chiến Tranh Lạnh, lịnh cấm vận kinh tế do Hoa Kỳ áp dụng lên Cuba đã ngăn chận sự phát triển của Cuba, đặc biệt kể từ sau khi khối cộng sản Đông Âu sụp đổ. Với sự cổ vũ và giúp đỡ từ Vatican, hai quốc gia đã thiết lập lại quan hệ ngoại giao, mở đại sứ quán, nới lỏng các vấn đề giao thương qua các sắc lịnh hành pháp từ Tổng Thống Obama, tuy nhiên việc dỡ bỏ hoàn hoàn lịnh cấm vận kinh tế vẫn còn chờ đợi vào sự chuẩn thuận của quốc hội Hoa Kỳ, đang do đảng Cộng Hòa nắm đa số và chống đối bỏ lịnh cấm vận Cuba. 

7. Giáo Hoàng Francis thăm Hoa Kỳ

Chuyến viếng thăm lịch sử đến Hoa Kỳ hồi tháng 9 của Đức Giáo Hoàng Francis mang theo những thông điệp về hòa bình và hy vọng đã được hàng triệu tín đồ công giáo hân hoan đón chào. Là một quốc khách được tổng thống Obama và Quốc Hội Hoa Kỳ đón tiếp trọng thể,  Giáo Hoàng Francis đã gặp gỡ và đưa ra một số thông điệp đến giới lãnh đạo Hoa Kỳ và thế giới về các vấn đề khác nhau qua cuộc phát biểu tại Quốc Hội và kỳ họp thường niên của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại New York. Nhìn nhận các vấn đề xã hội một cách bao dung, thẳng thắn và khai phóng,  Giáo Hoàng Francis xem như đang làm một cuộc cải đổi mạnh mẽ về các giáo luật truyền thống nghiêm ngặt của một tôn giáo với hơn một tỉ giáo dân. 

isis cubs 01

Đức giáo hoàng Francis giữa vòng vây của những người yêu mến trong chuyến viếng thăm Mỹ quốc

8. Thương ước Thái Bình Dương

Sau hơn năm năm đàm phán, Thương ước Thái Bình Dương gọi tắt là TPP cuối cùng đã đạt được thỏa thuận giữa 12 quốc gia tham dự, bao gồm Úc, Tân Tây Lan,  Hoa Kỳ, Canada, Chile, Mexico, Peru, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Việt Nam vào tháng 9 năm 2015. Đây là một thương ước quốc tế có tầm cỡ và quan trọng, ảnh hưởng đến gần 40 % GDP toàn cầu,  đặc biệt với các quốc gia nhỏ như Việt Nam nhờ vào những quy chế tự do mậu dịch ký kết. Ngược lại các quốc gia này cũng cần cải đổi và đáp ứng một số điều kiện về các vấn đề lao động, môi sinh, tác quyền có thể dẫn đến những ảnh hưởng chính trị và xã hội khác nhau. Hoa Kỳ cũng đang thương thảo một thương ước tương tự với Châu Âu, hứa hẹn những sự hợp tác kinh tế và mậu dịch đầy lợi ích cho hai châu lục.  

 9. Hoa Kỳ nhập cuộc Biển Đông

Những thách thức và ngang ngược của Trung Cộng về vấn đề Biển Đông tại Châu Á đã tiếp tục gặp phải những phản ứng mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trong khu vực. Dù cổ vũ quyền tự do hàng hải nhưng tuyên bố không can thiệp vào việc tranh chấp chủ quyền Biển Đông tại khu vực Châu Á, Hoa Kỳ vì các quyền lợi về giao thương của mình dường như đã chậm trễ trong việc đưa ra những biện pháp và hành động cứng rắn hơn trước vấn đề lấn chiếm Biển Đông của Trung Cộng. Tuy nhiên việc Hoa Kỳ gởi các chiến hạm hải quân của mình đến tuần tra sát quanh các vùng đảo mà Trung Cộng tự nhận chủ quyền để xây các căn cứ quân sự  từ những tháng cuối năm 2015 là một tín hiệu tích cực và đáng mừng với các quốc gia đồng minh Hoa Kỳ hay đang bị Trung Cộng ức hiếp tại khu vực Biển Đông.  

10. Dân chủ Miến Điện đạt thắng lợi

Sau nhiều thập niên nằm trong tay một thể chế quân phiệt với những vụ biểu tình, đàn áp cùng các bất ổn chính trị, xã hội và kinh tế, người dân Miến Điện đã được tự do bỏ lá phiếu chọn lựa những những lãnh đạo quốc gia và vận mệnh của dân tộc mình qua cuộc bầu cử lịch sử hồi tháng 11 vừa qua. Đây là một thành công của quá trình tranh đấu bền bỉ và can đảm của người dân Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi, người lãnh tụ đã song hành cùng phong trào dân chủ Miến Điện gần 30 năm qua. Đất nước những ngôi chùa vàng ắt còn sẽ đối diện rất nhiều hệ lụy, tuy nhiên bước thành công khởi đầu của phong trào dân chủ đã hứa hẹn một viễn cảnh tốt đẹp cho quốc gia này cũng như truyền nguồn cảm hứng đến phong trào dân chủ tại những quốc gia còn đang bị nằm trong tay những thể chế độc tài toàn trị. 

isis cubs 01

Bà Aung San Suu Kyi đang diễn thuyết trước những người ủng hộ

ĐYT