Sài Gòn với những cơn mưa rát mặt. Gặp nữ sĩ như gặp tình nhân của văn thơ. Tôi “hẹn hò” với chút thi thơ, chút đời thường. Chiều, tôi đợi họ ở Chiêu Café Sách. Cảm ơn hai nữ sĩ Sàigòn đáng yêu, cùng lời hứa hẹn một chầu… quà vặt ở Sài Gòn. Hình ảnh: Đặng Mỹ Hạnh.
Từ trái sang: Đặng Mỹ Hạnh, Du Uyên, Chiêu Anh Nguyễn
Du Uyên
Vần điệu thô mộc, ý tưởng chừng như có lúc lãnh đạm; cái “duyên” trong thơ Du Uyên là sự lôi cuốn bằng những nhận định hài hước. Độc đáo. Nhạy bén, rất thường pha chút lém lỉnh, thông minh đầy bất ngờ.
Đặng Mỹ Hạnh: Nhà thơ trẻ thường mơ ước, những nữ sĩ tuổi muộn hay hoài niệm… Những ẩn dụ ý niệm trong thơ của Du Uyên thì miền đích là cuộc đời hay những day dứt trong tình yêu?
Du Uyên: Cái tôi viết trong thơ chỉ là những suy nghĩ, suy diễn bồng bột nhất thời trong một khoảnh khắc. Nó không tượng trưng cho một giây sau đó hoặc trước đó. Tôi viết để thỏa mãn sự tò mò với thế giới xung quanh. Còn miền đích cho tôi hướng đến bây giờ là mong thêm một lần có thể day dứt trong tình yêu để… thoát ra thơ (!)
Đặng Mỹ Hạnh: Độc giả hiện nay có rất nhiều phương tiện, phương cách để độc giả tiếp cận với tác phẩm, và ngược lại, tác giả tiếp cận với độc giả của mình. Du Uyên nghĩ thế nào về cách tiếp cận độc giả theo cách truyền thống?
Du Uyên: Đúng là thời buổi công nghệ khác với thời xưa – thời với cách tiếp cận truyền thống chỉ qua việc nghe (thơ) và đọc (sách); và khác, vì chúng ta tiếp cận được nhiều tầng lớp độc giả đa dạng hơn. Nhưng sự tiếp cận nào cũng bị thu hẹp nếu thơ mình không đem lại sự gần gũi với độc giả. Và chỉ có “thơ nói lên sự thật” mới mang lại sự đồng cảm với nhiều người! Đời sống hôm nay dối trá nhiều quá! Đại đa số độc giả đang vẫy vùng, chìm đắm trong những bế tắc, những vũng lầy, của riêng họ. Do đó, chúng ta cần làm cho thơ sống thực hơn, khi đó thơ sẽ được chia sẻ dễ dàng, và sẽ tiếp cận đến nhiều độc giả hơn. Người làm thơ là độc giả đầu tiên của chính họ. Họ nên sống thật với những con chữ của mình. Tại sao không?
Đặng Mỹ Hạnh: Bế tắc? Cái gì bế tắc? Thơ bế tắc, tác giả bế tắc hay độc giả bế tắc?
Du Uyên: Sẽ không ai bế tắc cả nếu không coi “nó” là thơ một cách quá nghiêm trọng.
Đặng Mỹ Hạnh: Điều gì nhà thơ thực sự trăn trở nhất?
Du Uyên: Làm thế nào để thôi… trăn trở!
Đặng Mỹ Hạnh: Người đàn bà trong Thơ của Du Uyên đã nói hộ nhà thơ điều gì?
Du Uyên: Người đàn bà trong thơ chính là người đàn bà trong… tôi. Cô ấy nói ra hết những vùng vẫy trong tâm hồn mà tôi không đủ dẻo dai để vùng vẫy giữa cuộc sống thật.
Đặng Mỹ Hạnh: Để giữ người đàn ông của mình, nàng sẽ phải làm gì?
Du Uyên: Google thì ra hàng ngàn cách. Làm (và không làm) mọi thứ, trừ làm thơ! Chỉ là tôi không hiểu được tại sao tôi phải giữ họ? Họ không phải trẻ em (vì chúng ta không thể coi trẻ em là “người đàn ông của mình”). Tôi nhớ đọc ở đâu đó rằng: “Hạnh phúc cũng như con bướm, nếu mình cố bắt giữ nó, nó sẽ bay! Nhưng nếu để yên, nó sẽ đậu trên vai ta”; hoặc tôi thường đùa với các bạn rằng: “Tình yêu như một con chó. Nếu chạy, nó ví. Nếu ngừng, nó sủa. Nằm một chỗ, thì nó hửi (có khi tè) rồi bỏ đi.”
Tôi nghĩ, hãy coi đàn ông như cơn gió. Họ đã cho ta những khoảnh khắc mát mẻ thì đã đủ. Đừng cố giữ quá chặt khiến chính bản thân cảm thấy quá lạnh lẽo. Khi lạnh, da sẽ khô và nhăn nheo. Sẽ tốn kem dưỡng ẩm. Mà tôi thì… không giàu!
Đặng Mỹ Hạnh: Một bài thơ chăng?
Du Uyên: Thơ? Cho hai bài luôn…
Sài Gòn tháng chín
khởi động mùa cổ tích
không ai rảnh với vai diễn của mình
mỗi cư dân đều hóa chiến binh
súng dưới mông
hoa phía trước
lái xe như lái thuyền
coi chừng thủy quái!
ai là thủ lĩnh?
có lẽ những con cá trèo lên
từ kênh Nhiêu Lộc
chúng bơi giỏi hơn mình!
anh ở đâu?
giữa các chấm đen nhỏ xíu
ngã bên này
đẩy bên kia
Sài Gòn tháng chín
chờ hoài con trăng
khiến em hờn mấy bận
hẹn đến kỳ, nhấp nhỏm
vậy mà cứ biền biệt
như anh, chảy xuống cống!
Sài Gòn tháng chín
vắt mãi không khô cuộc tình hờ!
Mẹ
chuyến xe cuộc đời dài như đuôi mắt Mẹ
ở nơi nào dõi theo con
ăn, uống, ngủ, cười, khóc
gây hấn với cuộc đời lẫn quỳ gối buông tay
ngã tư, ngã năm, ngã sáu, ngã chín, ngã mười
nghiêng bên này chúi bên kia
xót xa
bao nhiêu lần biển cả?
bàn tay này có phải Mẹ từng nắm chặt
cái mông này có phải đã mấy lằn roi
cái bụng này chắc nhiều lần xoa ấm áp
tất cả không là ký ức
vì mỗi ngày
con không thể lớn thêm
lượm từng hạt nước mắt chắt chiu, đong đếm
đổi giấc mơ vĩnh cửu
con là người nằm ngủ
đang nhìn mình khóc Mẹ, Mẹ ơi !
sẽ có bàn tay vỗ lưng lay dậy
“ngủ thấy gì mà nói mớ vậy con?”
Chiêu Anh Nguyễn
Thơ Chiêu Anh Nguyễn buồn & đẹp. Cái đẹp của Người đàn bà đi trong khánh kiệt của giấc mơ. Những dòng thơ ủ nỗi cô đơn của những ngày yêu, như cơn mưa bất chợt, sũng ướt tâm tư…
Đặng Mỹ Hạnh: Cùng những câu hỏi như với Du Uyên nhé, nhà thơ trẻ thường mơ ước, những nữ sĩ tuổi muộn lại hay hoài niệm… Vậy thơ của Chiêu Anh Nguyễn là cuộc đời được phản chiếu lại hay là những day dứt trong tình yêu?
Chiêu Anh Nguyễn: Trong tình yêu luôn có bóng dáng của hoài niệm, và đương nhiên đời thường cũng là yếu tố quan trọng trong thơ, khi ẩn dụ và ý niệm được dùng để thơ mộng hóa đời thường thì đích thị đó chính là một người thơ đã trải qua nhiều thăng trầm để gọt giũa chính mình.
Đặng Mỹ Hạnh: Độc giả hiện nay có rất nhiều phương tiện, phương cách để độc giả tiếp cận với tác phẩm, và ngược lại, tác giả tiếp cận với độc giả của mình. Chiêu Anh Nguyễn nghĩ thế nào về cách tiếp cận độc giả theo cách truyền thống?
Chiêu Anh Nguyễn: Cách gì thì một tập thơ được trau chuốt kỹ càng từ bìa tới con chữ, từ màu sắc tới mùi giấy phảng phất cũng mang lại sự kích thích cho độc giả hơn rất nhiều một màn hình vi tính đấy chứ!
Đặng Mỹ Hạnh: Thơ bế tắc, tác giả bế tắc hay độc giả bế tắc?
Chiêu Anh Nguyễn: Thực ra, sự bế tắc nó đi ra từ tâm hồn của mỗi con người chúng ta, đâu thiếu những tâm hồn nặng nợ với thi ca trong xã hội xô bồ này, ngay cả khi chỉ đọc và yêu mến câu chữ một cách thuần túy. Nhưng cũng không phải thiếu những nhà thơ đi sao chép lại cảm xúc của kẻ khác. Vậy, sự bế tắc dù ở phía nào cũng khiến cho thơ ca kém đi sự đẹp đẽ và thăng hoa.
Đặng Mỹ Hạnh: Điều gì nhà thơ thực sự trăn trở nhất?
Chiêu Anh Nguyễn: Đã bị buộc vào thân hai từ “nhà thơ” thì có lẽ nội hàm của hai từ ấy cũng đã nói lên tất cả sự trăn trở rồi.
Đặng Mỹ Hạnh: Người đàn bà trong Thơ của Chiêu Anh Nguyễn đã nói hộ nhà thơ điều gì?
Chiêu Anh Nguyễn: Người đàn bà ấy chỉ lặng lẽ như chiếc bóng đi bên cạnh một cuộc đời rực rỡ và đầy khổ đau.
Đặng Mỹ Hạnh: Để giữ người đàn ông của mình, nàng sẽ phải làm gì?
Chiêu Anh Nguyễn: Thực ra cách hay nhất là hãy để họ giữ mình :)!
Đặng Mỹ Hạnh: Một bài thơ chăng?
Chiêu Anh Nguyễn: Vâng, xin mời!
Tuyệt khúc!
Nếu không mang về cành hoa
màu rượu chát từ đáy sông
Hãy thả trôi giọng hát lên đỉnh núi
Tiếng dương cầm phù du
Chảy miệt mài về dĩ vãng
Buồn
Cánh thiên điểu ngả màu
Se sắt
Thăng hoa
Và tiếng khóc cười còn vướng vất
trên nấm đất được ghi hình thập tự
Ánh mắt dõi theo mùa quá khứ
Lòng sông hắt dịu sang mùa
Nếu không cất vào kho lẫm những dấu yêu
Cành lưu li còn tím đến tận ngày cứu rỗi
Chiếc khăn choàng thẫm màu bóng tối
Xiết gọn thanh âm
Rơi trên từng ngón trầm
Mưa cuốn những dát vàng dưới đáy sông
Trả thì thầm về cỏ hoa mềm mượt
Ta trả về nhau những dòng tận tuyệt
Vỡ
Chìm!
Chút gì còn lại!
Em có yêu tôi
Ngày bồng bềnh trên ngọn heo may xanh thẳm
Phố dốc đồi xuôi về cơn tĩnh lặng
Em có yêu con suối chảy qua đêm
Tôi trở về nguyên vẹn
im lìm
Cành thông quay quắt gió
Một sớm ngõ hoa về trong nỗi nhớ
Ly vang sóng sánh rã rời
Em có yêu tôi
của một ngày giã từ niềm vui
tạm bợ
Phố nghiêng về theo chiều nỗi nhớ
Em đi
Để lặng yên sóng chạm phía chân trời
Em có yêu ngày cám dỗ lên ngôi
Mật ngọt
Dặt dìu đêm
Tiếng ghita vỗ
nhịp đồi hoang
Mưa rừng
khuya
Chăn chiếu ẩm không mùa
Mùi phù phiếm
cay nồng
Mùi buồn trong tâm tưởng
Em có nhớ khuôn mặt người đàn ông
phút chốc
Mang trở về em tuổi đôi mươi
Em có chút gì còn lại
để yêu tôi.
ĐMH