Viết Một món Tết thật mặn mà, đăng trong Văn Học (Xuân Mậu Thìn, 1988) được nhiều bạn đọc khen ngợi, nhưng cũng bị một nữ độc giả rầy rà là cớ chi phải đem mắm ruốc kho ớt vô trong văn chương. Lại viết Một món Tết thật mặn mà, II đăng trong Làng Văn (Xuân Kỷ Tỵ, 1989) và lại bị một nam độc giả phàn nàn rằng miếng cà bát hấp dầm nước mắm tỏi của bạn ngon hơn (?) lát chả lọn nem của mẹ là điều kỳ cục. Ôi, viết sao cho vừa lòng người, viết vụng người cười, viết khéo người chê! Ta bèn bụng bảo dạ Tết năm nay, không nói những chuyện lẩm cẩm như mắm ruốc và bát cà nữa. Một món Tết này, ta viết cho Chín. Cơ sự chỉ vì hai câu thơ…
BẢO HUÂN
Cuối Tháng Mười, mưa lạnh mấy ngày rồi bỗng dưng trời đất chuyển mình, tạnh ráo một cách bất thường, bảo đảm bước đi của một mùa thu lộng lẫy. Thu…Nói đến thu, ai cũng nghĩ tới lá vàng, mặc dù lá vàng chỉ là cái phần thông thường và lộ liễu nhất của thu. Ai cũng nghĩ đến lá vàng cũng vì công lao của các thi sĩ. Rừng phong thu đã nhuốm mầu quan san (Nguyễn Du). Sắc trời trôi dạt dưới khe / Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng (Huy Cận), Gió đưa xác lá về đường / Thu sang nhuộm cả sầu thương một trời (Nguyễn Bính). Và dĩ nhiên, công lao của Lưu Trọng Lư: Con nai vàng ngơ ngác / Đạp trên lá vàng khô. Hình ảnh đầy ước lệ này đã đi vào văn học sử; khó tìm ra được một người Việt Nam đã từng sống ở quê nhà mà không quen biết với con nai vàng này. Đã ước lệ mà lại đẹp đẽ, ắt phải được đông đảo kẻ ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, Chín phải biết rằng có lẽ thi sĩ họ Lưu xứ Huế đã nhớ đến những cảnh rừng thu lá vàng ngập lối đi trong thơ Tàu cổ hay trong thơ Pháp cận đại hơn là nhớ tới mùa thu ở Huế. Thật ra, thu ở Huế lạnh lẽo ướt át làm gì có lá thu kêu xào xạc và con nai vàng ngơ ngác… Nhưng thi sĩ là kẻ tự do, thi sĩ đã bay đi rất xa, bay tận Bois de Vincennes, Boise de Boulogne ở ngoại ô Paris, bay tận núi đồi Tứ Xuyên, Hồ Bắc, hay gần hơn, thi sĩ đã bay lên Đà Lạt mộng mơ, than thở… Ta không trách thi sĩ đã viết nên những câu thơ thật đẹp mà cũng thật sáo. Ta chỉ càng bàng hoàng nhớ lại hai câu thơ về thu kia, hai câu Xuân Diệu:
Giá thu hoa cúc vàng lưng giậu,
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên.
Hoa cúc vàng? Hay là (mầu) hoa cúc (làm cho) lưng giậu vàng (rực lên)? Vì vàng đây không phải là một tĩnh từ, mà là một động từ? Dorer? Turn into gold? Thế còn sắc mạnh? Việt Nam ai lại nói sắc mạnh. Người ta nói sắc đậm, sắc chói chang, sắc rực rỡ. Sắc mạnh, tây quá. Vive couleur. Tiếng Anh cũng có bold colour, strong colour.
Gần nửa thế kỷ về trước, Xuân Diệu “mới” như thế, ngang tàng như thế, vậy mà ông cũng là một kẻ hoài cổ vô cùng ý nhị. Thấy hoa cúc vàng nơi hàng giậu mà nhớ thương một thời xa xưa của đất nước. Hàng giậu / trạng nguyên. Một thời xa xưa thanh bạch nhưng đẹp đẽ, khiêm tốn nhưng uy nghi, cái thời “trên thành son nhạt” của người bạn họ Cù của ông.
Thi sĩ họ Lưu nói đến “chinh phu” và “cô phụ”, đến “con nai vàng ngơ ngác”, đến “trăng mờ thổn thức” nhưng ta không thấy được cái đau đớn tiếc thương ở đâu. Thi sĩ họ Ngô nói đến “áo trạng nguyên”, nói đến “ sắc mạnh” mà ta lại thấm hết cái cô quạnh xót xa ngập lụt cả trời đất:
Gió mưa mưa gió âm u
Dưới trần mà đã nghe thu lạnh rồi
(Xuân Diệu, Bụi Mưa Mờ Cũ)
Tại sao vậy? Ta nghĩ rằng bởi vì họ Ngô thấy rõ hơn họ Lưu. Họ Lưu “nghe” (mùa thu), họ Lưu tưởng đến “hình ảnh” (kẻ chinh phu trong lòng người cô phụ), nhưng họ Lưu không thấy cái cảnh thu trước mắt. Trong khi đó, thấy cái cảnh của họ Ngô lại quá thông suốt. Gió lay hoa cúc vàng là một hình ảnh nhiều ước lệ. Một hình ảnh tầm thường. Nhưng ở Xuân Diệu, vàng không chỉ là mầu hoa, vàng còn có thể là khả năng chuyển hóa của hoa, hoa lại có sắc mạnh huy hoàng, tạo nên một ấn tượng vừa diễm ảo vừa bi hùng…
Mới tuần qua, em nhớ không, chúng ta cùng đi chơi Skyline Drive ở Virginia với đôi vợ chồng bạn. Nhìn những gốc thông già, những gò đá mốc, những vùng cây lá vàng, ai nấy tấm tắc: “giống như Đà Lạt!” Ta chỉ im lặng ngồi ngắm trời mây cỏ. Không hẳn bởi vì ta chưa bao giờ đặt chân đến Đà Lạt, không biết cảnh trí ở Skyline Drive giống Đà Lạt chỗ nào. Thật ra, bởi vì ta miên man nhớ lại hai câu thơ của Xuân Diệu, và ta nhớ về Huế. Lá vàng làm ta nhớ về những bụi cúc nhỏ ở sân trước căn nhà cổ kính thời thơ ấu. Khung cảnh rực rỡ mà trang nghiêm của chốn trời cao đất rộng làm ta nhớ về “sắc mạnh” của “áo trạng nguyên”. Khi ta nghe nói “giống như Đà Lạt” thì ta lại giật mình thấy rằng cuộc đời này ta “viễn du” cũng đã nhiều nhưng ta chưa hề đặt chân đến một nơi nào để có thể thốt lên: “Giống như Huế!” Bởi vì ta thấy rằng chỉ có Huế mới “giống như Huế”, rằng chỉ có Huế nằm ở bên kia địa cầu, ‘đông thời thiếu áo, hạ thời thiếu ăn” nhưng không nơi nào trên thế giới “giống như Huế” được cả. Bởi vì Huế “gió mưa mưa gió âm u”, nhưng Huế cũng là “hoa cúc vàng lưng giậu” và Huế cũng “sắc mạnh huy hoàng” …
Đó là cái nét thu ta muốn nói cho em nghe. Nét thu không phải là cảnh thu. Cảnh thu có trời xanh cao, có mây trắng lững lờ, có lá vàng rực rỡ. Có những thân cây hoặc đen sì, hoặc mốc bạc. Cảnh thu là cảnh trời đất sửa soạn vào đông, là ngọn lửa đèn bùng cháy trước khi phụt tắt. Cảnh thu là cảnh giao thời. Cho nên cảnh thu mang mang cái đẹp với nỗi buồn, của sự đổi thay, tàn lụi. Cái “mang mang” ấy là cái nét đặc thù của thu.
BẢO HUÂN
Chín biết không, chiều qua ta quét lá vườn sau. Chỉ có mấy cây lệ liễu là chưa trút lá. Lá cây dương đào (dogwood, mà ta ưa gọi là “cẩu mộc”!) rụng xuống, mầu nâu đỏ hổ phách, cứng và khô. Lá hồng (hồng trái) dày và mịn, mầu cam óng chuốt như mật ong. Lá phong mỏng và giòn hơn, vàng dịu như đồng thau. Bụi atlantus ở góc vườn thì lá đỏ thắm như son Tàu. Các lá cây đã chết đẹp đẽ dường thế, nhưng thân cây thì ủ rũ, cành cây tiêu điều. Mấy bụi cúc vàng, trắng, cam, tím hồng cũng vậy, hoa nở rộ khoe sắc nhưng cành lá đã rũ rượi xác xơ.
Ta đang cặm cụi quét lá bỗng dừng tay. Một vật gì lẫn lộn trong đám lá khô lóe sáng – một đồ nữ trang? Ta cúi xuống, chưa kịp nhặt lên đã nhận ra đó không phải là một vật làm bằng kim khí. Đó là một chiếc lá phong. Một chiếc lá phong trong vạn vạn chiếc lá phong rụng tơi bời trong khu vườn. Nhưng đó là chiếc lá, đúng ngày hôm ấy, giờ ấy, tích tắc ấy, được một tia nắng chiếu rọi đúng vào nó, ở một góc cạnh nào đó. Và một chiếc lá dăm hôm nữa sẽ nằm gí trong đống lá rụng đen đủi ướt át (ta ủ mỗi năm để bón vườn rau), chiếc lá đó trở thành một chiếc lá bằng vàng ròng… Chín thấy không? Thu vàng không phải chỉ “đẹp quá”, hay “giống như Đà Lạt”. Thu vàng có cái nét đặc biệt hơn: Thu vàng rực rỡ mà thê lương, lộng lẫy mà tàn tạ. Cái cảnh thu có thể “giống như Đà Lạt”, nhưng, em ơi, cái nét thu thì lại “giống như” Huế. Ta sinh ra và lớn lên ở Huế, rồi chưa đến tuổi trưởng thành đã phải bỏ Huế ra đi, rồi lưu lạc ở nước người mấy chục năm. Thế mà ngồi nhớ về Huế, đó là cái nét ta nhớ nhiều nhất, ta nhớ rõ nhất. Càng nhiều, càng rõ, trong mấy ngày Tết.
Từ thuở nhỏ dại của ta cho đến ngày cả miền Nam dưới vĩ tuyến 17 thay ngôi đổi chủ, Huế vẫn như xưa, vẫn là một nơi chốn cách biệt… Quanh năm Huế buồn, Huế vắng, Huế nghèo. Ngay cả những ngôi biệt thự của thời Pháp xây lên (với mồ hôi nước mắt của dân bản xứ) còn có vẻ tiều tụy huống hồ đa số phố xá nhà cửa của thường dân. Những ngôi nhà cũ nát, những bức tường loang lổ, những con đường lồi lõm, những cổ thụ mốc meo, những mái ngói rêu phong… Con người Huế cũng vậy: gầy còm, chậm rãi, trầm ngâm, da diết. Quanh năm Huế như vậy, như vậy cho đến ngày cận Tết.
Tới lúc đó, Huế mới chịu giật mình, sửa lại áo khăn, điểm lại nhan sắc để “mừng xuân”. Đây đó, nhà cửa được sơn phết qua loa. Cây cỏ, hàng rào được tỉa cắt. Rồi lác đác xuất hiện những mầu sắc lạ mắt, khác hẳn với những trắng, đen, nâu, xám thường ngày: vàng hỏa hoàng, xanh thiên thanh, đỏ hải đường, hồng mẫu đơn, lục ngọc thạch, tím hoa cà, tím than… Rồi mới hăm tám hăm chín Tết, mùi hương, mùi trầm đã thơm ngào ngạt khắp nơi.
Giữa một cuộc hồi sinh như vậy thế mà cũng khó tìm thấy cái vui tươi của buổi “mừng xuân”. Từ những ngày còn là một thiếu niên, em biết không, ta đã nghĩ rằng Tết không phải là một lễ lạt quan trọng bậc nhất trong năm để ai nấy tha hồ “ăn Tết”, vui chơi thỏa thích. Ta đã có cảm tưởng rằng Tết chính là một cái “kỵ” (giỗ) lớn, một cái “kỵ” tập thể của tất cả dân cư Huế. Trong việc trang hoàng nhà cửa, sửa soạn áo xống, có cái gì nghiêm trang, gần như khe khắt. Trong cái ăn miếng uống, thấy có điều gì cẩn trọng, e dè. Lời nói tiếng cười, nghe ra ý tứ, đắn đo. Và một khi đến “tối ba mươi khép cánh càn khôn”, thì, ôi thôi, khói hương khói trầm bay từ vườn nhà này sang vườn nhà kia, trời hạ xuống gần đất hơn, đất xích lên gần người hơn, sự sống và chết cận kề, quá khứ và hiện tại nhìn nhau… Như hệt cái cửa Hiển Nhơn (cửa phía đông của Đại Nội, Hoàng Thành) cẩn mảnh sứ muôn màu muôn sắc, bị bắn tan tành trong vụ Mậu Thân, Huế bước qua năm cũ tới năm mới, rực rỡ lạ thường mà cũng thê lương khôn tả.
Ta đi xa Huế lâu rồi mà ta không quên cái nét đó của Huế. Ta muốn gọi đó là cái nét thu, cái nét lộng lẫy nhưng tàn tạ của đất trời mà sau này, mãi đến khi tóc râu đã hai mầu tiêu muối, ta mới thấm hiểu…
Dạo này, Chín à, em hay than thở rằng em “già” đi. Ta không phải là một người đàn ông khôn khéo, biết nói dối đàn bà. Thật vậy, ta cũng có để ý ở cuối hai mắt em, những đường nhăn rẻ quạt li ti có vẻ sâu hơn, đậm hơn. Ở hai khóe môi em cũng vậy, dăm ba đường nhăn cũng thấy rõ hơn (em thừa biết, lý do chẳng phải vì em lo âu buồn phiền mà là vì em… hay cười). Ta chỉ muốn nói thêm rằng em hãy đừng quá lưu tâm đến những “nét khổ đau” đó. Em hãy nghĩ về Huế, nhất là Huế của những ngày Tết. Những đường nhăn nhỏ xíu ấy, thật ra, chỉ làm cho em rực rỡ thêm. Những đường nhăn nhỏ xíu ấy chỉ tô điểm thêm cho cái “sắc mạnh huy hoàng” của em mà thôi…
VĐ
Văn Xã số 1, 1&2-1990