Menu Close

Một tuần đi Cruise (Kỳ 3)

Con tàu tiếp tục rẽ sóng trong đêm thứ ba trên vùng biển Caribbean. Nhưng thực tế chuyến hải hành chỉ mới được hai ngày rưỡi. Buổi chiều, sau khi ăn tối, chúng tôi đi ngang qua màn hình GPS to đùng treo bên hành lang, con tàu đang ở hải phận giữa Cayman Island, Cuba và đang trên đường hướng về đảo quốc Jamaica. Trên màn hình hiện rõ độ sâu của vùng biển. Hầu hết đều trên mười ngàn feet. Tàu vừa vượt qua chỗ sâu nhất trên vùng biển Caribbean 22,216 feet mà cách đây mấy tiếng đồng hồ, ngồi trong phòng ăn, tôi cảm thấy lâng lâng do con tàu nhồi lắc trong trận mưa vần vũ biển trời.

mot tuan di cruise10

Cứ vui chơi, đừng nhìn ra biển khơi trong đêm dễ làm con người cảm thấy cô độc

Kỳ 3

Giữa biển trời Caribbean

Ban ngày biển Caribbean đẹp hơn bao giờ hết. Mặt trời càng lên cao, màu xanh ngọc bích của đại dương càng xanh trong, có thể nhìn thấy sự tinh khiết dưới mặt nước sâu không hình thể đang bị chẻ ra từng lớp bên mạn tàu. Thế nhưng, sống giữa cảnh đẹp sóng nước mênh mông đó, có thể làm cho người ta sợ hãi vì lẽ cô độc. Chỉ có mỗi một con tàu lướt đi trên trùng dương và không biết những chuyện huyễn hoặc đầy ma lực bất ngờ có thể xảy ra khiến con tàu tự dưng biến mất.

mot tuan di cruise9

Góc cabin nơi trung tâm điều khiển con tàu

Tôi từng nghe nói về Tam giác Bermuda và tôi cũng có viết bài về những chuyện ly kỳ dựa trên mấy tài liệu điều tra công bố  báo chí. Còn ở đây, trên vùng biển Caribbean này, người ta xác định là có những cái Hố Xanh (Blue Hole) độ sâu hơn trăm mét do nhà thám hiểm biển Jacques Cousteau đi trên con tàu Calypso phát hiện hồi cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Thực chất, Hố Xanh là những hang động thẳng đứng dưới biển, nơi thiếu không khí, có lời đồn đoán xuất hiện những sinh vật thủy quái. Và cũng có những câu chuyện bí ẩn đại dương, là con tàu đang đi gần đó tự nhiên bị hút vào và biến mất. Người ta giải thích rằng, do bất ngờ lòng hố bị sụt lở, tương tự hiện tượng lở đất ven sông hay ven biển, nuốt chửng nhà cửa xe cộ xuống thăm Hà Bá.

Có lẽ, tôi là người yếu bóng vía, khéo tưởng tượng ra những điều kỳ quặc trên đại dương. Những Hố Xanh bây giờ không có gì là nguy hiểm, người ta dám tổ chức những tour du lịch lặn vào cái lòng hố sâu thẳm để xem trong đó có gì mà người đời đồn đãi ghê gớm. Đối với tôi, cảm giác trên từng chặng đường đi hoàn toàn đầy hấp lực hơn nhiều so với cái đích tôi muốn đến. Cảm giác này trái ngược với nhiều hành khách trên con tàu Carnival Magic đang thực hiện chuyến du lịch bảy ngày ở vùng biển Tây Caribbean. Khi tôi nói điều này với hai vợ chồng già người Mỹ sống ở San Jose thích đi cruise, họ nói cảm giác của họ không khác gì tôi. Hai ông bà thích thư giãn trên tàu, chứ không xuống bến để đi dạo phố, cho nên cái đích đến đầu tiên của cuộc hành trình liên tục trên biển kéo dài ba ngày, đối với họ không quan trọng. Nhưng với nhiều người, đó là khoảng thời gian vừa đủ, kéo dài hơn nữa chắc chắn hành khách sẽ chán, tù túng đôi chân, cho dù sống trong con tàu thành phố di động có đẹp lộng lẫy đến mấy đi chăng nữa.

mot tuan di cruise8

Điểm nổi bật trong khu mua sắm nhưng nếu hành khách đi trên biển lâu hơn ba ngày cũng sẽ thấy không còn hấp dẫn

Như đã nói, đây là lần đầu tôi đi cruise trên con tàu to như một thành phố nổi. Lần đầu ra khơi giữa biển xanh muôn trùng, chưa gặp một con tàu du lịch bạn hay tàu chở hàng xuất hiện, cho dù mấy ngày trên tàu thời tiết vùng biển đẹp tuyệt vời, nắng ấm, trong suốt thuận lợi cho tầm nhìn xa. Theo một vị trợ lý của thuyền trưởng làm việc lâu năm trên tàu bắt gặp khi tôi mon men mò đến khu cabin quan sát bao bọc bằng kính trong suốt nơi trung tâm chỉ huy, điều khiển con tàu. Không có nhiệm vụ, không thể vào đây, ngoại trừ ban thanh tra hàng hải cứ ba tháng hoặc sáu tháng một lần bất ngờ kiểm tra mức độ an toàn trên toàn bộ con tàu cũng như hệ thống máy móc vận hành điều khiển.

Nói cho đúng hơn, chuyến đi trên biển rộng bao la lần đầu mà thật ra cũng là lần thứ hai tôi đi trên biển. Bởi cho đến giờ phút này, tôi không biết bến bờ là nơi đâu, mênh mênh giữa biển trời, lênh đênh giữa khơi xa, chưa thấy bóng dáng một con tàu mà anh thuyền viên có nói với tôi, vùng biển Caribbean là tuyến hàng hải nhộn nhịp, tàu bè tấp nập. Có thể trên cabin điều khiển, nhìn vào radar quét sóng, họ nhận dạng được nhiều con tàu chung quanh cách xa hàng trăm hải lý, mà với đôi mắt bình thường chỉ thấy trời nước bao la. Lần trước, cách đây lâu lắm rồi, hồi còn thời đi dạy học ở Cần Giờ. Vào hè, tôi không về thăm nhà mà ở lại trường cho vui với đồng nghiệp, và thỉnh thoảng tôi đón con tàu gỗ đi qua Bến Đình. Từ cửa biển Cần Giờ sang đến Vũng Tàu chừng hơn 15km thôi, nhưng với tôi, là một vùng biển xanh mênh mông mà lần đầu trong đời tôi cưỡi sóng vượt trùng dương. Cứ mỗi lần đi tàu là mỗi lần tôi được ngồi trên cabin với vị “thuyền trưởng” cũng là phụ huynh của đứa học trò, thế nên “ông thầy” được ưu ái hơn đám bạn hàng thúng mủng lố nhố trên sàn tàu phía dưới.

mot tuan di cruise7

Nhóm Moonflower Cruise Group họp mặt chơi trò trao quà làm quen

Ngồi trong buồng lái chiếc tàu gỗ chở chừng trăm người, sao tôi lại có cảm giác nó to và chắc chắn. Chẳng có gì đáng sợ mỗi khi gặp tàu hàng khổng lồ lù lù lướt ngang qua cửa biển. Sóng cuộn chập chùng, mũi con tàu nhấp nhô cắt từng đợt sóng dồn, bắn nước tung tóe hai bên mạn tàu. Con tàu chếch mũi nghiêng mình cho sóng đập vào thân, nương theo con sóng bập bềnh. Tôi ngồi trong buồng lái với tâm trạng chẳng chút gì lo lắng bởi bên tôi đã người tài công dạn dày đời nghề. Con tàu này mà vượt biên cũng không đến nỗi. Điều nghĩ bụng của tôi lúc đó, chỉ tháng sau thành hiện thực. Khi tôi trở lại trường cuối hè cho ngày khai giảng, nghe tin con tàu gỗ đã mang theo cô giáo dạy văn cùng trường lưu lạc đến xứ sở Úc châu. Thì ra, học trò nó thương cô giáo hơn ông thầy khó tính, nên bỏ lớp theo gia đình, bà con, láng giềng đi vượt biên trên tàu mà không muốn rủ tôi đi cùng.

Nhưng bây giờ thì tôi đang đi trên chiếc tàu lớn, lớn hơn cả tổ hợp khách sạn 5 sao, lướt trên trùng khơi dậy sóng. Hồi sáng, khi cả nhóm Moonflower Cruise Group đông đúc tụ họp trên sảnh tầng 5 bàn chuyện ngày mai đi đâu khi tàu cập cảng Montego của Jamaica. Rồi chơi trò đổi, giựt quà cho vui, trong khi ngoài mặt biển kia mây xám kéo về che kín cả trời. Hèn chi, ai nấy đều chăm bẳm vô món quà chiếc dù nhỏ che mưa mà cô trưởng nhóm vừa giành được. Theo dự báo thời tiết, ngày mai Jamaica có mưa. Mưa đang ầm ầm ngoài trời. Mặt biển chuyển màu xanh đen rợn chìm trong màn mây mù xám trắng, từng hạt mưa to đang quật mạnh chan chát xuống boong tàu, gió lắc lư con tàu đi giữa muôn trùng sóng cuộn.

mot tuan di cruise6

Tàu biển lớn ngày nay có trang bị hệ thống cân bằng tự động nên rất an toàn cho chuyến hải hành trên biển

Trận mưa đột ngột thế này chỉ đủ tắm táp cho tàu, rửa đi các hạt muối trắng mịn như bột bám trên lan can tay vịn boong tàu. Tôi cảm thấy dường như con tàu đang rung lên theo từng cơn sóng bủa liên hồi. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện kỹ thuật nhỏ trong thời tiết xấu chứ không đến nỗi con tàu đang đi giữa tâm bão lớn. Người am hiểu kỹ thuật hàng hải nói, ngày nay các tàu biển đều có thiết bị cân bằng tự động theo chiều dọc hoặc ngang. Cho nên dù đang trong giông bão, con tàu vẫn giữ cân bằng trọng tâm, không lệch ngang chúi mũi, ngoại trừ đụng phải đá ngầm lật nghiêng như chiếc cruise Costa Concordia mà vị thuyền trưởng cho tàu đi sát bờ để du khách ngắm cảnh hồi đầu năm 2012. Đây là một tai nạn được ví là “Titanic của Italy” mà lỗi do con người chứ không phải lỗi thời tiết hay kỹ thuật. Nói đến đây, tôi “phát hiện” ra một điều lý thú, là hầu hết thuyền trưởng trên các con tàu cruise đều là người Ý.

May là trận mưa diễn ra vào lúc sáng. Giờ đây, ngồi trên boong cao nhìn trời quang mây tạnh. Đêm không trăng không sao, bầu trời đêm tinh khiết và cao vút lạ thường. Tôi cố tìm hình dáng con tàu bạn từ suốt hai ngày qua nhưng chẳng thấy. Cảm giác cô độc giữa biển đêm thật thê lương. Tự nhiên tôi chợt nhớ bài thơ ai điếu “Đêm đại dương” của Victor Hugo thời trung học. “Ôi! Biết bao thuyền viên, thuyền trưởng / Buổi ra đi, vui sướng đường xa / Cuối chân trời u ám, đã thành ma! / Đã biến mất, đớn đau số phận. Đêm không trăng, giữa biển không cùng…”.

Nhưng cuối cùng điều mong mỏi của tôi đã đến. Từ xa, trong màn đen xuất hiện ngọn đèn vàng leo lét, lúc ẩn lúc hiện. Tôi đưa mắt về hướng đèn chăm chú theo dõi sự xuất hiện mỗi lúc rõ hơn để thấy hình hài thực sự của nó. Nhưng vẫn chỉ thấy cái chấm màu vàng hiu hắt trong đêm. Và rồi lại thấy thêm cái chấm thứ hai, rồi lại biến mất. Tàu ma chăng, hay là tôi tưởng tượng ra điều huyền hoặc giữa biển trời đêm. Không, hai ngọn đèn, giờ xuất hiện đều đặn, đúng là hai con tàu đang cùng hướng. Trong đầu tôi xuất hiện ngay một phép tính hình học. Hai con tàu bạn đang di chuyển theo cạnh huyền với tốc độ nhanh hơn tàu tôi, trong khi con tàu tôi đang chạy theo đường thẳng góc. Góc vuông là cảng Jamaica. Cả ba con tàu sẽ thả neo gần như cùng lúc vào lúc 9 giờ sáng ngày mai.

mot tuan di cruise11

Thuyền trưởng người Ý Stefano Battinelli nói chuyện với hành khách trên tàu Carnival Magic – Ảnh: Jim Zim

TN