Năm nay tôi quyết định không đi du lịch đón Giáng Sinh và Năm Mới ở nước khác, năm nay đón Giáng Sinh và Năm Mới ở đây, chứ không lại bảo ở Na Uy hơn 6 năm rồi mà chả thèm tìm hiểu xem dân Na Uy ăn Giáng Sinh, Tết Dương lịch theo đúng kiểu truyền thống ra sao. Đã lên lịch đi vài nơi loanh quanh, làm gì, nghe gì, xem gì… rồi. Đại loại sẽ đi chợ Giáng Sinh ở một thị trấn nhỏ gần nhà người quen, và chợ Giáng Sinh tại Norsk Folkemuseum (tiếng Anh là the Norwegian Museum of Cultural History) tại Bygdy, Oslo, sẽ nghe một, hai chương trình âm nhạc tổ chức vào dịp Giáng Sinh tại Oslo Konserthus (tiếng Anh: Oslo Concert Hall) hoặc ở Operahuset (tiếng Anh: The Oslo Opera House), sẽ đi dự một buổi tiệc gia đình theo đúng kiểu truyền thống Na Uy tại nhà người bạn Na Uy ở một thành phố khác, vào đúng đêm Giáng Sinh thì có lẽ sẽ ở nhà, nấu nướng, ăn uống, nghe nhạc, xem phim… bên cạnh bếp lửa ấm đỏ và những ngọn nến lung linh, trong lúc ngoài trời tuyết phủ trắng trời trắng đất.
Nếu siêng, có thể cũng sẽ đi một chuyến du lịch trên tàu sang Copenhagen của Đan Mạch (cũng là đi sang nước khác, nhưng là nước… láng giềng và văn hóa thì cũng chẳng khác gì nhau bao nhiêu, nên xem như vẫn là dành thời gian để thưởng thức Giáng Sinh và Năm Mới của dân Scandinavian). Còn đêm 31 tháng Mười Hai, đêm cuối cùng của năm, sẽ ngồi ở một nhà hàng ở khu trung tâm Oslo, vừa ăn tối vừa nghe nhạc, chờ xem pháo bông đêm Giao thừa… Đại loại là vậy. Giáng Sinh và Năm Mới ở xứ này thì không tưng bừng, nhộn nhịp như ở Paris, London hay nhiều thành phố lớn khác của châu Âu, châu Mỹ, châu Úc… Nhưng nghĩ cho cùng, khi ta có những người thân bên cạnh thì cũng không đến nỗi nào.
Còn Tết Âm lịch? Có lạ lẫm, đáng buồn lắm không khi tôi nói rằng hai ba năm gần đây tôi hầu như không ăn Tết Âm lịch nữa. Mấy năm đầu khi mới đến Na Uy, sống ở thành phố Kristiansand, tôi còn đi ăn Tết với cộng đồng người Việt ở Kristiansand và ăn Tết cả ở Oslo. Thành phố nào của Na Uy có cộng đồng người Việt sinh sống thì cũng có tổ chức một buổi gọi là ăn Tết, đôi khi có vài nhóm khác nhau tổ chức riêng, ví dụ cộng đồng Thiên Chúa giáo tổ chức riêng, cộng đồng Phật giáo riêng, cộng đồng người Việt tỵ nạn riêng – mà ngay trong những người tỵ nạn cũng có đến vài nhóm khác nhau như ở Oslo này chẳng hạn, và vì nhóm này không mấy “mặn mà” với nhóm kia nên không muốn tổ chức chung; còn ở Sứ quán Việt Nam thì tất nhiên là tổ chức riêng cho nhân viên Sứ quán, những gia đình thân Cộng, các du học sinh con em gia đình cán bộ v.v…
Giáng Sinh tại Norsk Folkemuseum,Oslo (Norway) (ẢNH ANNE-LISE REINSFELT)
Mỗi thành phố, mỗi nhóm tự chọn lấy một ngày phù hợp, thường là cuối tuần, tìm địa điểm thích hợp và tổ chức. Như ở dưới Kristiansand thì thường là có chương trình văn nghệ, mở đầu có làm lễ cúng tổ tiên, có múa lân, ông Táo, văn nghệ “cây nhà lá vườn”, rồi xổ số… Phía bên ngoài thì bày bán các món ăn Việt từ bánh chưng bánh tét, bánh bèo, bánh tằm bì, bánh mì thịt, gỏi cuốn, bún… cho mọi người đến dự mua ăn. Ở một góc có bày vài trò chơi như bầu cua cá cọp, ném vòng…
Mấy năm đầu tôi còn siêng đi dự, và cũng bày biện nấu nướng tại nhà, cúng tổ tiên đủ ba ngày, tối Giao thừa, ngày mùng một, ngày mùng ba. Nhưng rồi hai năm trở lại đây tôi hết hào hứng. Thứ nhất là chẳng có chút gì ở xứ này gợi cho người tha hương nhớ đến cái Tết ở quê nhà. Siêu thị châu Á của người Việt mấy ngày đó thì cũng có bán bánh chưng bánh tét, một vài thứ mứt, phong bao lì xì… nhưng những thực phẩm để nấu nướng thì có khá nhiều và nếu bà nội trợ siêng năng thì cũng có thể nấu một cái Tết khá đầy đủ hương vị cho gia đình, dù theo kiểu Bắc, Trung hay Nam. Siêu thị có đủ từ giò heo, thịt ba rọi, chân gà, cánh gà, tim gà, tim gan heo, cả thịt vịt, rồi nào chả giò, chả lụa, nem, lạp xưởng…, đồ khô thì có bún, phở, mì, miến khô, măng khô, mộc nhĩ…, đậu xanh đậu đỏ đậu đen, nhãn khô, táo tầu… để nấu chè, trái cây thì có đủ theo mùa từ chôm chôm, thanh long, nhãn, đu đủ, sầu riêng, vú sữa… các loại gia vị, cho tới hũ mắm nêm, mắm ruốc, cà pháo ngâm mắm ớt hay củ kiệu ngâm giấm đường… Nghĩa là khá đầy đủ. Chỉ không có không khí Tết. Nhưng thật ra thì Tết của người Việt tha hương ở đâu mà chả thế. May ra chỉ có vài ba cộng đồng người Việt lớn như ở Little Saigon, California chẳng hạn, là có chợ Tết, khu vui Xuân trên đất người.
Nhưng với tôi, Tết tha hương ở xứ này càng không có ý nghĩa khi không có những người bạn thân có thể nói chuyện hợp được, để tụ họp tại nhà nhau, cùng ăn những món ăn Việt, cùng nhấm nháp ly rượu hay tách trà nóng, nói chuyện quê hương, chuyện quá khứ, tương lai.
Quầy Giáng Sinh ở Norsk Folkemuseums (ẢNH HAAKON HARRISS)
Những người bạn thân nhất của tôi phần lớn ở VN, một số ít ở Mỹ, Pháp, và vài nơi khác. Còn ngay ở Na Uy này, tôi không có những người Việt mà tôi có thể xem là bạn. Họ hàng cũng lại sống ở Mỹ là chính.
Tết vì vậy càng trống vắng, nhạt nhẽo. Rồi đâm lười nấu nướng, cúng kiến. Thế là bỏ luôn. Mấy ngày đó nếu thấy thèm, nhớ món gì thì nấu món đó, vậy thôi. Ngay cả giờ giấc ở nước ngoài và ở quê nhà cũng khác nhau, cúng bái hay chờ đón những giờ phút cuối cùng cùa năm tính theo lịch là đã không đúng, đã mất thiêng rồi.
Nên Tết chỉ thực sự là Tết khi sống ở VN. Và riêng với tôi, một khi đã không vui, đã nhạt nhòa, miếng ăn tự nấu cũng không ngon, cây trái cho tới hương liệu, gia vị đã không như ở nhà, thì thôi, đón Tết, ăn Tết làm gì. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là những suy nghĩ tiêu cực (hay cực đoan) của cá nhân tôi. Với đa số người Việt sống tha hương, họ vẫn cố gắng chuẩn bị một cái Tết càng đúng với phong tục tập quán bao nhiêu càng tốt, như một dịp để mọi người trong gia đình tụ tập quây quần với nhau, cùng ôn lại những chuyện cũ, gắn kết tình cảm gia đình, đồng thời giữ cho bọn trẻ sinh ra và lớn lên ở xứ người còn biết đến cái Tết của người Việt, biết đến gốc gác tổ tiên, họ hàng, gia đình…
Xe hoa của cộng đồng Việt tại Lễ hoa hồng Portland 2009 (NGUỒN VI.WIKIPEDIA.ORG)
Những ngày tháng cuối năm nhìn lại thấy thời gian thật mau. Bâng khuâng nhớ cái cảm giác chờ Tết khi còn bé, để được lì xì, được nghe pháo nổ, mặc áo mới, ăn những món ăn ngon mà ngày thường thời bao cấp cả nước đều phải sống tiết kiệm, chật vật, chả mấy khi có miếng ngon. Rồi đến khi lớn, lập gia đình, đi làm, đời sống cũng khá hơn chung với mức sống chung của mọi người, không còn thèm ăn Tết, nhưng vẫn nhớ cái cảm giác chờ Tết, chỉ để thong thả dăm ba ngày, tụ tập với bạn bè, gia đình… Bây giờ sống ở xứ người, không có Tết, không có cả cái cảm giác chờ Tết. Và chợt ngẩn ngơ buồn vì mình đã mất đi cái cảm giác chờ đợi, bâng khuâng đó.
SC