Menu Close

Tết ngoài sân chùa

Tết là mùa Xuân sang, mai lan cúc trúc reo trong lòng người nỗi hân hoan. Cúng Giao thừa tiễn năm cũ đi, đón năm mới về. Thời gian của đời người cứ thế vùn vụt trôi qua. Cứ đến chiều 30 là trong lòng tôi rạt rào kỷ niệm, nhớ cha mẹ đã khuất, nhớ cây nêu bánh chưng xanh của những Tết xa xưa khi gia đình còn cúng gia tiên trong yên ấm của tuổi thơ. Ba chăm cho chậu mai tứ quý trên sân thượng nở đúng ngày mùng một, trong lúc má ngâm hành và các dì dượng chạy đi biếu Tết. Tết Sàigòn xưa hiền hòa, tuy lính tráng đầy phố nhưng phố phường vẫn trang nghiêm đón Tết Nguyên đán, xe cảnh binh không làm mất đi không khí thanh bình và màu vàng của lá quốc kỳ đua sắc với cúc vàng trong nắng ấm. Cũng có những Tết kinh khủng như Tết Mậu Thân cháy tan hoang mấy dãy nhà bên kia Khánh Hội mà từ trên gác nhà tôi trông thấy khói đen cuồn cuộn. Hay những Tết “cải tạo công thương nghiệp”, đổi tiền, đánh tư sản, kinh tế mới, đói trắng mắt thê thảm… 

Tết Sàigòn giờ không còn như xưa, hình như tôi đã bắt đầu già đi để cứ nhắc hoài Tết cũ, nhớ hoài những chuyện ngày xưa. Rất may là trong ba ngày Tết, phố thị Sàigòn bớt ồn ào vì dân tứ xứ đã về quê, trả lại yên tĩnh cho phố phường. Tết ở quê ra sao tôi không rõ, Tết Sàigòn thì tôi đi chùa. Ba ngày Tết có không biết bao nhiêu đoàn hành hương viếng cảnh chùa. Đoàn nào chí ít cũng ba bốn chục người, đoàn đông thì phải đến vài trăm. Không cần đến chùa Vĩnh Nghiêm hay Xá Lợi là những chùa lớn, vào bất cứ ngôi chùa nào ở quận nhất hay quận ba đều thấy nườm nượp người. Phật tử thuần hành có, Phật tử tài tử cũng có, ai ai cũng muốn cúng chùa để cầu cho gia đình mình được phước. Rồi các chùa đáp lễ bằng những bữa cơm “thanh đạm”, đơn sơ lắm cũng là bánh mứt, xôi chè, cam quýt, bánh oản…Hơn một chút là tiệc chay với đủ các món mặn, xào, canh, với đùi gà chay, heo quay chay hay vịt quay chay nhìn cứ như thật. “Hoành tráng” hơn thế nữa là những chùa danh thắng, Phật tử phát tâm làm cả buffet khoản đãi các đoàn hành hương. Bước vào trong sân, xá tượng Như Lai rồi là chen lấn… vì lễ Phật thì ít, nhưng ăn uống lại nhiều. Ăn cơm chùa lại được phước nên các Phật tử càng cúng nhiều, chùa lại có điều kiện thu hút khách thập phương.

Ở Việt Nam, bây giờ mọi người đi chùa rất nhiều. Đời sống trên đất tổ quá nhiều bất trắc làm cho người dân lo sợ, thứ quyền lực hữu hình thì quay lưng thờ ơ, nên chính lúc này là lúc mà con người phải tìm đến những quyền lực vô hình. Nói chung, dân Việt đến chùa nhưng không nhiều người am hiểu đạo Phật mà đa số đi chùa vì mê tín. Họ đến chùa cầu xin hàng trăm thứ từ bình yên, dồi dào sức khỏe, mua may bán đắt, đến trúng số hoặc khẩn cầu lấy được đại gia, cưới được chân dài, thi đậu du học dù không học, sanh con cầu tự sau này là thần đồng… Có người còn cầu cho ông kia bỏ vợ, chị kia bỏ chồng để… lấy tôi! Không ít cầu cho cha mẹ chóng vào hòm để nhanh hưởng gia sản.

Nói chuyện mê tín đất Việt còn phải kể đến một chuyện có thật mà tôi đã chứng kiến. Một lần tôi đi chơi Côn đảo, nơi có mộ phần Võ Thị Sáu. Đây là một nhân vật có thật hay hư cấu thì xin để các nhà sử học chứng minh, riêng tôi thì biết chắc một điều là ở Côn đảo có đầy những câu chuyện mang tính huyền bí như “chị Sáu” rất linh hiển, cầu gì được nấy, nên những người trong chính quyền hiện giờ rất tin cô Sáu. Hàng ngày, có những quan chức bay thẳng từ miền Bắc và từ Sàigòn ra Côn đảo với lễ vật thật hậu hỷ, gồm cả heo quay với các thứ trái cây hiếm quý, thực phẩm đắt tiền từ tổ yến đến sâm nhung, bào ngư, vi cá, rồi vàng mã nhà lầu xe hơi… Và khi đêm đến, không thể tưởng tượng được là ở khu vực chung quanh mộ Võ Thị Sáu đèn nhang thắp sáng choang, với các quan chức tranh nhau lễ bái, rạp đầu khấn cầu. Người đang tại chức cầu “cô Sáu” độ để được thăng quan tiến tước, người sắp mất chức cầu cô Sáu cho “hạ cánh an toàn”, người đã hưởng lộc đầy đủ cầu cho số tài sản khổng lồ của mình không ai đụng đến để chuyển ra nước ngoài cho con cái mua nhà… Kể cũng mừng cho dân sinh sống quanh đó, ít nhiều cũng kinh doanh thêm được nhang đèn, vàng mã, còn thực phẩm thì sau khi cúng tuy chủ nhân mang đi nhưng cũng có những món để lại nên người dân chia nhau cũng đỡ vã. Du lịch sinh thái Côn đảo “cất cánh” được là nhờ cô Sáu!

Bước vào trong sân chùa tôi ưa nhất là buổi sớm mai khi mùi nhang phả phất nhẹ nhàng hãy còn thanh tịnh, chưa đốt từng bó to làm cay sè mắt. Tôi cũng ưa chạm tay lên tro bụi vàng mã còn ấm sau một đêm hiu quạnh, như cầm lấy tay của người thân chưa lạnh, tuy thành tro cốt còn gần gũi. Tôi hay đi dọc các vại nước, nhìn mắt mình dưới đáy lu trước khi múc nước mong thấm cái mát mẻ trong lành trước khi có quá đông người. Tôi đi chùa để lễ Phật, để tìm cho mình sự bình an trong tâm hồn. Đạo Phật là một triết lý sống, một sự thật. Đến chùa, tôi không cầu vì biết chắc là Phật chẳng cho tôi gì, điều gì tôi muốn tôi phải tự tìm ra, Phật chỉ đường nhưng tôi phải tự đi, tự tìm, tự thấy. Và điều cần phải tìm là sự bình yên, không hơn thua, tranh giành, lo lắng với những giành giật, được mất trong cuộc đời. Được không mừng, mất chẳng buồn, đời sống như vậy sẽ nhẹ nhàng, thanh thản.

Hàng tháng tôi đi chùa, Tết tôi cũng đi chùa để “mừng tuổi” Phật và tôi được một phong bao lì xì thật to chứa đầy sự an nhiên. Tết nào tôi cũng theo đoàn hành hương đi thập tự. Thật ra thì đi chùa như thế này rất mệt vì người ta quá đông, ngồi trên xe rong ruổi từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối mới về lại nơi khởi hành nhưng nếu đi một mình thì sẽ không biết, không tự đến được những ngôi chùa thật xa.  Thường thì chùa xa thành phố, ở quê lại nghèo, vì dân quê vốn dĩ cũng nghèo nên cần sự giúp đỡ của Phật tử để duy trì đạo giáo cho dân quanh vùng. Đây là một điều nên làm.

Sống ở Việt Nam, nếu không tìm được một chỗ dựa tinh thần để duy trì đạo đức thì đa số sẽ lạc lối. Giáo dục nhà trường là nền tảng để hình thành nhân cách nhưng ở Việt Nam thì đây vẫn là một đề tài nhức nhối. Cải cách giáo dục hàng năm nhưng càng cải cách càng tệ hại. Thầy cô vào trường đấu đá nhau trong cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen; mới đây báo chí đăng tin một cô giáo đánh đồng nghiệp bị kiểm điểm, nổi xung thiên đánh luôn hiệu trưởng. Học trò đánh lẫn nhau, xé toạt cả xiêm áo nội y rồi quay phim đưa lên mạng. Con cái đánh chửi mẹ cha rồi cũng đưa lên mạng để mọi người cùng thưởng thức. Đi làm việc thì sếp lớn mắng chửi to tiếng với nhân viên theo một thứ văn hóa “chợ Cầu Muối”. Việt Nam như một đấu trường khổng lồ, vì thế cũng thật dễ hiểu khi ngày càng có nhiều người đi chùa. Kiếm tiền bất chính nên phải “lo lót” thánh thần giúp tai qua nạn khỏi. Thâm hiểm thì đến chùa xin Phật độ trì cho mình hạ đo ván đối thủ… Số rất ít còn lại đi chùa để tìm bình yên trong tâm, vì nếu lúc nào đó bị “lạc đạn” thì sẽ nhẹ nhàng nghĩ rằng ở kiếp nào đó mình đã “gieo nhân” tất nhiên đây là lúc phải “gặt quả”.

Đứng trong sân, ngắm các đại gia quan chức thi nhau cúng dường tam bảo, sao tôi nhiều ngậm ngùi. Tiền đong từng bồ nhiều đến nỗi thùng công đức không đủ chứa, khiến các sư phải cho đặt một thúng đựng tiền giấy giữa sân. Mặt bác Hồ nhìn nghiêng, nhìn thẳng đủ kiểu… Tôi rời hiên chùa với nhiều ẩn nhẫn. Mùng một Tết đi chùa chỉ thấy dân mình sao phô trương vật chất. Tết năm nay sẽ là Tết Bính Thân, đã 48 năm rồi có còn ai nhớ thảm sát Tết Mậu Thân? Bao giờ thì các quan tham đang “thi công làm phước” sẽ biết hối lỗi, hay họ sẽ tiếp tục cúng dường nốt quê hương cho chùa Tàu? Tết Nguyên đán là mùa Xuân sang nhưng Tết Sàigòn còn thêm mùa chặt chém. Giá gửi xe máy bên hông chùa bình thường là năm ngàn, dịp Tết lên trăm ngàn với đôi mắt hằn học của người giữ bãi. Thôi thì cắn răng ngửa cổ chịu chém dưới tòa sen, nhắm mắt làm ngơ nhớ những Tết xa xưa, những Tết còn xúng xính áo dài theo cha mẹ đi lễ chùa hái lộc, nhón gót chân ngây thơ ngắt chồi lá xanh rồi thổi cho chiếc lá non bay vào thinh không. . 

illus1

Đinh Trường Chinh

TN

Sàigòn Mùa biếu Tết