Trong số những cây rau “thơm” theo chân người Việt di tản ra khỏi nước năm 1975 như Húng, Kinh Giới, Ngò Om…có lẽ Rau Răm là có một vị trí khá đặc biệt vì Rau Răm sau khi được gọi bằng những tên Mỹ như Vietnamese Coriander rồi Vietnamese Mint, đã được chấp nhận là cứ giữ nguyên tên thực vật hoặc tốt hơn hết là bắt Mỹ phải gọi bằng Rau Răm. (Ngò Om được gọi là Rice Paddy Herb, Ngò Gai được đặt tên là Saw-leaf herb, và Kinh Giới là Vietnamese Balm)
NGUỒN: WWW.BAOMOI.COM
TÊN KHOA HỌC:
Polygonum Odoratum thuộc họ thực vật Polygonaceae. Họ thực vật này còn có một cây khá nổi tiếng trong Đông Y là cây Hà Thủ Ô.
ĐẶC TÍNH THỰC VẬT VÀ LỊCH SỬ:
Rau Răm chắc hẳn là một cây rau hoàn toàn là “thuốc Nam” vì không thấy được ghi chép trong các sách thuốc hoặc sách nấu ăn Trung Hoa. Tuy nhiên, các sách thực vật và dạy nấu ăn tại Hoa Kỳ đã nhắc đến Rau Răm như một loại rau đặc biệt không thể thiếu trong món Bún Thang và trong món Hột Vịt lộn (Mỹ gọi là Fertile Duck Eggs hay thông thường hơn, dưới tên Philipines là Balut)
Rau Răm thuộc loại thân thảo, có thể mọc cao chừng 30cm sau đó sẽ lan rộng bằng cách phân nhánh mọc ngang. Cây không chịu được giá lạnh; tại các vùng Bắc Mỹ cây trở thành hằng niên và được trồng trong nhà khi mùa Đông đến. Khi trồng trong chậu, cây phát triển với cọng màu đỏ mang lá hình nhọn dài khoảng 5cm, tạo thành bụi khá đẹp mắt. Cây rất dễ trồng bằng cách tách bụi, hoặc cũng có thể bằng trồng trực tiếp từ cây rau mua tại các chợ thực phẩm để cây phát triển và mọc lan thêm.
Rau Răm thích hợp với những vùng đất xốp, thoáng khí, thoát nước. Có thể trồng trong bóng mát không ánh sáng mặt trời trực tiếp, tưới nước nhiều. Cây ít khi trổ bông tại Mỹ nhưng tại những vùng khí hậu nóng ấm như Florida, Louisiana, cây có thể trổ bông vào mùa Thu với hoa nhỏ màu hồng nhạt, mọc thành chùm khá đẹp mắt.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC:
Rau Răm, cũng như các cây trong nhóm Polygonum chứa:
– Các Flavonoid như Quercetin, Quercitrin, Isoquercitrin, Rutin.
– Các chất bổ dưỡng như Rhamnose, Xylose, Arabinose.
– Một số hợp chất Phenol, Amino-Acid.
– Tinh dầu (0.07 – 0.13 %) gồm Poligodial, Isotadeonal và các Aldehyd thơm phức tạp khác.
– Muối khoáng, nhiều nhất là Potassium.
DƯỢC TÍNH CỦA RAU RĂM:
Dược tính của Rau Răm được dựa trên kinh nghiệm Y – Học cổ truyền và một số các thí nghiệm theo các phương thức dược học hiện đại.
Rau Răm được xem là có vị chát-đắng, tính êm, không độc. Có tác dụng vào các kinh mạch thuộc Thận.
Rau Răm có thể trừ được phù thủng, giải được phong-hàn thâm nhập; có thể dùng để trị các trường hợp rối loạn tiêu hóa, đau bụng do trúng thực gây ói mửa, tiêu chảy, kiết lỵ.
Rau Răm, do tính tiêu thực, được người Việt dùng chung với “Trứng vịt lộn” để giúp dễ tiêu hóa hơn.
Rau Răm còn được xem là có đặc tính làm dịu sự ham muốn tình dục (?), có lẽ do ở tính bổ Âm, kềm hãm sự phát động của Dương, nên thường được các tu sĩ Phật Giáo xử dụng. Theo Nam Dược Thần Hiệu của Tuệ Tĩnh thì khi dùng Rau Răm chung với Trứng Gà, Vịt lộn, tác dụng bổ Thận của Trứng sẽ được kềm hãm bớt, không cho bộc phát nên sẽ bổ thận lâu dài và bền hơn.
RAU RĂM TRONG Y DƯỢC AYURAVEDIC:
Theo Y Dược Ấn Độ, Rau Răm được dùng để trị Nóng Sốt, Phong Thấp và sắc lấy nước để trị Tiêu Chảy cùng với kinh nguyệt dây dưa kéo dài.
Hạt Rau Răm giúp gây ói mửa khi ngộ độc thực phẩm.
Lá Rau Răm giã nát để trị ung nhọt ngoài da.
ĐẶC TÍNH DƯỢC LỰC HỌC:
Các nghiên cứu hiện đại, phần lớn được thực hiện tại Trung Hoa, Ấn Độ, và Nhật cho thấy:
– Khả năng cầm máu: Rau răm có thể cầm được sự xuất huyết nơi tử cung do tác dụng giúp và gia tăng phản ứng đông máu. Khi bị thương, đứt tay, có thể nhai nát Lá Rau Răm và đắp vào chỗ bị thương.
– Khả năng diệt vi khuẩn: Nước ép từ Lá và Cuống Rau Răm có thể ngăn chặn sự phát triển của Vi Khuẩn Shigella Dysenteriae (vi khuẩn gây ra Kiết Lỵ và Tiêu Chảy).
– Khả năng Hạ Huyết Áp: Polygonone trong Rau Răm làm hạ được huyết áp khi thử nghiệm trên thú vật.
TVH