Nguyễn Tôn Hiệt là một trong những bút danh của Hoàng Ngọc-Tuấn. Ông thường dùng bút danh này để làm thơ chính trị, viết xã luận, và đối thoại về những vấn đề xã hội. Trong năm 2015, dưới bút danh này, ông đã in chung một tập thơ tiếng Anh cùng với hai nhà thơ ở Úc là Lê Văn Tài và Phan Quỳnh Trâm. Thơ Nguyễn Tôn Hiệt vượt thoát khỏi những quan niệm cũ về thi ca Việt Nam lâu nay, cả trong kỹ thuật lẫn nội dung. Chúng tôi xin giới thiệu 3 bài thơ tiêu biểu của ông dưới đây.
PHOTO THẬN NHIÊN
– “Tương lai đã quá cũ”: bài thơ có cấu trúc như một vở kịch, một phân cảnh phim, một truyện rất ngắn. Nó xóa đi biên giới của các thể loại.
– “Đứa con của cơn hảo mộng”: bài thơ với những hình tượng đau đớn và khốc liệt, ẩn dụ về đất nước qua hình ảnh bà mẹ, và thể chế cộng sản là đứa con mang hình ảnh cơn ác mộng của thời đại.
– “Diễn văn của nhà thơ”: ở bài thơ này, sự hài hước được đẩy lên một cấp độ mới, nó tạo ra sự hoang mang và tự vấn nơi độc giả: rốt cuộc, ý nghĩa của thi ca là gì? Hẳn nhiên, tác giả không trả lời câu hỏi đó, nhưng dư vị của bài thơ là một nụ cười hóm hỉnh và ý nhị.
THẬN NHIÊN
Tương lai đã quá cũ
11 giờ 55 phút:
“Đồng bào lưu ý. Chỉ còn năm phút nữa tàu sẽ khởi hành. Mọi người hãy ngồi đúng số ghế như đã được quy định. Không ai được tự ý thay đổi chỗ ngồi. Không ai được đứng dậy hay rời ghế. Đây là một hành trình đầy khó khăn và thử thách nhưng sẽ đưa tất cả chúng ta đến một chân trời mới. Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?”
Giọng nói viên xa trưởng vang vang qua những chiếc loa sắt treo dọc theo suốt cả đoàn tàu.
Sau khi ông dứt lời, các khoang tàu đều im bặt trong chốc lát.
Rồi có tiếng những trẻ sơ sinh khóc ằng ặc.
Những bà mẹ vội vã nhét những núm vú teo tóp vào miệng chúng và ghì chặt.
Rồi đoàn người bắt đầu xầm xì.
Một bầy ong người.
Không nghe rõ lời, chỉ có thể đoán được ý nghĩ của họ qua những nét mặt hớn hở, lo lắng hay khiếp sợ.
Ở mọi cửa ra vào, những tên cảnh vệ bồng súng đứng.
Những khuôn mặt bằng thép đúc giống hệt nhau.
Ngoài những khung cửa là màu đen dày đặc.
Tôi cần dưỡng khí.
12 giờ:
Viên xa trưởng nắm chặt tay lái, mắt trừng trừng dõi vào bóng đêm.
Tiếng còi tàu rúc dài và đoàn tàu chuyển mình lao về phía trước.
Tiếng bánh sắt lăn rầm rập trên đường ray.
Bầy ong người lặng điếng trong khoảnh khắc.
Rồi những bài hùng ca vang lên xen lẫn với tiếng đọc kinh, tiếng cười khanh khách và tiếng gào khóc đau đớn.
Tôi nhìn qua cửa sổ.
Những khối đen trôi vùn vụt.
Tôi ngoái nhìn phía sau.
Sao lạ lùng đến thế!
Tôi la lên: “Sai hướng rồi, nhầm đường rồi! Ông xa trưởng ơi, tôi thấy tương lai ở phía sau…”
Viên xa trưởng quát: “Câm họng ngay! Tương lai là cái chó gì? Nó đã quá cũ!”
Tôi đứng dậy: “Quay lại! Quay lại ngay! Sai hướng rồi…!”
Viên xa trưởng gầm lên: “Trói nó lại!”
Tôi rời khỏi ghế, hét lớn: “Tương lai ở phía sau…”
Đội cảnh vệ bước tới, chĩa súng vào mặt tôi.
Tôi vội vã lao người qua cửa sổ.
30.4.2005
Diễn văn của nhà thơ
Kính thưa quý vị,
Hôm nay tôi đến đây không phải để nói chuyện với quý vị.
Hôm nay tôi đến đây để nói chuyện với chính tôi.
Hôm nay tôi đến đây để nói với chính tôi những điều tôi không thể nói với bất kỳ ai khác.
Hôm nay quý vị đến đây không phải để lắng nghe tôi nói chuyện với quý vị.
Hôm nay quý vị đến đây để lắng nghe tôi nói chuyện với chính tôi.
Sự hiện diện của quý vị cùng sự im lặng và kiên nhẫn lắng nghe của quý vị là những điều kiện cần thiết cho cuộc nói chuyện hôm nay.
Không có những điều kiện ấy, cuộc nói chuyện hôm nay không thể diễn ra, mặc dù đối tượng của cuộc nói chuyện hôm nay không phải là quý vị, mà là chính tôi.
Quý vị không cần phải hiểu những gì tôi nói.
Quý vị không cần phải chống đối hay đồng ý với những gì tôi nói.
Quý vị chỉ cần lắng nghe tôi nói.
Quý vị chỉ cần im lặng và kiên nhẫn lắng nghe tôi nói.
Chỉ cần lắng nghe thôi.
Không cần hiểu.
Chỉ cần lắng nghe tiếng nói của tôi.
Chỉ cần lắng nghe cách tôi phát âm, chuyển giọng, lấy hơi, tăng giảm cường độ, tăng giảm tốc độ, tăng giảm cao độ, thay đổi tiết tấu, lặp lại, khai triển, ứng biến và kết thúc.
Quý vị không cần phải biết tôi đang nói với chính tôi điều gì.
Nếu quý vị có bất cứ điều gì muốn phản hồi xin quý vị hãy nói với chính quý vị.
Cuộc đối thoại từ đây trở đi sẽ là cuộc đối thoại giữa quý vị với chính quý vị.
Tôi không cần biết.
Bây giờ tôi chỉ yêu cầu quý vị kiên nhẫn im lặng lắng nghe tiếng nói của tôi cho đến khi cuộc nói chuyện của tôi chấm dứt.
Trân trọng cảm ơn quý vị.
Đứa con của cơn hảo mộng
Một cơn ác mộng lặng lẽ thụ tinh bên trong một cơn hảo mộng. Với hình thù của một quái thai, nó lớn lên rất nhanh bằng máu của mẹ nó. Trong đêm tối người ta nghe tiếng sắt thép loảng xoảng từ bên trong chiếc bụng tròn và hớn hở treo lên những lá cờ đỏ rực chuẩn bị đón chào nó ra đời. Họ bảo nhau đó là tiếng động của những nhà máy công nghiệp nặng.
Cơn hảo mộng ăn gió và hát những hùng ca để ru bào thai. Tử cung thỉnh thoảng nhói đau vì những đợt cựa mình của sinh thể bên trong, và những cạnh bén sắt thép làm ứa những giọt máu qua cửa mình bà mẹ. Người ta tranh nhau đến thấm những giọt máu ấy đem về bôi lên trán của con cháu nhà mình. Họ bảo nhau những đứa trẻ có trán đỏ sẽ là những người suốt đời được bề trên che chở.
Pháo hoa bắn ngập trời lúc cơn hảo mộng đang giãy giụa trên bàn đẻ. Một chiếc đầu kim loại bê bết máu thò ra giữa hai chân bà mẹ, cười gằn thích thú khi nghe điệu kèn trống hùng tráng của cuộc diễu binh từ ngoài đường phố vọng qua khung cửa sổ. Cơn ác mộng đạp mạnh hai chân, vọt ra khỏi lòng mẹ. Ngoài kia, lũ trẻ trán đỏ đang bồng súng đứng thẳng tắp đón chào. Cơn ác mộng mở cửa bước ra, đầu ngẩng cao, bỏ lại phía sau thân xác trắng bệch của bà mẹ đang hấp hối trong cơn băng huyết.
12.2004
BẢO HUÂN