Menu Close

Đành lòng sống trong phòng đợi của lịch sử Cung Tích Biền

Khi ký giả Lý Đợi hỏi về châm ngôn sống của ông, Cung Tích Biền trả lời:“Châm ngôn sống? Có đấy. Nhưng quá đắt, cũ xì rồi. Nói ra các bạn cười. Chỉ là Chôn-Ngâm. Chôn trong dặm dài bóng tối và Ngâm trong kinh nước đen quê nhà… Hồi tôi lớn lên ở thôn quê thân ái ngày xưa, đồng thì xanh, trời trong, trẻ em thường dẫn dắt những con trâu già đi ngao du gặm cỏ. Con cò con vạc, bầy vịt trời tự nhiên qua về như mây. Hình ảnh này là thẩm mỹ một quê hương. Bây giờ bọn trâu già sừng mọc ngay mông, đi thụt lùi bờ cỏ. Thay vì bọn trẻ xã hội chủ nghĩa theo hướng sừng, dắt trâu tới, bỗng thụt lùi theo trâu. Cho nên muốn nghĩ đến tương lai, anh hãy nhìn lui xa xa lẫn xa xăm, thì thấy tương lai trong quá khứ dặm ngàn.” [Trang 65]

Nhà văn Cung Tích Biền 80 tuổi, là người thuộc giòng Văn Học Việt Nam Cộng Hòa và là nhà văn độc lập, nổi danh từ lâu trước năm 1975. Sau biến cố Tháng Tư Năm 1975, ông ở lại trong nước cho đến ngày hôm nay, và không viết trong suốt 12 năm. Theo lời nhà xuất bản Giấy Vụn, Cung Tích Biền chỉ “tái xuất giang hồ” vào năm 1987, với một bút lực sung mãn, văn phong phần nhiều khác trước. Theo rất nhiều các tiểu luận, nhận định của nhiều nhà phê bình văn học, về sáng tác của Cung Tích Biền đều có chung một nhận định, là súc tích, tài hoa, nhân bản và minh triết.”[Trang 7]

Trước năm 1975, một số tác phẩm tiêu biểu của Cung Tích Biền như “Ngoại Ô Dĩ An và Linh Hồn Tôi; Cõi Ngoài; Nỗi Buồn Thắp Sáng; Trên Ngọn Lửa; Kẻ Ngoại Lai; Bạch Hóa… Bên Dòng Nước Biếc, Ai Tỉnh Ai Điên; Hòa Bình Nàng Tình Rỗng, Mê Lộ, Trường Giang, Luống Cải Vàng…” Sau năm 1975 có những tác phẩm đặc sắc như “Dị Mộng, Qua Sông, Thừa Dư, Thằng Bắt Quỷ, Tự Thú Trước Bình Minh, Rừng Đom Đóm, Nhạc Điệu Của Bầy Ong, Tân Truyện Xứ Động Vật…”

Cũng theo lời nhà xuất bản Giấy Vụn, những tác phẩm trước năm 1975 và phần lớn những tác phẩm sau này của Cung Tích Biền “bị nhà cầm quyền cấm in ấn, lưu hành trong nước, nhưng ông đang là một trong số những nhà văn được đông đảo độc giả trong lẫn ngoài nước tìm đọc, và rất ái mộ.” [Trang 8]

Nhà văn Cung Tích Biền tên thật là Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc Đại Úy. Sau đó làm giáo sư thỉnh giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà, Đà Nẵng. Ông có truyện và thơ đăng trên các báo từ  năm 1958 với nhiều bút hiệu khác nhau như Chương Dương, Việt Điểu, Uyên Linh, trước khi có bút hiệu Cung Tích Biền. Hiện nay ông cư ngụ tại Đồng Ông Cộ, Sài Gòn, Việt Nam.

Đọc văn của Cung Tích Biền độc giả cảm nhận một tình cảm tha thiết âm vang như tiếng còi trong đêm khuya, nhưng cũng trầm mặc như đoàn tàu thinh lặng đi trên đường sắt. Hơn ba mươi năm sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 khi đã ở tuổi tám mươi, nhà văn Cung Tích Biền nói về ước mơ đất nước hòa bình thống nhất, ước mơ một cuộc sống bình an như ý nguyện qua những điều chia sẻ với các ký giả Lý Đợi, Đặng Thơ Thơ, Mặc Lâm trong ký sự “Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Lịch Sử.” Đây là quyển sách do nhà xuất bản Giấy Vụn phát hành tại Hoa Kỳ Tháng Giêng Năm 2016, nói về lẽ vô thường của tạo hóa, và số phận của nhà văn Cung Tích Biền trước cơn biến động lịch sử.

cungtichbien

HNP – 7:15pm Chủ Nhật ngày 14 tháng 02 năm 2016