Theo cách hình dung của con người, đơn vị thời gian nhỏ nhất là sát na, lớn nhất là thiên niên kỷ. Nằm lưng chừng ở giữa là thế kỷ, thập kỷ. Sát na thì quá nhỏ, thiên niên kỷ thì quá lớn; thế kỷ hay ngay cả thập kỷ cũng lớn. Rốt cuộc nói đến đời người là nói đến năm. Năm, trước hết, để chỉ chu kỳ thiên nhiên. Một năm là một lần thiên nhiên tự làm mới mình.
Năm cũng là tuổi. Nói đến đời người là nói đến một giới hạn nghiệt ngã của tuổi: trăm tuổi, theo mơ ước đẹp nhất của con người về tuổi thọ. Do đó, năm thì làm mới lại, nhưng tuổi thì không. Tuổi là một quá trình đi tới của đời người, từ ấu thơ đến già cả. Thời ấu thơ, còn nương náu trong lòng cha mẹ và gia đình, thời gian là một con đường phẳng phiu, hai bên bờ toàn hoa hồng nở rộ. Cha mẹ nào cũng mong con chóng lớn. Chóng biết đi, biết nói, chóng chơi, chóng vào trường. Chú bé, cô bé nào cũng mong Tết đến xuân về, để được lì xì, được mừng thêm một tuổi rồi một tuổi rồi một tuổi. Tuổi lúc này là vàng, là ngọc, là nỗi ước mong, là niềm vui gia đình. Thêm một tuổi là thêm một niềm vui. Tuổi bước đi rộn ràng, vội vã, hạnh phúc. Có lẽ chẳng cô bé, chú bé nào ao ước tuổi mình dừng lại. Vì tuổi thơ là một con đường bằng phẳng, êm ái, nhẹ nhàng.
Cứ thế, tuổi đi. Bỗng nhiên, đến một lúc nào đó, tuổi bỗng trở nên gập ghềnh. Trong một bài thơ về chiến tranh, “Chiều trên Phá Tam Giang”, Tô Thùy Yên viết:
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi
Như những mặt trời con thật dễ thương
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi.
Dốc tuổi. Tôi thích hai chữ khá gợi hình này. Tuổi không còn là con đường bằng. Tuổi trở thành nỗi lo toan. Tuổi càng lên, lo toan càng lớn. Mới mười bốn, đã thấy mười lăm. Mới mười lăm, đã thấy mười sáu. Mới mười sáu, đã thấy hai mươi… rồi hăm mốt… hăm hai.
Nhìn ngoái phía sau, những ngày thơ ấu đã qua đi. Đâu còn cảnh…
…Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo
Tôi nghe tiếng còi tàu
(Kỷ niệm/Phạm Duy)
Và nhìn tới phía trước, tuổi chạy dài lên con dốc. Theo dốc tuổi, những thanh niên thiếu nữ trèo, cố gắng trèo, phấn chấn, hứng thú và nhọc nhằn.Nhưng có lẽ không có cái dốc tuổi nào nặng nề, nhọc nhằn bằng cái dốc tuổi thế hệ chúng tôi thời chiến tranh. Tuổi vốn đã dốc, thời chiến tranh, tuổi càng trở nên dốc. Chúng tôi sống giữa những tang thương và ngà ngọc, giữa những giấc mơ ngoại hạng và những cái chết tức tưởi, giữa những thành phố đua đòi và những làng quê tan nát, giữa bạn bè người bên này kẻ bên kia, giữa một tương lai bất định. Nhọc nhằn leo và đỉnh cao luôn luôn ở phía trước. Có mặt trời, mặt trăng, có mây, nước, có tương lai, có những thành đạt. Chính cái đỉnh cao đó mời gọi, nên nhọc nhằn trở thành cái thú. Cứ leo, cứ bước. Những bước chân tuổi nhiều lên, dày lên để bồi đắp thêm những giấc mơ. Để rồi có những giấc mơ gãy đổ, “rơi rụng dọc đường.” Gãy giấc mơ này, gầy giấc mơ khác. Rồi vẫn tiếp tục leo, cứ leo.
Bỗng nhiên, đỉnh dốc biến mất. Sau tháng 4/75 Trong một thoáng, con đường lên dốc cũng không còn. Hết chiến tranh, nhưng cả thế hệ tôi bị truột. Chưa lên đến đỉnh, thì chúng tôi lăn dài xuống dốc tuổi. Cái dốc này được định bằng những năm tháng tù đày. Trong tù, tuổi trở nên dãn ra, kéo dài lê thê tưởng như bất tận. Đối với người tù, dốc tuổi chẳng còn để mà leo trong khi năm tháng trở thành một ám ảnh, một gánh nặng.
Vác bó cuốc nặng bước loạng choạng
Về trong xây xẩm buổi tàn đông
Lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa
Ảm đạm lòng ta chiều cuối năm
(Thanh Tâm Tuyền)
Chừ mùa xuân trong lòng ta quạnh quẽ
có còn gì rộn rã để nôn nao
cũng chẳng còn nụ hoa hồng hoa cúc
còn buốt đau trăm ký ức xuân nào
(Song Nhị)
Tuổi bước đi âm thầm, tức tưởi. Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Huống chi là năm năm, mười năm, mười lăm năm, mười tám năm. Có người lên đến ba mươi năm. Ra khỏi tù, bọn chúng tôi trải qua những năm tháng mệt nhoài bước xuống dốc tuổi. Không hành trang mà cứ phải đi. Xuống. Xuống. Không thấy điểm dừng. Phía dưới là một dốc dài mù mịt.
U 70 (ảnh tác giả)
Rồi cũng lại đột nhiên, tất cả như một phép lạ: những người tù chúng tôi được ra đi, thoát khỏi chế độ độc tài. Xa quê hương thì buồn, nhưng nhờ vậy mà tuổi như được làm mới lại. Một cuộc hồi sinh. Và cũng từ cuộc hồi sinh, tuổi bỗng lại trở thành con dốc. Chúng tôi lại phải trèo lên dốc tuổi một lần nữa. Từ điểm bắt đầu, chân dốc. Lại học. Lại làm. Miệt mài xây đắp tương lai và dự phóng những giấc mơ vào cái tuổi mà lẽ ra, người ta dành thời gian ôn lại quá khứ. Miệt mài đến quên cả tuổi. Quên luôn cả dốc.
Cuối tháng 10 vừa qua, anh chị em cựu học sinh trường Quốc Học và Đồng Khánh từ nhiều nơi quy tụ về Washington DC cho một buổi hội ngộ của người bạn học năm, sáu thập niên về trước. Một cuộc hội ngộ U70, theo cách gọi của giới trẻ bây giờ để chỉ thế hệ của những người thuộc lứa tuổi 70 trở lên. Nhìn nhau để thấy tuổi của nhau. Gặp nhau, ai nấy cũng cảm nghiệm được một cuộc hành trình dài của tuổi với đủ cay đắng ngọt bùi. Gặp nhau, những U70 tay bắt mặt mừng. Gặp nhau, những U70 nhắc lại những kỷ niệm thời hoa niên. U70 gặp nhau, ca. Gặp nhau, hát. Gặp nhau, múa. Gặp nhau, phục hồi lại tuổi. Nhớ tuổi để sống lại thời trẻ dại. Gặp nhau để mừng tuổi nhau. Gặp nhau để hâm nóng nhau. Gặp nhau để thấy nhau còn tồn tại. Tôi gặp một cô bạn cùng học lớp Nhì (lớp 4 bây giờ) niên khóa 1955-1956. Cô ngồi bàn trước, tôi ngồi bàn sau. Ngót nghét sáu mươi năm kể từ độ ấy!
U 40 (ảnh tác giả)
Nhìn ngoái lui, những U70 không còn thấy tuổi thơ, nhưng thấy một thế hệ khác: U40. Những U40 là những đứa trẻ ra đời và lớn lên trong khi hầu hết cha chúng đang ở trong các trại tù và mẹ chúng thì bươn chải nuôi con chờ chồng. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã của lịch sử, dù được sống trong hòa bình, nhưng tuổi thơ của chúng chẳng có đóa hoa hồng nào. Chỉ toàn là gai góc. Dẫu vậy, nhờ ra nước ngoài, những U40 này là một thế hệ thành đạt. Bây giờ chúng đã bước qua lứa tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” và đàng sau chúng là một thế hệ khác, U10 và U20, đang hớn hở leo dần lên dốc tuổi. Hy vọng những “mặt trời con” của chúng sẽ vẫn mãi là những mặt trời con, không rơi rụng và tan tác dọc đường như thế hệ chúng tôi.
U40 là niềm vui của U70. Tuổi vẫn đầy lên, đầy lên. Nhưng niềm vui thì không có tuổi.
Và không có dốc!
(10/2015)