Menu Close

Hoài niệm mùa Xuân

Thành phố Santa Ana đột nhiên rét mướt, thứ rét mướt đầu xuân của những ngày có mưa, có gió, có bão lan tràn từ hôm nay, và sẽ còn kéo dài trong những tháng tới. Mưa rung rung phiến lá. Từ thiên cổ mưa về. Đêm tịnh yên, cho tiếng buồn vang trong mây  của hồn thơ Hồ Dzếnh, âm vang khắp cùng trời cuối đất. Phải chăng, âm hưởng độc huyền của phách nhịp có trong mưa,  đã khiến lòng người ta thao thức trăn trở, bâng khuâng nghe mưa rơi đều rất nhẹ…? Tôi đang hỏi ai đó, hay tôi tự hỏi tôi? Giữa rét mướt, tôi thấy lòng tôi đắm chìm trong hoài niệm tuổi thơ, tôi thấy lòng tôi đang trở về cố quận. Trong trí tưởng của tôi, không còn những tên đường Euclid, Garden Grove, Westminster, Magnolia, v.v…Trong trí tưởng của tôi, cũng không còn những căn nhà mái ngói đỏ, đứng đơn độc biệt lập, giữa từngg ô vuông cỏ. Trong trí tưởng của tôi, là miền quê ruộng vườn thẳng cánh cò bay, nằm bên bờ Cửu Long Giang. Ở đó có ngôi nhà từ đường của gia tộc, có mộ phần của ông bà nội, có bóng dáng cô bạn thuở ấu thời, có biết bao điều đã chẳng trọn vẹn, khiến lòng tôi không nguôi thương nhớ.

Tôi ngắm nhìn di ảnh của ông nội  đặt trên bàn thờ, cảm nhận  trọn vẹn duyên phận đặc biệt của ông có trong cuộc đời này. Ông chào đời êm ả, sống thinh lặng đúng năm mươi năm, rồi xuôi tay nhắm mắt thật âm thầm, như thể không muốn làm phiền gia đình, bà con, hàng xóm. Ngày ông chết, tôi còn quá bé, chẳng ghi nhớ được điều gì, ngoài cảm giác bổi hổi bồi hồi sao đó, khi cha quấn lên đầu tôi vành khăn trắng. Tôi hỏi cha: “Sao con phải mang khăn trắng?” Cha bảo: “Để tang cho ông nội!” Trong trí óc non nớt của tôi, màu trắng đồng nghĩa với màu tang kể từ đó.

Sau đám tang của ông nội, cuộc sống lại bình thường. Ai nấy đều  bận rộn với công việc riêng, chẳng buồn nhớ mới hôm qua còn phủ phục trước quan tài, còn tưởng như có thể chết theo người đã chết. Tôi ra vào lên xuống, đi vòng quanh căn nhà to rộng, cố tìm cho được chút liên hệ nào đó giữa người khuất bóng và kẻ còn đang sống nhưng đành chịu thua. Dường như  ông tôi chưa hề sống trong căn nhà này. Dường như ông tôi là một người rất xưa, chỉ có trong cổ tích. Tự nhiên tôi thấy tưng tức, muốn giận dỗi ai đó, muốn bắt đền ai đó, như mỗi lần đang say mê đánh bi, đánh đáo, mà bị phá đám. Tôi chạy ào từ nhà sau lên nhà trước, suýt đâm bổ vào cha tôi. Cha nghiêm nghị hỏi: “Con đi đâu, chạy như bị ma đuổi?” Tôi òa khóc: Con đi tìm ông nội.” Cha lặng thinh. Chừng lâu mới nghe cha nói:“Con lên đây.”

Tôi nước mắt ngắn dài đi theo cha và bỗng giật mình, khi nhìn thấy khuôn mặt của ông nội hiện ra giữa khói hương nghi ngút trên bàn thờ. Cha cất giọng trầm buồn:“Từ nay muốn gặp ông nội, con cứ đến đây.” Rồi cha bỏ đi. Mặc tôi ngẩn ngơ, đứng trước  tấm hình quen thuộc của ông nội.

Ông nội tôi thật lạ. Đang đi đứng hẳn hoi, nói cười đủ tiếng, bất thần ngồi trụ trên bàn thờ, cạnh bình hoa và lư hương lúc nào cũng lập loè đốm sáng. Hèn chi, tôi đi tìm khắp nơi mà không gặp. Ngồi trên bàn thờ có gì vui? Bề dài của chiếc tủ thờ, phỏng đo được mười gang tay của tôi không? Chật chội như thế, làm sao ông chịu được? Ông là người nhanh nhẹn, ít nói hay làm. Chỗ ở trên bàn thờ, nhất định không thích hợp với ông. Tôi muốn mời ông bước xuống, để vẫn như  thuở nào, hai ông cháu cùng ra ruộng thăm lúa, cùng vào vườn dạo chơi, cùng thì thầm nói với nhau những điều về bà nội, về mọi người,  về cỏ cây hoa lá, những câu chuyện mà chỉ có hai ông cháu biết.

–oOo–

Bà nội tôi rất khó tính, có lần tôi đã so sánh: “Ông ơi, nếu ông là ông tiên nhân hậu, thì bà nội  là bà phù thủy dữ dằn, chuyên la mắng trẻ em.” Ông kinh ngạc bảo: “Chết nỗi, sao con nói thế?  Bà nội biết được, sẽ không thương đâu!” Tôi vênh mặt: “Con cứ nói. Con không cần bà nội thương. Ông nội thương con là đủ rồi.”

Nghe tôi nói ông cười, nụ cười có phảng phất điều gì buồn lắm. Tôi hỏi: “Sao ông cười buồn thế?”

Ông không trả lời. Tôi đi hỏi cha tôi. Cha khẽ khàng nói:“Ông nội có nụ cười cam chịu.” Nụ cười cam chịu? Tôi không hiểu thế nào là cam chịu. Nhưng quả thực ông tôi đáng yêu, đáng quý, đáng kính trọng mỗi khi hé miệng cười cam chịu.

Có phải vì bà nội quá khó, nên ông tôi đành mỉm cười cam chịu? Tôi thật bối rối, mỗi khi nghĩ đến điều này. Người lớn làm sao ấy! Tại sao bà nội không thể chơi ô quan, chơi u mọi với ông tôi một cách vui vẻ, như tôi vẫn thường chơi đùa với con nhỏ bạn ở sát bên nhà? Kể ra con gái cũng thật lắm chuyện. Đang yên lành, bỗng dưng giận dỗi. Đang vui vẻ, bỗng dưng phụng phịu. Cứ như bong bóng lúc căng phồng, lúc xẹp lép. Cứ như trời đất gió máy lung tung, mưa nắng bất thường. Những lúc ấy, tôi thấy con nhỏ bạn thật đáng ghét, và thật giống bà nội tôi. Có lần cáu tiết, tôi hét toáng lên: “Bớ con nhỏ kia, mi chỉ thích nói cho sướng miệng. Mi giống hệt mẹ ghẻ của cô Tấm. Mi là bà chằn rách trời rơi xuống. Con trai như ta, không thèm chơi với mi nữa!”

Ôi trời! Đang gân cổ gào la tôi vội im bặt, khi nhìn thấy nụ cười cam chịu trên khuôn mặt ngơ  ngác, buồn bã của con nhỏ bạn. Tôi nhớ đến ông tôi và bà nội, rồi tự hỏi: Phải chăng giữa hai người quen biết, bao giờ cũng có một người cam chịu…? Tôi mang chuyện này hỏi ông. Ông cười trìu mến: “Cái thằng chi lạ…Chỉ hay hỏi những điều khó trả lời. Sau này lớn lên, con sẽ hiểu. Bây giờ chơi với bạn, đừng khiến nó cam chịu, tội lắm.”

Tôi yên trí một mai lớn khôn, sẽ hiểu biết hết mọi chuyện trên đời. Nên thôi, không đòi ông giải thích.

Năm tháng qua đi. Đồng ngô nương sắn bị chiến tranh tàn phá. Đất nước có muôn ngàn điều thay đổi rất đáng sợ. Theo giòng sóng người di tản, gia đình tôi đến đảo Guam,  sau đó định cư tại Hoa Kỳ. Tháng năm phiêu bồng đất khách, đã khiến tôi đánh mất tâm hồn trong sáng thuở xưa. Mê mải với lợi danh, mê mải với những điều thực dụng học được tại xứ người, tôi gần như quên mất hình ảnh quê hương, quên cả lời hứa hẹn thủy chung với cô bạn thuở ấu thời. Thoảng đôi lần, tôi nghe trong lòng dấy lên một nỗi niềm băn khoăn nào đó… Nhưng tham vọng muốn nắm bắt cho được tiền tài và danh vọng, đã khiến tôi như con thiêu thân, học hết bằng cấp này đến bằng cấp khác, để có một chỗ đứng bề thế trong xã hội. Tôi không có thì giờ tìm hiểu xem niềm đau nỗi nhớ ấy, bắt nguồn từ đâu. Tôi tự trấn an mình bằng ý nghĩ:  Làm người muốn cầu toàn và cầu tiến, phải biết nắm bắt hiện tại, dự kiến tương lai. Còn quá khứ… Xin chào!

–oOo–

Chơi vơi trong ảo ảnh của người có tiền tài, có danh vọng. Tôi đã để trái tim của tôi bị sa lầy từ lầm lỡ này đến lầm lỡ  khác, khi ngộ nhận về tình yêu. Những mối tình qua đường. Những người đàn bà đã tự đề nghị  ở chung với tôi, chỉ mang đến cho tôi đau khổ cách này hay cách khác. Đằng sau lời tự thuật đầy cảm thương về tình duyên bất hạnh với những người đàn ông đã đi qua đời họ, những người đàn bà ấy đã che giấu nhiều điều dối trá, gian xảo không ngờ.

Khi hiểu ra, tôi chia tay không hề bịn rịn. Từ đó, đàn bà, giống như một màn đêm đầy hiểm họa, khiến tôi không còn tha thiết kiếm tìm một nửa của đời mình. Và tôi kết luận: Tình yêu không có thật trên đời.

–oOo–

Cha tôi già đi theo tuổi đời chồng chất, vẫn âm thầm lo lắng cho tôi. Cha rất muốn về thăm quê hương, một chuyến đi cuối cùng của đời người. Nhưng thấy tôi lao đao khốn khổ về chuyện hôn nhân, thấy tôi thân tâm không an lạc, ông không đành bỏ mặc tôi một mình. Ông thinh lặng, cất giữ ước mơ về cố quận ở trong lòng. Cho đến một hôm, tình cờ tôi nhìn thấy cha cầm trên tay tấm ảnh cũ kỹ, đã vàng ố theo thời gian. Nhìn tấm ảnh, tôi giật mình thon thót. Vì chàng thanh niên trong ảnh, trông rất giống tôi. Cũng đầu cao mắt sáng, mũi thẳng, môi tươi…Nhưng tôi chịu thua, không thể nhận ra người trong ảnh là ai?

Thấy tôi băn khoăn suy nghĩ, cha nhìn tôi cười, nụ cười cam chịu. Tôi bỗng thấy bồn chồn, bỗng chợt nhớ ở một nơi xa xôi nào đó, tôi đã từng nhìn thấy người có nụ cười cam chịu như vậy. Chừng như hiểu được những bối rối của lòng tôi, cha điềm  đạm nói: “Đây là chiếc bóng của ông nội. Con chính là hình ảnh của ông nội thời trai trẻ.”

Hình ảnh ông nội thời trai trẻ! Nụ cười cam chịu! Ngôi nhà lợp ngói rêu phong! Cô bạn ấu thời! Mọi vật chung quanh tôi nhạt nhòa, chao đảo. Tôi không hiểu mình yên lặng như thế bao lâu. Chỉ biết rằng khi tỉnh ra, mặt tôi đã đầy nước mắt.

Mùa xuân năm  200..,  tôi theo cha trở về quê hương. Giòng sông Cửu vẫn dư đầy sóng nước phù sa. Con đường đất ngày nào vẫn bay đầy bụi đỏ, khi tôi bước vào từ đường của giòng họ. Và  khuôn mặt ông nội của tôi, vẫn rất thân thiết, vẫn rất gần gũi, trong khung hình chữ nhật, cạnh bình hoa và lư hương lúc nào cũng lập lòe đốm sáng. Thuở ấu thời, tôi đã từng đứng trước bàn thờ này lòng đầy ắp yêu thương, lòng vô cùng trong sáng, khi nhớ người đã khuất. Bây giờ, tôi nhìn ngắm ông tôi, để soi rọi chính cuộc đời mình. Đến một lúc nào đó, dù bề dài của chiếc tủ thờ ngắn ngủi chật chội, di ảnh của tôi cũng sẽ được đặt lên trên ấy. Chỉ không biết hình bóng của tôi có thể an nhiên tự tại, như là hình bóng của ông tôi hay không?

Ông tôi đã sống một đời âm thầm, đã ra đi lặng lẽ, chẳng màng đến sự quên hay nhớ của người đời. Vì những điều đã quên hay còn nhớ, nào có làm mất đi lòng nhân hậu của ông? Thuở sinh tiền, ông làm thinh sống bên cạnh bà vợ trưởng giả, xa hoa, khó nết. Mỗi  khi người trên kẻ dưới kháo nhau: “ Ông Y. khổ một đời, vì cái tính kiêu ngạo của bà X.” Ông thinh lặng cười. Chưa ai nghe ông than thở nửa lời, dù dương gia điền sản, ruộng vườn thẳng cánh cò bay, lần lượt bị phá tán vì thói tiêu xài phung phí của bà. Nghe nói căn nhà từ đường, mẫu ruộng hương hỏa, suýt nữa cũng bị phát mại, nếu như ngày đó ông không cương quyết chống đối và chỉ trích bà. Suốt ba mươi năm sống chung với vợ, ông chỉ sử dụng quyền gia trưởng một lần duy nhất để răn dạy bà, để giữ lại căn nhà từ đường, mẫu ruộng hương hỏa cho con cháu, rồi lặng thinh cho tới ngày nhắm mắt. Trong trí tôi, hiện ra dáng vẻ nho nhã thanh an của ông. Trong trí tôi, còn đó âm vang giọng nói trầm ấm lên cao xuống thấp của ông – chất giọng đặc biệt sinh động mà ông đã dùng để kể chuyện cổ tích, để đưa tuổi thơ của tôi vào giấc ngủ bình yên, đầy hình ảnh tuyệt vời của huyền thoại.

Những ngày ở quê nhà. Tôi thơ thẩn đi ra bến sông, lặng nghe tiếng hò bay lượn trên sóng nước. Nhớ xưa, tiếng gió phần phật thổi, mỗi lúc trời giông bão. Những con thuyền sửa soạn ra khơi, vội vã cắm neo tại bến. Nhớ xưa, những chiếc xe bò chất đầy rơm rạ, chậm chạp lăn trên con đường vắng gập ghềnh, có nhiều mô đất gồ ghề khúc khuỷu, được soi rọi bởi thứ ánh sáng nhạt nhòa yếu ớt, của những ngọn đèn vàng. Nhớ cô bạn nhỏ, thường nhảy chân sáo cùng tôi chạy theo bám vào thành xe, co chân đánh đu lửng lơ hai bên hông. Rồi hai đứa cười nắc nẻ buông tay, cùng ngã lăn kềnh ra đường, mặc cho quần áo rách bươm, mặc cho mặt mày lem luốc vì đất bụi. Nhớ xưa, những ngày Tết nhà nhà rền tiếng pháo, người ta đi lại đông đúc tấp nập giữa đường quê lất phất mưa xuân.

Những ngày ở quê nhà. Tôi tần ngần ngó sang hàng xóm. Cổng vườn xưa khác trước. Những bóng dáng xa lạ. Những giọng cười không quen. Gia đình cô bạn nhỏ chuyển đổi  đi đâu không biết. Một thoáng gió vào làm mắt cay. Có lẽ cô đã lấy chồng xa xứ. Có lẽ cô không còn nhớ chuyện xưa. Cũng như tôi, gần nửa đời hư nơi đất khách, nổi trôi theo giòng sóng đời cuồng loạn, đâu có bao giờ  để lòng nhớ về một thuở yêu người.

Những ngày ở quê nhà qua mau. Lưu luyến nhiều bao nhiêu, rồi cũng phải nói lời từ biệt. Chiều cuối cùng ở cố hương, tôi một mình đi thăm mộ của ông nội. Đường dẫn vào nghĩa trang, cỏ may đan kết. Trong bóng hoàng hôn dần tắt, giữa hai hàng bia mộ, thấp thoáng bóng một ni cô. Những nén hương đỏ lửa trên tay người nữ tu vơi dần. Để trên mộ phần từng người quá cố, khói hương tỏa lan thơm ngát. Tôi đến gần mộ của ông tôi, đúng lúc vị sư nữ cũng vừa cắm xong hai nén hương thơm. Bốn mắt nhìn nhau, tôi sững sờ kêu: “Diệu!”

Vâng! Vị ni cô thinh lặng thắp hương cho từng nấm mồ, không phải ai xa lạ, chính là cô bạn ấu thời của tôi! Không gian tĩnh mịch tưởng sắp tan trong biển lệ. Tiểu ni cô chưa tận diệt thất tình, chắp tay trước ngực lặng lẽ khóc, lặng lẽ quay lui. Không có một  lời. Nhưng trong khoảnh khắc đìu hiu ấy, tôi biết tôi có lỗi. Tôi hiểu vì sao Diệu không còn là Diệu nữa.

Tôi ngồi bên mộ ông, lòng buồn thảm thiết. Nhớ xưa ông nói: “…Chơi với bạn, đừng để nó cam chịu, tội lắm!” Chiều buông giòng mây tím. Đàn vạc kêu sương, vỗ cánh bay tận cuối trời. Gió rì rào thổi, lay động từng bụi cây khóm lá. Tưởng như hồn thiêng của ông tôi, theo ngọn cỏ gió đưa về an ủi tâm hồn héo hắt, của đứa cháu hoang đàng. Bóng tối lan dần. Mảnh trăng non nhẹ rơi trên hàng bia mộ. Tôi lê bước chân đi. Lắng nghe lá khô xào xạc, như  lắng nghe tim mình tan vỡ.

Lần trở về cố hương năm đó, tôi đau đớn cảm biết thế nào là sự tổn thất lớn lao không có gì bù đắp được, khi người thân khuất bóng,  khi tình yêu đích thực ra đi… Một mình.  Lắng nghe thời gian lặng rớt. Lắng nghe gió Santa Ana bay lượn trong rét mướt đầu xuân. Lắng nghe đất trời đau đáu hỏi: Phải chăng trong cuộc sống, những người thuần khiết, hiền lành, khoan dung như ông nội của tôi, như  Diệu, luôn phải cam chịu đau khổ, luôn phải cam chịu thiệt thòi, vì những kẻ vô tình như bà nội, như chính tôi? Ngày xưa, nếu bà nội đừng quá ích kỷ, ông tôi sẽ không phải u uẩn cho đến chết. Ngày xưa, nếu tôi đừng hững hờ, đừng chạy theo bóng sắc, có lẽ cô bạn ấu thời không phải nương nhờ cửa Phật.

Tôi nghe thời gian thở hơi dài buồn bã, khi đứng trước biết bao mùa xuân không trọn vẹn có trong hoài niệm cuộc đời!

Hoai niem mua xuan CYMK 2

THẮM NGUYỄN

HV

4:05pm Thứ Hai ngày 18 tháng 10 năm 2015