Menu Close

Lộc đầu năm

– 1 –

Buổi chiều khoác lên bầu trời phía Tây một tấm lụa màu mỡ gà óng ánh. Nắng yếu ớt dát những mảnh vàng lên cây cối nhà cửa, nhưng chỉ chút nữa thôi là sẽ tắt. Tháng Mười chưa cười đã tối. Giờ đã là Tháng Chạp. Giáp Tết, ngày ngắn đêm dài… Chị rời bàn làm việc, bước ra hàng ba. Ráng vàng thì gió ráng đỏ thì mưa. Trời chiều như vầy là trời gió. Gió chướng ù ù xổ tung mái tóc chị đang quấn hờ thành lọn. Gió rứt những cánh nguyệt quế nở từ hôm trước rắc trên tóc chị lấm tấm. Gió như vầy là buổi đêm sẽ lạnh lắm đây. Chị hơi co người lại rồi giơ tay xoay cổ tay, vặn người làm vài động tác thể dục. Chị thoáng se lòng nhớ anh. Không biết rồi Tết này anh có về nhà không? Thường thì anh sẽ báo trước thời gian anh về nhà vài tuần lễ. Để rồi chị sẽ quýnh quíu, tất bật chuẩn bị mọi thứ, để rồi sau đó lại nghe anh cười giòn tan dưới bếp: “Anh chỉ cần ăn một món cá rô kho quẹt với rau luộc của em thôi là ngon như ăn tiệc trong điện vua. Đừng bày đặt mua sắm này kia. Ở nhà không có anh thì sao? Tự nhiên sao phải sống khác đi như vậy?” Anh nói và chị cứ cười cười làm theo ý mình. Tết mà. Không có anh thì chị cũng phải sắm sửa tươm tất. Nhưng cũng có khi Tết mà anh không thể về do có những ca bệnh đột xuất mà anh phải theo dõi. Anh chỉ xin lỗi chị, nói là để đền bù sau cho chị. Rồi cười trừ. Họ cứ là vợ chồng son, vợ chồng Ngâu như thế. Mười năm rồi chứ ít gì đâu!

loc dau nam

Thắm Nguyễn

– 2 –

Chị quen anh trong một lần anh về nước thăm gia đình. Anh là bác sĩ, nhưng lại mê châm cứu. Cây kim be bé của nền văn hóa Đông phương hóa ra rất được lòng người dân Berlin, nơi anh định cư. Cô em họ của  anh, lúc đó là đồng nghiệp với chị, nổi hứng làm mai cho ông anh còn mãi lặn ngụp trong thế giới của cây kim châm cứu và những huyệt đạo bí hiểm mà quên chuyện vợ con.

– Để em giới thiệu cho anh một người. Có thể người này sẽ hợp với anh.

Người đó, dĩ nhiên là chị.

Giảng viên ngoại ngữ ở một trường chuyên nghiệp, thời gian của chị cũng không đến đỗi eo hẹp lắm. Chị còn độc thân, ở chung với mẹ, bởi vậy thỉnh thoảng chị cũng tự cho mình cái quyền xài phí thời giờ vào những cuộc tiệc tùng, vui chơi riêng. Cuộc gặp mặt được dàn xếp một cách tự nhiên. Một bác sĩ dí dỏm, tinh tế, biết gợi chuyện, biết nghe chuyện. Một cô giáo yêu văn chương, lãng mạn dù vẻ ngoài có chút khô khan… Hai người coi bộ hợp ý nhau. Vậy là, chỉ hai tuần sau, khi bay về Đức, anh đã điện thoại cho chị và nói lời cầu hôn. Chị nhận lời, đơn giản như mọi việc đã được xếp đặt từ kiếp trước!

Có điều, tình cảm của đứa con gái duy nhất với bà mẹ già nay đau mai yếu khiến chị lưỡng lự không đành xa quê theo chồng. Nhìn thấy cảnh đó, anh nói thôi thì chị cứ ở nhà với mẹ, thỉnh thoảng anh lại về thăm. Anh nói thêm, nhìn mẹ chị, anh nhớ mẹ anh ngày bà còn sống. Sống nơi xứ người, con cái ở xa, bà đành ở nhà dưỡng lão theo sự xếp đặt của con cái. Ở đó, được chăm sóc sức khỏe chu đáo, có bạn già nói chuyện, nhưng bà vẫn tha thiết nhớ quê nhà. Bà đòi về cho bằng được. Năm đó, từ phi trường về nhà của người em gái ruột, bà vui sướng được nằm thong dong trên chiếc võng bố giăng hai đầu cột nhà, ngó ra khoảng sân đầy nắng gió, thơm mùi mật mía, mùi bông bưởi, bông xoài… bà nhắm mắt ngủ một giấc để rồi không thức dậy nữa, nét mặt thanh thản một cách lạ lùng. Anh ngộ ra một điều gì đó sau đám tang của mẹ, rồi sau đó cứ cắm cúi làm việc, quên mất là trong mắt mọi người, mình vẫn còn là một người đàn ông chưa vợ.

Bữa chia tay ở phi trường của đôi vợ chồng mới cưới không nhiều nước mắt như những kịch bản truyền hình hay những chương hồi tiểu thuyết chị từng đọc. Chị thấy chồng cũng không có vẻ gì là quá bịn rịn, lưu luyến với vợ như những đôi vợ chồng trẻ khác. Anh chỉ ôm chặt lấy chị, nói thầm thì vào tai chị: “Rồi anh sẽ về với em mà…” giống như chuyện chia tay là chuyện đương nhiên mà anh đã thấy trước rồi vậy!

Mãi mà chị không có con. Anh vẫn dành thời gian mỗi năm về Việt Nam một tháng, để ý kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cho chị. Tuy rất hạnh phúc với chồng, nhưng bản năng làm mẹ vẫn khiến chị khổ sở, mỗi khi thấy bạn bè đồng nghiệp hạnh phúc với mấy đứa con của mình. Nhất là từ khi mẹ yếu dần mà luôn nhắc chị cứ… đẻ thoải mái năm một đi, bà lo cho! Chị ra vô trong căn nhà rộng đã được thiết kế sắm sửa đầy đủ tiện nghi, tự thấy trống trải kỳ lạ. Chị van nài anh, phải làm thế nào đó để chị có một đứa con. Chị đi chùa, phát tâm làm từ thiện khắp nơi khi có điều kiện, chỉ để “cầu phước, cầu con”, mong một đứa con hủ hỉ, để được bồng ẵm nâng niu, để cười khóc với niềm vui nỗi buồn của nó, để đỡ cô quạnh khi không có anh bên cạnh. Nghe những tâm sự của chị, anh chỉ cười, nói chị nếu có điều kiện thì cứ đi làm việc thiện. Điều đó là tốt. Nhưng con cái là chuyện khác, đó là cái duyên, không phải muốn là có. Thật ra, kiến thức của một bác sĩ dày dặn kinh nghiệm cho anh biết, chị bị vô sinh. Không muốn làm chị buồn lòng nên anh không nói sự thật, cũng không hối chị đi khám bác sĩ làm gì để khỏi làm chị bị sốc.

– 3 –

Tiếng chuông điện thoại bàn lúc gần mười một giờ đêm khiến chị giật mình. Đang mùa Tết, nhưng ở cái xóm nhỏ này, sự yên tĩnh vẫn trùm phủ như bao ngày, cứ sau 9 giờ đêm là nhà nhà đều im phắc. Nhà chị cũng vậy. Chỉ có khác, chị đang ngồi rì rầm nói chuyện với anh qua skype. Anh nói không về ngay được nhưng sẽ cố gắng thu xếp về sau Tết ít hôm. Tiếng chuông điện thoại nửa đêm này là của ai đây? Chị gỡ tai nghe xuống để nhận điện thoại. Giọng người báo gấp gáp, sợ hãi, cho biết ở dưới chân cầu T. có một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi. “Cứu nó đi, chị ơi! Chị tìm cách cứu nó về chứ không nó chết mất. Bé gái đó chị!”. Người gọi nói gần như van nài nhưng không nói tên. Chị ngơ ngẩn mất vài giây. Thông báo với anh để ngưng cuộc trò chuyện, chị vội vàng khoác áo, dắt xe ra khỏi nhà. Ai đâu mà có thể bỏ một đứa bé vào đêm Giao thừa như thế này? Mẹ chị gọi với theo: “ Đi đâu mà nửa đêm khuya khoắt, con?” Chị nói vắn tắt rồi đi, không để ý đôi mắt mẹ có một ánh sáng lóe lên, rạng rỡ. Như có một cái gì đó thôi thúc, chị muốn đến nơi người ta tìm thấy đứa bé càng nhanh càng tốt. Hình ảnh những đứa trẻ bị bế đi xin ăn, những đứa nhỏ mặt mày nhếch nhác, mềm nhũn như dải khoai héo được những người lớn bất lương sử dụng làm công cụ kiếm tiền ám ảnh chị, giờ đây lại lần lượt hiện lên. Từ ngày lấy chồng, từ ngày biết khao khát có một đứa con, chị nhìn thấy đứa trẻ nào cũng muốn ôm vào lòng, nựng nịu hôn hít… Nhưng dễ gì mà có một đứa con “của mình”. Rất nhiều lần, chị có ý định nuôi một đứa con nuôi. Nhưng người này người kia cứ bàn ra tán vào riết nên ý định đó cũng chưa thành. Thỉnh thoảng rảnh rang chị lại ghé cô nhi viện, mang quà bánh quần áo tới cho mấy đứa bé, dạy chúng học, chơi với chúng…

Gió quá. Gió rượt nhau, xô đẩy cả người trên đường. Tay lái của chị thỉnh thoảng bị gió đẩy, chao đi. Ở huyện lỵ, giờ này, đường sá đã thưa người. Ngang qua chợ hoa Xuân chỉ còn mấy người bán đang loay hoay thu dọn cho kịp về đón Giao thừa, chị bất giác thở dài. Mới hồi chiều đây khu vực này vẫn còn rạng rỡ là vậy. Chị nhấn ga. Kia rồi. Dưới chân cầu, có nhiều bóng người lố nhố. Chị dừng xe, vội vã bước tới. Có một cái thúng được đưa lên từ dưới chân cầu. Một đứa bé còn đỏ hỏn, chắc mới sinh được vài hôm, nằm ngủ say trong đó. Nó được ủ trong rất nhiều manh vải cũ, áo gối, khăn lông rách… nhưng sạch sẽ, ấm áp. Gương mặt đứa bé thật dễ thương, dù da nhăn nheo như da người già. Nó suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ nên có chút xíu. Chị áng chừng khoảng 2 ký lô. Có ai đó mang tới một cái mũ len đội vào cho bé. Cái mũ quá rộng so với bé nên nhìn thật ngộ nghĩnh và cũng thật dễ mủi lòng! Chị tưởng tượng đứa bé giống một thiên thần rớt phải cái ổ chó con. Người xúm lại càng lúc càng nhiều, mỗi người bàn tán mỗi kiểu. Có một thứ tình cảm thật lạ ập đến. Chị ôm lấy đứa trẻ. Một vài người biết mặt chị, kêu lên: “Kìa, cô giáo. Giờ tính sao, cô giáo?” Chị nói nhanh: “Giờ đã khuya quá rồi, xin ai đó giúp tôi đưa đứa bé về nhà tôi đã, và nhân thể báo công an khu vực chuyện này. Từ giờ đến khi mọi việc được giải quyết xong, tạm thời tôi sẽ nuôi giữ cháu…” Những người chung quanh gật đầu tán đồng. Hai mươi phút sau, đứa bé đã được đưa về nhà. Mẹ chị, không biết nghĩ sao, lập cập lên đèn nhang trên bàn thờ, lầm rầm khấn vái xin cho đứa bé được trú ngụ trong gia đình. Có ai đó đã nhanh tay mua cho bé hộp sữa bột để trên bàn.

Chị lau cho đứa bé bằng nước ấm rồi quấn nó bằng chiếc khăn bông mềm mại thơm tho của mình. Mai sẽ tính.

Giờ đây, nhìn nó ngủ trong lớp khăn hồng hào như một cái kén, chị mỉm cười đầy vẻ mãn nguyện. Mãi đến khi đứa bé cựa mình ọ ẹ đòi bú, chị mới sực tỉnh. Chị pha sữa và cho bé uống bằng muỗng cà phê. Coi vậy mà cái nết đói của nó không hiền chút nào. Nó vừa chép miệng uống sữa vừa khóc um sùm. Đến khi nuốt hết tách sữa ấm, cô nàng mới chịu nín. Chị ngẩng lên mới thấy mẹ mình đã ngồi đó tự hồi nào. Bà cười móm mém. “Tập giữ em đi cho quen… Hay là giữ nó lại mà nuôi đi con!”

Bốn mươi tuổi. Mười năm làm vợ rồi mà lần đầu tiên mới nghe tiếng khóc con nít sơ sinh ở tại nhà mình, mới tập pha sữa quấn khăn, mới nháo nhào tra cứu những tài liệu có liên quan đến nuôi dưỡng trẻ con… Có ai như chị không nhỉ? Nhưng, chị có cảm giác đứa trẻ này là của mình, chỉ là trong một thời điểm nào đó chị làm thất lạc…

Tiếng chuông đổ từng hồi thong thả từ phía Tòa Thánh vọng lại, báo hiệu tới giờ Giao thừa. Tiếng cười ấm áp của anh ở xa lẫn trong tiếng chuông: “Chà chà…đầu năm nay không đi chùa vẫn hưởng phước hả em? Phen này anh phải thu xếp về sớm, coi thử em cho con bú kiểu nào cho biết…” 