Hãy ngắt một cuống bông vạn thọ, bạn sẽ ngửi thấy mùi của Tết, tui cá rứa đó. Hẳn nhiên rồi, nói ra thì người ta sẽ cãi nhau, mùi Tết đâu chỉ có bông vạn thọ, mà nói với dân Quảng Nam thì họ càng cãi tợn. Nhưng thôi, mùi của Tết với mỗi người Quảng Nam chắc chắn là khác nhau, cũng như đứa nào đứa nấy đều tranh cãi về tiêu chuẩn của một tô mì Quảng, mà cái chuẩn đúng nhứt chắc chắn là cái chuẩn của tô mì má nó nấu.
Hoàng Tường
Hồi hổi, cứ đầu tháng 11 âm lịch là anh Hai đi ương vạn thọ. Hột bông vạn thọ khô quắt queo gói trong tờ giấy báo cũ sẽ được anh ươm vào mấy cái chậu xi măng cũ mèm. Lại nói về mấy cái chậu đó, cứ tầm cuối mùa hè rảnh rỗi, anh với cậu Chín, cậu Mười tranh thủ làm khuôn bằng đất cát ướt rồi đúc xi măng chồng lên một lớp bên ngoài, phơi dầm mưa dãi nắng là ra mấy cái chậu trồng bông Tết. Có những cái chậu cứ như được trời giữ nên năm ni tháng nọ mãi không bị bể, cũ mèm toàn vết rêu đen.
Cây vạn thọ lên mấy cái lá là anh Hai phải ngắt ngọn cho nó nhảy nhánh. Cùng lượt với vạn thọ là mấy cái củ thược dược dém dưới chưn bàn thờ cũng được anh lôi ra trồng luôn. Nhưng trời Quảng Nam chướng lắm, tháng 12 là mưa bão tơi bời, có khi nước ngập hết mấy chậu cây, có lúc thì lạnh queo quắt nên anh Hai chăm mấy chậu thược dược, vạn thọ như chăm con. Trời lạnh thì phun nước ấm buổi sáng cho nó, rồi đất vừa ráo lại phải pha nước bánh dầu ủ cho nó đủ đạm. Để có cái mùi ngai ngái của vạn thọ ngày xuân thì đừng ai quên cái mùi thum thủm của bánh dầu cả một tháng trước.
Những cái búp vạn thọ đầu tiên nhú lên cũng là lúc anh Hai bước vào cuộc chiến bảo vệ thành quả lao động. Nào là sâu các loại tấn công, rồi thì mấy con gà trời ơi đi qua đi lại, ngó nghiêng cái đầu, tò mò loi mỏ xỉa một phát, hoặc thằng Cườm vui chưn đá trái banh rớt đùng vô chậu cây. Anh Hai lại phải cắm cúi chẻ mấy sợi lạt tre rào quanh chậu. Nhưng trồng vạn thọ cũng là chuyện rất hên xui, cùng một giống bông từ một cây mẹ mà khi trổ bông, có cái toàn cồi, có cái thì trổ đầy cánh. Cồi là phần nhị và nhụy của bông, nếu phần này to quá thì cái bông không cân đối. Bông vạn thọ đẹp nhứt là bông thiệt nhiều cánh, nở mấy ngày mới tòi ra phần nhị và nhụy, chậu vạn thọ phải tròn và cân xứng. Cầu kỳ là rứa nên năm nào được chậu vạn thọ như ý, anh Hai tự hào đi khoe với cậu Bảo và mấy anh trong xóm, rồi ngồi cùng nhau thẩm bông coi còn thiếu điểm nào nữa thì hoàn hảo.
Rứa rồi Tết cũng đến sát đít, đó là những ngày mấy anh em bắt ghế đẩu đứng với tay bứt lá mai, trong nhà, Chế Linh vẫn rên rỉ “Mẹ ơi, hoa cúc, hoa mai nở rồi…” Người thì lặt lá mai tháng 11 âm lịch, người thì lặt đầu tháng Chạp, có người bảo giữa tháng 12 mới lặt lá mai, nhưng ba thì năm nào cũng coi lịch năm nhuần, năm không nhuần mà chọn ngày bứt lá mai. Tui chỉ nhớ được rằng những ngày bứt lá mai là những ngày trời đã hửng nắng, khi những chiếc lá mai rớt xuống, một mùi nhựa nồng nàn chạm vào mũi, để rồi cả cây mai chỉ còn những chùm nụ tròn nho nhỏ, trơ cành chờ mùa xuân sang.
Mùi của Tết cũng là mùi của những thớ gỗ cũ thấm nước khi cả nhà khuân hết bàn ghế ra sân chà rửa. Đợi bàn khô thì mùi verni sẽ chiếm chỗ vì ba luôn lau lại dầu bóng hay verni cho bàn ghế mới hơn. Anh Hai mà dọn nhà là khi mô cũng vừa quét võng nhện vừa hát, lúc thì “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa sang…” khi thì “Hẹn hò xa xôi còn nguyên tất cả ả ả ả á… dành cho em tình yêu rất lạ, dù sao anh cũng về, mộng xuân đã chín đỏ…”, xen giữa mấy câu đó là phần phân công nhiệm vụ: “Con Lan dọn cái gạc-măng-rê đi, còn con Phương chừ tới trưa mà dọn không xong cái phòng lồi* là chết với tau!”
Từ sau ngày 23 cúng ông Táo, mùi Tết lại càng đậm đà hơn với những lò bung nếp thơm khắp xóm. Nếp làm bánh nổ thì bung thiệt bự và trắng muốt, nếp làm bánh in thì hột nếp rang chắc hơn, hơi chín vàng rồi đem đi xay mịn. Những đêm trời chuyển sang xuân, má đổ bột bánh in ra quây giữa sân cho bột ăn sương. Thiệt chẳng có chi thay thế được lượng sương thấm vào bột, không quá nhiều làm bột nhão mà không quá ít làm bột khô, nên chi cái bánh in cũng là cái bánh làm từ hương hoa của trời đất.
Và rứa là Tết thiệt rồi! Đó là lúc mấy con chó lăng xăng sợ pháo Giao thừa cứ quẩn trong chưn ba trong lúc ba dọn mâm cúng. Má thì lặng lẽ bưng hết món này đến món kia lên bàn cúng phụ ba rồi lẩm nhẩm đếm coi còn thiếu món chi, mà cái món hay quên nhứt là món bánh tráng. Ba lầm rầm trước bàn thờ khấn vái ông bà, trời đất. Hương trầm thơm bay lên quyện với mùi hương thanh nhẹ của hoa mai, mùi nồng nàn của hoa vạn thọ. Mùi hương đó chắc hẳn không có hãng nước hoa nào chế tạo được bởi nó có một thứ chất định hương của trời đất tạo thành, không giữ trên da thịt quần áo mà giữ trong từng sợi dây thần kinh để rồi khi tui đi xa tới cả mười ngàn cây số, bắt gặp mùi của bông vạn thọ trên ngôi chùa tận Sainte-Foy-lès-Lyon là lại thấy cái Tết quê nhà.
03/11/2015
*Phòng lồi: 1 góc phòng nhỏ lồi ra so với mặt ngang của căn nhà 3 gian, dùng để làm phòng học, đọc sách nhưng không ngăn riêng ra mà dính liền với cả không gian chung của căn nhà.