Thưa! Nhớ xưa! Đường Trương Định là một con đường nhỏ, bên hông Ty Bưu Điện Mỹ Tho; kéo dài từ đường Gia Long, ở bờ sông, tới đường Thủ Khoa Huân, có một dãy hàng me.
Bảo Huân
Một bữa tui với thằng bạn cùng lớp, cúp cua, trốn học đi dưới hàng me thơ mộng nầy để tìm bắt ý thơ! Chợt nhìn lên cành me, hổng biết ở đâu có con khỉ nhỏ chuyền từ cành nầy qua cành khác… để chơi thôi chớ hổng chọc ghẹo gì ai!
Vậy mà thằng bạn học của tui không để cho nó được yên thân, vui với gió nội mây ngàn, lại lấy cây sào dài quơ quơ, đập cho con khỉ rớt xuống tính bắt đem về làm thú cưng để bắt chí cho con em của nó. (Người mà tui thầm thương trộm nhớ đến nỗi ăn cơm vô cũng mắc nghẹn; uống nước vô cũng mắc nghẹn luôn; nhưng hổng dám hở môi ra.
Thằng bạn cầm sào quơ quơ, hú họa thôi chớ làm sao mà trúng! Vậy mà con khỉ nó sợ, nó nhảy tót xuống đất rồi thót lên Đài Vi ba (dùng nhận tín hiệu điện thoại) sau Ty Bưu Điện, cao hơn 120 thước, để tẩu thoát.
Nó leo bằng thang lồng, suốt 21 tầng, lên tới đỉnh cao chót vót. Thằng bạn nầy lót tót leo theo. Cùng đường rồi; mầy chạy đi đâu cho thoát? Ai dè chú khỉ tòn ten, phía bên kia tuột xuống, dông luôn… mà không cần cầu thang gì ráo trọi…Nhìn thằng ngu… bắt khỉ; tui ôm bụng cười thôi quặn ruột luôn.
Thưa rồi sau đó, Tết Mậu Thân 68, nhà bị cháy sạch, thằng bạn của tui thôi học, dắt em nó, tức đôi mắt người xưa của tui, bỏ nhà theo gánh hát cải lương để kiếm miếng cơm.
Một hôm gánh hát về làng cũ, nó ghé nhà kêu tui đến coi hát. Hỏi nó là kép chánh hả? Thằng nhỏ hãnh diện khoái chí, hểnh mũi gật đầu.
Tuồng đêm đó hát cái tích Tề Thiên Đại Thánh quánh với yêu tinh và nó đóng vai Tôn Hành Giả!
Bảo Huân
Nó cầm cây thiết bảng, đấu phép tưng bừng, cân đẩu vân, bay qua bay lại từ sân khấu bay ra hàng ghế khán giả, nhờ cái dây cột sau lưng. Bà con khoái quá kẹp tiền vào quạt giấy giơ ra chờ Tề Thiên bay ngang qua vớt.
Nhưng thằng nhỏ trong hậu đài thả dây hơi dài nên lúc nó bay qua một em thôn nữ rất đẹp đang giơ quạt cho tiền… Nó quơ hai tay chụp đại, trúng giữa không trúng, lại trúng phía trên làm em thiếu điều sứt cái đầu tóc mượn. Kép Tề Thiên rớt té cái đụi làm khán giả cười rần…
Tỉnh bơ, Tề Thiên lồm cồm ngồi dậy, tháo dây, chui vô hậu trường, than đau quá. Chắc tại bữa nay tao quên cúng Tổ nên bị Tổ trác hay chăng?
Vãn hát, nó dắt tui ra nhà lồng chợ, dưới ánh đèn măng xông, ăn cháo đậu với tép rang và hột vịt muối.
Thấy thằng bạn theo gánh hát đã lâu mà chỉ đóng được vai Tề Thiên làm tui cũng bùi ngùi cho thân phận nó chớ. Ai dè nó chê là trình độ thưởng thức nghệ thuật của tui còn thấp quá.
“Trời không sanh cho mình có cái đờn trong cổ họng, giọng tốt như Út Trà Ôn hay Thành Được lúc xuống vọng cổ là thiên hạ rụng rún hết trơn; thì đành dựa vào diễn xuất mà bù vào cái thiếu thốn phần thanh sắc vậy!”
Đi hát ai cũng làm kép chánh hết thì ai đóng vai Khỉ đây? Còn em nó, người xưa của tui, thì thanh sắc vẹn toàn sau một khoảng thời gian xuất sắc trong vai tì nữ, em được Bầu Tèo đưa lên làm đào chánh trong tuồng Bạch Viên Tôn Các mà em đóng vai Bạch Viên tức là con vượn trắng.
Anh em thằng bạn tui toàn đóng vai khỉ và vượn không hè!
Nhưng thằng bạn kép hát của tui không buồn tự ái gì hết ráo! Nó nói: “Muốn đóng vai Tề Thiên cho hay là phải bỏ công lặn lội vô Sở Thú xem khỉ mà bắt chước diễn sao cho nó thiệt giống mới được.
Rồi phải đọc Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, nghiền ngẫm để hiểu đằng sau cái hô phong hoán vũ, hóa phép, hô nhỏ, biến bự tùm lum đó là Ngô Thừa Ân muốn nói cái gì?”
Sau khi quất cái trót, cạn cái ly hột mít đầy rượu đế, nó giảng thêm cho tui nghe rằng: “Như Thầy Tam Tạng vừa yếu… nhát gan… IQ, chỉ số thông minh, cũng chả là bao… hay bị yêu quái nó lừa… thì lại làm Sếp (?!)”
“Tôn Ngộ Không, đệ tử của Tam Tạng theo Thầy đi thỉnh kinh tại Tây Thiên (Ấn Độ), thì được bà con mình gọi là Đại Thánh, không dám kêu bằng khỉ nầy khỉ nọ mà phải gọi là ông! Ông Tề. Nhớ thuốc rê hiệu ông Tề không hả?”
“Ngộ Không giỏi nhất, biết đúng sai, nhiều lần toan lật đổ cái hệ thống thối nát, bất công nầy nhưng không bao giờ được tự do làm theo ý mình; lúc nào cũng bị vòng kim cô của Sếp trói buộc… nên thua! Cãi lại là bị nhức đầu; phải uống thuốc aspirin mới bớt!”
“Rồi Sa Tăng chịu thương, chịu khó trên đường đi thỉnh kinh, đi sau chót, vác nặng đời trai, vai hành lý mà không hề kêu ca gì hết ráo. Nhân vật nầy giống bà con nông dân ruộng vườn rẫy bái chất phác đó thôi. Cày bừa thấy bà tiên tổ chỉ ‘đổ’ cho cho đầy túi tham mấy thằng khác như Trư Bát Giới nó ăn!”
“Con heo mập nầy là một tên vô lại, tham ăn, hám gái và ngu dốt… Gặp yêu quái là chuồn, là đùn đẩy chuyện sống chết cho Tề Thiên; nhưng láu cá vặt, biết nịnh Sếp, nên công việc nhẹ nhàng (chỉ việc dắt ngựa mà thôi!)”
“Đời mà! Xưa giờ chỉ toàn là bọn yêu quái! Tác oai tác quái hãm hại dân lành! Khi Tề Thiên đem thiết bảng ra tính đập cho bọn bây tan xương nát thịt thì lại có vị Tiên nào đó xuất hiện chở che… Vì bọn yêu quái nầy, toàn là bọn con ông cháu cha ở trên Trời không hà!”
Thưa sau nầy xa Tề Thiên bạn cũ và người xưa Bạch Viên dễ chừng đã hơn 40 năm! Giờ quê người, nằm ngẫm lại, nhớ lời bạn xưa mới thấy đất nước mình bây giờ toàn là bọn yêu quái! Mà yêu quái lại có phép thần thông biến ra làm Tề Thiên, đóng vai cứu khổn phò nguy để gạt gẫm thiên hạ nữa chớ!
Thưa! Năm nay là năm Thân tức năm của con Khỉ. Loài Khỉ khá giống loài người! Nên mấy tay ‘tửng tửng’ tưởng mình khôn trật búa, phán rằng: “Tổ tiên của loài người là khỉ!” Thiệt là tầm bậy, tầm bạ! Khỉ là khỉ; người là người. Đâu có cái vụ khỉ thành người bao giờ đâu… Nếu có chỉ trong chuyện vui người thành Khỉ Đột như sau:
“Hai vợ chồng nọ có đứa con đã năm tuổi mà cứ khóc nhề nhệ cả ngày. Hôm ấy lúc thằng nhỏ đang khóc thì có người bạn đến chơi, người cha liền hù dọa: “Nín đi, nếu không ông “Khỉ Đột” bắt con đó!”
Người bạn biết ý liền kêu khèn khẹt như con Khỉ Đột, trợn mắt, nhe răng làm thằng nhỏ chết khiếp, úp mặt vào lòng mẹ rồi nín khóc luôn.
Mấy hôm sau, người chồng đi làm về sớm hơn lệ thường, vừa mở cửa bước vào thì thấy thằng con hớn hở chạy ra reo lên: “Hay quá bố ơi! Ông “Khỉ Đột” vừa mới bị mẹ nhốt vào trong tủ áo rồi!
Thưa ca dao Lục tỉnh Nam Kỳ quê mình, nơi gần biển như Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau có câu: “Tháng Ba cơm gói ra Hòn/ Muốn ăn trứng nhạn phải lòn Hang Mai!”
Mai ở đây là khỉ! Hang Mai tức là “Hang Khỉ”. (Chớ không phải: ‘Đồn anh đóng ven rừng mai! Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa?’)
Mà tại sao lại Tháng Ba? Thưa! Tháng Ba mùa biển êm, bà con mình xưa ai vượt biên, vượt biển cũng đều rõ cả. Vì Tháng Ba bà già đi biển. Bà già đi biển còn không sợ say sóng thì đàn ông con trai mình, vốn vai u thịt bắp, cũng lặn lội ra Hòn để kiếm mớ trứng nhạn về kêu con vợ chiên ốp la ốp lết gì đó ăn với muối tiêu chơi để cho thiên hạ biết mình cũng là… Tây!
Mà nhắc tới Mai là Khỉ thì không thể nào không nhắc tới nữ danh ca kích động nhạc Mai Lệ Huyền. Mấy ông nhạc sĩ chọn cho nàng cái nghệ danh Mai Lệ Huyền vì tánh nàng cũng hơi là khỉ khọn. Phải khỉ khọn lên sân khấu nhảy cà tưng cà tưng mới được chớ!
Huyền là đen; vì da nàng không được trắng lắm! Ôi! Đen mặn mòi, dễ coi, hấp dẫn, sexy hơn da trắng mà đầy những đốm tàn nhang!
Hổng thấy mấy em Đầm, nó ước da được đen giòn; nên ở trần đi tắm nắng ngoài bãi biển đó sao?
Còn Lệ là nước mắt; nghĩa là nàng nhõng nhẽo, mít ướt hay khóc nhè với anh yêu…
Ôi! Vậy mà đã 40 năm rồi tui vẫn nhớ… Mai Lệ Huyền dù bây giờ người ca sĩ đa tài đó và chàng thanh niên ngày xưa ấy, là ông lão bây giờ, tức là tui… chưa hề gặp lại! Bởi kẻ chân mây (Mỹ) và người góc biển (Úc)… Để đôi ngã đôi ta!
Nhắc tới con Khỉ mà bỏ quên con Vượn đâu có được nè! Mà Vượn thì lại nhớ tới dân ca miền Trung nước ta với Lý Chiều Chiều; mà ngạc nhiên thay hát nghe rất đã cái lỗ tai lại là Thanh Lan, chuyên hát tiếng Tây, vì người đẹp vốn là học sinh trường Marie Curie mà!
“À ơi… à ơi…/ Chiều chiều dắt mạ qua đèo/ Chim kêu chừ bên nớ/ À ơi, chim kêu bên nớ vượn trèo bên ni.
Chiều chiều dắt mẹ, dắt mẹ tà là đèo qua đèo/ Tà là đèo qua đèo
Chim kêu, chim kêu tình như bên nớ/ Ủy – oả – chi rứa – chi rứa/
Ơi hỡi vượn trèo, Vượn trèo tà là kia bên kia, tà là kia bên kia!”
Rồi bộ ‘đã’ lắm sao mà cứ qua ‘đèo’ miết hà: “Chiều chiều… qua đèo – chiều chiều… qua đèo!”
Năm mới là mùa hy vọng: “Sẽ gặp lại người xưa ở tại Sài Gòn nhe!”
Thưa! Lục Tỉnh Nam Kỳ của mình thôi kinh rạch nó chằng chịt đi. Bờ nầy qua bờ kia thì phải chênh vênh qua cái cầu khỉ! Đi mà cứ sợ té xuống sông ướt cái quần ny lông, trong những bữa mưa dầm, bùn sình trơn trợt, em bị thằng Đực dụ khị: “Để tui nắm tay, dắt cô qua kẻo té!”. Về nhà nghe Má nói: “Con gái mà cho con trai nắm tay… là sẽ có bầu!”. Có bầu rồi mà Má gả con đi đâu xa vậy hổng biết nữa? Nên “Má ơi! Đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú biết nhà Má đâu!”
Mà thiệt lên núi, lên rừng theo thằng chồng xa lạ, buồn tận mạng luôn ai mà muốn đi! Nhứt là đã lỡ cho thằng Đực nó nắm tay một lần rồi! Chu choa! Trời rắc rắc mưa mà sao tay thằng chả nóng hổi vậy cà?!
Thưa bà con mình cũng thường nói: Ở đâu quen đó! Ở đồng bằng là khoái ruộng vườn. Ở rừng, ở núi là khoái chim kêu vượn hú!
Chỗ nào có hồn cố thổ thì mình gọi là quê hương. Ngay con vượn mà bắt nó bỏ rừng lên phố; rồi bị nhốt vào Sở Thú thì: “Vượn lìa cây có ngày vượn rũ” mà!
Thưa thân tui giờ cũng như “Vượn lìa cây có ngày vượn rũ” thôi… kể từ khi mất miền Nam, phải bỏ nước ra đi!
Nhưng Tết nhứt! Buồn mà chi em? Chỉ cần ‘lỳ một lam’ là làm một ly Jack Daniel’s là tui sẽ thấy đời nó vui trở lại!
Thưa để kết bài “Năm Thân! Chuyện Khỉ!”nầy tui xin: “Chúc Mừng Năm Mới!” hỡi bà con độc giả yêu mến hết biết của tui nhe!