Làng Bình Hòa thuộc quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên mà dân cư nơi đây gọi là làng Mặc Cần Dưng, có lẽ do âm ra từ tiếng Miên vì ở phần cuối làng với địa danh Vàm Nha, giáp ranh với làng Cần Đăng, hiện còn lại một xóm nhà người Miên với nhà sàn cao khỏi đầu. Rồi ngôi trường Sơ Học Vàm Nha bên cạnh chùa Kỳ Viên, nằm cạnh con lộ đá Long Xuyên – Xà Tón; hồi ấy chúng tôi là học trò lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba của ngôi trường sơ cấp tọa lạc trên một nền chùa Miên cũ, chúng tôi thường thấy mỗi khi người Miên chết thì họ thiêu xác gần đó. Hồi những năm 1945-1947, tôi còn rất nhỏ khi gia đình Tía Má tôi tản cư từ Lấp Vò về quê ngoại thì nơi đây dù đang không yên ổn lắm nhưng chúng tôi đã biết thế nào là Tết.
Chợ nổi Long Xuyên (ẢNH BÙI THỤY ĐÀO NGUYÊN)
Từ đầu làng, ngay bên con đường liên tỉnh lộ số 9 cũ từ Long Xuyên lên Châu Đốc, với chiếc cầu sắt bắc ngang rạch Mặc Cần Dưng hồi Tây để lại cao nghều nghệu, cách Long Xuyên khoảng mười mấy cây số, bạn bước xuống khỏi mặt lộ, dưới chân cầu, bạn gặp ngay ngôi chợ làng Bình Hòa nằm ngay bên bờ rạch vào mùa nước ròng Tháng Chạp chảy xiết ra sông cái Hậu Giang. Hồi ấy, dù cách nay khá lâu, có tới hơn bảy chục năm, nhưng ghe xuồng đi chợ Tết tấp nập. Người bán kẻ mua chen chúc nhau nơi bến chợ như ngày hội. Rồi cũng bông vạn thọ, bông mồng gà, huệ trắng cùng các thứ bông khác bày bán cặp theo bờ sông như các chợ Tết sau này.
Người đi chợ thường mua thịt heo, bánh mứt, nhứt là không thể thiếu chà là, thèo lèo. Nhà lồng chợ không lớn nên chợ Tết nằm dọc theo con đường trải đá xanh chưa tráng nhựa, bà con đi chợ Tết là đi dọc theo con đường lộ đá nằm giữa hai dãy phố thấp chứ không có lầu cao như nhiều ngôi chợ khác.
Mai vàng ngày Tết (ẢNH TÁC GIẢ CUNG CẤP)
Vùng Mặc Cần Dưng hằng năm vào mùa nước lên thì ngập rất sâu nên ngoài việc làm ruộng lúa mùa, dường như ít ai lập vườn trồng cây ăn trái, nhưng những loại cây như bưởi, xoài cũng có trồng nơi các vườn cao ráo. Thành ra trái cây bán Tết ở đây là từ các nơi khác chở tới, nhứt là các miệt vườn Sa Đéc, Vĩnh Long, Bến Tre; còn rau cải thì miệt cồn Bà Hòa, vùng Bình Phú, vùng Mỹ Hội Đông (Chợ Mới) chở qua. Cá tôm thì từ miệt Cầu số 5, Tri Tôn (Xà Tón) chở ra theo con rạch Mặc Cần Dưng – Tri Tôn, tàu ghe chở cá chạy nườm nượp. Chẳng những nguồn cá tôm này cung ứng cho chợ Mặc Cần Dưng ba ngày Tết mà còn bán cho các chợ khác nữa, nhứt là chợ lớn ở tỉnh lỵ Long Xuyên.
Hồi ấy, còn rất nhỏ nhưng tôi nhớ các cánh đồng ruộng vùng Mặc Cần Dưng vào Tháng Chạp lúa bắt đầu đỏ đuôi bông cái, cặp theo hai bên mé lộ đá Long Xuyên – Xà Tón có hai mương lộ không sâu lắm, cá trên đồng rút xuống mương lộ này, cá ôi thôi là cá. Biết được cá sẽ rút xuống mương Hội Đồng, mương ông Xã Cương, mương ông Nhà Lầu là những mương lớn dẫn nước lên đồng hoặc rút nước ra sông, dân quê mới xây rọ tại các dạ cầu đúc bắc ngang con lộ đá để chận bắt cá tôm vào mùa nước rút. Dân làm ruộng ở các cánh đồng này nghĩ ra cách gom cỏ độn mương và đào đất đắp tàu chận đường đi của cá. Khi cá đang đi xuống rạch bỗng gặp các vật cản đường là chúng bắt đầu phóng vọt lên cao để bay qua phía bên kia hầu tìm đường ra sông rạch lớn, nhưng sức cá có hạn, cá lóc lớn cũng nhảy qua không nổi cái hầm bề ngang không rộng và mắc kẹt ở đó. Nhứt là vào giác nửa đêm tới gần sáng, khi sương mù trên đồng lành lạnh, cá lại tìm đường đi đông hơn, cá mắc kẹt trong tàu đen con, nên dân làm ruộng chỉ còn nước mang giỏ ra thăm tàu và gánh cá về nhà. Cá rô, cá trê, cá lóc nhiều lắm, nhiều nhứt là cá lóc. Hồi mấy chục năm trước cá tôm vùng này bắt cách gì cũng không hết, cá lóc nhảy hầm lớn cỡ bắp chưn, đầu gối là thường! Và nhà nào cũng rộng cá lóc, cá trê, cá rô lớn để dành ăn Tết. Rộng lu rộng hũ không hết, có người còn đào hầm dưới đất để rộng cá; tới mùa làm lóng, tát mương, tát đìa được rất nhiều cá; ngoài số làm mắm, làm khô ra, muốn để dành ăn lâu ngày thì người ta còn rộng cá bằng hầm. Nhớ mấy ông anh rể của tôi hồi ấy lần nào đi thăm tàu cũng dắt tôi theo coi các anh lượm cá và gánh cá về nhà, rất ham và vui lắm!
Mùa xoài chuẩn bị Tết. (ẢNH TÁC GIẢ CUNG CẤP)
Đó là nói việc chuẩn bị cá tôm ba ngày Tết. Cánh đồng nhà Lầu hồi ấy cặp theo bờ mương có những miếng ruộng gò, có gia đình anh chị Ba Ảnh, gốc người Tiều, hay trồng dưa hấu bán Tết. Chị Ba người Việt, anh Ba người Tiều, họ Tô, có con là anh Tô Kiết Thành, hồi còn học lớp Đồng Ấu, rồi sau này học trường Tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa, đến khi xuống Long Xuyên học trường bán công Khuyến Học, rồi vào trường công lập Thoại Ngọc Hầu, tôi và ảnh cùng học chung các trường ấy. Lần nào Tết, anh chị Ba cũng cho gia đình tôi mấy cặp dưa chưng Tết. Nay lâu quá, có hơn sáu chục năm chưa gặp lại bạn cũ! Ngoài dưa hấu ra, trái cây trên bàn thờ hoặc nơi bàn ông Thiên ba ngày Tết thường bà con ưa chưng các loại trái như trái sung, trái xoài , đu dủ, và mãng cầu, quýt đường, quýt hồng, quýt son.
Hồi ấy, lúc ở Mặc Cần Dưng, ngoài công việc đồng áng với các vụ lúa mùa, Tía má tôi còn có mở tiệm buôn bán tạp hóa. Gần tới Tết, Tía tôi thường bơi xuồng lớn theo sông cái Hậu Giang xuống Long Xuyên bổ hàng về bán Tết. Tôi nhớ Tía tôi mua các món như chà là, thèo lèo, bánh mứt, đường hũ (đường chảy), đường cát mỡ gà, đường cát trắng, đường thẻ, đường móng trâu và dưa hấu… Vì cả một xóm chạy dài gần mút mắt nhưng chỉ có mỗi mình tiệm tạp hóa của Tía tôi nên hàng vừa bổ về năm ba ngày là sắp hết, lại phải lo bơi xuồng đi mua hàng hóa mới. Bán đắt khách lắm, nhưng hồi đó cũng như sau này ở nhà quê có lệ ưa mua chịu, khi vào mùa có lúa bán có tiền rồi mới trả tiền thiếu, nhưng dân quê hồi ấy tốt lắm, ít có ai thiếu dai và cũng ít có ai mua mà không trả, Tía má tôi bán mà trong bụng không phải lo ai thiếu đủ gì hết, nên rất vui.
Làng Mặc Cần Dưng hồi sáu bảy chục năm trước dù có nhiều phe nhóm nhưng tương đối bình yên. Về tín ngưỡng, phần đông là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH), có hai ngôi chùa Phật, có Thánh Thất Cao Đài (có trường Đạo Đức Học Đường bên cạnh Thánh Thất Cao Đài, hồi nhỏ tôi có theo học trường này vào những tháng Hè trước khi ra trường tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa), có đình thờ Thần rất lớn; còn đạo Công Giáo thì dường như không có và các giáo dân Công Giáo tập trung sống ở làng Bình Thủy về hướng Châu Đốc, cách Mặc Cần Dưng không xa lắm, với ngôi nhà thờ Năng Gù nổi tiếng khắp các vùng.
Trái sung được bà con ưa dùng chưng ba ngày Tết. (ẢNH TÁC GIẢ CUNG CẤP)
Vào những ngày Tết, dù đường làng là đường đất, dân chúng quét dọn sạch sẽ, đẹp mắt. Ở trước sân mỗi nhà và cặp mé lộ nhà nào cũng có trụ cờ làm bằng cây tràm hoặc bằng tre có cây ngang làm thành chữ T nơi chót trụ để treo cờ. Thường hồi ấy người ta treo cờ của tôn giáo mà mình tín ngưỡng. Chẳng hạn ai tu theo đạo Cao Đài thì treo cờ Cao Đài, ai tu theo PGHH thì treo cờ PGHH. Còn chùa Phật thì treo lá Phướn dài trên cột cờ cao. Mãi sau này mấy năm thời Đệ nhất Cộng Hòa, mới thấy treo thêm quốc kỳ mà dân quê gọi là cờ Quốc Gia. Dường như hồi đời trước ở nhà quê ai muốn tín ngưỡng tôn giáo nào thì tu theo tôn giáo ấy, không ai bắt bẻ kỳ thị ai nên tình chòm xóm thân ái, thương yêu đùm bọc lẫn nhau!
Hồi nhỏ thấy mấy anh chị con cậu tôi và bà con trong xóm quét dọn sân trước với con đường làng sạch sẽ và lo treo cờ là chúng tôi mừng lắm vì sắp có lễ hoặc được ăn Tết. Với cờ xí treo trước sân cả một làng quê như vậy làm cho làng xóm vui vẻ dữ lắm!
Hồi đó, tôi không biết ông ngoại tôi có mấy anh em vì còn nhỏ không để ý, đến khi lớn muốn biết thì các thế hệ người lớn lại hổng còn mấy người, mà cũng không ai ghi chép lại gia phả. Dường như ông Ngoại còn có thêm người anh là ông Ba lưu lạc vô đất Xà Tón, và người em là bà Sáu ở Cần Đăng rồi sau này dời xuống cua Lò Thiêu gần cầu Nguyễn Trung Trực (Long Xuyên). Các con của ông Ba, hồi nhỏ tôi nhớ có dì Bảy Nhàn thường ghé thăm cậu Hai và Má tôi mỗi khi dì có dịp đi xuống chợ Long Xuyên; còn con bà Sáu có cậu Út Lẫm làm thiếu úy quân đội Cao Đài hồi thời Tây và thỉnh thoảng có lên thăm mấy cậu mấy dì của tôi ở Mặc Cần Dưng. Nhưng mấy năm tản cư về quê ngoại, ở nhà cậu Hai, anh ruột của má tôi, tôi thấy cậu Hai có treo hình ông Hai, ông Ngoại và ông Năm mặc áo dài khăn đóng, mỗi người trên tay cầm cây quạt làm bằng lông chim, chụp hình chung với nhau. Theo thứ tự từ trái là ông Hai, ông Ngoại tôi thứ Tư nên ngồi giữa và kế đến là hình ông Năm. Rồi tôi cũng biết vạt đất thổ cư của các ông tôi nằm cặp theo con đường làng Mặc Cần Dưng chạy dài từ mương ông Nhà Lầu xuống tới ranh đất cậu Hai Quyên, chiều dài có tới gần một cây số, phân ra phần đất ông Hai gần mương ông Nhà Lầu, phần đất ông Ngoại nằm ở giữa, và phần đất ông Năm nằm ở cuối giáp với ranh đất cậu Hai Quyên.
Quýt son chưng Tết. (ẢNH TÁC GIẢ CUNG CẤP)
Ngoài phần đất thổ cư như vừa kể, các ông Hai, ông Năm và ông Ngoại còn dành ra miếng đất gò có diện tích khoảng vài ba công để dùng làm đất nhị tì hầu giúp những người trong xóm không có chỗ chôn cất người thân lúc mãn phần thì cứ lại hỏi mấy ông của tôi để xin chút đất chôn nhờ. Vậy mà rồi ngày tháng trôi qua hết năm này qua năm khác, khu đất nhị tì ấy hồi tôi biết mấy năm 1950, mả mồ đặt đất. Có cả những người quen ở Lấp Vò cùng tản cư lên Mặc Cần Dưng cũng xin ngoại tôi chút đất cho ông bà của họ. Thành ra, mấy năm đó cứ đến ngày 23 Tháng Chạp âm lịch là có lệ giẫy cỏ mả lo ăn Tết, tôi thấy bà con thường hay bưng khay trầu rượu lại cúng ông bà ngoại tôi thờ ở nhà cậu Hai với bánh mứt trái cây như để tạ ơn và trình xin giẫy cỏ mả. Khu đất nhị tì ấy mồ mả thường là mả đất, ít có mả đá, nhưng đến ngày Tết, ngày thanh minh thì trông rất quang đãng, sạch sẽ. Mấy đứa nhỏ như chúng tôi thấy người ta bưng khay trầu rượu lại cúng kiếng ông bà ngoại để trình xin giẫy cỏ mả là biết sắp tới Tết.
Thật ra, Tết hồi đó ở làng Mặc Cần Dưng cũng giống như nhiều nơi khác, vào khoảng từ ngày rằm Tháng Chạp là bắt đầu lặt lá mai vàng cho mai kịp nở vào ngày 29 hoặc 30 Tết; ngày 20 Tháng Chạp bà con bắt đầu quết bánh phồng là đã có không khí Tết rồi. Người lớn còn đốn gốc tre già hoặc cây đu đủ già cỗi rồi khoét lỗ làm ống lói để đốt tối ngày 30 Tết khi cúng Giao thừa. Người ta bỏ khí đá vô và chế nước vào, dùng cây rọi bằng vải nhúng dầu châm lửa vào chỗ lỗ ấy và đốt cho ống lói nổ chơi mới có vẻ Tết. Mấy ngày Tết dường như nhà nào cũng có đốt ống lói, nơi này nơi kia tranh nhau ống lói ai nổ lớn hơn mới hay.
Ngày Mùng Một, như mọi nơi nhà nào cũng lo cúng ông bà mình trước, cúng nơi bàn Ông Thiên, rồi mới đi chùa chiền lạy Phật, rồi Tết Thầy,Tết nhà bên vợ, rồi cũng biết chơi bầu cua cá cọp, coi múa lân. Riêng bên ngoại, cậu Hai tôi tu theo đạo Cao Đài, phía trước sân có cất một cái am thờ phượng rất khang trang và cậu mợ Hai tôi cùng mấy anh mấy chị trong gia đình ra cúng ở cái am ấy. Mấy năm đó nhà cậu Hai tôi, nhà mấy cậu mấy dì con ông Năm, nhà nào cũng nuôi một bầy trâu để cày bừa vì mấy cậu, mấy dì tôi làm ruộng đồng lớn với diện tích đất nhiều lắm, mỗi nhà nuôi tới vài chục con trâu, ít nuôi bò. Có lẽ vì dùng trâu cày bừa mạnh hơn bò. Sau này thành đất thuộc rồi thì mới bắt đầu nuôi bò, và nuôi bò đỡ cực hơn nuôi trâu, nhẹ cắt cỏ hơn và cũng nhẹ giữ hơn. Vì nuôi bò trâu ở nhà quê làng Mặc Cần Dưng, tôi thấy mấy cậu tôi cũng như nhiều nhà khác cúng Tết cho trâu bò vào ngày Mùng Ba Tết, vừa để tạ ơn công sức trâu bò giúp nhà nông cày ruộng và cũng để cầu nguyện cho bò trâu mạnh khỏe và mùa màng được may mắn, trúng mùa, không bị thiên tai, thất bát.
Quýt hồng để dành Tết (ẢNH TÁC GIẢ CUNG CẤP)
Ngày Mùng Ba Tết cúng Tết trâu bò mà cũng Tết luôn cây cối quanh nhà, nhứt là những gốc cây lớn như xoài, mít, bưởi… người ta cũng Tết cây bằng cách dán giấy vàng bạc lên các cây ấy với lời cầu cây cối tốt tươi, trúng mùa quằn nhánh. Ngày Mùng Ba Tết cũng là ngày cúng xuất hành với tục coi chưn gà cúng Mùng Ba để đoán hên xui may rủi. Tôi thường nghe ông bà kể lại vì lệ cúng ngày Mùng Ba Tết là cúng xuất hành, nên tối Mùng Ba phải lo canh chừng ăn trộm xuất hành nên xuồng ghe thì khóa lại, trâu bò thì có người ngủ giữ sợ ăn trộm ra nghề đầu năm chúng lấy cắp xuồng ghe hoặc lùa trâu bò đi mất. Nên tối Mùng Ba Tết cũng là một tối ít ai dám ngủ thẳng cẳng lắm! Theo lẽ sau lễ cúng Mùng Ba Tết là bắt đầu ra đồng nhưng ở nhà quê nói chung và làng Mặc Cần Dưng nói riêng, tới ngày Mùng Bảy hạ Nêu mới hết Tết. Lúc bấy giờ mọi công việc đồng áng mới thật sự là trở lại như những công việc thường ngày, hết Tết!
Thắm thoắt mà đã qua rồi trên dưới sáu bảy chục năm, kể từ những ngày chúng tôi còn rất nhỏ, lúc gia đình Tía Má tôi tản cư về quê Ngoại, với những ngày Tết nơi làng Mặc Cần Dưng mà tôi nay đã già lụm cụm rồi nhưng sao cứ mỗi lần gần tới Tết là lòng cứ bồi hồi nhớ lại mấy năm Tết ấy! Mãi mấy năm về sau này, vào cuối thập niên 1950, khi về lại làng Tân Bình (Lấp Vò, Sa Đéc) hễ đến ngày Tết, sau khi cúng Ông Bà ở nhà bên Nội xong, anh em chúng tôi cùng rủ nhau về ăn Tết bên Ngoại như những ngày hồi còn tản cư. Thế hệ các ông của tôi, các cậu các dì của tôi, thế hệ của Tía Má tôi và ngay cả thế hệ của các anh các chị con của các cậu, các dì của tôi hồi ấy hễ cứ gần tới Tết là lo Tết rất cực mà sum vầy vui vẻ, vậy mà rồi nay ngồi nhớ lại thì các người thân thuộc ấy nay chẳng còn lại được mấy người!
Vườn bưởi chuẩn bị cho những ngày Tết. (ẢNH TÁC GIẢ CUNG CẤP)
Nhớ Tết ngày xưa cũng là nhớ những ngày thơ ấu hồn nhiên vô tư lự của mình và nhớ người thân của mình nữa, những người mà hồi ấy lo kiếm cá, lo gói bánh tét bánh ít, lo quết bánh phồng, lo quét sân quét đường, lo treo cờ, lo trang hoàng nhà cửa, lo làm ống lói, lo cày ruộng, lo cho trâu bò ăn Tết thì nay đã ở miết tự cõi nào rồi, xa lắm, sáu bảy chục năm hơn!
HT
Mặc Cần Dưng, những ngày giáp Tết Bính Thân 2016.