Menu Close

Thấp thoáng quỳnh hoa

“Trong tuổi thơ, tôi còn nhớ cha tôi rất yêu Quỳnh. Một hôm ông mang về một lá Quỳnh, trồng trong một chậu sứ Tàu men lam Ceradon, trang trí hoa văn cánh sen rất đẹp. Cha tôi chăm chút, nâng niu. Ông bón phân bằng xác trà, “để giữ cho hoa được tinh khiết”, ông nói.

thap thoang quynh hoa

Bảo Huân

Từ một lá nhỏ Quỳnh phát triển thành một bụi lớn, hàng chục chiếc lá dài xanh cứng cáp, mạnh mẽ. Mỗi lần Quỳnh nở lòng cha tôi cũng nở theo. Ông vui như trẻ con được quà, một cách hồn nhiên không kềm chế. Thời gian chờ đợi Quỳnh ra hoa, lòng cha tôi nôn nao. Ngày nào ông cũng săm soi, nhìn ngắm những lá Quỳnh như muốn khám phá một thế giới bí mật còn che giấu. Ông chờ một cái gì thiêng liêng sắp hiển lộ. “Khi hoa chưa xuất hiện thì hoa ở đâu? Trong cây, trong lá, trong từng giọt nhựa chăng?”

Một hôm, như có hẹn, hàng chục nụ hoa nho nhỏ hồng hồng cùng lúc rủ nhau xuất hiện ở các nách lá. Một niềm vui khó tả hiện lên trên nét mặt cha tôi. Mặt ông sáng rạng rỡ như có ánh hào quang. Chờ trông hoa lớn lên là một thú vui thanh nhã của cha tôi. Ông quấn quít bên chậu hoa không muốn rời, như một chàng trai quấn quít người yêu.

Thời gian âm thầm trôi qua và niềm vui của cha tôi tăng lên mỗi ngày. Mỗi ngày ông ngắm các nụ hoa nhiều lần, gởi gắm tình cảm của ông cho hoa. Buổi sáng ông dậy sớm, ngồi uống trà, hút thuốc bên chậu hoa. Buổi chiều đi làm về, bên hoa cha uống rượu trầm ngâm, thỉnh thoảng đưa tay nâng cánh lá lên ve vuốt dịu dàng. Buổi tối trước khi đi ngủ, cha đứng lặng lẽ trong bóng mờ ngắm hoa như gởi lời chào “chúc hoa ngủ ngon”. Niềm vui của cha mỗi ngày tăng thêm theo đà lớn của hoa.

Rồi cũng đến ngày Quỳnh nở. Từ lúc giữa trưa đến buổi chiều, đầu nụ hoa bắt đầu chúm chím, e ấp một màu trắng ngà ngọc, ấy là lúc Quỳnh hé nhụy. Cha tôi có kinh nghiệm, biết rằng đó là điềm báo buổi tối hoa nở, ông chuẩn bị lễ nghênh đón hoa. Ông kê chậu hoa trên một chiếc ghế mây thấp, lấy khăn ướt lau chậu sạch sẽ. Cha tôi mời bạn bè đến uống trà Ô Long, ăn bánh ngọt – không ngậm kẹo sỏi như các cụ ta xưa nữa – thưởng thức cảnh hoa nở trong đêm. Ngắm Quỳnh nở có cái thú là thời gian đợi chờ – như chờ người yêu đến, lại đến trong đêm khuya khoắt!

Hoa bắt đầu nở từ lúc đầu đêm đến tận giữa đêm mới mãn khai. Nếu tinh mắt có thể thấy các cánh hoa đang từ từ hé nhụy. Chỉ lơ đễnh một chút, khi nhìn lại đã thấy hoa khác trước. Các cụ ta xưa ăn kẹo sỏi để xem Quỳnh nở là thế. Xem Quỳnh nở là cái thú thanh nhã của các tao nhân mặc khách. Lòng thanh thản không lo lắng, thật thảnh thơi mới tận hưởng được cái thú xem hoa.

Đầu đêm, Quỳnh như cô gái dậy thì e ấp sửa soạn xiêm y, chúm chím hé nhụy, đến khuya thì hoa mãn khai. Hàng chục đóa như các thiếu nữ khuê các đang khoe sắc, tỏa hương ngạt ngào. Cha tôi đưa một cây nến trắng đến gần hoa, nói với các bạn: “Các bác xem này, từ trong lòng hoa có một làn hương thổi ra làm dạt ngọn nến!” Tôi cố nhìn, nhưng thú thực không thấy ngọn nến dạt. Các ông bạn của cha tôi chắc cũng thế, nhưng không ai nở làm mất cảm hứng của ông, nên gật gù tán thưởng. Hoặc đúng ra là họ thưởng thức cái ý tưởng nên thơ của cha tôi mà thôi. “Một làn hương từ trong lòng một đóa hoa Quỳnh thổi ra làm cho ngọn nến dạt đi.” Còn ý tưởng nào nên thơ hơn thế!

Quỳnh mãn khai, cánh hoa có dáng một chiếc thuyền, trắng ngọc ngà, như màu lụa áo một tiểu thư khuê các liêu trai. Riêng tôi chỉ mường tượng đến hình bóng một Công Tằng Tôn Nữ duyên dáng thùy mị, dịu dàng quyến rũ trong chốn cung đình.

Tôi có tham vọng vẽ hoa Quỳnh hiện thực, đã vài lần thử, nhưng đều thất bại. Tôi đã thử diễn tả bằng sắc màu trừu tượng, vẫn không thành công. Phải vẽ bằng hương, bằng ánh sắc cầu vồng trên lụa là Hằng Nga, chứ nhất quyết không thể nào dùng sắc màu trần tục mà pha chế, vẽ vời cho thành được. Tôi đành thúc thủ, thầm ngâm hai câu thơ của Huy Cận để trốn chạy sự bất tài, bất hạnh của mình: “Có lẽ hồn ta không đẹp nữa / Bút thần thôi họa nét thiên duyên”. Tôi bỏ ý định vẽ Quỳnh từ đó.

Quỳnh có một đức tính rất đáng quý. Những loài hoa khác, khi tàn úa dáng hình đều rất tầm thường, đều cho hình ảnh “hoa tàn nhụy rữa”, màu phai, cánh tả tơi rơi rụng. Khác hẳn chúng, trước khi tàn Quỳnh đã sửa soạn vén khéo xiêm y, khép các đài hoa lại kín đáo như khi còn búp, khép mình lại vì không muốn mắt đời trông thấy vẻ tiều tụy của thân xác mình, chỉ muốn giữ mãi hình ảnh hương sắc tuyệt trần trong lòng nhân thế mà thôi. Thật đáng quý, đáng yêu biết bao nhiêu cái đức mà trời đất đã phó thác cho nàng. Quỳnh khoe sắc hương, dâng hiến cho đời. Quỳnh héo tàn trong lặng lẽ, thầm lặng mà tự trọng. Đến giây phút cuối đời, nàng khép kín đài hoa, dọn mình kín đáo rồi giã từ nhân thế.

Tôi đã xem một tuồng Nô trong phim Sayonara có cảnh cô gái thất tình, cô tìm cái chết bằng cách trầm mình xuống biển. Tôi liên kết hai hình ảnh, cô gái và hoa Quỳnh. Cô gái sửa soạn cho thân thể mình sau khi chết được kín đáo, không lõa lồ trước mắt nhân thế. Nàng quấn lụa trắng bọc kín thân thể, mặc áo Kimono ra ngoài trước khi trầm mình. Trước khi héo tàn, Quỳnh cũng chuẩn bị cho cái chết của mình, như người nữ trong tuồng Nô. Khi mãn khai, Quỳnh khoe hết sắc hương cũng chính là lúc bắt đầu những giây phút đầu tiên của úa tàn. Có ai biết đâu là ranh giới, nơi chập chờn thời gian giữa mãn khai và bắt đầu sát na của úa tàn?

Những lần đầu thưởng thức Quỳnh nở, tôi muốn cùng cha thức suốt đêm để ngắm hoa, nhưng không sao thức nổi, mà có thức thì cũng không cứu vãn được gì cho hoa. Tôi chứng kiến từng giây phút trôi qua. Buổi sáng, lòng hối hận tôi vội vàng chạy ra với hoa. Hình ảnh hàng chục đóa rũ xuống khiến tôi mường tượng như bao cô gái thanh tân mới mấy giờ trước đây còn khoe hương sắc, giờ rũ xuống chết thảm thương, gợi sâu xa lòng thương cảm. Khoe hương sắc trong đêm. Mãn khai trong đêm. Tỏa hương cùng đêm. Tàn úa cùng đêm.

Tôi yêu Quỳnh tình yêu đầu đời. Quỳnh hóa thân thành người nữ tuyệt vời, thầm lặng chiếm lĩnh trái tim tôi, cõi hồn máu huyết tôi. Nàng là Kiều, là Thôi Oanh Oanh, là Scarlette, là Lara… Những người nữ của cõi văn chương không có thực trong đời. Lớn lên, tôi đi tìm những người nữ mộng tưởng đó và không thể yêu một người nữ bình thường nào khác.

Cha tôi đã mất từ lâu. Giờ tưởng nhớ Cha, tôi trồng Quỳnh. Và trời đã không phụ tôi, lòng thủy chung với Quỳnh. Tôi đã gặp nàng bằng xương, bằng thịt. Tôi đã gặp MÍA LAU khi tôi bước vào tuổi chín mươi. Nàng vừa mười tám tuổi. MÍA LAU là hóa thân của Quỳnh, hiển hiện tràn đầy hương sắc. Nàng là người nữ tôi đã mất cả trăm năm đời người để kiếm tìm. Chúng tôi yêu nhau…”

***

Những lời này được tìm thấy trong sổ ghi chép của một họa sĩ già. Ông nằm chết bên cạnh bức tranh vẽ chân dung MÍA LAU, sắc màu như sương khói, một gam màu trong như ngọc thạch.

Từ trong bức tranh tỏa ra ngạt ngào hương của Quỳnh hoa. 