Những năm đầu trung học, trí óc còn mơ mộng lòng còn trong sáng, tôi đặc biệt mê bài “Bên Kia Sông Đuống” của Hoàng Cầm.
Làng tranh Đông Hồ ngày nay (NGUON CINET.VN)
Em ơi buồn mà chi
Anh đưa em về bên kia Sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì…
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Vâng, yêu bài thơ và yêu luôn nếp tranh Đông Hồ với đàn lợn và đám cưới chuột. Cho nên lòng buồn bã xiết bao khi đọc
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngã
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Nay chẳng biết về đâu
Biết bao cảm xúc do tranh Đông Hồ trên giấy và trong thơ gợi dậy trong tôi và đi cùng tôi qua suốt cuộc hành trình nhân sinh và lịch sử. Giờ đây, nơi quê người Tết sắp về, lòng bồi hồi tưởng nhớ muốn gợi lại đôi nét về tranh Đông Hồ bèn lục tìm trong ký ức và trên không gian ảo. May thay cũng thấy lại được một vài bóng ảnh của vùng đất quê nhà và hồn dân tộc.
Vinh hoa Phú quý
Nói tới tranh Đông Hồ không thể không nhắc tới vùng Kinh Bắc. Thật vậy, Kinh Bắc là cái nôi sản sinh ra những làn điệu quan họ mượt mà, những ngôi đình làng cổ kính, những làng nghề rất nổi tiếng, trong đó có làng Đông Hồ .
Tranh Đông Hồ -còn gọi là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ- hấp dẫn, độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình. Với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ có màu sắc gần gũi, ấm áp rất đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới có. Chỉ với 4 màu cơ bản: đen, vàng, đỏ, xanh, các nghệ nhân vẫn làm nên những bức tranh hết sức sống động, hài hòa và vô cùng độc đáo.
Chuẩn bị màu in (NGUỒN CITINEWS.NET)
Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, như đã nói nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và đặc biệt chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được sử dụng là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang)…
Tranh Đông Hồ có sức sống lâu bền và sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi, gắn liền với văn hóa người Việt. Đó là hình ảnh những đàn lợn, đàn gà với đám cưới chuột, hình ảnh những cô thiếu nữ hứng dừa hay độc đáo với cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ…
Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Tranh Tết từ lâu đã trở thành một tập quán, một thú chơi của người dân Việt Nam. Không chỉ kẻ có tiền mới chơi tranh, người ít tiền cũng có thể chơi tranh. Nó là một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền xưa kia.
Và ta thấy rõ: Tranh Tết là một phần hồn Việt trong lành, nhân hậu và đồng thời cũng là nơi lưu giữ những giá trị tâm linh sâu sắc. Những màu sắc rực rỡ như khơi gợi nên cảm giác mới mẻ ấm cúng rộn rã sắc xuân trong mỗi gia đình của người Việt.
Làm tranh (ẢNH HOTDEALS.VN)
Điều này còn liên quan trực tiếp đến thú chơi tranh của người xưa và nhu cầu trang trí nhà cửa sao cho hài hòa. Đối với nông thôn, các gia đình nghèo, nhà tranh vách đất, thì việc mua một tờ tranh nhỏ với giá phải chăng là điều hoàn toàn có thể. Cái khổ tranh bằng lá mít cũng rất thích hợp để có thể dán bất cứ đâu trong nhà mang lại một không khí vui tươi rộn rã. Còn đối với người thị thành, việc treo tranh, chơi tranh không đơn giản là chơi cho có không khí Tết, mà bức tranh còn đồng thời là vật trang trí để kiến tạo nên được một không gian sang trọng và quý phái. Nó còn chứng tỏ được gu thẩm mỹ của chủ nhà hay thậm chí cái lễ giáo gia phong của gia đình. Như giữa những bộ bàn ghế giả cổ với gam màu nâu sồng chạm trổ cầu kỳ, một bức tranh lớn với những màu phẩm rực rỡ khiến cho không gian phòng khách như được điểm xuyết để trở nên rạng rỡ.
Các đề tài trong tranh Đông Hồ cũng vô cùng phong phú. Tuy nhiên là tranh treo Tết thì nội dung bao giờ cũng là cầu chúc cho những gì tốt đẹp nhất. Chúng là sự thể hiện của ước vọng hay lời cầu chúc cho gia chủ một năm mới sung túc đầy đủ. Các bức như Tiến Tài, Tiến Lộc, thường được dán ở cổng như muốn mời gọi thần tài đến nhà.
Đàn lợn
Đám cưới chuột
Sới vật
Những ngày trước Tết, người Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) mang tranh đi bán khắp nơi, người khắp nơi về đây cất tranh. Tất cả tạo thành một nếp sinh hoạt đặc trưng, hiền hòa và ít nhiều mang màu sắc lễ hội.
Nhưng có một thực trạng hiện nay đó là do tính thương mại hóa, làng tranh Đông Hồ không còn giữ được những nét đặc trưng vốn có của nó.
Đến với chợ tranh Đông Hồ bây giờ, người ta không còn được thấy cảnh tấp nập bán mua, cũng không còn cảnh người người, nhà nhà ưa chuộng tranh Đông Hồ như ngày xưa nữa. Các thế hệ sau cũng ít muốn học và theo nghề tranh truyền thống của cha ông vì quá vất vả mà lại ít lợi nhuận. Du khách đến làng tranh bây giờ còn thấy những tấm biển quảng cáo như: “Tại đây chuyên làm ôtô, xe máy đẹp”, “Nhận làm vàng mã”… đang khiến người ta quên đi một dòng tranh dân gian nổi tiếng vùng Kinh Bắc.
Các em xem tranh (ẢNH CITINEWS.NET)
Một nhà báo, chị Thu Huyền gần đây đi thăm làng tranh Đông Hồ ghi nhận: Chị Thảo – chủ cửa hàng làm vàng mã cho biết: “Chúng tôi cũng mới chuyển từ làm tranh sang làm nghề này. Làm tranh Đông Hồ bây giờ không còn thịnh hành như ngày xưa nữa, công sức mình bỏ ra thì nhiều nhưng lợi nhuận thu được thì thấp”.
Ông Hùng – người làm tranh ở làng Đông Hồ nói: “Vào những dịp lễ Tết, hội hè thì du khách đến mua tranh cũng khá đông. Còn lại vào những ngày bình thường thì bán được ít. Do vậy nhiều người cũng kiếm thêm nghề phụ để làm vào những lúc rảnh rỗi”.
Chị Thu Huyền kết thúc bài viết: Mặc dù gần đây cũng đã có nhiều dự án khôi phục lại làng nghề, phát triển du lịch làng nghề truyền thống song làng tranh Đông Hồ vẫn chưa thực sự được quan tâm đầu tư để phát triển. Hy vọng trong tương lai gần, cùng với các làng nghề truyền thống khác trên cả nước, làng tranh Đông Hồ sẽ tìm lại được vị trí vốn có của mình và ngày càng phát triển, làm giàu thêm cho nền văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Đúng rồi, tranh Đông Hồ là nét văn hóa đặc trưng của một vùng đất vùng trời. Nó đã sống cùng với dân tộc ta và mang vẻ đẹp tâm linh không nơi nào có. Lẽ nào ta không giữ gìn và phát triển nó cho những thế hệ về sau. Mong lắm thay.
Vespa trang trí tranh Đông Hồ (ẢNH MINH THỦY)
SK
(theo tin Internet)