Menu Close

Chuyện kể của làng chài Lý Sơn

Làng chài Lý Sơn – Quảng Ngãi, cái tên này đã tồn tại gần ba trăm năm. Kể từ ngày những người lính hải đội Hoàng Sa đồn trú ở Lý Sơn để luân phiên cắt cử người canh giữ Hoàng Sa mỗi năm (mỗi năm, hải đội Hoàng Sa sẽ đưa 12 người từ Lý Sơn ra Hoàng Sa để thay 12 người cũ mà canh gác đảo) thì làng chài Lý Sơn cũng hình thành để đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa. Sau gần ba trăm năm tồn tại và phát triển, làng chài Lý Sơn có nguy cơ sẽ bỏ nghề vì ngư trường của cha ông để lại đã không còn.

Ruộng tỏi

Nghề trồng hành tỏi

Nói về Lý Sơn thời bây giờ, có lẽ người ta nói về nghề trồng hành tỏi và nghề đi biển, và nói về nghề đi biển thì người ta phải nói đến hai cái tên Mai Phụng Lưu và Lê Tân. Hai vị thuyền trưởng dày dạn sóng gió, từng vào sinh ra tử trên biển, người nào cũng bị Trung Quốc bắt trên ba lần và cứ mỗi lần bị bắt thì mọi thứ tài sản của họ có được đều mất trắng, họ phải làm lại từ đầu và vay nợ… Nhưng, cũng chính những người này lại thích nói về nghề trồng hành, trồng tỏi trên đảo hơn.

Câu chuyện họ bị bắt như thế nào và Trung Quốc đã đối xử với các thuyền viên, ngư dân Việt Nam như thế nào xin kể ở kỳ sau. Kỳ này, chúng tôi muốn nói về nghề trồng hành và trồng tỏi trên đảo Lý Sơn. Đặc biệt là mối quan hệ giữa nghề trồng hành, trồng tỏi với chuyện hên xui, may rủi của những ngư dân như thế nào.

Như lời của thuyền trưởng Lê Tân: “Nghề trồng hành trồng tỏi là do tổ tiên từ Bắc Hà (chỉ phía Bắc sông Gianh) mang vào đây. Trồng hành tỏi là cách để tồn tại đầu tiên và cũng là cách để ngư dân đủ dũng khí ra khơi…”.

“Vì khi mới vào, Lý Sơn là một miệng núi lửa đã ngủ cách đây vài triệu năm, hòn đảo này hoang vu và nhiều ám khí, thậm chí nhiều hồn ma bóng quế. Theo lời cụ tổ tôi kể lại, sau này ông nội tôi kể lại thì khi mới đến đây, tối nào ông bà tôi nằm ngủ cũng nghe tiếng chân người rầm rập đi quanh nhà. Nhưng mở cửa ra thì không thấy ai!”.

“Sợ quá, ông bà phải lập miếu lập am thờ vì theo như lý giải của các vị thầy bói toán nói thì ở đây có rất nhiều ngôi mộ của người Chăm Pa bị bỏ hoang, lâu ngày không có ai cúng kiếng. Hơn nữa có vẻ như đây là mộ của những người lính Chăm Pa giữ đảo, tiếng chân mỗi đêm nghe giống như những đội lính đi tuần tra vậy”.

Hành tỏi thu hoạch được

“Sau này cúng kiếng thì người ta yên hơn, không còn nghe tiếng chân rầm rập hằng đêm nữa nhưng mỗi khuya nằm vẫn nghe. Ông bà mình mới nghĩ đến chuyện trồng hành, trồng tỏi để vừa có cái mà ăn, sinh sống lại vừa có loại cây chuyên trừ tà khí trong vườn. Trồng tỏi, trồng hành quanh vườn, quanh nhà cũng là cách đề phòng rắn rết, các loại thú độc đến gần con người và tạo thành bức tường thành về tâm linh quanh nhà…”.

“Thời xưa tỏi trồng ra chỉ dùng trong đảo, cao lắm là mang ra chợ Quảng Ngãi để bán. Đâu có thương hiệu gì. Nhưng tỏi hành ở Lý Sơn này lại rất đặc biệt là có giống tỏi và hành mồ côi, nghĩa là mỗi một củ là một tép tròn. Lá tỏi và lá hành ở Lý Sơn cũng khá đặc biệt, có vị rất thơm ngon”.

“Nghề đi biển gắn với nghề trồng tỏi là nhờ vào lá tỏi, cứ dùng lá tỏi non mà xào với hải sản thì chỉ có duy nhất ở Lý Sơn và mức độ ngon của nó thì miễn bàn! Đây là đặc sản của Lý Sơn và cũng là cái đồng hồ đo khả năng đánh bắt nói riêng và kinh tế ở Lý Sơn nói chung”.

“Năm nào đánh bắt được mùa, mưa thuận gió hòa thì năm đó món lá tỏi xào hải sản sẽ rất ngon và bông hành, lá tỏi cũng rất ngon. Ngược lại, năm nào đánh bắt mất mùa, hoa màu lên không nổi thì chỉ cần nhìn vào chảo lá tỏi xào hải sản là đủ biết. Hai nghề này tuy cách xa nhau một trời một vực nhưng lại gắn bó với nhau như vợ với chồng vậy!”.


Nguy cơ phá sản 
và mất làng nghề

Một ngư dân khác tên Trận, sống ở xã An Bình, gốc là thợ lặn hải sâm, bị tai nạn nghề nghiệp trong một lần lặn quá sâu dẫn đến hôn mê và tê liệt toàn thân, sau gần mười năm chạy chữa, anh trở về với nghề trồng hành tỏi và bán quán đón khách du lịch, cho chúng tôi biết thêm là hiện nay, nghề đánh bắt và nghề trồng hành tỏi trên đảo Lý Sơn đều lâm vào khủng hoảng, có nguy cơ sẽ bỏ nghề.

Anh giải thích thêm: “Bây giờ nghề trồng hành tỏi và nghề đánh bắt ở Lý Sơn đều có nguy cơ phá sản và phải xóa bỏ làng nghề trong nay mai thôi! Buồn vì chuyện này hết sức nhưng không còn cách nào khác rồi! Cũng do Trung Quốc gây ra cả!”.

Đội tàu đánh cá ngày càng thưa dần

“Người đi đánh bắt thì bị tàu Trung Quốc vây bủa, đâm húc cho chìm tàu hoặc tịch thu tài sản, bắt bớ, đánh đập ngư dân. Ngư dân Lý Sơn dần dần trở thành con nợ, nợ như chúa chổm hết rồi. Trong khi đó, nghề trồng hành, trồng tỏi cũng khốn đốn vì Trung Quốc. Toàn bộ tỏi Trung Quốc giả tỏi Lý Sơn đầy rẫy trên thị trường. Thậm chí con buôn còn đưa ngay cả tỏi Trung Quốc vào đảo và trộn với tỏi Lý Sơn hoặc để nguyên vậy mà xuất cảng trở lại với thương hiệu Lý Sơn”.

“Chuyện này xảy ra cách đây vài năm rồi. Bây giờ đi đâu cũng gặp tỏi Lý Sơn bán với giá rẻ bèo, bán vô tội vạ nhưng làm chi có chuyện một cái đảo rộng vài chục cây số vuông, trong đó đồi núi, rừng rú và nhà cửa chiếm gần ba phần tư diện tích, chỉ còn vài chục hec-ta trồng tỏi, trồng hành mà sản lượng lại cung cấp cho cả nước rồi còn xuất khẩu ra nước ngoài nữa!”.

“Nhìn chung thì tỏi Lý Sơn bây giờ bị giả ngay trên đảo. Chỉ cần ra chợ Quảng Ngãi là đã thấy tỏi giả nhiều rồi. Mình dân trồng hành trồng tỏi, nhìn qua là biết ngay đâu là đồ mình trồng, đâu là đồ xứ khác. Bởi vì cây tỏi, cây hành ở Lý Sơn trồng không có đơn giản, hằng năm, cứ đến mùa nước ròng Tháng Năm là đưa thuyền ra biển, qua xã An Bình bên Đảo Bé (Lý Sơn gồm ba cụm đảo, trong đó có hai đảo có dân cư gồm Đảo Lớn và Đảo Bé, đảo lớn gồm xã An Hải và An Vĩnh, còn xã An Bình chỉ vài ngàn dân nằm bên đảo Bé, không trồng hành tỏi bao nhiêu) để chở cát về mà trồng”.

Tưới vườn trong ngày nắng hạn

“Chính loại đất cát này tạo cho củ tỏi, củ hành ở Lý Sơn một màu sắc và mùi vị riêng, màu tỏi trắng pha hồng phấn, nhìn rất đẹp và mịn màng, hương vị của nó thì thơm nhẹ, không bị hắc như tỏi nơi khác. Đặc biệt là tỏi và hành ở Lý Sơn không cay xé. Chính nhờ vậy mà suốt mấy trăm năm trồng hành trồng tỏi, Lý Sơn không có ai bị mù mắt vì làm nghề này, nó khác xa những làng nghề trồng hành tỏi nơi khác”.

“Nhưng bây giờ mọi thứ đảo lộn lên, nguy cơ đánh mất làng nghề là có rồi. Một phần người ta đổ xô làm du lịch vì thấy du lịch dễ sống và đỡ vất vả, phần khác là đụng đâu cũng sợ Trung Quốc cả nên người ta cầu toàn, chấp nhận bán thuyền để mua taxi hoặc cyclo, xây homestay để kinh doanh du lịch. Cũng có người bán mọi thứ để mở quán cà phê…”.

Âu lo sinh kế

Thuyền trưởng Lê Tân

Tạm biệt anh Trận, chúng tôi dạo xe quanh khu vực đảo Lớn, lên thăm miệng núi lửa trên đỉnh đảo, thăm ngọn hải đăng thời Pháp để lại cùng với hầm chứa nước dự trữ có dung tích gần ba chục ngàn mét khối, đủ sức phục vụ cho cả đảo Lớn trong ba năm và thăm chùa Hang, chùa Đục. Dường như cảnh quan nơi đây đã thay đổi rất nhiều so với trước đây ba năm. Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch. Những ngôi mộ cổ thời Chăm-Pa để lại cũng được sơn phết đầy màu sắc… du lịch. Cảm giác như đây không còn là nơi ở của những ngư dân đầy máu lửa và nổi tiếng thế giới bởi họ vào sinh ra tử trên biển đảo Hoàng Sa nữa!

Chúng tôi tiếp tục quay lại ngồi uống trà với thuyền trưởng Lê Tân để nghe ông kể chuyện đi biển của mình.

HL