Câu nói “I do” bao hàm ý nghĩa thách đố cho cả hai người trước khi nên duyên vợ chồng. Mỗi năm, có hàng triệu cặp vợ chồng kết hôn với hy vọng sẽ có được hạnh phúc thăng hoa, ngày càng thắm thiết, tình vợ chồng luôn thuận hòa trong suốt thời gian chung sống. Trong bối cảnh này, các cặp vợ chồng có thể và phải làm sao chủ động mọi tình huống, và điều quan trọng là làm mọi cách để giữ được đời sống vợ chồng hạnh phúc. Vấn đề này có thể là bình thường đối với các cặp vợ chồng từng trải nghiệm qua cuộc sống thăng trầm, vì với cố gắng và đối xử khéo léo của đôi bên để có lại cuộc sống bình thường, để hưởng những giây phút yêu thương hạnh phúc bên nhau như mong đợi hồi mới kết hôn. Trong thực tế, hai bạn trẻ có quyết định lấy nhau không khó nhưng cùng chung sống yêu thương, nhường nhịn nhau lại là vấn đề không mấy dễ. Vì sao? Sau đây là vài điều căn bản nên tập làm thành thói quen để có thể có được cuộc sống như thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan nhắn nhủ: “Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn”.
1. Thể hiện lòng cảm kích với nhau
Thông thường, sau một thời gian dài kết hôn, bạn có thể quên đánh giá cao người bạn đời và tất cả những việc đã làm cho nhau trong quá khứ. Thực ra, mọi sự không phải là dễ dàng, từ lo toan việc trong gia đình, chăm sóc con trẻ, cho đến chuyện bảo toàn để tất cả thành viên hàng ngày được hạnh phúc. Và cũng không phải là dễ dàng khi mọi người thức dậy vào mỗi buổi sáng và đi làm 40 giờ một tuần để kiếm cơm ăn, áo mặc, chỗ ở và các nhu yếu phẩm khác. Không có vấn đề nào mà vợ chồng không thể tìm thấy chính mình trong đó, cả hai cần phải cảm ơn nhau vì vai trò của nhau trong việc xây đắp cuộc sống vợ chồng. Thế nên, bất cứ việc lớn nhỏ nào cũng đều phải được trân trọng cảm kích nhau.
2. Biết lắng nghe
Khó có cặp vợ chồng nào không gặp bất đồng trong hôn nhân. Tranh luận, cãi vã là những trường hợp hoàn toàn bình thường, nhưng điều rất quan trọng là hai bên đều phải lắng nghe nhau. Nếu bạn muốn hiểu lý do tại sao phải tranh cãi và được lắng nghe là điều cần thiết, bạn phải lắng nghe những gì người bạn đời đang nói và lý do tại sao làm thế. Sau khi nghe và hiểu những gì các vấn đề gây ra, cả hai có thể bàn bạc với nhau để tìm ra một giải pháp mà cả hai đều vui lòng. Lớn hay nhỏ, bất kỳ vấn đề gì vợ chồng vẫn có thể giải quyết, trân trọng nhau mà không cần phải làm tổn thương cho nhau.
3. Biết nhận lỗi với nhau
Một phần không kém quan trọng trong mối quan hệ mật thiết là thực lòng nhận lỗi vì hành vi sai trái và nói lời xin lỗi. Một số người ít chịu khuất phục hoặc tự lừa dối nên thấy thừa nhận sai lầm của mình là điều khó khăn. Nhưng khi ở trong cuộc sống vợ chồng, bạn nên nghĩ đến tình nghĩa phu thê trước nhất, để coi trọng việc nhận lỗi, đặc biệt là nếu bạn xử sự không đúng.
Vấn đề tranh chấp có thể là một sự việc không đáng quan tâm, hay dẫu là chuyện lớn như thiếu tôn trọng đối với người bạn đời, nhưng cả hai vẫn có thể vì còn thương yêu nhau mà nhận lỗi để cùng nhau vui sống. Tương lai cuộc sống mới là điều đáng quan tâm hơn những khúc mắc trong quá khứ.
4. Cùng nhau thật lòng chia sẻ tâm tư
Cuộc sống chung của hai “người dưng khác họ đem lòng mến thương” hẳn sẽ “đụng độ” ở một số thời điểm nào đó vì mỗi người trưởng thành trong nền giáo dục khác nhau. Nếu bạn bất mãn, tức giận hay khó chịu về điều gì đó, bạn không nên e ngại phải giãi bày tâm sự, chia sẻ suy nghĩ để hiểu nhau. Bạn và người phối ngẫu của bạn là hai người khác biệt, có thể không luôn luôn đồng ý với nhau về mọi thứ, và đó là chuyện đương nhiên mà bạn phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu bạn giữ im lặng về những cảm xúc của mình, càng ngày bạn sẽ tích tụ thêm chuyện không hài lòng và bắt đầu bực bội với người phối ngẫu. Đây sẽ là những mối bất bình, và không công bằng vì bạn đã không cho bạn đời có cơ hội giải thích hay xin lỗi để phải rơi vào tình trạng trầm cảm. Thế nên, bạn cần phải bộc lộ tâm tư tình cảm để người bạn đời cảm thông bởi vì nếu không, bạn sẽ tiếp tục phải chịu đựng trong im lặng và điều này sẽ có thể dẫn đến những vấn đề tệ hại hơn trong tương lai.
(còn tiếp)