Kể từ khi được cha truyền ngôi và lên cầm quyền vào đầu năm 2012, có thể nói cậu Kim Chính Ân của Bắc Hàn được xem như một lãnh tụ “quậy” có tiếng trên thế giới. Cứ lâu lâu không thấy ai nhắc đến mình thì cậu lại tìm cách gây huyên náo, lên tiếng doạ nạt và thách thức cả thế giới. Mà không chỉ nói suông, cậu còn cho thử bom và khoe nhắng lên là bom nguyên tử, xong lại còn bắn chơi vài phi đạn ra ngoài biển nữa.
Hỏa tiển Unha-3 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3, tại Cholsan, ở Bắc Triều Tiên tháng năm 2012. photo KNS/AFP/Getty Images
Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, Kim Chính Ân đã nhiều lần thách thức sự kiên nhẫn của thế giới. Vào Tháng Giêng, Bắc Hàn cho thử một quả bom và nói rằng đó là loại bom kinh khí, nhưng theo các giới chức tình báo thì đây có lẽ cũng chỉ là một loại bom hạch tâm. Đến Tháng 2 vừa qua, Bắc Hàn lại cho bắn thử một số phi đạn tầm xa và buộc Nam Hàn phải lên tiếng cảnh cáo là đừng làm cho tình hình trong vùng thêm căng thẳng, đưa đến kết quả là cả hai bên đã cho ngưng hoạt động hợp tác kinh tế ở khu chế xuất Kaesong.
Hỏa tiễn Taepodong-class trong một cuộc diễn hành quân sự – nguồn www.newstatesman.com
Trước đây, sau mỗi lần như thế, các nước Tây phương, dẫn đầu bởi Hoa Kỳ, lại tìm cách dỗ ngọt, gửi đồ viện trợ nhân đạo bằng thực phẩm và thuốc men để đổi lấy sự im lặng của Bắc Hàn, nhưng biện pháp này cũng chỉ tạm thời được một thời gian và sau đó họ lại quậy tiếp. Thời ông George W. Bush mạnh tay hơn, gọi Bắc Hàn là “trục ác” và cho áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế. Nhưng rồi cũng không công hiệu, Bắc Hàn vẫn lén lút buôn bán những loại hàng hoá bị cấm.
Biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc năm 2006 buộc các quốc gia thành viên phải báo cáo tất cả các cuộc kiểm tra tàu chở hàng của Bắc Hàn nếu bị tình nghi có chở vũ khí, cho dù có vi phạm hay không. Tuy nhiên, trong 10 năm qua chỉ có một quốc gia duy nhất là có báo cáo.
Phạm vi hỏa tiễn hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể bắn tới – nguồn veriteperdue.wordpress.com
Theo một bản báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc đã cáo buộc một số quốc gia Đông Nam Á, Phi châu và Trung Đông tiếp tục bán những trang thiết bị quân sự của Bắc Hàn, trong đó bao gồm những bộ phận của loại phi cơ không người lái và những hệ thống radar.
Liên Hiệp Quốc còn nghi ngờ đã có một tổ chức ở Miến Điện có thể đã bí mật vận chuyển những thanh nhôm đến Bắc Hàn trước đây. Những thanh nhôm này có thể dùng để chế tạo lò luyện hạch tâm. Vụ vận chuyển trái phép này bị bắt giữ tại Nhật Bản đang trên đường đi tới Bắc Hàn vào năm 2012.
Có thể nói biện pháp trừng phạt năm 2006 đã không mang lại hiệu quả và đã không thuyết phục được chính phủ Bắc Hàn ngưng các chương trình hạch tâm và hoả tiễn đạn đạo của họ.
Trong văn kiện của bản báo cáo Liên Hiệp Quốc vừa qua cho thấy có một số trường hợp Bắc Hàn đã tránh né biện pháp trừng phạt và tiếp tục sử dụng hệ thống tài chánh, các đường bay và các đường vận chuyển quốc tế để bán các loại hàng cấm.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua một nghị quyết trừng phạt cứng rắn hơn với Bắc Hàn – nguồn post-gazette.com
Hôm Thứ Tư tuần qua, để tạo thêm áp lực và tìm cách giảm bớt sự hung hăng của Bắc Hàn, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đưa ra biện pháp trừng phạt kinh tế nặng hơn nữa. Một trong những biện pháp trừng phạt là tất cả các tàu hàng vận chuyển ra vào một quốc gia đều bị buộc phải kiểm tra. Hoàn toàn cấm buôn bán tất cả mọi loại vũ khí với Bắc Hàn, kể cả loại vũ khí quy ước và những loại vũ khí khác. Biện pháp chế tài mới còn giới hạn Bắc Hàn xuất cảng than cũng như những loại khoáng sản khác, trong đó bao gồm vàng, sắt, và titanium.
Thêm nữa, biện pháp trừng phạt mới còn khắt khe hơn trong việc cho phép Bắc Hàn sử dụng hệ thống ngân hàng quốc tế cũng như cấm bán các mặt hàng xa xỉ đến quốc gia này. Đồng thời đưa danh tính 16 nhân vật đang nắm giữ những chức vụ then chốt trong chính phủ Bắc Hàn vào danh sách cấm du lịch ra nước ngoài và cho đóng băng các tài sản của họ.
Chỉ một ngày sau khi Liên Hiệp Quốc đưa ra biện pháp trừng phạt mới, theo cơ quan thông tấn nhà nước Bắc Hàn, lãnh tụ Kim Chính Ân đã ra lệnh cho quân đội sẵn sàng với vũ khí hạch tâm để có thể bắn đi bất cứ lúc nào. Vụ việc này một lần nữa làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng.
Tại thủ đô Hán Thành, Tổng thống Phác Cận Huệ của Nam Hàn cảnh báo là Bắc Hàn có thể còn tiếp tục cố tình khiêu khích thêm nữa và cho biết quân đội Nam Hàn đã chuẩn bị để đối phó trong những tình huống xấu nhất.
Trong quá khứ, Bắc Hàn đã từng nhiều lần khiêu khích mỗi khi Hoa Kỳ và Nam Hàn chuẩn bị những cuộc tập trận chung hằng năm giữa hai quốc gia này. Một số cuộc tập trận đã được dự định trong Tháng Ba này.
Bắc Hàn vẫn thường đe dọa chiến tranh hạch tâm với Hoa Kỳ và Nam Hàn, và tự nhận là đã chế tạo những loại vũ khí hạch tâm cỡ nhỏ đủ để có thể phóng đi bằng phi đạn. Nhưng câu hỏi đến nay vẫn là khả năng thật sự của Bắc Hàn và kỹ thuật hạch tâm của họ tiến bộ đến đâu để có thể chế tạo những đầu đạn loại nhỏ có khả năng phóng đi bằng phi đạn tầm xa.
Ngoài vũ khí hạch tâm, những dàn phóng phi đạn và nhiều loại cỗ pháo của Bắc Hàn cũng là những vũ khí khiến chính phủ Nam Hàn lo ngại nhất. Một số tin tình báo chưa được kiểm chứng nghi ngờ có một số dàn phóng phi đạn di động có khả năng mang đầu đạn nguyên tử của Bắc Hàn và những dàn phóng này rất khó theo dõi và phát hiện.
Người ta phỏng đoán có khoảng 13,000 dàn phóng phi đạn và cỗ pháo được đặt dọc theo biên giới giữa hai nước, chỉ cách thủ đô Bắc Hàn 28 dặm về phía bắc.
Tuy nhiên, số vũ khí hạch tâm của Bắc Hàn nay đã có chưa và có được bao nhiêu thì không ai biết con số chính xác. Hoa Kỳ tin rằng Bắc Hàn có khả năng phát triển vũ khí hạch tâm, như đã thấy kể từ năm 2006 họ đã cho thử bốn lần. Nhưng điều đó cũng khó có thể nói rằng Bắc Hàn thật sự đã chế tạo được vũ khí hạch tâm hay mới chỉ chế tạo được những thiết bị nguyên tử riêng lẻ dùng để thử nghiệm kỹ thuật của họ.
Tình báo Hoa Kỳ đến nay vẫn còn rất mơ hồ trong việc xác định là Bắc Hàn đã có vũ khí hạch tâm hay chưa. Điều Hoa kỳ biết rõ là trong suốt thập niên qua với những nỗ lực của Bắc Hàn để tinh luyện chất plutonium và uranium, và nay đã sản xuất đủ số lượng để chế tạo một số thiết bị hạch tâm, nhưng sự phỏng đoán từ những nhóm nghiên cứu vẫn còn rất khác biệt là có bao nhiêu loại vũ khí nguy hiểm này Bắc Hàn đã có khả năng chế tạo nếu họ muốn.
Một bản báo cáo của Ban Nghiên cứu Quốc hội trong Tháng Giêng năm nay phỏng đoán Bắc Hàn đã sản xuất được khoảng từ 30 đến 40 ký plutonium, đủ để chế tạo ít nhất gần một chục đầu đạn nguyên tử.
Nhưng Viện nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế đưa ra con số phỏng đoán cao hơn vào năm 2014 nói rằng Bắc Hàn có thể chế tạo từ 10 đến 16 đầu đạn nguyên tử.
Hình ảnh của nhân vật Kim Chính Ân từ trước tới nay vẫn được nhìn từ thế giới phương Tây như một người ngổ ngáo không thể đoán trước được hành động, một nhân vật khùng điên khó kiểm soát, luôn tìm cách gây rối khu vực đông bắc Á với bửu bối là vũ khí hạch tâm.
Nhưng thật ra trong khi Kim Chính Ân là một nhà lãnh đạo độc tài và nguy hiểm, luôn tỏ ra là một sự đe doạ cho nền an ninh chung và hiện đang cai trị một trong những quốc gia vi phạm nhân quyền nặng nề nhất trên thế giới, và riêng cá nhân Kim Chính Ân dường như còn là một người lập dị nữa, nhưng nếu chịu tìm hiểu kỹ hơn hành động của nhân vật này ta có thể thấy rằng, ngoài cái vỏ là một cậu thanh niên điên rồ và lập dị, Kim Chính Ân cũng chỉ là một tên độc tài tàn bạo và hung ác như bao tên độc tài khác. Hành vi của nhân vật này, đặc biệt là những lời đe dọa hôm Thứ Năm tuần qua, cho chúng ta hiểu được phần nào những vận hành bên trong chế độ chuyên chính của Bắc Hàn.
Một chế độ độc tài và bưng bít thông tin thì thường được xây dựng trên sự giả dối. Mỗi khi có khủng hoảng xảy ra trong nước, chẳng hạn như nạn đói vẫn thường xảy ra nhiều lần, từ thời ông nội là Kim Nhật Thành đến ông bố Kim Chính Nhật và nay là ông con Kim Chính Ân, thì bộ máy tuyên truyền của nhà nước lại ra sức rêu rao rằng dân đói nghèo và cuộc sống bị hệ thống an ninh kiểm soát chặt chẽ là vì tất cả phải dành cho quân đội để bảo vệ đất nước từ những kẻ nội và ngoại thù. Và để những sự tuyên truyền dối trá giống như thật vậy thì lâu lâu họ lại gây hấn khiêu khích, ở mức độ vừa đủ để cho người dân thấy đất nước Bắc Hàn của họ luôn phải trực diện với chiến tranh, và các lãnh tụ Bắc Hàn đã tỏ ra can đảm chống lại kẻ thù.
Từ thập niên 1990, ông bố Kim Chính Nhật đã theo đuổi chính sách mị dân này và nay ông con Kim Chính Ân cũng chỉ là tiếp tục một truyền thống cũ.
Kể từ khi lên nắm quyền, Kim Chính Ân đã cho phát động nhiều cuộc thanh trừng chính trị bạo động nhất tại Bắc Hàn từ trước tới nay, trong đó có vụ xử tử hình một số viên chức cao cấp và ông cậu dượng bằng súng phòng không (không như tin tình báo sai lúc đầu là cho chó dữ xé xác). Rồi tiếp theo là một loạt những vụ khiêu khích quân sự: cho thử nghiệm vũ khí hạch tâm và đầu năm 2013 còn đe dọa phát động Thế chiến III. Các nhà phân tích tình hình Bắc Hàn giải thích rằng những hành động này là để Kim Chính Ân chứng tỏ với các giới chức quân sự Bắc Hàn cũng như dân chúng rằng cậu ta là một lãnh tụ có khả năng.
Thường mỗi khi Bắc Hàn lên tiếng khiêu khích, dư luận thế giới vẫn cho rằng có điều gì đó đang diễn ra trong nội bộ chính trị tại nước này. Nhưng lần này có lẽ không phải vì thời gian trùng hợp với quyết định trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Rất có thể Bắc Hàn chỉ nhắm tới hai mục tiêu là gửi đi thông điệp rằng họ không hề nao núng với quyết định trên của Liên Hiệp Quốc và để trấn an dân chúng trong nước.
VH