Nhiều khi chúng ta gặp trên đường một số người mặc hoặc đeo các trang phục liên quan đến tôn giáo, và có thể tò mò không hiểu những biểu tượng đó ý nghĩa thế nào. Sau đây là một số giải thích:
– 2% dân số Ấn Độ là người Sikhs. Họ đội khăn turban trên đầu với nhiều mục đích: để tôn kính Thượng Đế, để che đầu, để khuyến khích sự bình đẳng trong các tầng lớp xã hội và để chứng tỏ họ là người Sikhs.
– Bindi là một chấm tròn màu sặc sỡ giữa trán người theo Ấn giáo, là tượng trưng cho con mắt thứ ba. Một nốt son đỏ cũng là dấu hiệu cho biết người phụ nữ đã có chồng.
– Xỏ lỗ mũi là tập tục phổ biến nơi phụ nữ Ấn Độ, đồng thời cũng là biểu hiện của sắc đẹp và tầng lớp xã hội. Ngoài ra còn để tôn vinh Parvati là nữ thần hôn nhân của Ấn giáo.
– Trên trán một số người theo Ấn giáo, cả hai phái nam nữ, có tilaka là vạch thẳng đứng vẽ bằng bột hoặc bột nhão, để chỉ giáo phái mà họ tin theo (như các giáo phái Saivite, Vaishnava, và Shakta).
– Nhiều người theo đạo Jana (Jains) có đeo khẩu trang màu trắng che miệng để tránh không vô ý nuốt phải các sinh vật, như ruồi, muỗi. Những người theo đạo này tin tưởng hoàn toàn vào ahimsa (thuyết bất bạo động, cấm sát sinh).
– Hijab là khăn trùm đầu của một số phụ nữ Hồi giáo. Họ bắt đầu đội từ tuổi dậy thì, là biểu tượng nhu mì và đức tin tôn giáo. Kinh Quran khuyên phụ nữ Hồi giáo ăn mặc giản dị, và đa số các hệ thống pháp luật Hồi giáo giải thích là phải che phủ toàn thân nơi công cộng, trừ mặt và tay.
– Niqab là mạng che mặt một số phụ nữ Hồi giáo dùng, chỉ có lỗ hở chung quanh mắt.
– Burka là áo choàng một mảnh, che cả mặt và toàn thân, chỉ có mạng lưới ở trước mắt để nhìn qua. Trong tất cả các trang phục của người Hồi giáo, burka che giấu thân thể kín nhất.
– Mũ cầu nguyện (prayer cap) được đàn ông Hồi giáo đội trong khi cầu nguyện, và để nhắc nhở đến đức tin, sự khiêm nhường và lòng tôn trọng. Không giống như trường hợp che đầu của phụ nữ, kinh Quran không buộc phái nam phải đội mũ cầu nguyện trong lúc thờ phượng hoặc nơi công cộng.
PN