Không đợi đến 9 giờ tàu bỏ neo ở cảng Montego Bay, vịnh biển sang trọng của khu du thuyền, tôi đi lên boong cao đón bình minh trên đất nước Jamaica và xem hai chiếc tàu bạn mà đêm qua bám theo tàu chúng tôi. Theo lịch trình, 9 giờ hành khách được phép rời tàu thăm thú, vui chơi trên hòn đảo từng được dân bản địa gọi là Xaymaca (đất nước của rừng và những con suối).
Jamaica nhìn trên boong tàu, cầu cảng Montego gần khu du thuyền sang trọng
Kỳ 4
Thấy gì ở Jamaica?
Thế nhưng tôi không quan tâm đến chuyện rừng và suối của đảo quốc nhỏ bé có khoảng 2.8 triệu dân cư, từng là thuộc địa của Anh quốc và đã tuyên bố độc lập từ hơn sáu mươi năm trước. Điều mà tôi đang nghĩ trong đầu hiện giờ là làm sao mình tôi có thể tách nhóm trong khoảng thời gian vài tiếng đồng hồ, lang thang chợ búa để có dịp tìm hiểu cuộc sống đích thực của người dân Jamaica, được cho là có số thu nhập đáng kể xét bình diện chung không phải nước nghèo trên thế giới. Với tôi, chợ búa là nơi dễ cho tôi nhìn thấy nhiều điều, ít nhất là cách sống, cách ứng xử của một cộng đồng cư dân, cũng như khi tới một nhà ai đó người ta vẫn thường để ý đến cái bếp. Thế giới nhỏ bé này sẽ cho bạn biết chút ít tính cách và lối sống của gia chủ.
Hành khách trên boong nhìn chiếc MSC từ Miami cập cảng Jamaica
Mặc dù vậy, tôi không thể thoát khỏi số đông trong nhóm khi lần đầu đến Jamaica. Cho đến sáng hôm nay, sau khi uống cà phê, đón bình minh sớm trên boong, tôi quay về phòng, chần chừ cho một quyết định có nên đem theo passport trong túi phòng trường hợp tách đoàn, lỡ như có chuyện gì trục trặc bị trễ giờ về tàu, con tàu nhổ neo bỏ đi mất, thì tôi còn có giấy tờ tùy thân để lấy chuyến bay đón đầu bến dừng kế tiếp. Rốt cuộc thì tôi cất những giấy tờ quan trọng vào cái hộp sắt an toàn, kinh nghiệm của những người từng đi cruise nhóm Moonflower cho biết như thế. Xuống tàu, lên tàu, chỉ dùng cái thẻ Sail & Sign mang theo bên mình là đủ. Và tôi có đọc lời hướng dẫn phòng khi bị trễ tàu, liên lạc số phôn hoặc đến cơ quan phục vụ du lịch để được giúp đỡ. Tôi không biết có du khách nào đã lỡ chuyến phải nhảy xuống biển bơi theo vì ngay cả biết rõ chi tiết thế này, tôi chẳng màng ghi vào “bộ nhớ” để phòng bị những chuyện bất trắc có thể xảy ra.
Thôi thì ai sao tôi vậy cho dễ dàng khi mình chân ướt chân ráo đến Jamaica, nơi mà người ta đồn là không nên đi đâu một mình, tình trạng an ninh không bảo đảm, trái ngược những thông tin về con người Jamaica hiếu khách và thân thiện in trên tấm chương trình mà tôi đọc sơ tối qua khi người dọn phòng đặt trên bàn để du khách tìm hiểu trước. Tôi giở cuốn sách giới thiệu các tour vui chơi. Jamaica, đảo quốc xanh tươi bốn mùa, là nơi lý tưởng cho du khách thăm thú, nghỉ dưỡng. Các tour du lịch lặn biển, đi cano, lái jet ski, River Falls hay Dunn Falls ở Ocho Rios – một thắng cảnh tuyệt đẹp dành cho du khách. Các thú vui chơi biển thì hầu như chỗ nào cũng tương tự nhau. Ít ra đi xem thắng cảnh cho biết với người ta dù chỉ là cưỡi ngựa xem hoa cũng là điều không nên bỏ qua trong lúc này.
Chúng tôi bước ra tàu sớm nhất theo lời đề nghị chung của nhóm Moonflower họp nhau ngày hôm qua. Đứng chờ, lần quần tập họp mọi người, rồi liên lạc các chuyến xe đi chung để tiết kiệm chi phí. Một tour đi Dunn Falls 5 tiếng đồng hồ (kể cả thời gian đi, tắm thác và về tàu) giá đặt theo tour do tàu tổ chức khá cao ($145), trong khi đi kiểu chúng tôi chỉ mất một phần ba chi phí. Đó cũng là kinh nghiệm cho những ai đi cruise cần nên biết trước, ngoại trừ đi tour đặc biệt lặn ngắm san hô bằng tàu ngầm thì nên đi theo tour có người hướng dẫn. Kinh nghiệm thứ hai là không cần phải vội vã vì lý do thời gian có hạn. Đi chơi mà, cứ thong thả, dù rằng nhóm bạn đi cùng đông hay ít. Trước sau gì cũng đợi chờ nhau và thủ tục rời tàu khá nhanh cho dù hành khách xếp hàng có đến vài ba ngàn người. Sự thoải mái ở các cảng du lịch biển luôn làm hành khách không bị phiền toái với hải quan các nước sở tại, chẳng ai cần xem giấy tờ hay đồ ăn thức uống mà hành khách mang theo. Chứ ban đầu, tôi cứ tưởng phải làm thủ tục nhập cảnh phức tạp, cho nên từ sớm nhóm chúng tôi vội xuống Gangway (cửa ra vô cho hành khách trên tàu), đứng xếp hàng mất cả tiếng đồng hồ, để rồi khi rời tàu chẳng thấy chút phiền hà thường gặp khi nhập cảnh cảng hàng không.
Gương mặt khắc khổ của người dân Jamaica kiếm sống ở khu du lịch
Xe chúng tôi tách rời mấy con đường nhỏ trong thành phố phóng trên tỉnh lộ A3 đi Dunn Falls. Ngồi bên cửa sổ ngắm cảnh đường phố một hồi, tôi mới biết xe chạy bên lề trái, làn xe bên phải chạy ngược xuống làm tôi cảm thấy không thuận mắt, nhiều lúc tôi cứ tưởng hai chiếc xe sẽ đâm sầm vào nhau. Ngồi trên xe mà đôi lúc tim tôi còn thót lại mỗi khi bác tài vượt xe qua mặt, chuyển làn đường đánh vòng lên tỉnh lộ. Nhiều người bảo, lái xe bên lề trái an toàn hơn lề phải với lý do mắt phải lúc nào cũng phản xạ tốt hơn mắt trái, số tai nạn giao thông ở các nước lái xe bên lề trái cũng thấp hơn số tai nạn tại các quốc gia áp dụng luật lái xe bên phải. Thật may cho tôi đã không tách đoàn, mướn xe gắn máy chạy long rong một mình. Đi bên lề trái kiểu này, cho dù bạn có lái xe vững vàng đến đâu, một khi đã quen đi bên lề phải rồi, hẳn gặp nhiều khó khăn.
Nhưng chuyện lái xe lề phải hay lề trái trở nên bình thường với tính dễ thích nghi của tôi. Điều làm tôi ngạc nhiên khi bác tài dừng lại đổ xăng lại tính bằng lít. Hệ thống đo lường tại đảo quốc này đúng ra phải theo qui chuẩn của nước Anh cách đây gần bốn trăm năm khi chiếm đảo Xaymaca làm thuộc địa. Ngay sau khi Jamaica tuyên bố độc lập 1962, vài năm sau đó, quốc hội thông qua luật áp dụng hệ thống đo lường theo cách tính thập phân, tức là sử dụng đơn vị đo chiều dài bằng hệ thống mét, trọng lượng tính bằng kilogram và dung tích tính bằng lít. Lối giải thích đơn giản, là cách tính thập phân không rắc rối như hệ thống đo lường của người Anh trước đó.
Xe chạy hơn tiếng đồng hồ mà vẫn chưa tới Dunn Falls khiến hành khách háo hức đi tắm thác bắt đầu lao xao. 60km/giờ dành cho đường tỉnh lộ xem ra còn khá lạc hậu trong hệ thống giao thông ở Jamaica, bác tài cho xe dừng một chút tại Công viên Christopher Columbus. Cảnh vật được dựng lại ước lệ ghi nhớ công lao của nhà hàng hải người Ý khám phá ra hòn đảo hoang vu trung tâm của vùng biển Caribbean. Tuy thế, có mấy ai cần biết quá trình lịch sử trên đường chinh phục Tân thế giới hàng trăm năm trước. Hành khách rời xe thư giãn đôi chân để chuẩn bị lát nữa còn đi lội thác.
Nơi đây, Christopher Columbus tìm ra đảo Xaymaca
Tôi chưa thể nói người Jamaica có vui tính hay yêu đời cho cuộc sống hiện tại với thu nhập gần 6,000 đô trên đầu người. Những khuôn mặt khắc khổ vì nắng gió của người dân bản địa bán hàng rong, những khuôn mặt gân guốc của một vài ngư dân mà tôi thấy khi xe chạy qua làng chài xơ xác, những ngôi nhà tôn nhỏ, nghèo nàn ẩn sau vài cây cổ thụ không thấy trái, không hoa cảnh theo kiểu sống của những người dân nông thôn khá giả. Chỉ có những đàn dê tung tăng ăn cỏ và vui vẻ đứng bên đường cười be he với du khách. Một bức tranh sinh hoạt nông thôn trầm lắng mà tất cả con người, vật nuôi cố vươn lên để sống trong mức giá sinh hoạt đời sống khá là đắt đỏ. Con người ở đảo quốc này vẫn phải lo cái ăn. Anh thanh niên bản xứ ốm o đến gần bên tôi gạ bán cây gậy gỗ điêu khắc bảo tôi giống tài tử Jackie Chan trong phim hành động mà anh thường xem mỗi đêm. Chuyện vãn một hồi, anh cho biết đời sống khó khăn, một người như anh phải tốn 10 đô mới có được miếng ăn hằng ngày.
Nhưng thôi, xe đã đến Dunn Falls, cả ba con tàu tới Jamaica cùng lúc, người thích đi tắm thác đông vô số, xe đậu chật kín, lui ra lui vô thật khó. Thời gian hạn định 1 tiếng để xe còn kịp quay về tàu. Một tiếng thì xem như đi rửa mặt chứ thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên nỗi gì. Phóng viên của kênh CNN miêu tả cảnh quan du lịch Dunn Falls từng được ca tụng: “Nếu đã một lần được đặt chân đến những thác nước xinh đẹp trong khu rừng xanh tươi của Jamaica, chắc chắn bạn sẽ phải thừa nhận rằng chuyến đi này chẳng khác nào một cuộc hành xác. Những du khách tới đây khổ sở nắm tay nhau, thậm chí kể cả những người không quen biết chỉ để miệt mài leo lên những sườn đồi như một đàn kiến chăm chỉ và kết thúc hành trình khám phá trong sự mệt mỏi và ngơ ngác vì chẳng thể tìm thấy điều gì thú vị ở đây”.
Đúng là chẳng có gì thú vị ở cái thác Dunn Falls này. Chúng tôi lấy lại tiền vé vào cổng, ngồi nhìn người ta đi tắm. Biết vậy, đi theo xe bên kia của nhóm “thủ lãnh” Moonflower, kiếm mớ sa-pô-chê, mãng cầu bỏ bụng để nhớ hương vị quê nhà. Người ta nói, Jamaica đầy trái cây ngon nhiệt đới, nhưng theo tôi chẳng thấm gì so với miệt vườn cây trái Tiền Giang đến mùa rộ trái. Nhưng thôi, đây là Jamaica giữa bốn bề biển cả, chứ đâu phải đồng bằng phì nhiêu lúa thóc, cây trái quanh năm. Trên đường về tàu, lại mất hai tiếng. Bỏ tiền xe, chạy đi chạy về mà chẳng thấy được gì như tôi mong muốn ở xứ đảo Jamaica.
Một góc Dunn Falls, từng đoàn người kéo nhau lội thác -Nguồn: Jamaicaairporttaxi
TN