Menu Close

Ném đá

Năm 1977, khi chúng tôi, những người tù miền Nam được đưa ra Bắc, trên đường đi, sau khi qua Thác Bà, lên Hoàng Liên Sơn, đoàn xe chúng tôi bị “nhân dân” đứng hai bên đường ném đá. Những hòn đá sắc cạnh, chứa đựng căm thù, từ tay những thiếu niên được cán bộ cộng sản dạy dỗ ném thẳng vào đầu, vào cổ chúng tôi khiến cho máu của anh em tôi đã đổ xuống, mặc dầu chiến tranh đã chấm dứt từ lâu. Tôi biết trò “ném đá” này đã được miền Bắc tập luyện, dựng trò để cảnh cáo chúng tôi rằng miền Bắc đang căm thù chúng tôi, đừng hòng trốn tù, vượt trại, và việc cho đi “học tập cải tạo” chẳng qua là để cho chính phủ này che chở, bảo vệ cho chúng tôi.

nemda 01

Ném đá cho… vui!NGUỒN BAOGIAOTHONG.VN

Chỉ tiếc rằng, những năm sau, khi chúng tôi chuyển trại, hình ảnh những người tù miền Nam đã để lại trong lòng nhân dân những nỗi lưu luyến, đó là những con người tử tế, hiền lành không phải như hình ảnh  mà cán bộ cộng sản đã từng vẽ ra để  hù dọa và cô lập chúng tôi. Những hòn đá đó, bây giờ, nhân dân miền Bắc đã  hiểu rõ, cần dùng để ném thẳng vào mặt bọn cường quyền, áp bức, cướp ruộng, cướp vườn và coi nhân dân như kẻ thù đối lập.

Khoảng năm 1985, khi chúng tôi đã ra tù và trở lại miền Nam, trong một đêm khi chuyến tàu xuyên Việt từ Huế vào Saigon, khi qua quãng thành phố Nha Trang, đoàn tàu bị tới tấp ném đá, và chính mẹ tôi là một trong những nạn nhân của vụ ném đá này. Nhận định việc này tôi cho đây là một biểu hiện “vô giáo dục” của trẻ con trong thời gian này, sau ngày đất nước được “giải phóng,” vì chỉ cần so sánh thái độ và cử chỉ của một đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong vĩ tuyến 17 và một đứa trẻ mới theo cha mẹ chúng từ miền Bắc vào tiếp thu miền Nam. Những chuyện này từ hai, ba mươi năm trước, chưa bao giờ xảy ra trên vùng đất từ Bến Hải tới Cà Mâu.

Chính Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng cũng thú nhận ngay thời Pháp thuộc cũng không có chuyện ném đá lên tàu, nếu để xảy ra hiện tượng này thì trưởng thôn xã phải bị phạt thật nặng. Ông cho rằng việc này, phải cần Thủ tướng ra lệnh xử phạt chính quyền địa phương hay để xảy ra nạn ném đá, may ra tình hình mới giảm.

Câu chuyện ném đá lên những đoàn tàu cho đến bây giờ, 40 năm sau khi đất nước thống nhất, văn minh, tiến bộ vẫn còn tiếp diễn. Không chỉ những đoàn tàu bị ném đá mà những chuyến xe khách ở những vùng cao nguyên cũng bị vạ lây. Theo thống kê của ngành đường sắt (hoả xa) Việt Nam, năm 2015 có hơn 700 vụ ném đất đá, thậm chí cả phân người lên tàu, nhưng chính quyền bất lực không cách nào bắt được thủ phạm, số bị trừng phạt được xem như không đáng kể. Pháp luật lơ là hay không hữu hiệu càng làm cho bọn trẻ lộng hành.

Biện pháp chống ném đá của ngành đường sắt chỉ là một lối hành xử thụ động, đơn giản là họ phải lắp thêm một lớp cửa kim loại bên ngoài lớp cửa kính, tức bao kín con tàu. Có lẽ nay mai, những con tàu chạy trên đường sắt phải là những “chuyến tàu thiết giáp” thì may ra mới bảo vệ nổi cho hành khách một cách có hiệu quả.

Như vậy việc trẻ con ném đá vào con người trước hết là do căm thù được dạy dỗ, không phải là đối với bọn xâm lược mà ngay với cả đồng bào ruột thịt, thứ hai là do việc giáo dục sai sót của một chính thể tồi tệ. Nhiều người lại cho rằng những chuyến tàu thường xả rác bẩn, phân người trên đường tàu, qua mỗi địa phương, nên hành động ném đá là một hành động cảnh cáo và trả thù. Phần tôi, tôi không tin đó là những lý do thúc giục khiến người ta ném đá lên đoàn tàu.

Nhưng một điều, quả thật gây ra kinh hoàng cho tôi hơn hết, khi biết ra rằng, lý do trẻ con ném đá lên, xe tàu chỉ là để… mua vui, nói văn vẻ hơn là để giải trí. Theo tin trong nước ném đá lên tàu hay lên xe khách là trò giải trí của những đứa rảnh rỗi và buồn chán. Theo lời khai của những đứa trẻ 15, 16 tuổi của xã Ea H’Leo (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đak Lak) chúng ném đá lên xe khách chạy qua chỉ để cho vui trong chốc lát mà thôi.

Mà cái đất nước Việt Nam buồn thật. Bạn đã từng đi xe lửa, khi xe chạy qua những xóm làng buổi chiều, chúng ta nhìn thấy những  đứa trẻ chăn trâu, lùa vịt trên đồng, những nông dân đang làm lụng, ngẩng đầu lên nhìn chuyến xe qua. Hình như đời sống của họ đều đặn, nhàm chán ngày qua ngày, trong khi những chuyến xe là những gì năng động, thay đổi, phấn chấn. Phải chăng, giữa động và tĩnh, giữa vui và buồn, giữa thực tế gần gũi và những mơ ước đi xa, nó gợi người ta mơ màng tưởng đến những cảnh sống mới mẻ, nó khiến cuộc sống đều đều nơi đây mỗi khi có chuyến tàu nhả khói chạy qua, khuấy động không gian lên trong một thoáng chốc. Và hòn đá ném theo còn mang chút ganh ghét của thói đời nữa chăng?

Ở thôn quê, buồn thật! Những ngày Tết, cách đây vài mươi năm, ở vùng thượng du, tôi đã mục kích cái cảnh, ba ngày Tết dân làng diện áo mới, nhưng không biết đi đâu, làm gì, họ đi lang thang ngoài bờ ruộng, hay kéo nhau vào các trại tù “cải tạo” xem diễn kịch hay múa lân. Thấy cảnh ấy mà xót xa trong lòng.

Ở thành phố ngày nay quả là lắm trò giải trí, phổ biến nhất là nhậu cho đỡ buồn, không buồn cũng nhậu. Ở chỗ làm ra là đàn đúm anh em vào quán nhậu, nhậu xong về nhà là lăn ra ngủ, buồn có chỗ nào đâu mà “len lén vào tâm tư!” Còn bao nhiêu thứ nữa, text, chat, xem phim bộ, phim sex, đem nhau vào nhà trọ, rượu, ma túy. Ở thôn quê, ngày nay không có thư viện, có bao nhiêu sân vận động không có trái bóng tròn, bao nhiêu “nhà văn hoá” không có nổi một cái bàn bóng bàn, cái TV… Ở đâu cũng chỉ thấy hình “bác Hồ,” khẩu hiệu “ học tập và làm theo gương đạo đức của Hồ Chủ Tịch” mà không đứa nào chỉ cho dân chúng cách “giải trí” của Bác, khi thấy buồn thì làm sao, không lẽ cứ vác đá ném lên con tàu hay chiếc xe đi qua?

Nhưng câu hỏi trước sau của tôi vẫn là, vì sao ngày xưa, “kể từ ngày thất thủ Kinh đô, Tây qua giăng dây thép, họa địa đồ nước Nam,” không có cảnh bọn trẻ ném đá lên đoàn tàu chạy trên đường sắt.

Hồi đó, dân tình còn lạc hậu, không có rạp chiếu phim, không có điện thoại, không có truyền hình, không có lễ hội chém trâu, chọi gà, không có bàn nhậu, cũng chưa có Bác, mà không ai thấy buồn, lượm cục đá lên mà ném lên đầu người ta một phát cho… đỡ buồn?

nemda 01

Cửa kính bị ném bể nátNGUỒN BAOGIAOTHONG.VN

HP – 2/16