Menu Close

Tháng Ba và thảm họa Fukushima

Tháng Ba nơi tôi ở bất ngờ mưa lớn. Những cơn mưa có thể là do cuồng phong giông bão ở phía bắc của Hoa Kỳ thổi về. Nha Khí Tượng Quốc Gia đưa tin: Một người đàn ông 30 tuổi bị chết đuối trong đêm ngày 08 tháng 03, khi lái chiếc xe thể thao đi xuống vùng ngoại ô lũ lụt ở phía đông Oklahoma. Khuyến cáo về lũ lụt có hiệu lực từ hôm qua ở các khu vực phía bắc llinois và Missouri. Những trận mưa khủng khiếp dự báo sẽ kéo dài đến ngày mai. Dự báo thời tiết về giông tố nghiêm trọng xảy ra tại Louisiana và Texas, với sức gió là 75.6 ki-lô-mét/ 1 giờ. Mưa rơi đến 25.4 cen-ti-mét tại các phần đất thuộc trung tâm Gulf Coast, trải dài xuống Thung Lũng Mississippi, có thể gây lũ lụt lớn. Tại vùng Giáo Xứ Caddo ở Louisiana và chung quanh thị trấn Shreveport ở dọc bờ sông Red, trường học đóng cửa; 15 gia đình đã được di tản ra khỏi nơi này. Nhân viên cấp cứu tiến hành việc bơm thoát nước tại Louisiana và Texas. Gió mạnh làm hư hại nhà cửa, và đứt dây điện. Được biết mưa vẫn tiếp tục rơi trong suốt 24 giờ, và sẽ còn kéo dài trong vài ngày. Hôm qua cơn bão chết người đã gây lũ lụt trầm trọng tại các vùng đất thuộc phía bắc của các tiểu bang Louisiana, Texas, Oklahoma, và Arkansas. Tôi vừa nghe xong bản tin này, lại được nghe bản tin về cư dân Nhật Bản biểu tình tại Thủ Đô Đông Kinh, kỷ niệm ngày xảy ra thảm họa động đất và sóng thần tại Fukushima. Tiếng mưa rơi nặng hạt giữa thành phố Santa Ana gợi nhớ những cơn sóng trào tại Fukushima khi thảm họa kép xảy ra trên xứ hoa anh đào.

fukushima De Gio Cuon Di

Tưởng niệm 5 năm Fukushima – NGUỒN NBCNEWS.WALLPAPERNOTE.COM

Đã 5 năm trôi qua, kể từ  ngày 11 tháng 03 năm 2011, nhưng cho đến bây giờ khoảng 174,000 người Nhật vẫn phải di chuyển ra khỏi nơi cư ngụ, vì hậu quả của trận động đất, hậu quả của sóng thần, và hậu quả của ô nhiễm phóng xạ từ nhà máy nguyên tử Daiichi vẫn còn để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại Fukushima, Miyagi và Iwate Prefectures, chỉ mới được tái thiết một nửa. Nhiều cư dân phải sống tạm trong doanh trại, hay ở nhà của người thân. Việc dọn dẹp sự ô nhiễm phóng xạ tại nhà máy nguyên tử Daiichi ở Fukushima, được tiến hành rất chậm. Hiện nay vẫn chưa có kết quả điều tra thật rõ rệt và nghiêm túc, về những hậu quả do nguyên tử gây ra. Fukushima vẫn ở trong tình trạng bấp bênh và nguy hiểm, nhưng chính phủ của Thủ Tướng Shinzo Abe đã muốn để các nhà máy nguyên tử hoạt động trở lại. Điều này khiến dân chúng bất bình và phẫn nộ.

Thảm họa thiên tai vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng tại Fukushima. Quá trình tái thiết do các công ty lớn thực hiện, không thật sự vì dân chúng. Nhiều người vẫn chưa thể trở về nhà của họ, trong khi chính phủ khăng khăng quả quyết: Hiện tại rất an toàn để mở lại các nhà máy nguyên tử. Trên thực tế, những nhà máy này không thể bảo đảm sự an toàn, nhất là đối với trẻ em. Cư dân Fukushima không muốn nhìn thấy con em của họ, phải sống trong bóng đêm của sự ô nhiễm môi trường vì bức xạ nguyên tử. Dân chúng Nhật Bản nói rằng, chính phủ và Công Ty  Điện Lực Tokyo không muốn gánh vác trách nhiệm. Hiểm họa bức xạ nguyên tử vẫn chưa được kiểm soát tốt, cũng như vẫn chưa có kết luận điều tra rõ ràng về những ảnh hưởng của thảm họa nói trên. Thế nhưng chính phủ vẫn muốn mở lại các lò phản ứng điện nguyên tử, thậm chí còn muốn xuất cảng ra ngoại quốc. Và họ cảm nhận, chính phủ đã đi quá xa khi chỉ nghĩ đến việc mở lại các lò phản ứng, quên mất tình trạng tang thương vẫn còn đang bao trùm khắp khu vực Tohoku.

Ngày 11 tháng 3 năm 2011 là một trong số những thời điểm đen tối nhất của lịch sử thế giới nói chung, và của Nhật Bản nói riêng. Chỉ trong tích tắc, một thảm họa kép gồm động đất và sóng thần đã ập vào vùng Tohoku, Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người dân ở xứ Phù Tang. Trận động đất tại Tohoku ngày 11 tháng 3 năm 2011 có cường độ cao nhất trong lịch sử Nhật Bản, với mức 9.0 độ Richter – theo thang độ lớn mô men [Mw] *. Theo các nhà địa chất học, đây là trận động đất khủng khiếp thứ tư trong lịch sử loài người kể từ năm 1900.  Ngân Hàng Thế Giới ước tính, đây là thảm họa thiên nhiên đắt đỏ nhất trong lịch sử loài người, với thiệt hại hơn $235 tỷ Mỹ kim. Khoảng 15,889 ca tử vong, 6,152 người bị thương và 2,601 người mất tích.Về vật chất và cơ sở hạ tầng, động đất lớn và sóng thần đã góp phần gây ra thảm họa hạt nhân Fukushima sau đó không lâu, làm sập và hư hại hơn một triệu tòa nhà.

Các nhà máy điện nguyên tử  Fukushima I, Fukushima II, Onagawa và Tokai có tổng cộng 11 lò phản ứng, đã tự ngưng hoạt động sau trận động đất. Nhà máy điện nguyên tử Higashidori ở trên bờ biển phía Đông Bắc, đã tạm ngưng để kiểm tra chu kỳ hoạt động. Làm mát là công việc cần thiết để giảm bớt nhiệt lượng phân rã trong nhiều ngày sau khi nhà máy đã ngưng hoạt động. Quá trình làm mát được trang bị bằng máy phát điện Diesel khẩn cấp, như trong trường hợp của Nhà Máy Rokkasho – nhà máy tái chế nhiên liệu nguyên tử. Sóng thần tại Fukushima I và II đã vượt qua đê chắn, đồng thời phá hủy hệ thống máy phát điện Diesel dự phòng, tạo ra hai vụ nổ lớn tại nhà máy Fukushima I gây ô nhiễm phóng xạ. Hơn 200,000 người đã được di tản.

Ngày 16 tháng 3, một bản tường trình cho biết: Những cơn gió mạnh đã thổi các phân tử phóng xạ từ hiện trường ra biển, giảm bớt những tác động tiêu cực. Trước nguy cơ lớn sẽ xảy ra cho các nhà máy, phi cơ trực thăng đã cố đổ nước vào nhà máy Fukushima I, mục đích làm mát các lò phản ứng. Những biến cố xảy ra tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima đã trực tiếp đưa vấn đề năng lượng nguyên tử ra trước quốc tế. Khoảng 50,000 người tại thành phố Stuttgart ở Đức đã biểu tình chống nguyên tử. Một cuộc hội thảo về nhà máy nguyên tử tại Vương Quốc Anh và Bắc Ireland đã hủy bỏ. Ngay sau khi xảy ra thảm họa động đất và sóng thần, Công Ty Điện Lực Tokyo gọi ngắn gọn là TEPCO và chính phủ Nhật Bản quyết định sử dụng người máy, để đẩy nhanh tiến trình làm giảm mức phóng xạ ở tòa nhà có ba lò phản ứng của nhà máy Dai-ichi ở Fukushima. Dân chúng đặt trọn niềm tin vào các nhà lãnh đạo. Một ký giả người Mỹ của đài truyền hình NBC, đã ghi nhận rằng: “Đạo đức xã hội Nhật Bản thật đáng kinh ngạc. Không hề có bất cứ đề cập nào liên quan đến cướp bóc hay bạo lực. Tất cả mọi người đều xếp hàng chờ đợi đến lượt vào cửa hàng. Nhân viên cửa hàng rất lịch sự và tử tế.”

Giờ đây 5 năm sau xảy ra thảm họa kép tại Fukushima, chỉ có khoảng 440 người trong tổng số 8,000 cư dân ở Thị Trấn Naraha trở về quê hương. Nhiều ngôi nhà hoàn toàn bị bỏ hoang. Tại Naraha, hai nhà hàng, một siêu thị và một bưu điện trong các ngôi nhà tạm bợ, được xem là trung tâm mua sắm chính của thành phố. Các nhà hàng đều đóng cửa lúc ba giờ chiều. Không một trẻ em nào xuất hiện ở công viên chính của Naraha. Trong khi đó, những chiếc túi đựng chất thải phóng xạ được nhìn thấy khắp nơi, từ trên rừng, gần bãi biển hay bên cạnh những cánh đồng lúa. Hầu như cư dân của Naraha đều là công nhân. Họ đang hỗ trợ việc đóng lò phản ứng của nhà máy Dai-ichi, hay tham gia các dự án khử nhiễm xạ quanh thị trấn. Những người khác xây dựng một đập ngăn mới. Họ sống trong khu ký túc xá được chỉnh trang lại từ một sân golf cũ, hoặc thuê nhà của các gia đình. Trong một lần đến Thị Trấn Naraha, Thủ Tướng Shinzo Abe từng nhắc lại khẩu hiệu: “Nếu không tái thiết Fukushima, sẽ không có tái thiết vùng đông bắc của Nhật Bản. Nếu không tái thiết khu vực này, sẽ không có sự hồi sinh đất nước Nhật Bản.” Nhưng chỉ với một số ít cư dân trở về Naraha, những điều chính phủ muốn thực hiện tại đây đều vô nghĩa. Cư dân tại đây cho biết: Không có tái thiết và cũng không có chuyện Thị Trấn Naraha sẽ phồn vinh, an vui như trước ngày 11 tháng 03 năm 2011. Và chính phủ Nhật Bản biết rõ sự thật này.

Tháng Ba nơi tôi ở bất ngờ mưa lớn. Những cơn mưa có thể là do cuồng phong giông bão ở phía bắc của Hoa Kỳ thổi về. Những cơn mưa gợi nhớ một thảm họa kép trên hành tinh Trái Đất, và quốc gia Nhật Bản nói chung, cư dân ở Fukushima và Thị Trấn Naraha nói riêng, đã phải hứng chịu sự tổn thất to lớn này. Thật thinh lặng tôi nghe lòng nguyện ước: Xin mưa cứ rơi để ruộng đồng xanh ngời lúa đương thì con gái. Nhưng xin mưa đừng mang giông bão trở về, để trong căn nhà chung của thế giới là Trái Đất này, sẽ không còn nữa những thảm họa kép làm đau lòng người.

HV – 5:30am Thứ Sáu ngày 11 tháng 03 năm 2016

*. Mw: Moment magnitude scale, cách đo cường độ mạnh của động đất theo Tom Hanks và Kanamori Hiroo, phát triển năm 1979; trong khi Richter là thang độ lớn địa phương.