Nằm lặng lẽ giữa một con hẻm trong khu phố Tây nhộn nhịp và sầm uất, đầy nhà hàng, khách sạn, beer club từ vỉa hè đến 5 sao đình đám, quán cà phê nhỏ này như đứa bé đi lạc đến một nơi xa lạ, nép mình trốn cả thế giới. Nhưng tôi tin rằng nó được hứa hẹn như một nơi chốn bí mật cho những ai ưa hoài cổ, nhớ nhung một không gian Sài Gòn đã cũ.
Mặt tiền quán
Bên trong quán
Ngồi yên tĩnh trên cái đi-văng phảng phất dịu dàng mùi ẩm mốc bên song cửa sổ màu xanh, bên tai tiếng nhạc khò khè mà du dương phát ra từ băng cassette cứ văng vẳng trôi lửng lơ quyện vào hương cà-phê phin thơm thơm ấm áp. Nhâm nhi một chút, cảm thấy khoan khoái khi cái đăng đắng chan chát qua đi cho dư vị ngọt thanh đọng lại trên đầu lưỡi. Tôi ngắm nhìn, hít thở, cảm nhận mọi thứ như một đứa nhỏ 3 tuổi, lẫm đẫm đi theo chân Mẹ không rời…
Không gian hẹp nhưng tinh tế và chi tiết đến từng góc nhỏ, khiến bất cứ ai thuộc thế hệ 7x, 8x hay 9x đời đầu bước vào cũng phải “đứng hình” vài giây để xoa dịu con tim căng tràn kỷ niệm. Chiếc gạc-măng-rê nằm sâu phía trong gian bếp hẹp là thứ cho tôi “cảm giác mạnh” nhất, đứng nhìn nó từ xa vì gian khá nhỏ lại khá nhiều người ra vào, nhưng cũng đủ khiến tôi tìm lại một con bé hay ăn vụng, thích đổ thừa. Hồi đó đó, cứ xung quanh không có ai là nhào ngay đến và bắt ghế đu lên để lấy bằng được thức ăn sau cánh cửa đầy thần thánh trước mắt này. Và cũng đôi lần mông in hằn những lằn roi vì nó, đó là những lúc người nhà không phân biệt đâu là tôi ăn vụng đâu là… chuột.
Khi nhìn vào quán thứ đập vào mắt là chiếc tủ búp-phê với tấm kính trong suốt và hoa văn nhẹ nhàng, trên đó là cái máy cassette với chồng băng nhạc xưa đầy ắp, nhớ hồi xưa những cái tủ dạng này hay bị mọt lắm, lâu lâu lại xuất hiện những đốm bột nho nhỏ trăng trắng, người nhà lại phải quét và xịt dầu hôi xung quanh bốn góc tủ. Bên cạnh đó là vô vàn đồ ăn vặt, xí muội ô mai, bánh men, bong bóng thổi, bánh in, kẹo the, me đường… tôi như thấy bóng mình lùn tũn, ốm nhách với đôi mắt to tóe lửa nhìn vô cái tủ ghép bằng những khúc tre đóng đầy đinh để mắc đồ ăn và thức uống bên cổng trường một cách thèm thuồng. Hồi đó nghèo lắm, cục sing gum cắn mấy chục lần chưa dám hết. Cầm trên tay nắm kẹo và cái bong bóng mỏng dính mình vừa thổi, cười tít mắt như trẻ nít được quà, bản thân biết rằng chưa bao giờ lớn nổi. Khăn trải bàn, cái chén kiểu, mâm trà, những bức tranh, căn gác nhỏ, cây quạt trần, miếng gạch lót dưới chân và cả bức tường hằn dấu cũ, tất cả tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Cấm guốc cao gót.
Điều đặc biệt nữa, chủ quán là một nhóm bạn rất trẻ, đang cùng nhau kinh doanh 2 quán cà phê ở quận Nhất; người thường trực ở quán là Thảo sinh năm 92, cô cho biết ý tưởng ban đầu là của một người bạn khi đọc sách viết về Sài Gòn xưa, họ đã nuôi dưỡng, lên kế hoạch và khai triển từ hơn hai năm đến 21/2/2016 quán mới chính thức ra đời. Cái tên Út Lành xuất phát từ… một câu chuyện tưởng tượng. Khi được hỏi với giá mặt bằng cao ngất ở đây mà mở một quán cà phê nhỏ, vốn đầu tư nặng, công sức và tâm huyết nhiều như vầy, có thấy quá mạo hiểm hay không thì Thảo trả lời: “Do tụi em thích thì làm thôi. Với lại giữa khu phố Tây có một quán Ta có phải rất đặc biệt không?”
Khách của quán đa phần là khách Tây vãng lai, tò mò ghé ngang và những người bạn của nhóm bạn trẻ này, tất cả họ đều rất trẻ. Để bảo đảm độ “xưa cũ”, quán không có wifi và sẽ giảm 5000vnd cho bất cứ vị khách nào không dùng smartphone.
Không smartphone, không in tẹc nét, không phây búc, ngoài kia hẻm vắng, nắng buồn, thời gian dích dắc trôi. Đưa tay chạm vào những loang lổ hàng trăm năm tuổi, thể nào cũng có một gã khờ hay một cô ngốc mộng mơ ngẩn ngơ tự hỏi: “Có khi nào, chân lỡ bước quá nhanh?”
Gạc-măng-rê & Quầy pha chế của quán
Bố cục một cuộc hoài niệm
Bạn có bao giờ thấy cảnh này?
Thực đơn tiếng Tây & Thực đơn tiếng An Nam Mít
Bạn có từng xem qua?
Hình Du Uyên do chủ quán chụp. Nàng không muốn “lên hình” vì chưa… trang điểm.
DU