“Cung Oán Ngâm Khúc” – một khúc thi ca viết bằng thể thơ Song Thất Lục Bát, được mệnh danh là một áng văn chương tuyệt tác viết bằng Chữ Nôm của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều [1714-1798], nhưng cũng là áng văn chương khó hiểu nhất. Đọc bằng Tiếng Việt đã khó, bởi vì không gian sáng tạo của tác phẩm là cung cấm – chốn tiêu phòng lạnh lẽo, lại lấy bối cảnh thời gian là mùa thu và đêm tối, và chỉ nghe lời người cung phi than thở: “Trải vách quế gió vàng hiu hắt. Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng. Oán chi những khách tiêu phòng. Mà xui phận bạc nằm trong má đào.” [*] Viết bằng cảm nhận từ trí tưởng là cách hành văn độc đáo của Nguyễn Gia Thiều, một cách viết cô đọng chỉ tập trung diễn tả những điều “thọ-tưởng-hành-thức” của xúc giác, thị giác, thính giác. Bằng câu chữ được chọn lọc công phu, Nguyễn Gia Thiều đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với độc giả – những người yêu Cổ Văn – có thể cảm thụ làn điệu song thất lục bát uyên nguyên, và phép đối ngẫu tài tình của tác giả. Cho dẫu không thể ngay lập tức hiểu những điển cố khi đọc “áng đào kiểm đâm bông não chúng. Khóe thu ba gợi sóng khuynh thành,” nhưng người đọc vẫn nhận ra nhịp điệu đối xứng của hai câu song thất nói trên. “Cung Oán Ngâm Khúc” bằng chữ Nôm đã khó. Hiểu và dịch tác phẩm này sang ngoại ngữ lại càng khó hơn. Thế nhưng Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đã vượt qua rào cản ngôn ngữ, thực hiện bản dịch “Complaints of An Odalisque,” để tiếng lòng của người cung phi bạc mệnh vượt thời gian và không gian của Văn Chương Cổ, đi vào giòng văn chương mênh mông ở xứ người.
“Complaints of An Odalisque” là bản dịch trình bày rất đẹp, được in trên giấy láng, bìa cứng, dày 189 trang. Tác phẩm này do Cành Nam và Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông phát hành năm 2005. Người trình bày và vẽ các họa phẩm trong sách là Họa Sĩ Mai Lân.
Khi đọc những câu chuyển ngữ “A chilly autumn breeze sifts through these cinamon-bark walls. Chilling my feathered coat that now feels like icy copper. O Heaven, why this relentless grudge towards us harem dwellers? Why bestow upon us a thin destiny under these rosy miens? Lucky I had thought my love to be, then why this calamity? Must a lucky love always end up bitter like this? Why did the whole thing turn out to be such a disaster? The more I think about it, the more I pity myself.” [1] Thật khó hình dung ra nhạc điệu u buồn của trải vách quế gió vàng hiu hắt. Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng. Hay: Oán chi những khách tiêu phòng. Mà xui phận bạc nằm trong má đào… Nhưng ý nghĩa của từng từ vựng Anh Văn, có thể giúp độc giả hiểu được thân phận của một người cung phi thuở xưa, khi không còn được nhà vua sủng ái.
Nguyễn Gia Thiều sinh ra và lớn lên trong cảnh giàu sang của cung vua phủ chúa, vào thế kỷ thứ mười tám. Ông ngoại là Chúa Trịnh Cương, mẹ là Quận Chúa Quỳnh Liên, cha là một võ tướng. Nhưng thời đại của ông đầy biến động, loạn lạc, đói kém khắp nơi. Nguyễn Gia Thiều bất bình khi nhìn thấy cảnh vua chúa và tham quan ăn chơi trụy lạc, tranh chấp, tìm cách loại trừ nhau, trong khi dân nghèo đói cơm rách áo. Ông đã mượn lời người cung phi bị bỏ rơi, để nói lên tâm sự bế tắc của bản thân, và cũng là sự bế tắc, chán nản của lớp nhà nho thời đại ông.
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích [1937-2016] là học giả có nhiều đóng góp đáng kể trong lãnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội của người Việt ở hải ngoại. Ông cũng là Giám Đốc đầu tiên của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do – RFA, khi chương trình phát làn sóng đầu tiên về Việt Nam. Ông vừa qua đời đột ngột vào ngày 3 tháng 3 năm 2016, hưởng thọ 79 tuổi. Ông mất trên chuyến bay từ Washington D.C., Hoa Kỳ đến Thủ đô Manila, Philippines, để chuẩn bị tham dự Hội Thảo Về Biển Đông Và Dân Chủ.
Đọc lại “Cung Oán Ngâm Khúc” và “Complaints of An Odalisque,” để cùng chiêu Hương Linh của Tác Giả và Dịch Giả, với niềm tiếc thương và cảm kích, vì cả hai người đã để lại những di sản văn học quý giá cho nền Văn Chương Việt Nam. Xin dùng lời của “Cung Oán Ngâm Khúc” – “Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy. Kiếp phù sinh trông thấy mà đau. Trăm năm còn có gì đâu. Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì .”
HNP – 12:48pm Thứ Bảy ngày 12 tháng 03 năm 2016
[*] Trích trong “Cung Oán Ngâm Khúc” của Nguyễn Gia Thiều
[1] Bản dịch “Complaints of An Odalisque,” của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích