Khi tôi gọi điện thoại hỏi thăm một người bạn làm việc cho tuần báo Trẻ trên đường đi công việc từ Dallas (Texas) qua Santa Ana (Nam California), anh bảo, hiện giờ xe anh đang tung bụi trên sa mạc. Vậy, chính xác là ở đâu, nếu đang ở sa mạc Sonoran (Arizona) tức là hơn nửa chặng đường. Anh đáp, còn ở trong địa phận Texas. Texas làm gì có sa mạc, chỉ có hoang mạc thôi. Anh ừ ừ, chỉ thấy toàn là đất đá mênh mông, hình như khu vực El Paso gì đó. Vậy rõ rồi, hoang mạc chớ không phải sa mạc.
Sa mạc Tuareg, Algeria Nguồn: National Geographic
Thật ra hoang mạc là hình thức phong hóa địa chất bắt đầu hình thành sa mạc, quá trình này kéo dài hàng trăm ngàn năm. Nhiều người vẫn nhầm lẫn hai hình thái địa chất gần giống nhau. Thảm thực vật nghèo nàn, chỉ có xương rồng, cây bộ gai chịu hạn là sống được, đất đá khô cằn, có khi xuất hiện một vài ốc đảo, mưa ít, nhiệt độ chênh lệch cao giữa ngày và đêm. Chính sự dao động nhiệt độ cao đẩy nhanh quá trình phong hóa, phá hủy cấu trúc lớp đá lộ trên bề mặt. Các tầng đá bị vỡ vụn trượt xuống các thung lũng, và lại tiếp tục phong hóa phá hủy cấu trúc đá và sản phẩm cuối cùng là sỏi cát, đất đá trong môi trường thời tiết khắc nghiệt, khiến đất cát không có chất dinh dưỡng, hình thành nên một vùng đất hoang vu như khu vực El Paso của Texas chẳng hạn. Sau đó, những trận gió ngày đêm sẽ mang cát ở lớp bề mặt di chuyển đến nơi khác theo kiểu nhảy cóc, tạo thành một biển cát hoặc các cồn cát, từ đó tiến trình hình thành sa mạc bắt đầu.
Hồ nước mặn lớn nhất của Bolivia khô cằn biến thành sa mạc do biến đổi khí hậu – Ảnh: AP
Một kiểu hình thành sa mạc thứ hai không do tác động của thiên nhiên mà chính con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã làm biến đổi khí hậu toàn cầu. Đơn cử là hồ nước mặn Poopo lớn nhất của đất nước Bolivia rộng gần 30,000 cây số vuông đã biến mất nước, chỉ còn lại lớp đất cát nhiễm muối khô cằn. Cộng thêm nắng nóng cực độ, hạn hán kéo dài và dòng chảy bị chuyển hướng phục vụ khai thác mỏ đã hủy hoại khiến lượng nước bốc hơi theo gió.
Kết quả mà các nhà khoa học nghiên cứu hiện tượng nhiệt độ tăng trên trái đất suốt hơn năm mươi năm qua cho thấy trong tương lai sẽ xuất hiện nhiều vùng duyên hải sẽ luôn chịu ngập lụt cùng lúc nhiều nơi khác sẽ xảy ra hiện tượng sa mạc hóa đất đai. Con người sống trên trái đất phải đối mặt nguy cơ thiếu đất nông nghiệp trầm trọng, và điều này sẽ làm suy thoái kinh tế nông nghiệp ở cấp báo động toàn thế giới. Trong 50 năm qua, châu Phi đã mất hơn 65,000 kilômét vuông đất trồng trọt. Hiện nay, nơi đe dọa rõ rệt nhất là Sehel (phía Nam sa mạc Sahara), đất nước Mauritania (Tây Phi) và Bắc Phi. Các vùng đất châu Phi từ xa xưa đã hình thành những hoang mạc, sa mạc, đất đai khô cằn. Con người nơi đây từng buộc phải thích nghi với cuộc sống thiếu thốn và khó khăn.
Hoang mạc El Paso, Texas bị phong hóa chỉ toàn đá, cát, thảm thực vật nghèo nàn – Ảnh Worldpress
Tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển IRD của Pháp, chỉ ra con người là thủ phạm cho việc sa mạc hóa đất đai hiện nay. Từ năm 1948 đến 1968, việc châu Phi có mưa nhiều, cộng với các tiến bộ về y khoa và thú y đã làm nhiều chính phủ các nước châu Phi xem thường các biện pháp phòng ngừa giai đoạn khó khăn khi dân số ở “Lục địa đen” này ngày càng gia tăng. Và nhu cầu đất canh tác trồng trọt lương thực cần gia tăng khai thác hết mức sản xuất nông nghiệp. Hậu quả là hết sai lầm này lại đến sai lầm khác. Khai thác tối đa đồng cỏ chăn nuôi súc vật và đất rừng làm rẫy! Trong năm mươi năm, châu Phi mất trắng diện tích đất trồng trọt bằng bốn nước Pháp, Hà Lan, Bỉ và Thụy Sĩ cộng lại. Người châu Phi đốt rừng mà không có kế hoạch trồng lại, đất nông nghiệp làm rẫy không cần tái tạo bằng phân bón. Đất đai bị bạc màu, mưa làm xói mòn, đất không giữ lại nước được khiến vùng đất bỏ công khai phá cho thành quả phát triển nông nghiệp trở nên khô kiệt, khô cằn và biến thành những hoang mạc mênh mông. Hơn nữa, từ thập niên 70 đến nay, giai đoạn khô cằn do biến đổi khí hậu, tăng nhiệt độ trên toàn cầu đã đẩy nhanh tốc độ sa mạc hóa đất canh tác của “Lục địa đen” vốn đã nghèo tài nguyên đất đai nay lại càng khó khăn hơn vì khủng hoảng lương thực.
Hôm tôi đi trên chuyến bay qua Santa Ana, California, phi công trưởng phát loa thông báo với hành khách: “Chúng ta đang ở độ cao 39,000 feet trên khu vực thiên nhiên tuyệt đẹp Grand Canyon của tiểu bang Nevada đầy sa mạc”. Tôi nhìn ra cửa sổ phía dưới tầm mắt là những vệt màu xanh nhỏ xen kẽ từng cồn cát xám nâu, không bóng người. Nói chung là tôi nhìn xuống sa mạc thực thụ chẳng thấy một vẻ đẹp nào mà người ta vẫn thường mô tả trong sách vở là tuyệt tác của thiên nhiên, những đụn cát chạy dài vô tận đến chân trời với các tảng đá lớn được gió “điêu khắc” thành hình tượng lạ lùng dưới ánh hoàng hôn đỏ rực. Tôi không biết đó có phải là ảo giác hay không nhưng dưới góc nhìn nghệ thuật của những nhà nhiếp ảnh, quay phim thì phải công nhận một điều là họ đã biến sự khô cằn của sa mạc trở nên xinh tươi đầy sức sống với nét đẹp kỳ vĩ mê hồn.
Tuyệt tác của sa mạc Tassili của nước Algeria – Nguồn: Wiki
Nhưng khi tôi nói với một người bạn về điều này, anh phản bác là chẳng có ảo giác gì ở đây. Ở đây, con người hoàn toàn bị thiên nhiên khuất phục. Nếu có dịp xem lại những thước phim tài liệu về sa mạc Sahara, từ Sahel, Kalahari hay bất kỳ sa mạc khô cháy nào của châu Phi, thì nỗi ngây ngất ban đầu sẽ từ từ biến thành nỗi lo – vì sa mạc đang “gặm nhấm” đất đai xanh tươi của “Lục địa đen” và các châu lục còn lại. Sa mạc là tạo tác của thiên nhiên, còn đất đai bị sa mạc hóa phần lớn là do kết quả của việc con người không biết bảo vệ. Liên Hiệp Quốc đã từng lên tiếng hiểm họa từ sa mạc hóa đất đai đang đe dọa 1 tỷ người trên thế giới. Biến đổi khí hậu toàn cầu chỉ là một lý do nhỏ, còn nguồn gốc đích thực của mối hiểm họa tiềm tàng này mang tính xã hội-kinh tế mà nguyên nhân chính là khai thác tài nguyên không hợp lý của nhiều chính phủ các nước.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm có 10 triệu héc ta đất đai bị sa mạc hóa trên toàn thế giới. Không một lục địa nào có thể thoát khỏi sự “gặm nhấm” từ từ diễn ra từ năm này sang năm nọ, cho đến khi gặp điều kiện thay đổi thời tiết trở nên xấu hơn, góp phần nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn nước, khô cằn mặt đất, khiến đất canh tác không còn hữu dụng. Từ Canada, vùng đất lạnh giá hay xuống gần Nam cực, nước Úc mênh mông đại dương cũng không tránh khỏi nạn sa mạc hóa đất đai. Đặc biệt, châu Phi luôn vốn khô cằn nay nhiều khu vực quanh sa mạc Sahara rộng lớn đang phải mất dần hàng ngàn hécta đất mỗi năm vì bão cát từ Sahara mang đến, thì tương lai của cuộc chiến chống khô cằn mà Liên Hiệp Quốc kêu gọi càng trở nên xám xịt. Ngoài cuộc chiến đói nghèo thiếu lương thực do đất đai quá xấu không mang hiệu quả, lại thêm những cuộc chiến tranh xung đột triền miên do bất ổn chính trị xã hội đã khiến sự kiên nhẫn giúp sức của các nước châu Âu vào “Lục địa đen” này bắt đầu khựng lại.
Sa mạc nóng bỏng Sahara đang “gặm nhấm” đất đai của các quốc gia chung quanh – Nguồn: Livescience.com
Trong lúc các chương trình chống lại sa mạc hóa đất đai trên các châu lục đang được các nước giàu có châu Âu tiến hành giúp đỡ, thì đất nước non trẻ Israel nằm ở bên bờ Địa Trung Hải có diện tích phần lớn là sa mạc khô hạn đã làm được điều kỳ diệu. Israel khiến cả thế giới ngưỡng mộ với kỳ tích khó tin là phủ xanh cho sa mạc khô cằn nhờ áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Một số thành tựu ở Israel có thể kể đến là: tái sử dụng nước thải để tưới tiêu cho cây trồng, thu nước mưa để tái sử dụng, tái xử lý nước trở thành nước sinh hoạt và uống được (tỷ lệ lên tới 75%), nông nghiệp trực tuyến và nuôi cá ngay trên sa mạc cằn cỗi…
Một thành công mà các nước châu Phi cần học hỏi cho cuộc chiến chống lại sa mạc hóa đất đai.
Kibbutz, trang trại trồng dâu thành công của Israel trên sa mạc – Nguồn: Collegetourist
NL
Theo The World of Desert – Netflix Documentary