Trong lịch sử xâm thực giữa các đế quốc và thuộc địa, có lẽ chưa có mâu thuẫn nào mãnh liệt, đẫm máu mà cũng đầy ám ảnh, đam mê lẫn luyến tiếc bằng va chạm Việt-Pháp.
Trong quá khứ những thuyền buôn Tây Âu đổ xuống bến cảng Đà Nẵng không chỉ có Thánh kinh, hàng hoá, thuốc đạn mà còn có cả một khái niệm mới: Đông Dương. Đông Dương dưới mắt thương buôn và các giáo sĩ châu Âu mang ý nghĩa của một thị trường duy nhất còn sót và bị khép kín. Nhưng đối với nho sĩ, sĩ phu, quan lại Việt Nam, L’Indochine lại hoàn toàn mới mẻ. Trải nhiều ngàn năm dựng nước, trí thức Việt chỉ biết đến một khái niệm duy nhất: Quốc gia; Đại Cồ Việt, Đại Ngu, Đại Việt, Đại Nam hay vương quốc An Nam đều là tên gọi của khái niệm đó. Đông Dương được triều đình Huế hiểu là những vùng đất đã, đang và sẽ chịu Nam tiến.
Mâu thuẫn Việt-Pháp nhanh chóng xuất phát từ xung khắc khái niệm ấy. Một bên xem là thị trường, tức tự do buôn bán, tự do truyền đạo, và trong đó Việt Nam chỉ là một trong ba thị trường Laos, Cambodge, An-Nam. Còn một bên xem là đất đai linh thiêng, đất hương hỏa của tổ phụ; “tự do buôn bán’’ hay “tự do quảng bá đạo” nghịch ý Thiên tử là xúc phạm.
Trung tướng Leclerc với Hồ Chí Minh khi ký Thỏa ước Sơ Bộ 1946. NGUỒN GETTYIMAGES.COM
Kể từ 1860, mâu thuẫn trở nên gay gắt, bùng nổ thành chiến tranh khi phía Pháp, ý nghĩa Đông Dương ban đầu cũng biến đổi – từ thị trường chuyển sang thuộc địa – với tên gọi mới: L’Indochine Française, Đông Dương thuộc Pháp. Một trăm năm sau ngày Hoàng đế Louis Philippe gởi những chiến thuyền đầu tiên bắn phá cảng Đà Nẵng, và 80 năm liền kể từ khi quân đoàn viễn chinh đầu tiên của Napoléon đệ tam sang Đông Dương là một chuỗi xung đột với liên tiếp những phong trào nổi dậy của hoàng gia, lẫn sĩ phu, nông dân Việt. Nhưng dưới bất kỳ tên gọi nào: Phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, hay phong trào Sô-Viết Nghệ Tĩnh, Mặt Trận Việt Minh… cũng chỉ là sự đối kháng của Việt Nam chống lại khái niệm Đông Dương-Thuộc địa, áp đặt từ chính giới Pháp.
o O o
Trong số những gương mặt lớn của lịch sử Pháp đã đến Đông Dương trong quá khứ, có lẽ Philippe Leclerc de Hauteclocque là người trông thấy trước sự tan rã không thể phản hồi của thực tế thuộc địa. Việc tiếp xúc rồi thương thuyết với chính phủ kháng chiến khiến Leclerc gặp nhiều chỉ trích. Với cao ủy d´Argenlieu đó là hành động đầu hàng nhục nhã. Nhưng với riêng Leclerc, khi nhận sứ mệnh “tái lập trật tự và bảo vệ quyền lợi Pháp” [1] tại Viễn Đông, giải pháp cấp thời rất đơn giản: Tái lập trật tự, phương thức nào nhanh cho bằng đình chiến? Và bảo vệ quyền lợi của Pháp cách nào hiệu quả hơn chính những người kháng chiến đang đe dọa quyền lợi ấy đứng ra bảo đảm? Trong tâm trí Leclerc, nước Pháp chỉ có thể hiện diện lâu dài trong một Đông Dương ổn định. Sự tin tưởng của Leclerc đưa đến Thỏa ước Sơ bộ [2] ngày 6 tháng 3-1946 (Convention préliminaire Franco-Vietnamienne du 6 Mars 1946).
Philippe Leclerc de Hauteclocque – NGUỒN ARMCHAIRGENERAL.COM
Cho đến thời điểm đó, không ai có thể trách Leclerc thiếu tài thao lược quân sự. Khi tháng 10 năm 1945 bước chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, nắm trong tay chỉ vỏn vẹn chiến đoàn thiết kỵ của Đại tá Jacques Massu, một đơn vị kết hợp từ Sư đoàn 2 Kỵ Binh danh tiếng (2ème DB.) và một trung đoàn tiền phương thuộc Sư đoàn 9 Thuộc địa (9ème DIC.), Leclerc đã nhanh chóng tái kiểm soát những trục giao thông huyết mạch ở các tỉnh lỵ miền Tây và trên cao nguyên Darlac. Giống như khi vào giải thoát Paris, Strasbourg, tiến vào Berchtesgaden, Leclerc không do dự khi đổ bộ xuống vịnh Bắc-Việt trước sự hiện diện của quân Tưởng Giới Thạch. Nhưng như đã viết, Leclerc trông thấy trước lịch sử. Quân đoàn viễn chinh cho dù thiện chiến, chỉ có thể thắng các trận đánh, không thể chiến thắng một dân tộc. Thỏa ước ngày 6 tháng 3-1946 công nhận quyền tự trị của Việt Nam trong Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp, là bước đầu trao trả cho Đông Dương khái niệm khởi thủy: Thị trường thay Thuộc địa.
Nhưng trông thấy trước lịch sử không có nghĩa có thể chuyển hoán, biến đổi hay tái tạo được lịch sử. Leclerc đơn độc trước thời đại. Bất lực trước chính sách đối ngoại cứng rắn của de Gaulle qua d´Argenlieu. Cô đơn trước tham vọng hiếu chiến của tướng Jean Etienne Valluy, tiêu biểu cho hàng tướng lãnh Pháp cần một chiến thắng để xóa nhòa thảm bại Đệ nhị Thế chiến xảy ra năm 1940. Biến cố Hải Phòng cuối năm 46 đưa đến tan vỡ toàn diện giữa Việt-Pháp [3] . Những năm theo sau, quân đội Pháp cố gắng chống đỡ khái niệm Thuộc địa, và Mặt trận Việt Minh nỗ lực khôi phục ý niệm Quốc gia.
o O o
Tháng 2-1993, lần đầu tiên một tổng thống Pháp kể từ Điện Biên Phủ đến Đông Dương, François Mitterrand muốn mở ra một dấu mốc lịch sử mới. Lạ lùng thay, đoạn diễn văn quan trọng được nhắc đi nhắc lại, trích dẫn qua nhiều phương tiện truyền thông: “Je suis ici pour clore un chapitre. Et plus encore pour en ouvrir un autre.” [4] (Tôi đến đây để đóng lại một chương sử, và hơn thế nữa, để mở ra một chương mới.), lại rất gần giống và mang nhiều âm hưởng của diễn văn de Lattre tại Vĩnh Yên nửa thế kỷ trước. Ngày 19 tháng 4-1951 trước đại diện Việt Nam là Thủ tướng Trần Văn Hữu, Đại tướng de Lattre đã tuyên bố: “Je suis venu ici pour accomplir votre indépendance, et non pour la limiter.” [5] (Tôi đến đây để hoàn thành nền độc lập của các bạn, không phải để giới hạn nền độc lập đó). Cả hai diễn văn đều cùng mang một ý chí, chu toàn một sứ mệnh: “hoàn thành nền độc lập của Việt Nam” cùng một lúc de Lattre từ bỏ chế độ thuộc địa Đông Dương; “mở một chương sử mới.” – François Mitterrand khẳng định quyết tâm xoá bỏ mọi mâu thuẫn khơi nguồn từ chế độ thuộc địa đó.
De Lattre – NGUỒN PARISMATCH.COM
Đến đây, câu hỏi đặt ra: de Lattre có thật tâm? Chính sách đối ngoại Pháp thay đổi cơ bản? Chấp nhận một thể chế mới cho Đông Dương mà mới một năm trước hãy còn quyết liệt từ chối? Nếu thật sự như vậy, dấu mốc mới của lịch sử phải ấn xuống ngày 17 tháng 12-1950 khi de Lattre sang Đông Dương, để “hoàn thành nền độc lập của quý quốc”. Nếu đúng, nhu cầu đeo đuổi chiến tranh từ phía Việt Minh là một tội ác. Thực tế quân sự có nhiều cách diễn giải.
Khác với Leclerc sáu năm trước, de Lattre đến Đông Dương trong những giờ phút khó khăn đen tối nhất. Không phải ngẫu nhiên mà diễn văn “Hoàn thành nền độc lập” chỉ được de Lattre soạn thảo sau khi đã tuyên bố trước các sĩ quan cấp úy: “Je suis venu en Indochine pour vous sauver, mes lieutenants et capitaines, car c’est vous qui vous faites tuer. Je serais maintenant sans cesse auprès de vous. C’en est fini avec les abandons. Le Tonkin sera tenu! Nous maintiendrons! Vous serez commandés! [6] “ (Tôi sang Đông Dương vì các anh, những trung úy và đại úy, bởi chính các anh là những người đổ máu. Tôi sẽ luôn sát cánh cùng các anh. Chấm dứt những cuộc di tản. Bắc Kỳ sẽ được bảo vệ! Chúng ta sẽ tử thủ! Các anh sẽ được chỉ huy!). De Lattre không được ủy nhiệm “tái lập trật tự và bảo vệ quyền lợi” như Leclerc trước đây, nhưng được gởi sang Đông Dương để cứu vãn tình hình quân sự quá bi đát sau thảm bại đường số 4 Thuộc địa (tuyến đường biên giới Cao Bằng-Lạng Sơn). De Lattre đến Đông Dương để tìm chiến thắng; và chỉ có một lối thoát duy nhất: Chiến thắng quân sự trước các binh đoàn chủ lực Việt Minh đang đổ dồn xuống vùng châu thổ sông Hồng, uy hiếp nặng nề Hà Nội. Đại đoàn 308 của Vương Thừa Vũ và Đại đoàn 312 của Lê Trọng Tấn đã áp sát Hà Nội. Đại đoàn 316 ung thối miền Thái và Đại đoàn 304 của Văn Tiến Dũng mai phục quanh Nam Định.
Đại tướng de Lattre cùng với Thủ tướng Trần Văn Hữu tại Vĩnh Yên 1951. NGUỒN ARCHIVES.ECPAD.FR
TV
[1] Histoire d’une Paix Manquée, Sainteny, Amiot- Du Mont, 1953
[2] Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, P. Devillers, Le Seuil, 1952
[3] Theo “Phúc trình Morlière”, tư lệnh Bắc phần năm 1946: Những gây hấn trong biến cố Hải Phòng được chỉ thị trực tiếp bởi Valluy, quyền tư lệnh lâm thời quân đoàn viễn chinh trong thời gian Leclerc vắng mặt.
[4] Nhật trình Le Monde số ra ngày 9-2-1993
[5] De Lattre, Jean Luc Barré, Edition Perrin, 1990
[6] Sđd