Menu Close

401(k) và Quyền Thừa Kế

Tiếng nấc nghẹn ngào của người phụ nữ qua phôn khiến lòng tôi chùng xuống.  Tôi như phần nào cảm nhận được nỗi mất mát của một người mẹ: “Con gái tui vừa qua đời cô luật sư ơi.  Tui cần tham khảo cô gấp.”  Bà hỏi tôi về luật di chúc vì con bà đột ngột qua đời giữa lúc còn đang tuổi xuân thì và cô chưa kịp làm tờ di chúc để lại dù trước đó cô từng nói cho bố mẹ cô biết những tài sản quyền lợi mà cô muốn bố mẹ cô được thừa hưởng nếu chuyện bất trắc xảy ra.
Một trong những thắc mắc của người mẹ kia liên quan đến quyền thừa hưởng 401(k).  Đây là một vấn đề khá phức tạp nhưng lại rất phổ thông mà ít được đề cập đến.  Lý do đó khiến tôi quyết định viết bài này, hy vọng giải đáp tổng quát phần nào các thắc mắc liên quan đến quyền thừa hưởng 401(k).  Nếu quý vị cần biết thêm chi tiết, quý vị nên lấy hẹn để trực tiếp tham khảo riêng với luật sư của quý vị về trường hợp của mình.
Tương tự như bảo hiểm nhân thọ, người tham gia chương trình 401(k) (participant) có thể chỉ định ai là người có quyền thừa hưởng (beneficiary) khi người tham gia điền đơn đăng ký chi tiết này với cơ quan mình làm việc.  Một lỗi người tham gia thường vấp phải là họ quên không thay đổi một cách hợp pháp người thừa hưởng khi có sự kiện trọng đại xảy ra trong đời.  Chẳng hạn như khi họ lập gia đình, có con cái, ly dị hay tái hôn.  Ngay cả khi có di chúc, một số quỹ đầu tư hưu trí (retirement account fund) chỉ trả tiền thẳng cho người được nêu tên ra là người được thừa kế khi người tham gia đăng ký với công ty dù di chúc của người tham gia có khi lại khác hẳn.
Thêm vào đó luật pháp liên bang cũng chỉ định rằng khi một người qua đời, người phối ngẫu của họ tự động được hưởng quyền thừa kế quỹ 401(k).  Để thực thi một cách hợp pháp việc để lại tiền 401(k) này cho một người khác, người này phải được người tham gia chương trình 401(k) điền đơn đăng ký tên người thừa hưởng này với công ty.  Đồng thời người phối ngẫu của người tham gia chương trình 401(k) phải ký tên vào giấy miễn quyền (waiver) để chính thức từ chối bất cứ quyền lợi gì liên quan đến tiền trong quỹ 401(k).
Đã từng có những trường hợp mà con cái người qua đời bị mất trọn quyền thừa hưởng quỹ 401(k) của bố hay mẹ mình dù được nêu tên là những người được thừa hưởng với công ty của bố mẹ họ vì khi người bố hay mẹ đi thêm bước nữa với người phối ngẫu mới mà không biết rõ về thủ tục để làm cho đúng với quy định của luật pháp.  Và sau đó người được hưởng trọn quỹ 401(k) lại là người mà người qua đời không hề có ý định cho quyền thừa hưởng.  Điều này dẫn đến việc con cái người qua đời rất bị thiệt thòi.
Nếu người qua đời là một người độc thân và họ cũng không điền đơn chỉ định người thừa hưởng quỹ 401(k) thì nội quy của quỹ đầu tư hưu trí sẽ chỉ định ai là người được lấy tiền đó. Có thể tiền đó sẽ bị giữ lại và chỉ được công ty người qua đời trao cho người chịu trách nhiệm làm thủ tục hành chánh để tòa án công nhận tờ di chúc và cung cấp lá thư đại diện sau khi tất cả các thủ tục tòa án được hoàn tất. Nghĩa là việc chi trả tiền của quỹ 401(k) cho người được thừa hưởng sẽ bị đình trệ kéo dài.

 

Khi nói đến quyền thừa kế, có hai từ chuyên môn gốc từ Latin mà quý vị nên thông hiểu vì hai từ này được dùng thường xuyên trên giấy tờ luật pháp liên quan đến cách phân chia tài sản.  Đó là từ “per stirpes” và từ “per capita”.
“Per stirpes” nghĩa là tài sản phân chia sẽ được thừa hưởng bởi đời sau đồng đều.  Chẳng hạn, khi bạn quyết định cho người phối ngẫu là người được thừa hưởng, và sau đó nếu có chuyện gì xảy ra với người phối ngẫu thì sự phân chia là “per stirpes” thì đời con được phân chia đồng đều với nhau, và khi một trong các người con mất thì phần của người con đó sẽ được phân chia đồng đều cho đời con của họ mà thôi.  Nói một cách cụ thể, rõ ràng hơn, A & B lấy nhau có 2 người con (I), (II).  (I) có một con c, và (II) có hai con d & e.  Nếu phân chia theo “per stirpes” thì khi (I) chết trước A &B thì phần thừa hưởng của (I) c sẽ được hưởng, và (II) vẫn được phần của anh ta.  Nhưng nếu theo “per capita” thì (II) sẽ được hưởng  trọn mà không đến đời cháu c, d & e.
Còn trong trường hợp cả (I) và (II) đều qua đời, nếu phân chia theo “per stirpes” thì c được hưởng phần của (I) là 50% của tổng tài sản, và d & e được hưởng phần của (II) nghĩa là 1/4 của tổng tài sản.  Nhưng nếu chia theo “per capita” thì c, d & e được chia 1/3 của tổng tài sản.
Một vấn đề cũng khá quan trọng liên quan đến việc thừa hưởng quỹ 401(k) là tiền thuế.  Nếu người vợ hoặc chồng còn sống và là người được thừa hưởng thì thường họ được phép nhập tiền thừa hưởng 401(k) vào quỹ hưu của riêng họ mà không hề bị phạt (penalty) hoặc trả thuế tiền thừa hưởng từ quỹ 401(k) mà lại được tiếp tục lấy tiền lời mà không bị tính thuế.  Sau đó họ có thể bắt đầu rút tiền khi họ trên 70 tuổi.
Hoặc người vợ hoặc chồng còn sống cũng có thể tạo ra một ngân khoản mới gọi là quỹ thừa kế IRA (Inherited Individual Retirement Arrangements) dưới ngân khoản của người vợ hoặc chồng đã qua đời. Nhưng trong trường hợp này người còn sống phải bắt đầu lấy tiền ra một năm sau khi người chồng/vợ mất, và phải đóng thuế.  Nhưng sẽ không bị phạt vì rút tiền trước khi đủ tuổi.
Tuy nhiên tất cả những người được thừa hưởng quỹ 401(k) mà không phải là người phối ngẫu của người mất, thì họ không được chuyển tiền thừa kế 401(k) vào quỹ thừa kế IRA của mình.  Nhưng vẫn có thể tạo một ngân khoản mới dưới ngân khoản của người mất, và có thể rút tiền ra mà không bị phạt dù vẫn phải đóng thuế. Quý vị nên tham khảo thêm với những chuyên gia về thuế cho trường hợp của quý vị để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nói tóm lại tâm lý chung của chúng ta thường là ỷ y hoặc e ngại bàn tính cho chuyện hậu sự.  Và khi người nhà vừa phải đương đầu với sự đau khổ, mất mát, vừa phải giải quyết những vấn đề liên quan đến thừa kế và luật pháp thì họ rất bấn loạn và lo lắng. Để giúp một cách thiết thực người trong gia đình khi chúng ta qua đời, chúng ta nên bàn tính và đưa ra kế hoạch cụ thể trên giấy tờ cho chuyện hậu sự để tránh như trường hợp người mẹ như trên đã phải gọi điện thoại khẩn cấp cho tôi vì quá lo lắng.